Dân làng biển Quảng Bình lo lắng trước khoản nợ vay đóng tàu

Nằm sát chân đèo ngang là làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, đây từ lâu vốn được xem là làng biển giàu nhất ở vùng cát Quảng Bình. Nghề biển đã gắn bó với người dân nơi đây từ hơn 500 năm trước. Mở mắt ra là biển, sinh ra lớn lên gắn bó với biển, và biển đã đưa lại đủ đầy cho cuộc sống người dân Cảnh Dương. Nhưng hiện nay, sau thảm họa môi trường biển, làng biển Cảnh Dương trở nên đìu hiu, cô liêu với khoản nợ hàng trăm tỷ đồng.

Cách đây mấy tháng trở về trước, nói đến làng biển Cảnh Dương, người ta nghĩ ngay đến ngôi làng giàu nhất nhì vùng cát nhờ nghề biển. Nơi đây, đàn ông đi biển, đàn bà ở nhà buôn bán, kinh doanh các dịch vụ hậu cần nghề cá.

Làng ven biển, những ngôi nhà hai, ba tầng được xây dựng khang trang, kiên cố quay mặt về phía biển như để đón sớm những ánh mặt trời. Nghề biển, cái nghề được truyền từ đời này sang đời khác đã thấm sâu vào máu thịt người dân Cảnh Dương, vào cả trong những câu thơ, bài hát.

Ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: “Xã Cảnh Dương có 8.700 nhân khẩu với hơn 70% làm nghề biển, những năm trước trung bình mỗi năm bà con thu về từ biển 46 tỷ đồng”.

Tình yêu biển của người dân Cảnh Dương không chỉ bằng lời nói, mà bằng những hành động chẳng ở đâu có. Cách đây vài năm cửa biển Roòn ở Cảnh Dương bị cát bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào, nhiều lần xã đề xuất lên huyện, lên tỉnh, lên các Bộ Trung ương nhưng chưa được giải quyết. Người dân Cảnh Dương đã tiến hành họp và thống nhất quyết định tự đóng góp tiền hằng tháng nạo vét thông luồng cửa biển Roòn để ngư dân mở đường ra biển.

Theo đó, mỗi hộ ngư dân có tàu thuyền đóng góp trung bình hàng tháng 400 ngàn đồng, ngoài ra các chủ vựa tàu cá, hải sản đóng góp thêm hàng chục triệu đồng để nạo vét cát. Để có đường ra biển, ngư dân nơi đây đã tự đóng góp hàng chục tỷ đồng để thông luồng cho tàu bám biển…

Ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương cho biết: Trong xã có gần 1.000 hộ dân vay tiền đóng tàu thì hiện còn dư nợ tại ngân hàng trên 250 tỷ đồng. Vừa qua, Hội Nông dân xã vận động bà con chia sẻ cùng nhau trong lúc khó khăn.

Những tàu đánh bắt xa bờ cho những ngư dân đánh bắt gần bờ đi cùng để họ có thu nhập. Bây giờ bắt đầu vào mùa biển động, từ nay đến khoảng tháng 4 năm sau, ngư dân không thể đánh bắt xa khơi, hải sản đánh bắt gần bờ thì không ai mua. Dân tình ở đây đang lâm vào cảnh khó khăn, những tháng tới không biết lấy đâu ra tiền để trả lãi ngân hàng”.

Anh Phạm Thế Hồng (40 tuổi), trú ở xã Cảnh Dương, một người dân theo nghề đi biển từ lúc mới lên 10 tuổi nhớ lại: “Chúng tôi đi tàu có công suất 72 CV, tất cả có 7 người. Trước đây, trung bình mỗi chuyến tàu đánh bắt xa bờ thu được từ 120 – 130 triệu đồng, trừ chi phí thì cũng lãi được gần trăm triệu. Mùa biển lặng thì mấy anh em đi đánh bắt ngoài khơi, còn thời điểm từ cuối tháng 9 đến tháng 4 năm sau là mùa biển động nên không ra khơi được, mấy anh em mỗi người tự sắm lấy ghe, lỏng để đánh bắt gần bờ, mỗi tháng cũng kiếm được 7-8 triệu đồng. Tính trung bình cả năm thì mỗi tháng chúng tôi kiếm được 10 triệu đồng từ nghề đi biển”.

Còn nhớ cách đây không lâu, chúng tôi đến Cảnh Dương, chứng kiến cảnh người làng làm quần quật suốt ngày, đàn ông đi biển, đàn bà ở nhà buôn bán hoặc đi làm thuê gẩy sò, gẩy hến cho các cơ sở chế biến hải sản. Cuộc sống ổn định, có thu nhập cao nên người dân nơi đây lúc nào cũng vui tươi, phấn khởi.

Thật buồn khi làng biển Cảnh Dương một thời nhộn nhịp trước đây bao nhiêu, thì giờ đây đìu hiu như cảnh chợ chiều. Sự cố môi trường biển đã đẩy người dân làng chài vào cảnh túng quẫn.

Bên cạnh đánh bắt trên biển, Cảnh Dương còn nổi tiếng về dịch vụ hậu cần nghề cá như đóng tàu, làm lưới cụ, kinh doanh xăng dầu, thực phẩm, lương thực phục vụ tàu thuyền… nhưng từ khi gặp sự cố về môi trường các ngành nghề dịch vụ cũng “chết” theo.

Ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: “Toàn xã có tổng cộng 720 tàu. Thời gian vừa rồi ngư dân đánh bắt gần bờ không đi biển được nên nhiều người xin đi cùng những tàu xa bờ. Có người ở nhà không có việc gì làm buồn quá nên xin đi cùng chứ giá hải sản rẻ nên thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu… Về số nợ của ngư dân, chúng tôi cũng đã có kiến nghị gửi lên cấp trên để có chính sách khoanh giản nợ và có chính sách hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho bà con ngư dân ổn định cuộc sống trước mắt”.

Sông Lam – Hoài Anh


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *