6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Gian truân cuộc sống nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng

- Advertisement -

Một trong những vấn đề nổi lên đối với lực lượng hợp đồng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng trên địa bàn là họ không nhận được tiền lương từ nhiều tháng nay. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng trăm nhân viên bảo vệ rừng ở các ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ và các chi nhánh lâm trường.

Mới đây chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của UBND tỉnh đến kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng vùng phía nam huyện Lệ Thủy, tận mắt chứng kiến hàng ngàn ha rừng tự nhiên dọc hai bên nhánh tây đường Hồ Chí Minh được bảo vệ nghiêm ngặt.

Trạm bảo vệ rừng U Bò, bảo vệ 5.300ha rừng tự nhiên.

Tại khu vực  Động Châu, huyện Lệ Thủy có 18.361 ha rừng tự nhiên, với nhiều giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, được Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Động Châu bảo vệ rất tốt. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 552 nghìn ha rừng tự nhiên các loại được đưa vào kế hoạch bảo vệ. Thời gian qua, nhìn chung công tác bảo vệ rừng được các BQLRPH và chi nhánh lâm trường thực hiện, khá tốt. Số vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện xử lý giảm mạnh so với trước.

Tuy nhiên vấn đề nổi lên ở đây là đời sống của các nhân viên bảo vệ rừng rất khó khăn, họ phải chạy ăn từng bữa, do không nhận được lương từ nhiều tháng nay. Ông Phạm Đức Hóa, Giám đốc BQLRPH Động Châu cho biết, toàn đơn vị có 45 cán bộ, nhân viên, trong đó có 22 viên chức diện biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo ngạch bậc và 23 nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng, trước đây hưởng lương từ nguồn kinh phí của dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nay nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ rừng do Chính phủ cấp.

Trong khi lương của 22 viên chức bảo vệ rừng tại đơn vị được cấp đều đặn, thì lương của số nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng từ đầu năm đến nay chưa cấp nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, BQLRPH Động Châu đã xoay xở cho anh em ứng được hai tháng lương đầu năm, nhưng kể từ đó đến nay thì đành chịu. Không để người lao động bỏ việc hoặc lơ là nhiệm vụ, đơn vị phân công một cán bộ hưởng lương ngân sách về làm trưởng một trạm bảo vệ rừng để làm nòng cốt cho trạm. Điều quan trọng hơn là để anh em trong trạm mượn lương của đồng chí này đắp đổi cuộc sống.

Chúng tôi có dịp đến các trạm bảo vệ rừng thuộc BQLRPH Động Châu, qua nắm bắt được biết, đời sống của các nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng ở đây rất vất vả khi đồng lương nhiều tháng chưa có. Nằm sâu giữa rừng Trường Sơn, mọi thứ đều thiếu và phải mua từ đồng bằng lên, cuộc sống gian nan, áp lực bảo vệ rừng rất lớn, bởi đây là khu rừng giàu trữ lượng gỗ và phong phú động, thực vật nên không ít lâm tặc đang rình rập tàn phá.

Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Bãi Đạn (giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị) Phan Xuân Hồi cho biết: “Trạm có năm người, trong đó chỉ mình tôi là có lương đều, còn lương anh em đang bị nợ. Để bảo đảm đời sống, tôi phải cho anh em mượn lương để mua muối mắm và xăng xe đi lại, gạo lấy từ gia đình, rau tự trồng và hái thêm rau rừng. Vừa rồi, vào năm học mới nhiều anh trong trạm cần tiền để nộp cho con nên càng khó khăn. Biết là khó khăn, nhưng tôi đã động viên anh em cố gắng nương tựa vào nhau để hoàn thành nhiệm vụ”.

- Advertisement -

Hôm chúng tôi đến, trạm trưởng Hồi đang nấu cơm, nồi cơm to cùng với canh rau và ít cá khô kho mặn đang chờ anh em từ các chốt về ăn. Giám đốc Phạm Đức Hóa cho biết thêm, cả 5 trạm bảo vệ rừng của đơn vị đều thế cả, anh em nương vào nhau để sống và ngóng chờ đến khi kinh phí bảo vệ rừng được chi trả.

Không chỉ ở BQLRPH mà ở các lâm trường trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại và Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình cũng lâm vào khó khăn này. Đây là những đơn vị dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên năm 2015 theo Quyết định 2242/QĐ-TTg, ngày 11-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ nên được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên. Nhưng đến nay, kinh phí bảo vệ rừng năm 2014 cấp thiếu, năm 2015 và 2016 chưa cấp, với số tiền hơn 30 tỷ đồng. Hai năm qua các đơn vị không có lương để trả cho cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa (Công ty TNHH MTV Lâm lâm nghiệp Long Đại) Trần Thanh Dương cho biết: “Vì không có kinh phí và không tìm ra nguồn nên đơn vị không thể duy trì được bếp ăn tập thể, anh em cán bộ, nhân viên tự lo. Biết như vậy là anh em buồn nhưng không thể xoay xở được”.

Để làm rõ sự việc này, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Văn Khoa, ông cho biết, toàn tỉnh có gần 552 nghìn ha rừng các loại, trong đó có 270 nghìn ha rừng có nguy cơ xâm hại cao cần bảo vệ.

Rừng Động Châu là khu vực đa dạng sinh học và giàu trữ lượng gỗ quý cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Thực hiện Quyết định 57/QĐ-TTg, ngày 9-1-2012, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, Quyết định 2242/QĐ- TTg, ngày 11-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác quản lý gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020, từ năm 2013-2015 tỉnh Quảng Bình được Trung ương bố trí kinh phí sự nghiệp để bảo vệ rừng hàng năm gần 30 tỷ đồng, trong đó kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ là 18,2 tỷ đồng, kinh phí bảo vệ rừng cho hai Công ty Lâm Công nghiệp hơn 11,4 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 9176/BNN-TCLN, ngày 6-11-2015, UBND tỉnh giao nhiệm vụ bảo vệ rừng năm 2016 cho các đơn vị với diện tích 191.446ha, giá trị là 58,84 tỷ đồng. Tuy nhiên đến ngày 10-9-2016, tỉnh vẫn chưa nhận được kinh phí bảo vệ rừng năm 2016 theo chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp và PTNT giao.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân của việc nhân viên bảo vệ rừng chưa nhận được lương từ nhiều tháng nay là do chậm cấp kinh phí sự nghiệp bảo vệ rừng và kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất năm 2015 và 2016 từ ngân sách Trung ương.

- Advertisement -

Để đắp đổi qua ngày, một số đơn vị đã phải vay vốn ngân hàng, vay cá nhân để có kinh phí phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Trong khi đó, ngân sách tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời gian xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, nên không hỗ trợ được cho các đơn vị.

Trọng Thái

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm