6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Gieo chữ, thắp tương lai cho đồng bào dân tộc Rục

- Advertisement -

Làm người thầy chở “đò ngang” vốn đã chẳng dễ dàng, thế nên câu chuyện về những thầy cô giáo đang ngày đêm cắm bản, bám làng với đồng bào dân tộc Rục (Quảng Bình) còn gian nan hơn gấp nhiều lần. Đi gieo chữ giữa núi rừng Trường Sơn, những chuyến “đò ngang” của họ nặng những yêu thương để rồi hình ảnh của họ như ngọn đuốc sáng, đi thắp từng hy vọng cho những bản làng dân tộc Rục.

Tương lai của người Rục sẽ còn là câu chuyện dài nhưng bên cạnh các em sẽ luôn có những người thầy cô giáo tận tụy chở những chuyến đò nặng yêu thương.

Chông chênh con đường đến trường
Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, 3 bản người Rục (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là nơi sinh sống của những người Rục cuối cùng trên cả nước. Cuộc sống của họ vẫn đang phải tính từng bữa cơm mỗi ngày. Vậy nên, con đường đến trường và tương lai của những đứa trẻ nơi đây vẫn còn chông chênh nhiều lắm. Hẳn ai cũng còn nhớ, năm 1959, câu chuyện về một tộc người bí ẩn tại vùng núi Phong Nha khiến cả nước xôn xao. Để rồi, sau bao ngày cùng ăn, cùng ở, những chiến sĩ biên phòng Cà Rèng (nay là đồn biên phòng 585) mới thuyết phục được 34 người Rục rời hang đá về lập bản, định cư. Những đứa trẻ lúc bấy giờ mới dần biết đến việc đến trường, học chữ, học tiếng Kinh. Thế nhưng trong suốt 57 năm qua, không biết bao lần người dân nhớ rừng mà bỏ bản đi. Đó cũng là bấy nhiêu lần những chiến sĩ biên phòng đi tìm dân. Còn với những người thầy cô thì đi tìm trò.
Nằm cách xa trung tâm xã, đường đi lại khó khăn, tư duy về một thời sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài, ở hang đá, săn bắn hái lượm vẫn đang khiến đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. “Việc thay đổi từ nhận thức, ý thức của họ về việc định canh, định cư hay phát triển tương lai con cái là điều không dễ dàng. Bao nhiêu năm nay, bao thế hệ thầy cô vẫn bám làng, bám bản nhưng để thay đổi được mọi thứ vẫn còn là chuyện lâu dài”, anh Cao Thanh Huy, Trưởng bản Yên Hợp chia sẻ.
Đó là còn chưa kể những ngày mưa lũ như vừa qua. 3 bản làng là khu vực bị cô lập hoàn toàn mỗi khi có lũ tràn về. Ghé thăm bản vào những ngày cuối tháng 10 sau cơn lũ lớn, nước rút dần lộ ra con đường vào bản dốc ngược. Từ UBND xã Thượng Hóa, phải nhờ các chiến sĩ bộ đội biên phòng dẫn đường, người ngoài mới đi sâu vào lòng núi rừng Trường Sơn để đến thung lũng Rục Làn, nơi có 3 bản Mó, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ với 189 hộ dân đang sinh sống. Hai bên đường vẫn còn nguyên dấu tích của trận lũ vừa qua, cây cỏ chết đứng đến đâu là vết nước lũ dâng đến đó, có nơi ngập đến 4m. Cứ cách đoạn lại có một chiếc xuồng nhỏ, phương tiện duy nhất được cán bộ địa phương sử dụng để tiếp cận với người dân khi bị lũ cô lập, biến vùng này thành biển nước.

Một lớp học của các em đồng bào dân tộc Rục.

Giữa núi rừng Trường Sơn nay vẫn đang có những thầy cô giáo cắm bản, bám làng, thắp hy vọng cho người dân tộc Rục. Ảnh: Một đoàn từ thiện chụp ảnh kỷ niệm cùng các thầy cô giáo.

Những chuyến đò nặng yêu thương

Khó khăn muôn vàn là vậy nhưng về Rục Làn hôm nay, vẫn có hàng chục giáo viên cắm bản, bám trường lớp mỗi ngày. Chúng tôi đến bản Mò O Ồ Ồ, gặp bất kì đứa trẻ nào cũng hỏi “con có đi học không”, tất cả đều khẽ gật đầu với nụ cười trong vắt. Mà để có được việc tất cả các em đều được đi học là hành trình của những chuyến đò nặng yêu thương. Ở đây, mỗi ngày các thầy cô giáo đều lặn lội từ sớm, đến từng nhà đón học sinh đi học. Không ít lần đến nơi, các cô còn phải tự thay quần áo cho các em. Nhiều lần để ý thấy gia đình chưa quan tâm các con, các cô còn giữ hẳn quần áo, cặp vở các con lại trường rồi thay nhau tắm rửa, dạy chữ. Công việc còn hơn cả những người cha mẹ. Có những bữa sáng, cô trò cùng chia nhau gói xôi bởi các cô không đành lòng được trước những ánh mắt đói lòng của con trẻ. Tất cả các cô giáo ở bản đều là người ở các xã khác đến, nhà cách bản 30 cây số. Xa xôi cách trở nên có nơi các cô giáo trẻ, người không vướng bận gia đình còn ở lại hẳn trong bản. Những mùa mưa lũ, ngập, các cô phải mượn gạo người dân. Hôm chúng tôi gặp đúng sau đợt lũ, cô Hoa, một giáo viên ở bản Mó kể: “Năm nay, các đoàn hỗ trợ cũng quan tâm các cô giáo, cũng thăm hỏi. Vậy là vui lắm rồi”.
Nhắc đến điểm sáng trong những chuyến đò ngang nơi đây, nhiều người dân bản Hợp kể với chúng tôi về thầy giáo Hồ Tiến Nam, người con đầu tiên của bản làng trở thành thầy giáo. Thầy Nam hiện đang công tác tại trường Tiểu học – THCS Yên Hợp. Nhớ lại những kỷ niệm khi còn đi học, thầy Nam nhắc về hình ảnh những đứa trẻ lúc bấy giờ chỉ có một bộ quần áo, không có dép đi học. Mọi người lúc đó nghĩ đi học cho vui nhưng chẳng mấy chốc cậu bé Nam đã thay đổi suy nghĩ. Hết cấp 1, lên học trường nội trú cấp 2, rồi khi các bạn bè bỏ dần lớp học, Nam vẫn vượt đường xa, gùi cả sắn để bán kiếm tiền đến trường. Để đến ngày nhận quyết định về công tác tại bản Yên Hợp, Nam hoàn thành ước mong của chính mình và là niềm tự hào, ngọn lửa sáng cả bản làng.
Nhắc về việc chọn nghề giáo, Nam kể những ngày khi còn là sinh viên sư phạm, anh từng nhìn thấy hình ảnh xúc động mà cho đến nay, mọi thứ như hiện ngay trước mắt. “Mùa mưa lũ, nước dâng ngập những cây cầu qua các bản, lúc đó có 2 người thầy giáo đã thay nhau cõng các em qua, nước ngập đến ngang ngực. Hình ảnh xúc động ấy khiến tôi trân trọng nghề giáo. Các thầy cô không phải là người làng nhưng có thể hi sinh nhiều như vậy thì huống gì là một người trong bản”.
Nói về những cô cậu học trò hôm nay, thầy Nam hồ hởi, các em nay đã tiến bộ nhiều lắm. Nếu trước đây cứ đi học được một buổi, nghỉ đến 2, 3 buổi thì nay đã đi học đều hơn, có em nghỉ buổi sáng vẫn đến trường buổi chiều. 3 năm làm nghề gieo chữ, kỷ niệm của thầy Nam là những ngày đi vận động các em đến trường, đến nhà mới biết học sinh của mình không đi học vì phải vừa trông em nhỏ, vừa đi nhặt củi. Cứ mỗi lần như vậy thầy lại ngồi thuyết phục gia đình, nói cho phụ huynh hiểu cần để em đến trường.
“Mong ước lớn nhất của người thầy là chở mọi đứa trẻ bản Rục qua được con đò tri thức, để các em có thể có những tương lai tươi sáng hơn”. Còn về riêng mình, thầy Nam cười nói, sẽ cứ “chèo đò” khi còn có thể. Mong ước đó không hẳn của riêng thầy Nam và tôi nghĩ sẽ không quá xa xôi như bao người vẫn nghĩ. Gặp em Cao Thị Kim Ngân, học sinh lớp 12 trường nội trú huyện Minh Hóa, em là học sinh duy nhất của 3 điểm bản hiện đang theo học cấp 3, em chia sẻ với chúng tôi về ước mơ được làm giáo viên mầm non trên chính quê hương mình. “Gia đình em không giàu có, hai anh chị em cũng lập gia đình sớm nhưng em sẽ học lên nữa, ba mẹ cũng ủng hộ động viên em nhiều lắm” – Ngân chia sẻ.
Rời bản, hình ảnh ở khoảng sân nhỏ nơi bản Mó, đứa lớn chen đứa nhỏ giơ tay xin hát khiến tôi nhớ mãi. Tiếng hát của các con át tiếng cơn mưa ngày càng nặng hạt, át đi những lo lắng của người lớn. Có thể người dân nơi đây chưa ý thức được việc cần phải tiến xa hơn trong cuộc sống này nhưng niềm tin và hy vọng luôn chứa đựng trong từng ánh mắt, nụ cười của những người thầy cô. “Ai nhìn cũng thấy rất khó. Thay đổi suy nghĩ của hàng trăm con người chứ chẳng phải một. Đường đi còn dài lắm nhưng mà yêu nghề, yêu dân làng nên chúng tôi vẫn sẽ ở lại bản. Mưa dầm thấm lâu, rồi sẽ có lúc con cái của người Rục, người Sách trưởng thành hơn những thế hệ trước”, cô giáo Hoa nói với giọng đầy tin tưởng.

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm