6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Lệ Thủy: Lũ chồng lên lũ

- Advertisement -

Hậu quả nặng nề mà người dân Lệ Thủy phải gánh chịu sau đợt mưa lũ trung tuần tháng 10 vừa qua chưa kịp khắc phục hoàn toàn, thì nay, họ lại phải một lần nữa hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của thiên tai. Lũ lại chồng lên lũ.

Liên tiếp trong các ngày từ 30-10 đến ngày 1-11, địa bàn Lệ Thủy có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được đến 7 giờ 30 phút ngày 1-11 tại trạm Phan Xá là gần 300 mm. Đỉnh lũ trên sông Kiến Giang thời điểm 11 giờ cùng ngày là 2,88 mét, trên mức báo động III 0,18 mét.

Đến sáng ngày 1-11, lượng mưa đã giảm hẳn. Tuy nhiên, mưa lớn trong những ngày qua đã khiến hàng ngàn ngôi nhà của các hộ dân vùng hạ lưu sông Kiến Giang ngập sâu trong nước lũ.

Thôn Vinh Quang tiếp tục bị lũ chia cắt, phải dùng thuyền mới tiếp cận được.

Có mặt tại huyện vùng trũng này vào chiều 31-10, chúng tôi nhận thấy mực nước lũ trên sông Kiến Giang vẫn còn chưa đáng lo ngại. Ngay tại trung tâm huyện lỵ, người dân thị trấn Kiến Giang và các xã lân cận vẫn đang tất bật làm vệ sinh, khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa mới xảy ra chỉ cách đó chưa đến 10 ngày.

Tuy nhiên, đến 22 giờ cùng ngày, nước lũ lên nhanh với tốc độ chóng mặt khiến hàng chục ngàn người dân không kịp trở tay. Toàn huyện có khoảng 1000 ngôi nhà bị ngập, trong đó có gần 300 ngôi nhà ngập sâu gần 1 mét.

Ngay trong sáng 31-10, tất cả các trường học trên địa bàn huyện Lệ Thủy, học sinh đã được thông báo nghỉ học.

Từ thời điểm 9 giờ sáng nay (1-11), bản Còi Đá, xã Ngân Thủy bị cô lập hoàn toàn. Trước đó, khoảng 21 giờ đêm 31-10, thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy cũng đã bị cô lập trở lại. Riêng xã Lâm Thủy bị nước lũ chia cắt tại km 23, đường 10. Còn tại vùng trung tâm huyện, cầu Kiến Giang và cầu Phong Xuân tiếp tục được người dân bất đắc dĩ sử dụng làm nơi cất giữ xe ô tô, trâu bò phòng khi lũ lớn.  

- Advertisement -

Khoảng  8 giờ sáng 1-11, dưới trời mưa như trút nước, chúng tôi đã có mặt tại thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy. Đây là địa phương bị ngập lụt sớm nhất và cô lập lâu nhất trong số các xã vùng thấp trũng của huyện Lệ Thủy. Cùng với các thành viên trong gia đình khẩn trương thu dọn những vật dụng sinh hoạt còn lại lên trần nhà, ông Võ Văn Cúc cho biết: Mưa to như ri thì tui không trở tay kịp chú ạ! Trận lụt vừa qua nhà tui đã chủ động vận chuyển mọi vật dụng lên cao, rồi dự trữ nước uống, gạo, muối… Ai ngờ, nước lũ vừa mới rút xong, sân nhà tui chưa kịp khô, quần áo, chăn màn còn sũng nước, mọi sinh hoạt còn bị đảo lộn thì nước lũ lại về. Thiệt hết khổ!

Nhiều tuyến đường giao thông ở Lệ Thủy đã bị nước lũ nhấn chìm.

Chủ tịch xã Dương Thủy Lê Viết Dựng cho biết: Do nước lũ lên quá nhanh nên mặc dù đã tích cực thực hiện các phương án đối phó từ trước, nhiều hộ dân vẫn bị động khi đối phó, đặc biệt là các hộ gia đình chỉ có người già, trẻ nhỏ ở thôn Bình Minh. Tại thôn Nam Thiện và Đông Thiện, do có nguy cơ sạt lở đập Múi Đôộng rất cao nên địa phương đã khuyến cáo hơn 200 hộ dân nơi đây chủ động ứng phó khi mưa lũ.

Cùng với các đồng chí lãnh đạo huyện Lệ Thủy, sáng ngày 1-11, chúng tôi có mặt tại xã Phú Thủy. Hậu quả nặng nề mà người dân nơi đây phải gánh chịu trong trận lũ đầu tháng 10 vừa qua vẫn còn hiện rõ trên từng mái nhà với ngổn ngang rều rác, bùn đất; những vật dụng sinh hoạt gia đình của hầu hết các hộ dân nơi đây còn chưa kịp được sửa sang, sắp xếp, nay lại phải thêm một lần nữa chìm trong biển nước màu vàng đục cuồn cuộn chảy.

Vuốt nước mưa trên mặt, ông Nguyễn Văn Hiểu ở thôn Phú Hòa than thở: “Rứa là mất hết rồi chú ơi! Trận lụt mấy ngày trước làm ướt hoàn toàn số lúa tui dự trữ. Một số tài sản còn lại tui cứu được, giờ đây cũng theo nước lũ mà đi. Rồi đây chẳng biết lấy gì mà sống nữa. Ông trời răng mà độc ác rứa!”

Cầu Phong Xuân trở thành nơi cất giữ phương tiện, xe máy của người dân và các doanh nghiệp.

Thời điểm 11 giờ hôm nay (1-11), mặc dù mưa đã tạnh những lũ trên sông Kiến Giang chưa có dấu hiệu xuống. Hầu hết các tuyến đường làng ở các xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy, Dương Thủy… ngập sâu từ 0,5 đến 1 mét.

Trong ngôi nhà ngập nước, ông Đặng Anh Trung, ở thôn Lộc Hạ, xã An Thủy đang tranh thủ múc từng gáo nước dội rửa bùn đất, rác rều trên gần 20 bao lúa đã ướt sũng nước do không kịp cất giữ. Thấy chúng tôi đến hỏi chuyện, bà Hoàng Thị Sương, vợ ông bật khóc nức nở: “Có còn chi nữa mô hả chú! Hết rồi, tất cả đã bị ông trời cướp đi hết rồi. Nước lũ lên nhanh quá, vợ chồng tui không biết nhờ cậy ai khiêng mấy bao lúa ni lên cao được. Nước ngập là hư hết. Chừ tui chẳng biết làm chi mà sống nữa.”

- Advertisement -

Mái nhà của một hộ dân ở xã Phú Thủy bị lốc xoáy làm hư hại.

Khoảng 6 giờ 30 phút sáng 1-11, một trận lốc xoáy kinh hoàng đã xảy ra tại các thôn Châu Xá, Xuân Lai, Mai Hạ, Lê Xá của xã Mai Thủy và các thôn Thạch Bàn, Văn Xá, Phú Xuân của xã Phú Thủy (Lệ Thủy) khiến 59 ngôi nhà của các hộ dân bị tốc mái. Trường mầm non Phú Thủy bị gió lốc cuốn bay làm hư hại nghiêm trọng. Kho thóc của HTX Châu Xá chứa hàng chục tấn lúa cũng bị tốc mái che khiến gần 5 tấn thóc bị ướt.

Thống kê đến thời điểm 14 giờ ngày 1-11, toàn huyện Lệ Thủy đã có 1 người bị thương khi đang sửa lại mái nhà do lốc xoáy. Đó là ông Nguyễn Văn Ninh ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy.

Trước khi mưa lũ xảy ra, Ban Chỉ huy PCLB – TKCN huyện đã chỉ đạo xã Lâm Thủy gấp rút di dời 24 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu ở các bản Tân Ly, Bạch Đàn, Xà Khía, Tăng Ký, Chút Mút đến nơi an toàn do có nguy cơ bị sạt lở và lũ chia cắt. Hiện tại, các địa phương đang tích cực chỉ đạo người dân khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách nhất để đối phó với mưa lũ.

Nguyễn Hoàng

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm