6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Hương ước xưa và nay

- Advertisement -

Hương ước là sản phẩm văn hóa làng xã có mặt hàng trăm năm nay trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Hương ước là lệ làng, được soạn thảo thành văn bản, đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm phong phú đời sống làng xã: góp phần giữ gìn lệ làng phép nước, góp phần bảo tồn và phát huy nền văn hóa dân tộc…

Từ xa xưa, trong xã hội cổ truyền Việt Nam, hầu như làng xã nào cũng có hương ước, qui định những điều khoản cụ thể trong đời sống làng xã, nhằm bảo tồn, phát huy những phong tục hay, nếp sống đẹp, tình làng nghĩa xóm chan hòa… và ai ai cũng có bổn phận phải thực hiện.

Trang đầu bản hương ước cổ làng Cảnh Dương.

Trong đợt đầu sưu tầm, khảo cứu tư liệu Hán Nôm tỉnh Quảng Bình, trải qua hơn 10 làng xã, chúng tôi chỉ tìm thấy một tài liệu hương ước của xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch). Đây là tập hương ước thành văn cổ nhất của làng Cảnh Dương, được biên soạn lần đầu tiên vào năm Cảnh Hưng thứ 28 (1768).

Trong gần hai trăm năm tồn tại, hương ước làng Cảnh Dương đã trải qua ba lần bổ sung, điều chỉnh các điều khoản đã cũ, theo ý nguyện của tiền nhân ghi trong lần soạn thảo đầu tiên (1768): Quan viên trong làng, hội bàn, tham cổ, chước kim, làm rõ điều lệ cũ, làm phép nhất định lâu dài, muôn đời cùng giữ, không được sai trái. Nên có các điều cũ, bổ sung mới… Bản hương ước cổ còn lại hiện nay ở làng Cảnh Dương là bản sao lục vào năm Tự Đức thứ 22 (1869), nhờ được lưu trữ tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh.

Hương ước cổ làng Cảnh Dương có các điều khoản qui định rõ ràng từ biểu dương khen thưởng người có công, có việc làm tốt, hành vi văn hóa, học sinh học hành thi cử đỗ đạt; đến việc xử phạt những hành vi thiếu văn hóa, xâm phạm môi trường, lấn chiếm đất đai, gây mất đoàn kết, trộm cắp, các chức dịch lười biếng, trốn tránh trách nhiệm… trong hương thôn. Điều quan trọng là các điều khoản của hương ước làng Cảnh Dương được toàn dân thảo luận , đồng thuận và áp dụng cho bất kỳ ai, nếu người đó vi phạm: Các điều biên trên từ quan, binh, dân, già trẻ, nam nữ, đều y theo tín ước, ai  trái bị phạt không tha. Bổn xã trên dưới cùng ký (Điều 25).

Tìm hiểu hương ước làng Cảnh Dương và các hương ước truyền thống khác, chúng ta thấy mỗi hương ước đều thâu tóm toàn bộ mọi hình thức sinh hoạt của tất cả các lớp người trong cộng đồng làng xã bằng các nội dung sau đây:

–  Những qui ước khẳng định danh giới lãnh thổ của làng xã.
– Những qui ước liên quan đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
– Những qui ước liên quan đến cơ cấu tổ chức và các quan hệ xã hội trong làng xã.
– Những qui ước về việc bảo đảm các nghĩa vụ với làng xã, với nhà nước.
– Những qui ước về văn hóa, giáo dục và tôn giáo, tín ngưỡng.
– Những hình thức xử phạt của lệ làng.
– Việc soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, bảo quản và duy trì hương ước.

- Advertisement -

Thực tế cuộc sống làng xã xưa cho thấy mỗi người dân trong các cộng đồng này thực sự thấy được lợi ích và trách nhiệm của mình ở hương thôn qua các điều khoản cụ thể trên, do chính mình xây dựng nên và nhờ đó mà hương ước đã thực sự có tác dụng. Chính nhờ vào sự năng động và vai trò quan trọng ấy mà hương ước xưa đã trở thành một thực thể văn hóa tinh thần có giá trị ứng dụng, tồn tại song song với luật pháp nhà nước phong kiến ở hương thôn, và nhiều khi, trong một phạm vi nào đó, vai trò của nó thực là to lớn: “Phép vua (pháp luật) thua lệ làng (hương ước)”.

Sau Cách mạng Tháng Tám, chúng ta chủ trương xóa bỏ mọi tàn dư của chế độ phong kiến, hương ước theo đó cũng bị loại trừ ra khỏi đời sống tinh thần của nhân dân.

Cho đến gần đây, đối với nhiều người, hương ước vẫn còn là một khái niệm hết sức xa lạ, thậm chí là một cái gì đó lạc hậu, không mang tính thời đại. Không ít người đã nhận thức một cách đơn giản rằng: hiện nay, pháp luật XHCN đã đủ khả năng điều chỉnh, bảo vệ các mối quan hệ xã hội và giáo dục cộng đồng, không cần đến hương ước nữa!

Nhưng thực tế cuộc sống không phải lúc nào cũng xảy ra như vậy. Nhiều năm qua, người ta vẫn kêu ca về tình trạng thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa ở hương thôn bị mai một, nhiều chuẩn mực đạo lý truyền thống bị biến dạng…, mặc dù pháp luật XHCN nước ta ngày càng hoàn thiện, ngày càng phát huy tác dụng. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này theo chúng tôi là do hiện nay mỗi làng xã, khu phố thiếu một hương ước chất lượng để cùng tham gia điều chỉnh, bảo vệ các mối quan hệ xã hội và giáo dục trong cộng đồng dân cư, dĩ nhiên, đó không phải hương ước theo lối cổ.

Một đám cưới theo nếp sống mới ở quê. Ảnh: P.V

Công cuộc đổi mới ngày nay đã khiến chúng ta phải nhận thức lại về các giá trị trường tồn của văn hóa làng xã, trong đó vai trò của hương ước là không thể phủ nhận. Chính vì vậy, từ nhiều năm qua các địa phương trong tỉnh ta đã tổ chức xây dựng hương ước, qui ước, làng xã, khu phố, đó là dấu hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, xem xét những hương ước mới biên soạn, ta thấy còn không ít hương ước chưa đi vào lòng dân, ít có giá trị sử dụng. Nguyên do chính là nội dung của các hương ước này mới chỉ đạt được một mặt rất quan trọng: thể chế hóa pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; nhưng lại bỏ qua một mặt rất cần thiết khác: những qui định thiết thực cụ thể gắn với mọi sinh hoạt, mọi quan hệ xã hội trong làng xã khu phố. Hai mặt nội dung này của hương ước gắn bó tất yếu với nhau, nếu thiếu một, thì bản hương ước khó đi được vào lòng dân, ít có giá trị sử dụng.

Có thể hiểu rằng hương ước được sinh ra là để lấp vào khoảng trống chế tài nằm giữa đạo đức và pháp luật ở một cộng đồng dân cư. Khoảng trống này là nơi có thể sẽ xảy ra những hành vi, những mối quan hệ lệch chuẩn, nhưng chưa đến mức vi phạm pháp luật, trong khi đó đạo đức và dư luận lại không đủ sức uốn nắn, khuyên răn.

- Advertisement -

Nói cách khác, những điều khoản được đặt ra trong hương ước là những qui định “già đạo đức, non luật pháp” của riêng từng làng xã, khu phố, được văn bản hóa, làm công cụ hữu hiệu duy trì và phát huy các chuẩn mực sống trong cộng đồng, do chính nhân dân đồng thuận xây dựng nên, do vậy, hương ước ngoài ra còn phải có nguồn gốc tình cảm bắt nguồn từ chốn sâu thẳm trong cõi lòng của từng con dân từ lâu đời trên mảnh đất chôn rau cắt rốn (Khai khẩn truyện ký- làng Cảnh Dương), thì mới được nhân dân chào đón.

Hương ước là luật lệ của làng xã nên trước hết, về nội dung phải có những điều qui định cụ thể, thiết thực, gắn bó với mọi sinh hoạt, mọi lớp người trong làng xã, khu phố. Tất nhiên, những điều qui định trong hương ước phải phù hợp với nếp sinh hoạt và đời sống xã hội của làng xã, khu phố hiện nay; phù hợp với pháp luật hiện hành. Để các hương ước ngày nay thực sự phát huy tác dụng trong cộng đồng dân cư, bên cạnh các nội dung và hình thức đương đại, cần tham khảo, kế thừa sự cụ thể, đa dạng và toàn diện của hương ước truyền thống; xây dựng những qui ước mới theo tinh thần hương ước truyền thống. Bởi vì, trải qua quá trình tồn tại và phát triển dài lâu, hương ước truyền thống đã tự hoàn thiện mình và hình thành nên các giá trị bất biến của loại thể, rất đáng được tham khảo để kế thừa.

Trần Hùng

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm