6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ổn định đời sống và việc làm cho ngư dân bốn tỉnh miền trung (Kỳ 1)

- Advertisement -

Sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa Hà Tĩnh) gây ra thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhiều hộ gia đình ngư dân bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp ổn định cuộc sống cho người dân và khôi phục hệ sinh thái biển.

Bài 1: Cùng ngư dân vượt khó

Ngày 29-9, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1880/QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại bốn tỉnh miền trung bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Nguồn kinh phí do Công ty Formosa Hà Tĩnh bồi thường. Trước đó, để sớm ổn định đời sống cho ngư dân, nhiều giải pháp của các bộ, ngành và địa phương đã được thực hiện, phần nào giảm nỗi lo “cơm – áo, gạo, tiền” của hàng chục nghìn hộ gia đình.

Ngư dân vùng biển xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chuyển từ đánh bắt ven bờ sang trồng cây nông nghiệp. Trong ảnh: Cây đậu xanh ở Triệu Vân phát triển tốt.

Hỗ trợ kịp thời

Hà Tĩnh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển. Ngay sau khi xảy ra sự cố, cùng với việc triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất như: hoàn thành hỗ trợ gạo cho các hộ dân; hỗ trợ cho 5.012 chủ tàu, thuyền không lắp máy và lắp máy dưới 90 CV với tổng số tiền là hơn 23 tỷ đồng; cấp miễn phí 100% mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng; thành lập 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn, với số tiền 125 triệu đồng; hỗ trợ 50% chi phí tiền điện cho các kho đông lạnh tạm trữ hải sản từ tháng 4 đến tháng 9-2016…

Cũng như Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực đồng hành, chia sẻ với những thiệt hại của ngư dân. Tỉnh trích ngân sách hỗ trợ ngư dân do các tàu, thuyền đánh bắt ven bờ và vùng lộng phải tạm ngừng ra khơi khai thác hải sản; hỗ trợ 20% giá cho các doanh nghiệp, đại lý, hộ thu mua hải sản đánh bắt xa bờ của tàu trong tỉnh. Ðồng thời, dành hơn 5.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cứu đói cho các gia đình ngư dân. Trong đó, đợt một đã phân bổ hơn 3.000 tấn gạo cho các huyện: Lệ Thủy 367 tấn, Quảng Ninh 222 tấn, TP Ðồng Hới 379 tấn, Bố Trạch 671 tấn, Quảng Trạch 772 tấn, thị xã Ba Ðồn 644 tấn. Dự kiến đợt hai, tỉnh sẽ phân bổ tiếp hơn 2.500 tấn gạo còn lại vào tháng 11-2016.

Ðến xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) – địa phương mà phần lớn ngư dân đánh bắt ven bờ với nghề lưới đáy bắt cua, tôm và các loại hải sản tầng đáy, chúng tôi gặp ngư dân Nguyễn Văn Thủy. Anh Thủy tâm sự: Ngư dân chúng tôi bao đời nay bám biển để sống, vừa qua, do sự cố môi trường mà buộc phải “úp thuyền”, ai cũng lo, phần vì không có thu nhập, phần vì nhớ biển. Nhưng cũng nhờ có sự hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời của các cấp chính quyền mà không có hộ dân nào bị đói trong giai đoạn khó khăn. Tới đây, khi nhận được đền bù thiệt hại, ngư dân chúng tôi mong muốn được hướng dẫn thêm nghề mới để đầu tư sản xuất, ổn định thu nhập trước khi có thể tiếp tục vươn khơi.

- Advertisement -

Tỉnh Thừa Thiên – Huế có năm huyện, thị xã gồm: Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc với tổng số 27 xã, thị trấn thuộc vùng ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Ðến nay, tỉnh đã hỗ trợ sáu tháng lương thực với định mức 15 kg gạo/tháng cho mỗi người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Tổng số gạo đã hỗ trợ các địa phương trong tỉnh là 2.800 tấn. Tỉnh cũng đã triển khai hỗ trợ tiền cho các tàu đánh cá không lắp máy, hoặc lắp máy đánh bắt ven bờ và vùng lộng đang phải tạm ngừng ra biển khai thác hải sản, đồng thời hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cho vay thu mua, tạm trữ hải sản với dư nợ đạt 6,4 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm, thời hạn cho vay sáu tháng.

Giúp ngư dân tìm việc làm mới

Trong khi chờ nghề biển phục hồi, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, một số địa phương đã chủ động định hướng, vận động ngư dân khai thác tiềm năng sẵn có, tạo thêm nghề mới phù hợp. Tại thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, sau sự cố môi trường biển, hàng trăm ngư dân phải bỏ thuyền nằm bờ. Ðể có thu nhập, nhiều hộ gia đình đã tích cực chuyển đổi nghề. Gia đình ngư dân Lê Quang Chính đã đào ao rộng 300 m2 nuôi cá lóc và nuôi 12 con lợn. Nhiều hộ gia đình khác ở xã Ngư Thủy Bắc cũng tập trung chăn nuôi để bù vào số thu nhập bị mất do không đi biển được.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Phan Văn Khoa cho biết: Việc chuyển nghề cho ngư dân không thể áp đặt mà bà con tự lựa chọn trên cơ sở phù hợp với từng địa phương. Chính quyền và ngành chức năng chỉ làm nhiệm vụ định hướng, hướng dẫn kỹ thuật, cho vay vốn ưu đãi. Tại các xã bãi ngang như Hải Ninh, vùng Ngư Thủy… có tiềm năng về đất đai, nguồn nước thì hướng dẫn chuyển đổi sang trồng trọt và chăn nuôi, nuôi cá nước ngọt. Theo Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Bình Lê Công Toán, chuyển đổi nghề đi biển sang nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm là cách để người dân vừa thích nghi với lối sống trên vùng cát, vừa có thu nhập trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, Nhà nước cần hỗ trợ thực hiện đồng bộ các biện pháp, như: rà soát lại quỹ đất để giao cho dân sản xuất, làm đường, đưa điện ra khu sản xuất tập trung, xây dựng mô hình điểm, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi…

Ðể hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, tỉnh Quảng Trị trích gần bốn tỷ đồng từ Chương trình nông thôn mới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 1.700 hộ ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi. Ðồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng các mô hình gia trại, nông trại vùng cát. Xã bãi ngang Triệu Vân, huyện Triệu Phong có 140 hộ làm nghề đánh bắt cá và dịch vụ hậu cần nghề biển. Qua quá trình thực hiện chương trình chuyển đổi nghề, đến nay toàn xã xây dựng được năm mô hình trang trại và hơn 90 mô hình gia trại. Anh Nguyễn Thanh Phấn, ở xã Triệu Vân cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống bằng nghề đi biển. Giờ đây phải tạm nghỉ nên tôi chuyển qua khai thác đất đai trồng cây đậu xanh lòng, trồng xen canh các loại dưa và vay vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, cho thu nhập ổn định”.

Tại Thừa Thiên – Huế, nhiều xã ở vùng ven biển cũng đã tập trung vào lĩnh vực khai thác cát, chọn vật nuôi phù hợp đưa vào chăn nuôi. Từ nguồn ngân sách 150 triệu đồng, xã Phong Hải (huyện Phong Ðiền) đã xây dựng nhiều mô hình như: nuôi gà, nuôi cá chình, làm nấm rơm và chuyển đổi nghề cho 27 hộ gia đình. Ðến nay, tại xã đã quy hoạch năm trang trại và một điểm tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích gần 6 ha. Anh Ðinh Văn Thuận, ở thôn Hải Phú, xã Phong Hải cho biết: Ðược xã vận động và hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình anh vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng, xây hai bể với diện tích 104 m2 để nuôi cá chình. Anh đang liên hệ đặt mua cá giống để nuôi trong thời gian tới. Anh Thuận cũng mong muốn huyện sớm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ các chi phí ban đầu như: thức ăn, con giống để người dân yên tâm làm ăn, nhất là đối với bà con ngư dân ở các xã bãi ngang ven biển và khu vực vùng đầm. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Phong Hải Phan Khánh cho biết: Xã đang kiến nghị cấp trên hỗ trợ cho các hộ chế biến, kinh doanh nước mắm, nuôi tôm, thu mua cá biển… Ðồng thời đề xuất với tỉnh, huyện khoanh nợ, giãn nợ cho 224 hộ vay vốn mua sắm ngư lưới cụ, nuôi tôm với số tiền hơn 28 tỷ đồng. Xã cũng vận động, tuyên truyền các hộ lao động làm nghề đánh bắt trên biển đăng ký vào khu trang trại để chuyển đổi nghề nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Ðình Ðức cho biết: Sở đang xây dựng đề án khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho ngư dân trên cơ sở tăng cường quản lý nghề cá ven bờ và nuôi trồng thủy sản ven cửa biển. Trước mắt, khuyến cáo ngư dân có tàu thuyền hoạt động trong lộng, công suất từ 20 đến 90 CV hạn chế sử dụng ngư cụ khai thác tầng đáy, lồng bẫy, lưới rê đáy, giã cào, nên chuyển sang đánh bắt vùng biển xa bờ với các ngư lưới cụ, như: vây, mành đèn, chụp mực, câu vàng cá đáy, khai thác cá tầng nổi di cư từ đại dương. Ðối với việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ với tất cả các phương thức nuôi trồng tại lồng bè, bãi triều và trong ao, đầm.

Theo định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, có bảy nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường, gồm: khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản. Trong đó, chủ tàu thuyền bị thiệt hại do nằm bờ được bồi thường thấp nhất là 5.830.000 đồng/tàu/tháng và cao nhất là 37.480.000 đồng/tàu/tháng. Người lao động trên các tàu, thuyền này sẽ được bồi thường từ gần 3.700.000 đồng đến gần 8.800.000 đồng/người/tháng.

(Quyết định 1880/QÐ-TTg ngày 29-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ)

Bài 2: Ðể ngư dân yên tâm bám biển

- Advertisement -

Bài và ảnh: ÁNH TUYẾT, HẬU GIANG và CHÂU HAI

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm