6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nghìn ngày trên đất mẹ

- Advertisement -

Mùa thu 2013, đất trời và hàng triệu người dân Việt Nam rơi lệ tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng. Ba năm đã trôi qua từ thời khắc đau thương ấy, biển Vũng Chùa hoang sơ năm nào giờ ấm áp hơi Người. Mỗi ngày, từng dòng người tưởng như bất tận về đây viếng thăm Đại tướng. Với tình yêu của nhân dân dành cho ông, vùng đất nơi “cánh chim bằng” an nghỉ giờ bốn mùa ngát hương và bình yên trong tiếng sóng biển vỗ về…

Một ngày như mọi ngày, khi bình minh lên, từ mọi miền đất nước, từng dòng người lại đổ về, thành kính thắp nén nhang thơm và sẽ sàng đặt những bông hoa lên phần mộ Đại tướng. Nhưng chẳng phải vô tình khi ngày mùa thu nắng vàng rực rỡ, có rất nhiều người lính trong những bộ quân phục chỉnh tề cùng nhau về biển Vũng Chùa.

Nghìn ngày trên đất mẹ

Các lực lượng vũ trang và nhân dân tiễn đưa Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình. Ảnh: A.T

Bởi ngày này tròn ba năm trước, họ đã trải qua những phút giây chia biệt nghẹn ngào khi tiễn đưa người Anh Cả của mình về cõi vĩnh hằng. Thời gian xoa dịu nỗi đau, mùa thu này họ lại về đây, ngồi bên nhau và ôn lại những kỷ niệm đẹp về một con người bình dị mà vô cùng vĩ đại.

Trong đoàn cựu chiến binh huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An về biển Vũng Chùa nhân ngày giỗ Đại tướng, ông Nguyễn Văn Ất (65 tuổi) bước từng bước rất khó khăn bởi đôi chân đã yếu đi vì bệnh tật. Ba năm nay, lòng ông đau đáu ước mơ được một lần về thắp nén nhang thơm cho người Anh Cả. Giờ thì ước mơ đó đã thành hiện thực.

Chuyến đi của ông cùng những đồng đội cũ ý nghĩa hơn bao giờ khi được thắp nén nhang lên mộ Đại tướng đúng vào ngày Đại tướng đi xa. Cùng với những cựu chiến binh, hàng nghìn người dân cũng chung niềm mơ ước. Bà Lưu Thị Kim (76 tuổi) đến từ thành phố Huế nghẹn ngào tâm sự: “Tui chỉ mong được một lần về thăm Đại tướng. Giờ ước mơ thành hiện thực, tui thỏa nguyện và an lòng quá chừng!”.

Hơn nghìn ngày Đại tướng về an nghỉ trong lòng đất mẹ cũng là khoảng thời gian mà những người lính biên phòng gắn bó với biển Vũng Chùa. Đại úy Đồng Thanh Hải, Đội trưởng Đội bảo vệ Vũng Chùa, Đồn biên phòng Roòn cho biết, có mặt ngay từ những ngày Đại tướng từ trần, anh và đồng đội đã cùng nhau canh giấc ngủ cho Đại tướng.

- Advertisement -

Họ đã trải qua những mùa bão giông, giá rét và những ngày nắng đẹp, hạnh phúc và cảm động trước những tấm chân tình của người dân khắp mọi miền Tổ quốc khi về đây viếng Người. Không chỉ bảo vệ bình yên cho giấc ngủ của Đại tướng, những người lính biên phòng còn mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách, trong đó ngày cao điểm lên tới trên 43.000 người.

“Có những cựu chiến binh sức khỏe yếu, chúng tôi dùng xe lăn đưa các đồng chí lên viếng mộ. Hình ảnh những người lính già rơi nước mắt trước mộ Đại tướng khiến cho tất cả mọi người, trong đó có chúng tôi, dù nhiều lần được chứng kiến cũng không ngăn được niềm xúc động”, đại úy Đồng Thanh Hải tâm sự.

Ba năm, từ thời khắc Đại tướng trở về yên nghỉ trong lòng đất mẹ, đã có gần 300.000 đoàn với 3.856.449 lượt người viếng thăm. Và Quảng Đông, vùng đất dưới chân Đèo Ngang với hình ảnh mang nỗi buồn hoang hoải trong thơ của Bà huyện Thanh Quan năm xưa và đầy những âu lo, trăn trở của những năm gần đây, giờ đã có những đổi thay đến ngỡ ngàng.

Biển Vũng Chùa trở thành nơi quy tụ tình yêu, lòng ngưỡng vọng của nhân dân cả nước đối với Đại tướng. Hoa ban trắng, tình yêu của những người dân nơi đất trời Tây bắc đã về đây và lặng lẽ tỏa hương. 103 gốc mai vàng dưới chân mộ Đại tướng cùng 13.000 cây xanh được người dân và đoàn viên thanh niên trong tỉnh và cả nước tự tay trồng, chăm sóc giờ đã lên xanh và nở hoa mỗi độ xuân về. Trống đồng, súng thần công, súng lệnh, những bảo vật được những người thợ đúc đồng tài hoa đất Lam Kinh miệt mài rèn đúc được nhân dân Thanh Hóa mang về dâng Người, như lời hứa thiêng liêng, như khí phách, quyết tâm bảo vệ non sông của người dân Việt Nam trước vong linh Đại tướng.

Và tình yêu, lòng ngưỡng vọng của nhân dân dành cho Đại tướng còn là những điều giản dị như ống cơm lam, sản vật của người dân Cao Bằng trong mâm lễ vật dâng Người; là giọt nước mắt lặng lẽ của bà má miền Nam quen thuộc trong hình ảnh chiếc khăn rằn lần đầu tiên được thắp hương lên phần mộ của Người; là chiếc áo in hình Đại tướng trang trọng phía trái tim…

Nghìn ngày trên đất mẹ

Chiến sĩ Đội bảo vệ Vũng Chùa bên mộ Đại tướng.

Ngày này, gia đình Đại tướng với đầy đủ con cháu về đây làm mâm cơm giỗ Người. Từ thời điểm Đại tướng chọn Vũng Chùa làm nơi yên nghỉ, vùng đất này đã trở thành chốn về thân thương của mọi thành viên trong gia đình. Người dân và các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng vui mừng đón họ như những người thân, chân tình và nồng hậu.

- Advertisement -

Ngày mùa thu, trời biển Vũng Chùa biếc xanh. Trong tiếng chuông đồng trầm mặc ngân vang, đứng bên mộ Người, cảm giác gần gũi, thân thương chợt ùa về. Sinh thời, Đại tướng hằng tâm niệm: “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó!”. Bởi tâm niệm ấy, ông như cánh chim bằng một đời không ngưng nghỉ, đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho hạnh phúc nhân dân. Ông điềm tĩnh và tự tin vượt qua mọi thử thách. Giờ thì cánh chim bằng nằm đó, bình yên trong lòng đất mẹ, thanh thản, bao dung và gần gũi vô cùng.

Ba năm trước, khi Người từ giã cuộc đời với đầy những thử thách và vinh quang, giữa rất nhiều những bài viết tri ân, tiếc thương Đại tướng, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết “Nước mắt rơi chung”. Hình ảnh Đại tướng trong bài viết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một “ông tướng” hiền lành, giản dị đến lạ lùng. Và “Ông tặng cái chết của mình cho người dân như một cơn mưa phúc lành”, bởi cái chết của ông đã hóa giải bao tị hiềm và bon chen, để mọi người xích lại gần nhau, gắn kết cùng nhau trong dòng nước mắt rơi chung. Để rồi tất cả cùng nhau “thở hắt ngậm ngùi: Rồi ai cũng về, người ở đến gần một trăm lẻ ba năm chớ đâu ít ỏi gì, mà sao ai cũng tiếc”.

Đời người là hữu hạn, nhưng những điều đẹp đẽ sẽ mãi mãi trường tồn. Như nhiệt huyết của bao thế hệ tuổi trẻ mà Đại tướng luôn quan tâm chăm lo, đang được tiếp nối.

Như những dấu chân không mỏi của những người lính luôn soi mình vào tấm gương của người Anh Cả để sống, chiến đấu vì độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân. Hay bình dị như bao cỏ cây đã lên xanh, đơm hoa và tỏa bóng. Người như cánh chim bằng đã yên nghỉ thanh thản trong lòng đất mẹ, nhưng đâu đó giữa bạt ngàn núi rừng Trường Sơn, giữa thành phố Điện Biên Phủ hôm nay, hay nơi biển Đông muôn trùng sóng vỗ… vẫn mãi âm vang nhịp đập của cánh chim bằng.

Theo Ngọc Mai (Báo Quảng Bình)

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm