6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Dịch bạch hầu quay trở lại, 3 người tử vong tại Bình Phước

- Advertisement -

Ngày 13/7, Viện Pasteur TP.HCM đã xác nhận thông tin nguyên nhân của căn bệnh mới xuất hiện tại Bình Phước khiến 28 người nhập viện, trong đó có 3 người tử vong. Nguyên nhân được xác định là do bệnh bạch hầu.

Dịch bạch hầu quay trở lại, 3 người tử vong tại Bình Phước
Phun thuốc khử khuẩn môi trường để diệt ổ bạch hầu

Theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteurs TP.HCM, đã xuất hiện ổ dịch bệnh bạch hầu ở xã Thuận Lợi và Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước với 4 mẫu dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Bác sĩ Quách Ái Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết, từ ngày 24/6 đến nay, đã có 28 người dân thuộc 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú của huyện Đồng Phú ở tỉnh Bình Phước nhập viện với các triệu chứng giống nhau như sốt, viêm họng, ho, khàn tiếng, chán ăn… Đến nay, đã có 3 ca tử vong ở 2 xã trên.

Về thông tin 3 ca bệnh tử vong, Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho biết bệnh nhân đầu tiên là Đ.T (sinh năm 1998) ở tổ 5, ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Sáng ngày 27/6, bệnh nhân có biểu hiện đau họng, ho nhiều, sốt nhẹ. Trạm y tế Thuận Lợi chẩn đoán viêm amidan. Bác sĩ cho uống kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Tuy nhiên bệnh không thuyên giảm, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện tuyến trên. Tại đây, bệnh nhân đã bị sốc tim do viêm cơ tim nghi do virus và tử vong vào ngày 30/6.

Ca bệnh thứ hai T.L (sinh năn 2004) ở tổ 6, ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ngày 24/6, bệnh nhân cũng có biểu hiện đau họng, sưng cổ bên trái, sốt nhẹ, đau đầu, ho nhiều. Bệnh nhân tự mua thuốc tại phòng khám tư nhưng không đỡ. Sau đó, gia đình chuyển bệnh nhân đến Bệnh tuyến trên điều trị nhưng đến ngày 29/6, bệnh nhân đã tử vong vì sốc nhiễm trùng áp xe vùng cổ.

- Advertisement -

Ca bệnh thứ 3 là N.T.H (sinh năm 1992) ở tổ 2 ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Bệnh nhân khởi phát bệnh vào ngày 26/6 với biểu hiện mệt mỏi, sốt, đau họng. Bệnh nhân tự mua thuốc phòng khám tư uống 1 ngày không đỡ nên đến bệnh viện địa phương khám và nhập viện vì viêm amidan hóa mủ. Sau 10 ngày điều trị không khỏi, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tại TP.HCM điều trị vì có biểu hiện bệnh viêm cơ tim biến chứng. Đến ngày 8/7, bệnh nhân tử vong vì viêm cơ tim biến chứng, choáng tim.

Sở Y tế Bình Phước đã tiến hành lấy 34 mẫu máu, dịch hầu họng từ những người tiếp xúc gần, người nhà bệnh nhân tử vong, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và gửi xuống Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm. Kết quả cho 4 mẫu dương tính bệnh bạch hầu, các mẫu khác đang được kiểm tra.

Viện Pasteur TP.HCM cho biết đang phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bình Phước tiến hành triển khai các biện pháp nhằm dập tắt ổ dịch bao gồm xét nghiệm, khử khuẩn vùng dịch bệnh để đánh giá điều trị, dự phòng. Các bệnh nhân nhẹ được cách ly tại nhà, khi có triệu chứng nặng sẽ chuyển lên tuyến trên. 

Sở Y tế tỉnh Bình Phước cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý khử khuẩn môi trường bằng hóa chất Cloramin B 5% tại thôn, ấp có ca bệnh.

- Advertisement -

Bộ Y tế khẩn cấp yêu cầu Bình Phước dập dịch

Ngay sau khi nhận được thông tin này, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có các biện pháp phòng chống, khống chế ổ dịch, không để bùng phát, lan rộng, đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước thực hiện chặt chẽ công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng, triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tốt đa số trường hợp mắc, biến chứng và tử vong.

Ngoài ra, Sở Y tế Bình Phước phải phối hợp với Viện Pasteur TP HCM tổ chức tiêm vắc xin chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch. Nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh, đảm bảo tất cả các trẻ được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế, để tránh việc trẻ bị mắc bệnh bạch hầu do tiêm vắc xin muộn.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng chống để người dân tự giác và chủ động phòng tránh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi tiêm. 

Đối với khu vực ổ dịch, tổ chức tuyên truyền tới từng hộ gia đình về các biện pháp vệ sinh các nhân, thường xuyên lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, đưa các trường hợp có triệu chứng như sốt, đau họng đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Cục Y tế dự phòng cũng ra khuyến cáo về bệnh bạch hầu, đây là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. 

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phươn
g trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để phòng bệnh, người dân cần phải đưa con em đi tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên vệ sinh, người dân ở vùng dịch phải uống thuốc ngừa bệnh.

An Nhiên – Phương Thúy

Nguồn: Sức khỏe

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm