6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Khuất sau di sản

- Advertisement -

Người ta thường đi tàu hỏa bắc – nam, đến ga Ðồng Hới thì xuống, để đỡ mất hứng và mất sức. Chúng tôi lại đi đường Hồ Chí Minh trải nhựa phẳng lỳ. Xuất hành từ Hà Nội, xe khách máy lạnh chạy một mạch theo quốc lộ 1A, đến thị trấn Hoàn Lão đã gần năm trăm cây số, rẽ phải rồi đi thẳng là tới di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.

Ngay trước mặt, trập trùng núi giăng bốn bề. Thật khó tin trong lòng núi im lìm kia lại ẩn giấu cả một hệ núi đá vôi các-bon, vùng hang động rộng lớn bậc nhất Ðông-Nam Á. Nghe nói, phải mất tới 400 triệu năm mới kiến tạo nên Phong Nha – Kẻ Bàng như bây giờ. Bước xuống thuyền, không phải chen chúc, xô đẩy như bến Ðục, chùa Hương mùa trẩy hội. Thuyền có mái che, hai hàng ghế tựa. Gió tươi mát ùa lên từ sông Son, sóng xanh ngắt như nước biển. Trên bến, dưới thuyền không thấy bóng người bán rong mời chào. Con đường từ bãi đỗ xe xuống bến đò san sát nhà hàng, nhà nghỉ, dịch vụ “ăn theo”. Nhưng xem ra chẳng đến nỗi nhếch nhác, nhem nhuốc, nhộm nhoạm. Khách từ Hà Nội vào cảm thấy nhẹ tênh, quên hẳn nỗi ám ảnh bị “chặt chém” như ở các tụ điểm du lịch khác. Mọi mệt mỏi đường xa, cuốn trôi theo dòng nước êm ả dưới mái chèo khuấy nhẹ. Thuyền lờ lững xuôi dòng giữa hai bờ sông ngô non xanh phất phơ, trâu bò nhẩn nha gặm cỏ. Phẳng lặng, bình yên như bức tranh thủy mặc. Lâu lắm mới được thỏa mắt ngắm những bụi tre gai rậm rì, đôi ba mái nhà sàn thấp thoáng ẩn giữa vườn cây um tùm. Chợt ngó xuống sông, nước trong xanh không gợn váng dầu mỡ hay lềnh bềnh túi ni-lông, lon bia, chai nhựa. Thuyền chầm chậm từ từ chui qua cửa hang. Ngước nhìn lên, nắng cuối hè giăng bức màn mỏng tang như tấm lụa mầu mỡ gà buông thõng trước cửa hang. Cô lái đò gầy tong teo, bé nhỏ như học trò phổ thông, khéo léo lựa hai mái chèo đưa thuyền luồn lách trên dòng sông ngầm, nhập nhoạng sáng tối. Nhìn cô gái nhoài rạp người trên mái chèo, lại chợt nhớ dáng mẹ Suốt chở bộ đội qua sông Nhật Lệ thời bom đạn. Dòng sông ngoằn ngoèo, hai bên là vách đá lởm chởm, vô vàn thạch nhũ thả từ vòm hang, chẳng biết đâu mà dò. Chỗ thì tối mò, chỗ lại sáng bừng bởi nắng rọi qua lỗ hổng trên vòm đá. Nhiều chỗ, cô bé phải khom lưng, né đầu. Chiếc thuyền gỗ như thu mình nhỏ lại khỏi va vào vách đá nhọn sắc. Mái chèo dường như cũng dò biết nông sâu. Sau lưng, chợt có người reo lên, một giọt nước từ trên nóc hang đột nhiên rỏ vào đuôi mắt. Nghe cô lái đò bảo, nước rỏ vào ai là người ấy gặp may mắn, ai cũng cố ngẩng mặt ngửa cổ chờ. May mắn đâu có nhiều mà chia cho tất cả! Chẳng biết cô lái đò đã hứng được bao nhiêu “giọt” may mắn, chỉ thấy trên gương mặt hao gầy lấm tấm mồ hôi. Thật khó đoán tuổi, có khi cô gái đã là người mẹ. Một ngày, bốn năm chuyến chở khách ngược xuôi. Một mình thắt ruột chèo đò, mỗi chuyến, mỗi ngày đong được mấy cân gạo?…

Thuyền chợt sững lại chạm đáy cát. Tôi nhảy vội xuống cùng cô lái đò khiêng chiếc ván bắc lên bờ cho khách, tiện tay đỡ những du khách nặng nề xuống thuyền. Tôi hỏi nhỏ, sao không có ai chèo đỡ cháu? Cô bé khẽ thở dài bảo, cháu đi chở thuê mà, làm gì có tiền mua thuyền. Mở hàng quán cũng phải có vốn… Du khách ai nấy hối hả leo lên động. Tôi lục túi dúi vào tay cô ít tiền. Ðưa nốt hai chiếc bánh mì và mấy gói kẹo… Càng vào sâu, lòng hang càng tối tăm. Nhưng ngước lên trần hang và vách đá mới nhận ra vô vàn hình dáng mà tạo hóa tạc vào hang động. Phật Bà Quan Âm, mẹ bồng con, sư tử chồm, hổ chầu. Nhìn đâu cũng thấy thác đá, suối đá, mành đá lung linh, kỳ ảo như dát bạc vàng, khảm ngọc. Ðá mà mỏng như lụa, mượt mịn như nhung. Ðá mà mềm như nước chảy, mây trôi. Có cảm giác đi mãi, vào sâu mãi không muốn quay ra. Ngỡ ngàng, mê mẩn ngỡ lạc vào lâu đài, cung điện bằng đá. Di sản trời cho đâu chỉ là hang động, là sông ngầm. Ðây còn ẩn chứa cả một hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi quần tụ hàng chục loài động vật quý hiếm. Nơi quần cư những tộc người quanh năm sống bám vào núi rừng, kiếm miếng cơm từ những sản vật. Hiện tại còn tới mười xã vùng đệm Vườn quốc gia đều nằm trong diện nghèo nhất Quảng Bình. Ðời họ, con cháu họ sẽ hưởng gì từ di sản này? Chẳng lẽ cứ quanh quẩn mở hàng quán, dịch vụ hay nai lưng chở đò thuê? Cái khó nhất là kiếm công ăn việc làm cho người dân để họ yên lòng giữ gìn di sản như của riêng mình. Trong lòng di sản còn nguyên vẹn dấu tích của một thời bom đạn: Hang tám cô gái thanh niên xung phong, bến phà Xuân Sơn. Trước cửa hang Kỳ Bí còn một tảng đá cực lớn rơi từ trên đỉnh núi khi máy bay Mỹ cắt bom. Ðồng bào Vân Kiều, Rục, Chút… từng không tiếc công sức, xương máu làm nên chiến thắng. Bây giờ, họ biết làm gì, lấy gì mà thoát nghèo? Di sản có khác gì đồ trang sức. Di sản thế giới nhưng trước hết phải là di sản của chính những người dân nghèo.

Sắp đến lúc phải xa Phong Nha – Kẻ Bàng, không biết đến bao giờ trở lại. Nắng đã tắt, chiều tàn phai, bóng tối xuống dần. Trong đám trẻ bám quanh xe sắp rời bến, tôi chợt nhận ra cô lái đò nắm tay một đứa bé bán bưu ảnh cùng với mấy thứ đồ lưu niệm rẻ tiền. Thằng bé rụt rè đi tới, nói nhỏ chứ không nhao nhao chèo kéo như ở các bến xe thành phố: “Các bác mua giúp con để lấy tiền mua sách vở”. Nhiều người và cả tôi đã mua rồi, giờ lại mua thêm. Lúc này, cả đám trẻ mới ùa đến. Chẳng biết chúng trốn ở đâu ra mà đông thế. Lành hiền, nhút nhát, đám trẻ sà xuống, ríu rít chẳng khác gì lũ chim rừng dạn người. Ngồi bên tôi, người đàn bà lấy vội trong túi xách mấy gói kẹo, bánh quy dúi vào tay đứa lớn nhất. Lập tức đám trẻ xúm xít chia nhau, cười nói hả hê. Không biết nay mai, có đứa nào, trong đám trẻ nghèo kia được học hành đến nơi đến chốn hay may mắn bước vào cửa trường đại học? Có đứa nào sẽ trở thành doanh nhân hay rốt cuộc cũng chỉ là chủ quán, giỏi lắm thì cho thuê thuyền du lịch, hướng dẫn viên…?

Xe chầm chậm chuyển bánh, đám trẻ tíu tít chạy theo. Làn khói, bụi đất, bóng tối chạng vạng xóa nhòa những đôi mắt thơ ngây, dại khờ. Ngoái nhìn lại, tự dưng trong đầu tôi văng vẳng bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”. Thế mà đã hơn bốn chục năm trôi đi. Vẫn là nhịp chèo mải miết, mòn mỏi của mẹ Suốt, của cô gái chở đò. Bao nhiêu mái chèo đã mòn vẹt, những tấm lưng eo thắt từ thời con gái, oằn vai theo nhịp chèo tới khi còng lưng, chân chồn, gối mỏi, có đủ sức đẩy lùi cái “quá khứ nghèo nàn” của vùng đất chang chang cồn cát. Nắng chói lóa đến nhức mắt.

Nhã Khanh

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm