7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Cầu Ka Tang: Nơi ghi dấu những chiến công

- Advertisement -

Được công nhận di tích quốc gia ngày 7-5-2009, công nhận di tích quốc gia đặc biệt ngày 12-9-2013, cầu Ka Tang, xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) là nơi ghi dấu những sự kiện, chiến công vẻ vang và sự hy sinh gian khổ của các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên con đường 15A cũ (đường Hồ Chí Minh hiện nay) để bảo đảm giao thông thông suốt từ Bắc vào Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Dưới chân cầu Ka Tang còn lại ba mố cầu cũ đã bị hư hỏng nặng.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đóng vai trò hết sức quan trọng, đây là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến miền Nam. Trên con đường này, đã có biết bao cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang cùng với lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến, nhân dân địa phương… kiên cường, dũng cảm vượt qua những thử thách khốc liệt trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù để làm nên những chiến công huyền thoại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên tuyến đường ấy, cầu Ka Tang là một trong những điểm bị Mỹ bắn phá ác liệt nhất. Cầu do đội cầu 4, đội cầu 10 của Bộ GTVT đảm nhiệm xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành vào tháng 8-1964.  Đây là cây cầu đầu tiên được xây dựng bằng bê tông, cốt thép trên con đường chiến lược 15A. Nằm ở địa điểm trung tâm, gần Tổng kho R (một trong 3 tổng kho dự trữ chiến lược của Đoàn 559 trên đất Quảng Bình, kho thuộc Binh trạm 12 nằm ở các hang động vùng Hóa Thanh, Hóa Tiến (Minh Hóa) dự trữ và xuất hàng cho các đoàn xe ra chiến trường theo đường 12 nên đế quốc Mỹ cho máy bay đánh phá trọng điểm này với mức độ ác liệt. Mùa hè năm 1965, cầu Ka Tang bị bom đánh sập hoàn toàn.

Thời gian này, vùng ngầm cầu Ka Tang được ví như là túi bom trên đường 15A, cầu bị đánh sập nên nhiệm vụ bảo vệ ngầm là công việc cực kỳ nguy hiểm và gian khó. Ngày 20-7-1965, lực lượng TNXP C754 có 178 đội viên mới được điều động lên làm nhiệm vụ nâng ngầm Ka Tang lên 40cm, mở rộng 6m, dài 100m với hơn 300m3 đá để xe qua dễ dàng hơn. Trong quá trình bảo đảm giao thông trên ngầm, có lần địch rải thảm bom, ngầm bị vỡ, xe không qua được, việc vá ngầm khi nước đang chảy xiết và máy bay Mỹ rình rập đánh phá là công việc không đơn giản, nhưng lực lượng TNXP C754 đã dùng thân mình dàn hàng cản bớt sức nước cho đồng đội đưa từng rọ đá xuống tạo chân ngầm, bảo đảm thông xe an toàn.

Để tạo điều kiện cho các đoàn xe vượt sông Ka Tang nhanh và an toàn, năm 1966, ta đã xây dựng cầu cáp vượt sông. Đội TNXP C754 được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu và chống lầy ở hai đầu cầu. Cầu dài 72m, rộng 4m, cao so với mặt nước 7 đến 8m. Vào giờ cao điểm thì phải tháo cầu ra, sẵn sàng lắp ráp lại khi có xe đến để qua sông.  Năm 1967, địch phát hiện có cầu bắc qua sông nên nơi đây bị bắn phá ác liệt, tuy vậy, chưa khi nào đoàn xe phải dồn chân nơi trọng điểm để chờ cầu. Địch đánh cả ngày lẫn đêm, để bảo đảm khối lượng hàng hóa ra chiến trường kịp thời, để xe qua ngầm vào ban đêm an toàn, các lực lượng đã bố trí cứ 5m/1 người đứng làm cọc tiêu để đưa xe vượt ngầm.

Trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng cầu, ngầm Ka Tang đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng như: Anh Lê Viết Lâm đã xung phong tháo gỡ 10 quả bom nổ chậm mà địch thả xuống, đến quả thứ 9 thì anh hy sinh, chị Đinh Thị Thu Ngà, công nhân giao thông làm nhiệm vụ tiếp cơm cho bộ đội và kiêm luôn nhiệm vụ băng bó chuyển tải thương binh, liệt sỹ. Khi có pháo thủ hy sinh thì chị là người lên thay thế, tiếp đạn…

Ngày 5-3-1966, cầu tràn Ka Tang đang thi công dồn dập, 12 tấn xi măng chở vào để xây dựng cầu thì bị máy bay Mỹ ném bom. Một quả trúng mục tiêu chưa nổ, chui tụt xuống đất khoảng 4m nằm chính giữa kho, nếu quả bom nổ thì 12 tấn xi măng mất sạch, anh Bùi Đức Nhuận, cán bộ kỹ thuật đội cầu 4 đã đề nghị Ban lãnh đạo đưa anh em ra cứu hàng, riêng anh ngồi trên miệng hố bom để canh, sẵn sàng hô khẩu lệnh khi cảm nhận bom sắp nổ.

- Advertisement -

Bia di tích lịch sử cầu Ka Tang

Ông Nguyễn Xuân Thơ, sinh năm 1945, tại thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tham gia lực lượng TNXP năm 20 tuổi, chiến đấu và làm nhiệm vụ ở cung đường Ka Tang – Khe Núng cho biết: Cung đường ngày ấy là một trong những tọa độ lửa gánh chịu hàng ngàn tấn bom đạn mà máy bay Mỹ dội xuống ngày đêm. Tuy nhiên, lực lượng TNXP, công nhân giao thông, bộ đội… vẫn kiên trì bám trụ, vừa chiến đấu vừa mở đường bảo đảm lưu thông con đường huyết mạch, vận chuyển hàng hóa, đạn dược chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Chỉ tính trong 4 năm chốt giữ ở trọng điểm Ka Tang (1965-1968), đội cầu 4 đã phải chịu đựng 316 trận đánh với trên 8.000 quả bom cỡ lớn, chưa kể các loại bom nhỏ, bom bi, tên lửa, rốc két, mìn…

Cách cầu Ka Tang 200m, hiện nay, có một hầm trực chiến dài 6m, rộng 3,5m sức chứa trên 20 người. Năm 1965 đến 1973, đây là nơi hàng đêm có 5 đến 10 người túc trực để xử lý tức thời những sự cố về ngầm, cầu đường cho xe qua, cũng là nơi thông báo tình hình bắn phá của máy bay Mỹ và tình trạng giao thông trọng điểm Ka Tang và Khe Núng cho Ban chỉ huy và trạm điều chỉnh giao thông khi có sự cố xảy ra. Hầm trực chiến này cũng là nơi tập kết và sơ cứu cho các đồng chí bị thương khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, dưới chân cầu Ka Tang còn lại 3 mố cầu cũ đã bị hư hỏng nặng do máy bay Mỹ đánh phá và do thời gian, là dấu tích ghi lại những sự kiện lịch sử hào hùng của cầu Ka Tang và những người đã làm nên huyền thoại. Những di tích đó cần được quan tâm đầu tư tu bổ và bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Nói về ý nghĩa lịch sử của di tích, ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa cho biết: “Di tích cầu Ka Tang có giá trị về mặt lịch sử to lớn, ghi dấu nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Thông qua đó để giáo dục cho người dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước của thế hệ ông cha chúng ta đã không tiếc tuổi thanh xuân, hy sinh cả xương máu, để giành lấy cuộc sống hòa bình, ấm no cho thế hệ mai sau”.

Thanh Hoa

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm