5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Người được mệnh danh "từ điển sống"

- Advertisement -

(QBĐT) – Năm 1995, anh Trương Đình Nời được hợp đồng làm việc tại Phòng Thi đua, trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh (nay là Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh). Hơn hai mươi năm gắn bó với công việc, anh được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo và luôn hết lòng vì công việc, góp phần tạo thuận lợi cho hàng nghìn cá nhân và hộ gia đình trong việc thực hiện chế độ khen thưởng cho các đối tượng có công trong kháng chiến. Anh còn được đồng nghiệp tin cậy mệnh danh là “từ điển sống” bởi khả năng nắm bắt và nhớ chi tiết hồ sơ công việc.

Sau gần mười năm khoác áo lính chiến đấu ở chiến trường Cămpuchia ác liệt, năm 1990, anh Nời xuất ngũ trở về quê hương Lý Trạch (Bố Trạch). Trải qua một số công việc ở địa phương, năm 1995, anh trở thành nhân viên hợp đồng của Phòng Thi đua khen thưởng, phụ trách công tác khen thưởng kháng chiến. Thời điểm ấy, hồ sơ khen thưởng kháng chiến tồn đọng với số lượng lớn nên công việc đòi hỏi sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao.

Chưa được đào tạo về chuyên môn, nhưng với tấm lòng của một người lính đã đi qua chiến tranh, thấu hiểu được nỗi đau và niềm mong mỏi của chính bản thân những người lính và thân nhân của họ, anh Nời đã tự mày mò học tập, sắp xếp hồ sơ lưu trữ một cách khoa học để có thể tra cứu, cung cấp thông tin cho mọi người một cách nhanh nhất.

Với tổng số trên 130.000 hồ sơ khen thưởng kháng chiến, trong hơn hai mươi năm, anh Nời đã tiếp và làm việc với hàng chục nghìn người. Có nhiều hồ sơ bị thất lạc, việc tìm kiếm, tra cứu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh không nản lòng. “Hầu hết những người đến đây đều ở xa, đi lại khó khăn, nhiều người phải thuê xe ôm hoặc nhờ con cháu, hàng xóm đưa đi.

Người được mệnh danh "từ điển sống"
Anh Trương Đình Nời cẩn thận sắp xếp lại một cách khoa học hồ sơ khen thưởng kháng chiến.

Vì vậy tôi luôn cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể, để mọi người không phải đi lại vất vả. Cơ quan cũng tạo điều kiện cho bà con nên đã trang bị máy móc để photo văn bản miễn phí. Mỗi khi hoàn thành các thủ tục giấy tờ cho mọi người, tôi cảm thấy vui và nhẹ nhõm trong lòng!”, anh Nời chia sẻ.

Công việc nhiều và phức tạp nên một số người dân đến giao dịch, khi được yêu cầu cung cấp những giấy tờ cần thiết đã phàn nàn và tỏ thái độ khó chịu. Những lúc như thế, anh ân cần giải thích để mọi người hiểu và cùng hợp tác. Để rồi trong suốt hai mươi năm gắn bó với công việc này, anh đã có nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Đặc biệt nhất trong số đó là anh đã có nhiều đóng góp quan trọng để Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh hoàn thành hồ sơ khen thưởng cho trên 40 trường hợp tại thôn Văn Phú, xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) vào năm 2009. Đây là những trường hợp tồn đọng nhưng gần như mất hết giấy tờ và các cơ sở quan trọng khác để tiến hành xác minh.

Để làm được điều này, thời điểm đó, lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên của mình, trong đó có anh Nời đã nỗ lực đem hết tinh thần trách nhiệm trong việc tra cứu dữ liệu, xác nhận hồ sơ.

- Advertisement -

“Có thể nói đây là một trong những “nút thắt” quan trọng trong việc hoàn thiện hồ sơ khen thưởng kháng chiến của tỉnh, để tháo gỡ nó, chúng tôi đã tập trung thời gian và công sức để thực hiện. Trong thành công chung ấy, có sự đóng góp rất lớn của anh Nời, người luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và tận tụy trong mọi công việc được giao!”, ông Mai Xuân Toàn, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh cho biết thêm.

Với kinh nghiệm công tác và sự sáng tạo, cần cù của một cựu chiến binh, ngoài thời gian tiếp người dân đến làm các thủ tục, anh còn tranh thủ sắp xếp hồ sơ dữ liệu của trên 130.000 đối tượng khen thưởng kháng chiến một cách khoa học nhất. Chưa từng học nghiệp vụ lưu trữ, anh tự mày mò học hỏi và sắp xếp theo bí quyết của mình. Đồng nghiệp trong cơ quan thường gọi đùa anh là “từ điển sống” bởi anh nắm rõ chi tiết hàng nghìn hồ sơ để có thể tra cứu trong thời gian nhanh nhất.

Giải thích về điều này, anh nói giản dị “Chỉ là trăm hay không bằng tay quen”, nhưng chúng tôi hiểu, để hoàn thành tốt công việc thầm lặng của mình, anh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, tự giác và không ngại khó, ngại khổ…

Không hề ngơi nghỉ, sau khi kho hồ sơ dữ liệu đã được sắp xếp ổn thỏa, anh Nời bắt tay vào việc ghi danh sách những người được khen thưởng thành tích trong kháng chiến vào sổ vàng truyền thống. Sau sáu tháng triển khai, đến nay anh đã ghi chép được trên 11.000 người. Với trên 130.000 hồ sơ và chỉ tranh thủ ghi chép sau khi khi hoàn thành những nhiệm vụ chính, có lẽ công việc này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Anh Nời tâm sự: “Còn ngày nào làm việc ở đây, tôi sẽ tranh thủ mọi thời gian để sau này, những người tiếp quản công việc của tôi sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn!”.

Hai mươi năm gắn bó với công việc lặng thầm nhưng góp phần mang lại nhiều kết quả quan trọng, anh Trương Đình Nời thực sự là tấm gương về tinh thần trách nhiệm và tận tụy của người cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Với những cống hiến của mình, anh nhận được sự tin cậy, tín nhiệm của lãnh đạo và đồng nghiệp, đặc biệt là của những người có công trong kháng chiến từng gặp gỡ, tiếp xúc với anh trong công việc, đó thực sự là phần thưởng quý giá đối với người cựu chiến binh này.

Mới đây, nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh Trương Đình Nời đã được Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh tặng giấy khen.

Nội Hà

Nguồn: Báo Quảng Bình Online

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm