6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

"Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là yêu nước Việt": Những chuyển động tích cực

- Advertisement -

(QBĐT) – Thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ đạo các doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã, tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường nội địa. Nhờ vậy, đã giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước để thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt.

Phát huy vai trò trong công tác quản lý nhà nước, thời gian qua, Sở Công thương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và chỉ đạo, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”.

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và tổ chức các hội chợ, Sở Công thương đã hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hội chợ phải ưu tiên bày bán các mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước và trên địa bàn tỉnh sản xuất.

Nhờ vậy, tại các hội chợ, hàng hóa Việt được trưng bày rất đa dạng và phong phú, đặc biệt có nhiều sản phẩm truyền thống của các địa phương có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả phù hợp với người tiêu dùng như: mộc mỹ nghệ, mây tre đan, nón lá, rượu, hàng nông sản và thủy sản… Sở Công thương còn tiến hành cấp phép và giám sát các hội chợ đưa sản phẩm hàng hóa về địa bàn nông thôn với quy mô từ 40 đến 200 gian hàng/hội chợ, tiếp nhận và theo dõi thông báo thực hiện khuyến mãi của doanh nghiệp, đồng thời khảo sát, điều tra nhu cầu và mức tiêu thụ hàng nội địa trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, ngành đã tiếp nhận và theo dõi thông báo thực hiện khuyến mãi của 1.027 doanh nghiệp, với tổng giá trị hàng hóa thông báo thực hiện khuyến mãi trên 1.000 tỷ đồng; vận động trên 1.840 doanh nghiệp tham gia hoạt động bán hàng Việt khuyến mãi và đưa hàng Việt về nông thôn.

"Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là yêu nước Việt": Những chuyển động tích cực
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống nội địa luôn thu hút sức mua của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Riêng trong tháng 3-2016, Siêu thị Co.opMart Quảng Bình đã thực hiện thành công 1 chuyến bán hàng Việt lưu động phục vụ đời sống và nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân tại phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn. Thời gian bán hàng kéo dài 2 ngày với giá trị hàng hoá bán ra 100 triệu đồng. Hiện tại, Siêu thị Co.opMart Quảng Bình đang lên kế hoạch để tổ chức các chuyến bán hàng Việt lưu động tiếp theo trên địa bàn tỉnh. 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã rất nỗ lực để tạo ra những sản phẩm có chất lượng và uy tín, không chỉ phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh mà còn vươn xa toàn quốc và các nước trong khu vực. Điển hình là sản phẩm xi măng Sông Gianh với thương hiệu 2 con ngựa bay đã được các chuyên gia đánh giá cao về chất lượng và là sự lựa chọn của nhiều công trình lớn. Các sản phẩm thuốc mang thương hiệu Quapharco của Công ty cổ phần Dược phẩm Quảng Bình sản xuất đều đạt tiêu chuẩn “Thực hành sản xuất thuốc” và “Thực hành bảo quản thuốc tốt” theo chuẩn của Bộ Y tế, được các cơ sở y tế tin dùng để điều trị cho bệnh nhân như: C các loại, kháng sinh, thực phẩm chức năng…

Bên cạnh đó, một số sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh như: bia Hà Nội, nước khoáng Bang, rượu các làng nghề Tuy Lộc và Võ Xá, khoai gieo Hải Ninh, nón lá Ba Đồn, nước mắm Nhân Nam và Long Tám… cũng đã khẳng định được thương hiệu của mình với người tiêu dùng trên địa bàn cả nước.

- Advertisement -

Nhằm thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 của Bộ Công thương, năm 2015, Sở Công thương đã phối hợp với Công ty TNHH Diến Hồng tổ chức khai trương điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại siêu thị Diến Hồng, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá.

Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Với không gian rộng rãi, văn minh lịch sự, sản phẩm hàng hóa dồi dào, phong phú và 100% là hàng Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đã thu hút đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn huyện đến tham quan và mua sắm.

Bình quân mỗi ngày, Công ty TNHH Diến Hồng có doanh thu từ điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” khoảng 70 triệu đồng, gấp 3 lần so với doanh thu thời điểm trước đây. Việc hỗ trợ xây dựng gian hàng thí điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại siêu thị Diến Hồng không chỉ nhằm phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất-phân phối-tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng mà còn giúp người dân thị trấn Quy Đạt nói riêng và huyện Minh Hóa nói chung được tiếp cận với hàng hóa phong phú, đa dạng, có chất lượng cao được sản xuất từ Việt Nam. Với sự khởi đầu thuận lợi từ điểm bán hàng tại siêu thị Diến Hồng, Sở Công thương đang có kế hoạch xây dựng, nhân rộng thêm các điểm bán hàng mới trong thời gian tới.

Qua khảo sát thị trường nội địa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân tiêu dùng hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế. Những mặt hàng được sản xuất trong nước đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nội địa đó là thực phẩm tươi sống, hàng lương thực, thực phẩm công nghệ, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất (chiếm từ 85 đến 90%) và sản phẩm dệt may (chiếm 70 đến 80%). Những con số trên có thể cho thấy người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi thói quen tiêu
dùng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước thay vì dùng hàng ngoại như trước đây.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên bên cạnh những mặt hàng nhập khẩu, được kiểm định về chất lượng thì vẫn còn rất nhiều sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc được bày bán tại các chợ. Xuất xứ của các mặt hàng này chủ yếu từ Trung Quốc. Do giá rẻ, lợi nhuận cao nên nhiều tiểu thương vẫn lén lút nhập các mặt hàng này về để buôn bán.

Theo số liệu từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2016, đã phát hiện 376 vụ vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu và hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, vi phạm nhãn mác, sở hữu trí tuệ và đã xử lý 365 vụ; trong đó phạt cảnh cáo 116 vụ, phạt tiền 224 vụ, tịch thu hàng hoá không xác định người vi phạm 25 vụ. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu, trị giá hàng tịch thu chưa bán và hàng tịch thu tiêu huỷ trên 3,2 tỷ đồng.

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa của cuộc vận động, phát huy mạnh mẽ hơn nữa lòng yêu nước để thay đổi hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá Việt Nam trên thị trường.

Hiền Chi

- Advertisement -

Nguồn: Báo Quảng Bình Online

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm