Sông Gianh mùa này hiền hòa, thi thoảng mới có vài gợn sóng lăn tăn. Ở đôi bờ sông Gianh, xuân đã mơn mởn với màu xanh non của những nhánh mạ mới xuống đồng, những vườn rau đương thì thiếu nữ… Cơn lũ kép lịch sử trong năm vẫn còn lưu dấu, song cuộc sống của người dân vùng “rốn lũ” Quảng Bình đang dần ổn định để kịp đón xuân mới.
Ba Đồn – Tết yên vui
Thị xã Ba Đồn những ngày chớm xuân, không khí ấm áp, dịu nhẹ. Những cánh đồng rau màu xanh mơn mởn đang vào độ thu hoạch; những ruộng lúa mới gieo đã lên đều, mênh mông, thẳng tắp; dọc bờ sông Gianh, nông dân phấn khởi bên những lồng cá… chẳng ai nghĩ, cách đây ba tháng, cả thị xã đã bị nhấn chìm trong nước lũ.
Đường vào các thôn, xóm của xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) vẫn còn thơm mùi đất mới, uốn lượn quanh những đồng lúa, ruộng rau màu xanh mướt. Từ trên đường nhìn xuống, lẫn vào màu xanh bất tận đó là nhấp nhô những chiếc nón lá, những tà áo nâu bạc màu của các bác nông dân vẫn hăng say trên đồng ruộng trong những ngày giáp Tết. Bên chiếc xe chất đầy rau vừa hái dưới đồng, ông Nguyễn Văn Dư tâm sự: “Đợt lũ vừa rồi gia đình tôi cũng bị mất 2 tấn lúa, vật nuôi bị cuốn trôi hết. Khi lũ rút, Nhà nước hỗ trợ giống cho chúng tôi tiếp tục bắt tay ngay vào sản xuất, mùa nào cây ấy, không để đất nghỉ. Cuộc sống đến giờ cũng ổn định, Tết cũng vui hơn”. Nói rồi, đôi tay ông Dư lại tất bật với những bó rau tươi non còn đẫm sương mai.
Thị xã Ba Đồn đã bừng lên một diện mạo tươi mới. Vùng quê bị tàn phá bởi lũ chồng lũ đang từng ngày hồi sinh. Những đoạn đường, đê vỡ, kênh mương và những tuyến giao thông nội đồng đã nhanh chóng được khắc phục để phục vụ nhân dân đi lại và sản xuất. Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn Mai Tất Thắng chia sẻ, lũ lụt đã gây tổn thất nặng nề cho thị xã, nhưng sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ thiết thực của các lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể đã giúp bà con từng bước vượt qua cơn khốn khó, cuộc sống đã dần đi vào ổn định. Theo chỉ đạo của tỉnh, thị xã đã rà soát tình hình đời sống bà con, các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các hộ bị thiệt hại lớn để hỗ trợ kịp thời. Ông Thắng khẳng định: “Dù khó khăn nhưng Ba Đồn quyết không để một hộ dân nào bị đói, bị thiếu thốn trong dịp Tết cổ truyền. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, thị xã cũng trích ngân sách để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đón Tết”.
Một góc thị xã Ba Đồn sáng mùa xuân – Ảnh: Đào Cảnh
Xuân ấm tình người
Xã Quảng Trung, TX Ba Đồn, Quảng Bình là một trong những xã chịu thiệt hại nặng nhất trong cơn lũ lịch sử. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, sự chung tay giúp sức của cộng đồng, nhất là lực lượng vũ trang trên địa bàn, cuộc sống người dân sau lũ đã nhanh chóng ổn định. Một số căn nhà bị hư hỏng đã được sửa sang lại. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các cấp chính quyền kịp đã thời giúp dân ổn định sản xuất. Thị xã Ba Đồn đã thực hiện cấp gạo cứu trợ hàng tháng, đặc biệt trong dịp Tết để hỗ trợ nhân dân, bảo đảm đón Tết đủ đầy.
Chủ tịch UBND xã Quảng Trung Nguyễn Văn Hóa
Tại vùng lũ xã Phù Hóa, Quảng Trạch, nắng xuân đã giăng khắp lối. Nắng nhảy nhót trên từng thửa ruộng sưởi ấm cho những nhánh mạ non mới xuống đồng chừng nửa tháng. Hai bên đường, những lá cờ Tổ quốc phấp phới bay. Trong ngôi nhà vừa khánh thành, vợ chồng chị Hoàng Thị Lài cùng con cái đang quây quần bên mâm nếp, cùng nhau chuẩn bị đón Tết. Nở nụ cười thật tươi, chị Lài tâm sự: “Khi lũ cuốn mất nhà cửa, thóc lúa, rau màu, vợ chồng tôi bàng hoàng lắm. Cũng may được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền mà gia đình tôi xây dựng lại được ngôi nhà để đón Tết…”.
Cách nhà chị Lài không xa, bà con lối xóm cũng đang chung vui với chị Hoàng Thị Tuyết, một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị cơn lũ hồi tháng 10 cuốn trôi mất nhà cửa. Trên nền nhà được tôn cao, ngôi nhà rộng rãi, khang trang đã được dựng lại sau trận lũ kinh hoàng khiến người phụ nữ gầy guộc với làn da rám màu nắng không giấu được niềm xúc động. Ánh mắt vẫn thoáng chút ngỡ ngàng, chị Tuyết tâm sự: “Tôi biết ơn Đảng, ơn chính quyền và các tổ chức, các nhà hảo tâm đã giúp gia đình tôi dựng lại căn nhà sau lũ để kịp đón Tết”. Chị Tuyết sống một mình, lại tàn tật mất một cánh tay, chồng mất do ung thư, con còn nhỏ nên khi dựng nhà, cán bộ và nhân dân lối xóm cùng chung tay giúp đỡ. “Nhân dân luôn yêu thương, đùm bọc nhau trong hoạn nạn vì tình người cao hơn đỉnh lũ mà” – ông Nguyễn Thanh Hải, cán bộ văn hóa xã Phù Hóa chia sẻ.
Là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do lũ, nhưng Phù Hóa, Quảng Trạch nay đã sẵn sàng đón Tết. Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa Phạm Đức Hùng tâm sự, khi lũ vào, xã có 886 hộ đều bị ngập sâu từ 2 – 4m. Sau gần 3 tháng, chính quyền và nhân dân đã tiến hành thu dọn bùn đất, thu gom cây xanh, cột điện gãy đổ, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải; dựng lại nhà cửa bị đổ sập, giúp bà con khắc phục, sửa chữa vật dụng sinh hoạt của gia đình để đón xuân Đinh Dậu. Huyện Quảng Trạch đã hỗ trợ hàng chục tấn gạo cho bà con nông dân ăn Tết, tặng quà cho các gia đình chính sách, khó khăn. Nhân dân trên địa bàn xã Phù Hóa dù thiệt hại nặng nề nhưng đến nay đã cơ bản ổn định để đón Tết.
Chia tay người dân Phù Hóa, chúng tôi ngược về xã Cảnh Dương, nơi có những ngư dân ngày đêm bám biển. Lũ kép đã nhấn chìm hàng chục tàu thuyền khiến người dân mất đi phương tiện kiếm sống. Có những chủ tàu từ sau lũ đến nay vẫn chưa đi biển lần nào. Trong nếp nhà khang trang với cành đào chúm chím nụ hồng, ông Phạm Ngọc Linh đang cùng vợ con dọn dẹp nhà chuẩn bị đón Tết. Niềm nở đón khách bằng giọng cười hào sảng, đậm vị mặn mòi của biển, ông Linh chia sẻ, từ sau lũ, nhiều ngư dân ở xã Cảnh Dương đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm, mỗi chủ tàu được hỗ trợ từ 60 – 80 triệu đồng. Tuy số tiền này không thể dùng để mua một chiếc tàu mới nhưng đã giúp trang trải cuộc sống trong thời gian chưa thể vươn khơi. “Xuân này với người dân Quảng Trạch, Quảng Bình là mùa xuân đầy ắp tình người. Sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước; tình đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người dân vùng lũ và của người dân trên mọi miền đất nước là sức mạnh giúp chúng tôi gượng dậy sau lũ”, ông Linh xúc động bày tỏ.
Trời đã về chiều bóng những ngư dân ở Cảnh Dương vẫn còn in trên các khoang tàu. Người sơn sửa lại tàu, người vá lại tấm lưới, sửa lại vết nứt trên tàu, cũng có người mải mê với con tàu mới. Tất cả để chuẩn bị cho đợt vươn khơi sau dịp Tết cổ truyền. Xuân Đinh Dậu thật sự đầm ấm, yên vui đã về với bà con nhân dân vùng lũ Quảng Bình.
Ghi chép của Đào Cảnh