7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đình làng Trung Nghĩa

- Advertisement -

Nằm phía Tây thành phố Đồng Hới, Nghĩa Ninh là vùng đất bán sơn địa trải dài 12 km, rộng khoảng 7km. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Nghĩa Ninh có một vị trí đặc biệt dưới các triều đại phong kiến.

Từ thế kỷ XVI, Nghĩa Ninh đã có tên là làng Chính Thủy hay Trung Kiển theo Tiến sỹ Dương Văn An trong Ô châu Cận lục (1553) đã viết. Đến thế kỷ XVIII, trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, làng Chính Thủy thuộc huyện Khang Lộc, tổng An Đại, phủ Tân Bình. Dưới triều Nguyễn, Chính Thủy đổi thành xã Trung Nghĩa. Các dòng họ đến khai canh, lập làng, xây dựng đền, miếu, đình làng Trung Nghĩa, xây dựng làng xóm, gìn giữ thuần phong mỹ tục, gìn giữ cốt cách văn hóa đậm đà bản sắc.

Đình làng Trung Nghĩa là một tổ hợp kiến trúc nửa gạch, nửa gỗ. Đình gồm 3 gian, gian giữa rộng, hai gian bên hẹp hơn. Cột bằng gỗ lim, lợp ngói, tường xây; cột gỗ, vì kèo, đòn tay chạm trổ rất công phu. Đình gồm ba bộ phận chính, chính điện thờ Thành hoàng làng. Hàng năm vào những ngày đầu xuân, làng tổ chức lễ “cầu nông”, lễ “xuống đồng” cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu mùa màng bội thu tại đình làng Trung Nghĩa.

Đình làng Trung Nghĩa (Nghĩa Ninh) đang được dựng lại.

Lễ Hạ điền do một người cao niên đứng ra chủ trì, có cúng vái, có cờ quạt, hương khói, lễ vật được cúng tại đình làng sau đó ra tế thần nông, xuống ruộng cày cấy, mở đầu cho một vụ mùa mới. Cuối năm vào khoảng 25 tháng chạp, tổ chức lễ “đóng cửa rừng”. Vào những ngày hội làng, tại đình làng thường tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Người dân Trung Nghĩa yêu mến các làn điệu dân ca, thích hò khoan, hò hụi, hát ví, hát giao duyên, hò lỉa gỗ,…

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghĩa Ninh là vùng căn cứ của cách mạng. Nhiều người con của Nghĩa Ninh đã tham gia cách mạng rất sớm, được sự giáo dục rèn luyện của các đồng chí đảng viên phủ Quảng Ninh và thị xã Đồng Hới đã không quản ngày đêm bảo vệ làng, tuyên truyền nhân dân đứng lên chống trả thực dân-phong kiến. Những bậc tiền bối, con em của Trung Nghĩa-Nghĩa Ninh đã cùng với các đồng chí trong  Mặt trận Việt Minh chia nhau về các làng tuyên truyền, vận động nhân dân chờ thời cơ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Chỉ sau một thời gian ngắn vận động, nhiều quần chúng được giác ngộ trở thành cơ sở tin cậy, nòng cốt của phong trào cách mạng. Đội tự vệ cứu quốc của làng được thành lập, hoạt động công khai và bán công khai, cùng với thanh niên yêu nước và các tầng lớp nhân nhân áo quần nai nịt gọn gàng, vũ khí thô sơ là giáo, mác, gậy gộc, ngày đêm luyện tập tại đình làng Trung Nghĩa.

Tại đây, đêm 22 rạng ngày 23 tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, nhân dân, đội tự vệ thôn và toàn thể nhân dân làng Trung Nghĩa, làng Phương Xuân đã tập hợp tại đình làng Trung Nghĩa, tiến về thị xã Đồng Hới, nhập với đoàn quân của các xã phường trong thị xã Đồng Hới giành chính quyền trong ngày khởi nghĩa 23 tháng 8 năm 1945.

- Advertisement -

Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, đình làng Trung Nghĩa là nơi được Ủy ban khởi nghĩa dùng để hội họp với toàn thể nhân dân. Đình còn là nơi được dùng để dạy học chữ quốc ngữ cho nhân dân trong toàn xã, nơi tổ chức bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa I vào ngày 6 tháng 1 năm 1946 và bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đình còn là nơi tổ chức quyên góp “Tuần lễ vàng, tuần lễ đồng” do Chính phủ và Bác Hồ phát động.

Năm 1947, thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Quảng Bình. Chúng mở rộng nhiều cuộc càn quét về phía Tây nơi có các căn cứ, chiến khu Rẫy Cau, Bàu Rèng, Thuận Đức của tỉnh và thị xã Đồng Hới. Cũng năm này, thực dân Pháp tiến đánh Nghĩa Ninh, quân y viện dã chiến buộc phải chuyển lên Rào Trù-Rào Đá. Để tiêu thổ kháng chiến, đình làng Trung Nghĩa phải đốt để ngăn không cho địch dùng làm nơi đóng quân. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Nghĩa Ninh anh dũng, kiên cường, bằng lối đánh du kích đã đẩy lui nhiều đợt càn quét của thực dân Pháp lên đốt phá làng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng, giết nhiều tên địch.

Nghĩa Ninh trở thành vùng tự do, các cơ quan Tỉnh ủy, Thị ủy đều trở về đứng chân trên địa bàn để chuẩn bị cho việc tiếp quản thị xã ngày 18 tháng 8 năm 1954. Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là túi bom của đế quốc Mỹ vì nằm trên tuyến đường huyết mạch Trường Sơn 15A. Đình làng Trung Nghĩa đã từng được dùng chứa hàng trăm tấn đạn dược, vũ khí chi viện cho miền Nam để đánh Mỹ . Năm 1972, đình bị bom B52 của Mỹ san phẳng.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân Nghĩa Ninh và sự đóng góp của con em quê hương cũng như nhân dân toàn xã Nghĩa Ninh, đình làng Trung Nghĩa đã được dựng lại trên nền của đình cũ vào tháng 6 năm 2015. Hy vọng Đình làng Trung Nghĩa sẽ được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, để từ đó nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu về tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do, quyết tâm xây dựng Nông thôn mới ngày càng giàu đẹp văn minh.

Trần Thị Diệu Hồng

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm