5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tái cơ cấu nông nghiệp: Tăng giá trị trên một đơn vị diện tích

- Advertisement -

Những năm qua các địa phương trong tỉnh đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bố trí lại cơ cấu cây trồng, bước đầu nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên do nằm trong vùng có điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bị hạn hán, lũ lụt  nên năng suất và sản lượng cây trồng không cao, giá trị thu nhập trên một ha chỉ đạt xấp xỉ 30 triệu đồng, bằng 70% mức bình quân cả nước. Bởi vậy vấn đề cốt yếu đặt ra của chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh ta là làm thế nào để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, mục đích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là phải làm tăng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Hiện nay diện tích canh tác trên địa bàn có giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm trở lên khoảng hơn 14.000 ha, chiếm 17% diện tích sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4,0%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (dự báo mức tăng trưởng nông nghiệp năm 2016 cả nước âm).

Tỉnh ta có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá dồi dào với khoảng 67.500ha, trong đó đất trồng cây hàng năm 43.500 ha, đất trồng cây công nghiệp trên 20.000ha… Một trong những giải pháp mà ngành Nông nghiệp chỉ đạo nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác mang lại hiệu quả là, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác.

Kết quả, các địa phương thực hiện được 2.628ha (chuyển đổi cây trồng cạn 813ha, lúa cá 1.814ha); hình thành một số vùng chuyển đổi tập trung cho thu nhập 38-160 triệu đồng/ha, lãi 10-55 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 1,4-9 lần so với trồng lúa.

Tỉnh đã chỉ đạo mở rộng sản xuất theo cánh đồng lớn trên 20 cánh đồng, có diện tích 1.269ha, với sự tham gia của 11 doanh nghiệp; sản lượng thu mua trên 3.500tấn. Giá lúa giống thu mua cao gấp 1,25 lần thị trường (giá lúa thương phẩm từ 5.400-7.800 đồng/kg).  Sở dĩ diện tích ngô tăng qua hàng năm là nhờ chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang ngô. Đến nay toàn tỉnh có 4.661ha ngô, trong đó chuyển từ đất lúa 293ha, lợi nhuận đạt 27,4 triệu đồng/ha, gấp 2,9 lần lúa.

Đặc biệt trong 2 vụ hè – thu gần đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo sản xuất thử thành công ngô biến đổi gen NK66BT/GT trên đất lúa hè – thu hiệu quả thấp cho thu nhập cao hơn lúa, có khả năng nhân rộng. Mặt khác chỉ đạo nông dân thực hiện liên kết với doanh nghiệp Lê Dũng Linh (Quảng Trạch), Gia Hân (Tuyên Hóa) trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi bò mang lại hiệu quả cao gấp 1,5  lần so với trồng ngô lấy hạt.

Trồng đậu xanh ở xã Mai Thủy (Lệ Thủy), đạt giá trị cao gấp 2 lần trồng lúa.

Bên cạnh đó, tỉnh đã mở rộng trồng sắn nguyên liệu trên diện tích cao su bị đổ gãy, trồng xen trong cao su chưa khép tán, đồng thời đưa một số giống năng suất cao và áp dụng quy trình trồng thâm canh sắn bền vững, phối hợp với tổ chức SNV triển khai cánh đồng lớn, kết nối các vùng trồng sắn với 2 nhà máy chế biến tinh bột, diện tích liên kết khoảng 6.100ha. Các nhà máy thu mua trên 17.000 tấn, giá bình quân 1.500 đồng/kg, lợi nhuận đạt 17 triệu đồng/ha. Đồng thời, triển khai thí điểm 85ha cánh đồng lớn khoai lang ở Lệ Thuỷ gắn với cơ sở Phan Xuân Lâm (Thanh Thuỷ) thu mua 680 tấn, giá 5.000-10.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 26-28 triệu đồng/ha.

- Advertisement -

Cùng với đó, diện tích sản xuất rau an toàn, ngày được mở rộng, đến nay đạt 5.850ha rau các loại, sản lượng 58.328 tấn. Giá trị thu nhập bình quân của 1ha rau an toàn 120-150 triệu đồng/năm. Rau xanh Đồng Hới đã tạo được thương hiệu là một tín hiệu rất đáng mừng đối với người trồng rau. Đến nay, vùng rau chuyên canh của thành phố có diện tích khoảng 250ha, với giá trị thu nhập bình quân từ 150 đến 180 triệu đồng/ha; tập trung ở Đức Ninh, Bảo Ninh, Bắc Nghĩa…

Trong các địa phương, dẫn đầu về giá trị thu nhập là Đồng Hới đạt 35,5 triệu đồng/năm/ha, tiếp đến thị xã Ba Đồn 32 triệu đồng, huyện Quảng Trạch 30,5 triệu đồng, Lệ Thủy 30 triệu đồng/năm/ha… Huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa đạt xấp xỉ 20 triệu đồng/năm/ha.

So với các huyện trong tỉnh, thì diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thành phố Đồng Hới không nhiều (diện tích đất lúa 2 vụ khoảng 1.000ha) trong khi đó ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Mỗi năm trên địa bàn Đồng Hới có khoảng vài trăm ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị thu hồi để xây dựng các công trình, dự án.

Theo đó số lao động nông nghiệp thiếu việc làm cũng tăng theo qua hàng năm. Để giải quyết vấn đề này, Thường vụ Thành ủy Đồng Hới đã ban hành Nghị quyết 10 về chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng rau xanh, mở đầu cho việc chỉ đạo chuyển đổi cách làm cũ sang phương thức canh tác mới hơn, hiệu quả hơn.

Thành ủy Đồng Hới cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) với mục tiêu là “Xây dựng nền nông nghiệp của thành phố phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa và bảo vệ môi trường”, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

Những hình thức chuyển đổi được xem là phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở tỉnh ta là, chuyển đất 2 vụ lúa thành 2 vụ lúa và một vụ ngô đông; một vụ lúa chính vụ, một vụ lúa hè – thu và nuôi cá (hoặc vịt); đất 3 vụ màu, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; đất 2 vụ ngô một vụ lạc; đất trồng màu chuyển sang trồng hoa, dưa hấu và rau…

Các mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao là, đất 2 vụ lúa kết hợp với trồng rau vụ đông (bí ngồi, dưa chuột…) với diện tích 950 ha ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn… đạt giá trị từ 50 đến 70 triệu đồng/ha, tăng 25 triệu đồng so với trước khi chuyển đổi. Đất ở vùng chiêm trũng sản xuất một vụ lúa, kết hợp với lúa tái sinh và nuôi cá (chủ yếu ở Lệ Thủy, Quảng Ninh) với diện tích trên 1.000 ha cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha, tăng 20 triệu đồng/ha; mô hình đất 3 vụ màu ở các vùng đồi, biền bãi ven sông với diện tích 600ha đã cho thu nhập bình quân tăng 10 triệu đồng/năm; mô hình đất trồng lúa 2 vụ và trồng thêm ngô đông với khoảng 100 ha ở Quảng Trạch, Bố Trạch cho thu nhập  tăng 8 triệu đồng so với khi chưa chuyển đổi…

Tuy nhiên do nằm trong vùng điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bị hạn hán, lũ lụt  nên năng suất và sản lượng cây trồng của tỉnh ta không cao, giá trị thu nhập trên một ha chỉ đạt xấp xỉ 30 triệu đồng, bằng 70% mức bình quân cả nước. Số diện tích lúa có thu nhập 50 triệu đồng/năm/ha còn ít, mới  chỉ chiếm 21% tổng số đất trồng lúa hiện có. Nhiều vùng đất đai phong phú nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại còn hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao.

- Advertisement -

Nhìn nhận một cách khách quan thì, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh ta có tiến bộ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng về đất đai, lao động tại địa phương. Lúa tái sinh trên đất 2 vụ còn nhiều; diện tích lúa hè – thu không đạt kế hoạch; chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa thực sự mạnh, lượng hàng hoá chưa nhiều; diện tích cánh đồng lớn còn ít; doanh nghiệp tham gia chưa nhiều; cam kết giữa doanh nghiệp, nông dân chưa chặt chẽ, sản lượng thu mua còn thấp; chất lượng hàng hoá nông sản chưa cao và chưa có thương hiệu; phần lớn nông sản xuất khẩu sơ chế, vì vậy giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh thấp.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa nhằm đưa nhanh cơ giới hoá vào sản xuất; nâng tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất đối với cây hàng năm 90%, gieo trồng 20%, phòng trừ sâu bệnh 52%, thu hoạch 50%, bảo quản, chế biến nông sản 42%.

Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cánh đồng lớn trên lúa, ngô, lạc, sắn, ớt, khoai lang với diện tích các địa phương đăng ký 6.970 ha (lúa 1.955ha, sắn 4.700ha, ngô 180ha, khoai lang 100ha, lạc 35ha). Đặc biệt là, thực hiện liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sản lượng, thu nhập cho nông dân.

Con đường phát triển của ngành Nông ngiệp tỉnh ta hiện nay và những năm tới vẫn là tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lấy giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác làm thước do cho sự phát triển.

Tr.T

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm