6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ngư Thủy: Ngư dân chạy ăn còn thiếu lấy đâu ra tiền trả lãi vay?

- Advertisement -

Anh Nguyễn Thanh Phong, tổ trưởng tổ vay vốn ở thôn Tân Hải (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nói nghèn nghẹn: “Có ngày tui đi thu tiền lãi vay của Ngân hàng Chính sách xã hội của các hộ dân trong nhóm mà chẳng được đồng nào. Đến đâu bà con cũng nói thông cảm vì chạy ăn…”

Nhiều gia đình ở xã biển cần vốn để chuyển sinh kế

Anh Nguyễn Thanh Phong, tổ trưởng tổ vay vốn ở thôn Tân Hải (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nói nghèn nghẹn: “Có ngày tui đi thu tiền lãi vay của Ngân hàng Chính sách xã hội của các hộ dân trong nhóm mà chẳng được đồng nào. Đến đâu bà con cũng nói thông cảm vì chạy ăn còn thiếu thì lấy mô ra tiền trả lãi vay. Không đi thu thì thiếu trách nhiệm, mà đi thu nghe bà con nói cũng tội quá. Không biết đến khi mô hết khổ”.

Vài chục ngàn cũng khó

Ông Ngô Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, cho chúng tôi biết, chỉ tính riêng vay theo kênh của Ngân hàng Chính sách xã hội với các đối tượng hộ nghèo và chính sách ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ là 479 hộ, với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ gia đình khác vay sản xuất ở các ngân hàng khác cũng có thêm con số vài chục tỷ đồng.

Gần trưa, chúng tôi ngồi với các trưởng nhóm vay vốn của các Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… của xã Ngư Thủy Bắc. Gần như ai cũng trong tâm trạng bồn chồn vì mấy tháng nay tiền lãi phải thu hàng tháng đều gặp khó.

Anh Trần Văn Linh, tổ trưởng vay vốn thôn Bắc Hải, đồng thời là trưởng thôn cho hay: “Vốn vay được chia làm nhiều kênh như vay sắm ngư lưới cụ, vay phát triển sản xuất chăn nuôi, vay nước sạch… với mức vay không lớn, người ít chừng hơn mười triệu, người nhiều gần bốn mươi triệu. Nhưng các hộ vay đều nằm trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nên lại càng khó trong chuyện trả lãi, trả gốc vay”.

Ngay cả gia đình anh Linh cũng được vay gói mua sắm ngư lưới cụ 20 triệu đồng. Trước đây, mỗi đêm ra biển thì cũng để dành dụm được vài chục ngàn đồng gom lại để cuối tháng trả lãi vay. Từ tháng 5 đến bây giờ, thuyền đánh cá của gia đình thường xuyên nằm trên cát. Có hôm đi biển cũng chỉ đủ ngang chi phí hoặc có cá bán cũng chẳng ai mua, nên bí như dùng tay chặt đá.

Tổ vay vốn do anh Trần Thanh Phong phụ trách có số hội viên 39 người. Anh Phong cho biết, tổng dư nợ trên 900 triệu đồng. Trong nhóm có hai tổ viên là Võ Văn Diên và Trần Quang Tài vay nhiều nhất là 30 triệu đồng/hộ để mua sắm ngư lưới cụ.

- Advertisement -

Người dân vùng biển ở nhà xây nhưng đang thiếu ăn

Chỉ tay ra đống lưới được bao tròn trong bạt nhựa để dưới gốc cây, anh Tài rầu rầu: “Từ buổi đầu tháng 5 đến chừ không được đồng mô từ biển. Cả nhà có 5 miệng ăn mà cứ trông chờ vào trợ cấp thì khốn khó lắm. Tháng trước tui có đi phụ hồ ở dưới thành phố mỗi ngày được hơn trăm ngàn. Vì chưa quen việc nên bị gạch rơi vào chân phải về nghỉ cho lành mới đi làm được. Cả mấy tháng nay không trả được đồng tiền lãi mô cho tổ trưởng cả. Biết là vi phạm nhưng làm răng được bây chừ?”.

Tổ trưởng Phong cũng chia sẻ: “Tui cũng động viên bà con kiếm việc chi mà làm chứ tình hình khó khăn còn kéo dài lắm. Cũng nghe thông tin ngân hàng khoanh nợ, khoanh lãi vay cho bà con nhưng không biết lúc nào thực hiện. Vẫn cứ thấy nhắc việc thu tiền lãi để nộp”.

Cũng trong tâm trạng tương tự, chị Nguyễn Thị Luyện, tổ trưởng một nhóm vay thuộc khối phụ nữ với 41 hội viên có số dư nợ trên 1,55 tỷ đồng. Đồng vốn vay được các tổ viên sử dụng vào phát triển sản xuất, mua bán, sơ chế thủy sản.

Theo chị Luyện, đồng vốn chủ yếu tập trung vào hậu nghề cá nên khi thuyền không ra khơi thì gần như ngưng trệ sản xuất. Do không sản xuất được nên nguy cơ thâm hụt vào đồng vốn và không có lợi nhuận để trả lãi là rất lớn. Sau mấy tháng ngừng đi biển thì gần như việc thu lãi hàng tháng của các hội viên đã không còn được như trước. Phần lớn chị em trong tổ đều khất nợ và khất đến lúc nào thì cũng chưa biết được.

Khó trả, khó vay

Xóm Tân Hải ai cũng biết nhà ông Quyện thuộc diện hộ nghèo. Ông Quyện bị tật ở chân nên đi cà nhắc. Thấy ông gặp khó, mọi gia đình có thuyền trong thôn đều bố trí cho ông đi theo ra biển để cũng kiếm sống. Mỗi chuyến đi biển về, ông Quyện được bạn thuyền chia phần như một lao động lành lặn.

Gia đình ông Quyện đã hết gạo ăn

Bớt khó, nhưng gia đình ông cũng chẳng thể hết nghèo. Năm ngoái, căn nhà lá của ông bị gió làm cho xiêu vẹo. Cán bộ ngân hàng về tận nơi xem xét và cho ông vay gói hỗ trợ làm nhà 50 triệu đồng, vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội và bà con lối xóm, ông dựng được căn nhà xây hai gian lợp ngói tránh được gió mưa. Nhà làm xong thì hết sạch tiền nên cửa để trống hoắc.

- Advertisement -

”Hôm mưa ảnh hưởng bão số 4, nhà không cửa nên mưa như đổ nước vào nhà, cả gia đình phải cùng nhau ra ngồi ở căn nhà bếp che bạt trú qua đêm”, ông Quyện kể lại.

Bây giờ cả xóm chẳng còn ai ra biển, có đi cũng không có thu nhập nên ông Quyện và vợ cặm cụi đào ao nuôi cá lóc, dựng chuồng nuôi lợn hy vọng có được đồng tiền. Không có tiền mua cá giống, vợ ông Quyện men theo các con khe tìm xúc cá lóc sinh tự nhiên về nuôi.

“Vì cá xúc từ khe về nuôi nên chậm lớn lắm. Cá nhà họ bán được rồi mà cá nhà tui chỉ bằng mấy ngón tay”, ông Quyện bộc bạch. Nợ vay không trả được đã đành, bữa ăn hàng ngày cũng khó kiếm ra.

Nghe ông Quyện nói nhà đã hết gạo, mấy bữa đã đi mượn bà con, tôi và đồng nghiệp mở ví chia sẻ cùng gia đình mấy trăm ngàn. Ông Quyện cầm tiền mà cứ thừ người ra. “Tui muốn vay thêm vài chục triệu nữa để mua lợn về nuôi. Nhưng nợ nhiều rồi thì ai cho mình vay được. Mà không có tiền để nuôi cá, nuôi lợn thì cũng chẳng biết làm chi được nữa”, ông Quyện tỏ ra thất vọng.

Cũng theo ông Quyện, đến nay gia đình ông mới chỉ nhận được 30 kg gạo/người theo chủ trương cấp gạo của Chính phủ. Nhà ông có 4 người gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ. Cậu con trai lớn làm trụ cột gia đình thì bị tai nạn mất. Đứa con gái lớn lấy chồng, nhưng cũng khó khăn nên gửi cháu ngoại về cho ông bà nuôi.

“Cháu không có hộ khẩu ở địa phương nên cũng không có suất hỗ trợ gạo”, ông Quyện nói thêm. Trưa đứng bóng, ông Quyện không chịu ngồi trong nhà mà cứ bước thấp, bước cao trên sân nhà đầy cát để tiễn chúng tôi.

Cũng nói về gạo được hỗ trợ, ông Trần Quang Lợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho hay, các hộ nằm trong diện được cấp gạo hỗ trợ tối đa là 6 tháng. Nhưng bà con ở đây mới chỉ nhận được hơn 22 kg gạo/người. “Tức là đã qua 5 tháng nhưng mới chỉ nhận được một tháng rưỡi thôi. Vì vậy nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu gạo ăn là điều không tránh khỏi”, ông Lợi nhấn mạnh.

Gia đình anh Ngô Công Khánh được xem là khá giả của thôn vì có hai chiếc thuyền (mỗi thuyền có 4 lao động) đi biển. Gần 5 tháng nay, hai thuyền được kéo lên vạt phi lao cách bờ biển cả trăm thước. Không ra biển, anh quyết định chuyển đổi sang nuôi lợn. Dốc vốn liếng, vay bạn bè khắp nơi, anh làm được khu chuồng trại khoảng trăm mét vuông chia làm 4 khu nuôi. Trại làm chưa xong thì sạch tiền nên cứ tạm dừng lại. Đề xuất được vay vốn thì gia đình không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên phải nhường lại cho bà con khó khăn.

“Thành thử bây giờ tui cứ phải đợi đến lúc có chính sách cho vay chuyển đổi nghề thì mới tiếp tục làm hoàn thiện để nuôi. Nhưng mà như vậy thì đến lúc nào?”, anh Khánh tự đặt câu hỏi.

Một cán bộ huyện Lệ Thủy cho biết, đến bây giờ, phản ánh của người dân mới chỉ nhận được trên 22 kg gạo hỗ trợ là đúng. Số còn lại, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đang làm tờ trình, thủ tục xin Chính phủ cấp tiếp để chuyển đến hỗ trợ cho bà con ngư dân. Như vậy, sau 5 tháng sự cố cố môi trường biển, số gạo cần thiết vẫn chưa đến đủ cho ngư dân. Vì vậy, hiện tượng thiếu gạo ăn là điều khó tránh khỏi.

TÂM PHÙNG

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm