6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Cao trào Quảng Bình quật khởi

- Advertisement -

Thực hiện chủ trương của Đại hội tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ 2 (19-5-1949) Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trương đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược của quân và dân trong tỉnh để đưa phong trào kháng chiến tiến lên cùng với đà phát triển chung của cả nước.

Bắt đầu từ cuối tháng 5 năm 1949. Công cuộc chuẩn bị mọi mặt cho cao trào “Quảng Bình quật khởi” được tiến hành một cách triệt để. Sau đại hội, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã cử một đoàn cán bộ bao gồm các ngành các giới vào Quảng Ninh và Lệ Thủy để xây dựng cơ sở chuẩn bị phát động cao trào. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh, hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy mở đại hội huyện Đảng bộ, quán triệt và bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết do đại hội tỉnh đề ra.

Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Ninh nêu quyết tâm “hạ sơn” phát động phong trào bí mật tổ chức lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang.

Tại Bố Trạch và Quảng Trạch cũng triệu tập đại hội bàn công việc chuẩn bị phối hợp với toàn tỉnh tiến hành tuần lễ “Tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công”. Huyện ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính các huyện quán triệt nhiệm vụ chỉ đạo quân dân đánh mạnh giữ chân, phân tán lực lượng địch, cùng hai huyện phía Nam của tỉnh dốc toàn lực lượng vùng dậy đấu tranh mạnh mẽ bằng mọi hình thức quân sự, chính trị giành lại quyền chủ động chiến trường.

Cuối tháng 6 năm 1949 nhận thấy sơ hở của địch, là chủ quan ỷ vào hệ thống đồn bốt dày đặc ở Quảng Ninh và Lệ Thủy, Tỉnh ủy Quảng Bình họp bất thường, quyết định phát động tuần lễ “Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công” và lấy ngày 15 tháng 7 năm 1949 làm ngày “Quảng Bình quật khởi”, với hướng hoạt động chủ yếu là Quảng Ninh và Lệ Thủy. Tỉnh ủy chủ trương đổi tên tờ báo “Dân Muốn” thành tờ “Đánh Mạnh” để động viên khí thế tiến công tiêu diệt địch của quân và dân trong tỉnh.

Cao trào Quảng Bình quật khởi

Di tích lịch sử tiếng bom Lộc Long. Ảnh: TL

Về lực lượng ngoài đông đảo quần chúng và các đơn vị vũ trang địa phương của hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy còn có tiểu đoàn 274 của trung đoàn 18 được điều động về hoạt động phân tán ở địa phương. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Đồng Sỹ Nguyên và đồng chí Thao (Tỉnh ủy viên) trực tiếp cùng hai đồng chí Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy và Quảng Ninh chỉ đạo và phát động phong trào.

- Advertisement -

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội, toàn Đảng toàn quân, toàn dân Quảng Bình chuyển mình mạnh mẽ. Tại nhiều nơi dân quân du kích phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương bao vây tiến công tiêu diệt địch. Lúc 24 giờ ngày 15 tháng 7 năm 1949 đại đội hai thuộc tiểu đoàn 274 cùng du kích xã Gia Ninh đột kích vào đồn Mỹ Trung. Do nội ứng kém, trận đánh không thành.

Ngay đêm đó bộ đội và du kích đã quyết chiến với địch ở Quảng Xá. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt kéo dài đến chiều ngày 16 tháng 7. Quân ta thừa thắng truy kích địch về đồn Xuân Dục. Bọn Pháp phần lớn bị tiêu diệt, số còn lại bị khống chế trong đồn. Với trận Quảng Xá-lần đầu tiên lực lượng của huyện, du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực hợp đồng tác chiến giành thắng lợi tạo niềm cổ vũ lớn cho chiến dịch.

Đồng bào Quảng Ninh, Lệ Thủy cùng lực lượng vũ trang đồng loạt nổi dậy tiến công địch, đốt tháp canh của hương vệ tổng vệ. Đường dây liên lạc giữa Lệ Thủy – Quảng Ninh bị quân ta cắt đứt, địch lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Hầu hết đồn bốt của địch ở Quảng Ninh và Lệ Thủy bị quân dân du kích bao vây, bắn tỉa làm cho địch lâm vào tình trạng bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Vốn nung nấu căm thù giặc sâu sắc, noi gương làng chiến đấu Cự Nẫm, quân và dân thôn Lộc Long (Xuân Ninh) đã chặt hàng ngàn cây tre và rào gỗ cắm dày đặc rào làng chiến đấu.

Mặc dù sống giữa vòng vây của địch bà con Lộc Long và Trường Dục vẫn bí mật quyên góp tiền của để mua sắm vũ khí, nuôi dưỡng trung đội du kích xã. Được đồng bào đùm bọc giúp đỡ, du kích và dân quân Lộc Long trưởng thành nhanh chóng.

Trưa ngày 16 tháng 7 quân và dân Lộc Long đã chôn bom ở đầu làng đón lõng trung đội địch ở đồn Xuân Dục hành quân vào làng. Khi địch đã lọt vào vòng vây, du kích kịp thời giật bom đồng thời tung lựu đạn vào đội hình của chúng. Bị đánh bất ngờ địch hoang mang không kịp trở tay, hoảng hốt kéo chạy về đồn.

Trong trận này đồn trưởng Xuân Dục bị thương nặng, nhiều tên khác bị thương. Chiến thắng Lộc Long tuy không lớn nhưng có ý nghĩa mở màn cho chiến dịch Quảng Bình quật khởi, và gây tiếng vang lớn ở địa bàn huyện Quảng Ninh, tạo đà, tạo thế cổ vũ mạnh mẽ khí thế tiến công của quân và dân toàn tỉnh. Hòa nhịp cùng Lộc Long, các làng Gia Ninh, Võ Ninh, Duy Ninh, Hiển Lộc, Hiển Vinh, Võ Xá thuộc Quảng Ninh nhân dân đồng loạt nổi trống mõ. Du kích phối hợp với bộ đội vây bắt tề, đốt điếm canh của hương vệ làm cho địch vô cùng hoảng sợ.

Quân và dân ta còn đẩy mạnh phá hoại hệ thống giao thông không cho địch chi viện, mặt khác tiếp tục cắt các đường dây điện thoại làm đứt liên lạc của địch. Công tác diệt tề, trừ gian được quần chúng nhân dân hưởng ứng triệt để làm cho địch lâm vào thế cô lập lúng túng.

Liên tiếp trong mấy ngày từ 15 đến 18 tháng 7 năm 1949 từ Hạ Cờ (Hưng Đạo) đến Gia Ninh, Võ Ninh bộ đội và du kích nhiều lần đánh địch trên đường quốc lộ 1. Nhiều đoạn đường bị đồng bào ta phá hỏng làm cho việc tiếp tế của chúng bị bế tắc. Ở Lệ Thủy, đại đội 1, bộ đội địa phương huyện tập kích đồn An Lạc bắt sống tù binh, thu toàn bộ vũ khí, đánh địch trên sông Kiến Giang diệt 1 quan ba.

- Advertisement -

Ở Bố Trạch, nơi có phong trào du kích phát triển khá mạnh, trong những ngày này không ngớt tiếng súng. Ngày 16 tháng 7 du kích Hải Trạch tiến công tàu tuần tiễu của địch. Ngày 18 tháng 8 du kích Hoàn Lão chặn đánh 1 trung đội địch đi càn tiêu diệt 11 tên, trong đó có hai lính Pháp, 2 tên khác bị thương. Trên các tuyến đường từ Troóc đến khe Ngang du kích liên tiếp đặt bom gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngày 22 tháng 7 đồn Cự Nẫm bị du kích tiến đánh, thiêu hủy toàn bộ quân trang, quân dụng và lương thực dự trữ.

Phối hợp với chiến trường toàn tỉnh, tại Quảng Trạch quân và dân mở nhiều cuộc tập kích đồn địch. Du kích liên tục chặn đánh địch, tuần tra, gây rối ở các đồn ở Minh Lệ, thị trấn Ba Đồn, làm cho lực lượng địch bị phân tán tạo điều kiện cho quân và dân hai huyện phía nam hoạt động.

Lợi dụng địch hoang mang giao động, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng vừa đánh địch vừa tuyên truyền vận động binh lính quay súng về với nhân dân. Đồng bào ta ở quanh các đồn địch đẩy mạnh công tác ngụy vận kêu gọi binh sĩ bỏ súng về với gia đình, với kháng chiến. Bằng nhiều hình thức phong phú như rải truyền đơn, gửi thư, dán khẩu hiệu, thơ ca hò vè… đồng bào ta khơi dậy ở họ lòng yêu nước, thương nòi, tình làng nghĩa xóm, thuyệt phục cảm hóa được nhiều binh lính trở về với nhân dân.

Công tác phá tề được đẩy mạnh ở Quảng Ninh và Lệ Thủy, đồng bào ta đã đồng loạt nổi dậy diệt ác phá tề, lợi dụng tề để tiếp tay cho quần chúng đấu tranh. Có nhiều nơi ta thành lập tề để phục vụ cho ta. Nhiều tên được đưa lên chiến khu giáo dục, học tập về chính sách khoan hồng của cách mạng, nhiều người trở lại phục vụ cho kháng chiến.

Kết thúc tuần lễ “Quảng Bình quật khởi” hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy đã giải tán hầu hết các hội tề được thành lập trước 15 tháng 7 năm 1949. (1)

Trên mặt trận báo chí, tuyên truyền ta cũng thu được nhiều kết quả. Để kịp thời tuyên truyền chủ trương đường lối kháng chiến của Đảng và Chính phủ, Tỉnh ủy Quảng Bình cho xuất bản tập san “Chuẩn bị tổng phản công” nói về ý nghĩa mục đích của tuần lễ “Quảng Bình quật khởi”.

Tờ báo “Đánh Mạnh” cũng được phát hành rộng rãi kịp thời đưa tin về kết quả của quân và dân ta trên các mặt trận đấu tranh với địch, đồng thời nêu rõ những âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp. Ty tuyên truyền trong tuần lễ phát động đã phát 300 cuốn sách cho các đại đội độc lập cùng Ủy ban hành chính cấp xã, với 2.000 tờ cáo thị lớn treo ở hàng trăm nơi. Những hoạt động trên mặt trận này góp phần không nhỏ cho kháng chiến mà trực tiếp là trong tuần lễ “Quảng Bình quật khởi”.

Như Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ 2 (5-1949) đã xác định: “Nếu không phá hoại và bao vây kinh tế địch thì không giải thoát cho kinh tế ta được…”. Nên song song với các hoạt động quân sự, chính trị, công tác bao vây kinh tế địch cũng được đẩy mạnh. Nhiều nơi đồng bào ta vận động nhau không dùng hàng hóa ngoại. Nhiều địa phương ngăn chặn, cắt đứt đường dây vận chuyển hàng hóa của địch.

Nhân dân không dùng hàng xa xỉ phẩm. Một thứ hàng mà địch dùng để lôi kéo lung lạc đồng bào ta. Hàng hóa các chợ vùng tự do vẫn dồi dào phong phú, các mặt hàng vẫn giữ được giá cả ổn định. Công tác vận tải tiếp tế từ vùng tự do Tuyên Hóa và Hà Tĩnh bằng các ngã đường kịp thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt kháng chiến. Bằng sự nỗ lực phấn đấu, tự lực, quân và dân ta đã đứng vững trong thế trận đấu tranh kinh tế với địch.

Nhờ kết hợp các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế và địch vận, quân và dân ta đã giành được quyền làm chủ ở nhiều nơi. 8 xã trong vùng tạm bị chiếm ở Quảng Ninh và Lệ Thủy bao gồm: An Ninh, Tân Ninh, Trường Ninh, Vạn Ninh (Quảng Ninh), Hoa Thám, Lê Khiếu, Duy Tân, một phần xã Tây Hồ (Lệ Thủy) trở thành vùng du kích. Từ một vùng bị địch kiểm soát gay gắt giờ đây trở thành tiền phương của ta. Trên đà thắng lợi quân và dân Quảng Ninh, Lệ Thủy ngày càng đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân trong địa bàn.

Kết thúc tuần lễ tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công, quân và dân Quảng Bình đã đánh 120 trận lớn nhỏ diệt 49 Pháp, 128 tên Việt binh đoàn, làm bị thương 120 tên khác (kể cả Pháp và ngụy), phá 22 xe quân sự, giải tán 225 hội tề trong tổng số 268 ban. Hệ thống ngụy quyền bị quét sạch ở nhiều nơi, quần chúng phấn khởi trở về quê hương làm ăn, vùng du kích được mở rộng.

Cao trào “Quảng Bình” quật khởi đã góp phần đưa phong trào kháng chiến của hai huyện phía nam phát triển thêm một bước mới, đẩy địch về phía quốc lộ, mở rộng vùng trên của Quảng Ninh và Lệ Thủy nối liền mạch máu giao thông liên lạc thông suốt từ Bắc vào Nam.

Quyết tâm “Hạ sơn” và phương châm hành động với khẩu hiệu “Miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh” do Đại hội II đề ra sát đúng với tình hình thực tế tỉnh nhà. Vì vậy đã thu được những thắng lợi quan trọng, đưa phong trào kháng chiến Quảng Bình tiến lên bước mới, tạo được niềm tin ở quần chúng trong tỉnh, đưa phong trào kháng chiến ở hai huyện phía nam tiến kịp phong trào chung. Trong chiến đấu, tổ chức Đảng và nhiều đảng viên mới được phát triển, trình độ lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền được nâng lên ngày càng đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến.

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, tập I 1930-1954

————————————————————-

(1) Tổng số tề trước và sau tuần lễ phát động. Quảng Ninh: 37 hội tề – nay còn 4. Lệ Thủy: 32 hội tề nay còn 3.

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm