6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đi may xuất khẩu ở… làng

- Advertisement -

Nép khiêm tốn bên tuyến Quốc lộ 9B qua thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh là Công ty may xuất khẩu có cái tên khá lạ: S&D. Sản phẩm may xuất khẩu của Công ty nằm ở giữa làng này đều đóng nhãn mác ngoại quốc và xuất khẩu sang Âu- Mỹ. Chuyện đi may xuất khẩu ở… làng có thể không còn mới nhưng đã giúp cho nhiều lao động trẻ từng xa quê trở về làm việc và ổn định đời sống ngay chính tại quê hương như là một dự cảm tốt lành bước vào năm mới 2017.
“Công nhân ở làng như rứa là sướng lắm rồi”

Gần bốn giờ chiều nhưng không khí làm việc ở Công ty TNHH S&D vẫn rất hối hả. Loa phóng thanh chợt vang lên một bản nhạc khá quen thuộc, tất cả công nhân không ai bảo ai, tự đứng lên tập thể dục để bản thân được thư thái, mẫn tiệp hơn. Họ quay mặt về cùng một hướng, trên nền nhạc nhẹ nhàng đó, người sau đấm nhẹ lưng cho người trước, rồi ngược lại. Cứ thế, không khí vui vẻ, thư thái trôi qua sau khoảng 5 phút, ai cũng chăm chỉ làm việc trở lại.

Sau phút thể dục đó, tôi gặp công nhân Đoàn Thị Mỹ Linh quê ở Gia Ninh, huyện Quảng Ninh làm ở chuyền chi tiết 2 mà như cô nói rõ hơn là khâu nối ráp cổ áo. Linh là công nhân khá thạo việc, bởi trước khi đến với Công ty S&D tại Quán Hàu, em đã làm công nhân may tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Vĩ cho phép em tạm nghỉ công việc để trò chuyện với tôi. Ngồi đối diện với Linh, nghe Linh trò chuyện với chất giọng nhẹ nhàng và cuốn hút, tôi thấy ở cô toát lên nghị lực làm việc và say mê công việc. Bởi với Linh và nhiều nữ công nhân may ở đây, cơ hội được làm việc trong nhà máy sản xuất công nghiệp hiện đại ngay tại quê hương là không nhiều. Linh may mắn mới nắm bắt được cơ hội đó, nếu không cứ phải bôn ba ở các tỉnh phía Nam với mức lương bình bình chưa đủ sống, nói chi đến nuôi gia đình.

Công nhân Đoàn Thị Mỹ Linh trong giờ làm việc

Đoàn Thị Mỹ Linh kể rằng, nhiều năm trước, cô xa quê vào Đồng Nai làm công nhân rồi lấy chồng cũng là công nhân cùng nhà máy có quê ở xã Gia Ninh. Mỗi tháng hai vợ chồng em nhận hơn 10 triệu tiền lương nhưng chi phí cho gia đình gồm 5 người không đủ, cứ túng trước thiếu sau. Ở chốn lạ người, chị em công nhân cùng xã, cùng làng bấu víu lấy nhau để sống tạm. Ngoài giờ làm khoán, em còn nhận làm tăng ca để có thêm thu nhập. Sau nhiều tiếng đồng hồ bám máy may và vải vóc, em trở về thì đã muộn màng, con đã ngủ sâu. Sáng lại đi làm có khi con đã đến nhà trẻ. Làm việc quần quật vậy nhưng cứ Tết đến, vợ chồng Linh cũng như nhiều công nhân may quê ở Quảng Bình làm cùng công ty không đủ tiền về Tết. Xe tàu ngày Tết với họ làm món chi phí khá lớn, vượt ra khỏi thu nhập hàng ngày đủ để sống đắp đổi nên nhiều người đành tặc lưỡi ở lại phòng trọ, vùi nỗi nhớ gia đình trong tấm chăn mỏng. Linh nói, nhiều khi xoay tiền mua vé xe, tàu về Tết còn mệt hơn đi làm tăng ca, bởi có ai dư dã đâu để có cho mình vay mượn.

Giờ thì Linh đã thoát cảnh đó. Tết sắp tới là cái Tết đầu tiên gia đình em được sum họp ngay tại quê nhà sau hơn 5 năm làm công nhân ở Đồng Nai. Đoàn Thị Mỹ Linh nói rằng, thông qua thông tin từ quê nhà, vợ chồng em biết ở trị trấn Quán Hàu có nhà máy may công nghiệp xuất khẩu, mừng như vớ được vàng, em gửi hồ sơ thì được tuyển ngay. Giờ thì em đã là công nhân có nghề ở Công ty S&D, còn chồng em ở nhà để chăm bà ngoại bị mù và đưa đón con đi học. Chiều Linh làm về, giao việc nhà cho vợ, chồng Linh đi đánh cá để cải thiện đời sống.

Linh nói vui: “Chừ lương em 5 triệu một tháng, gạo, rau và cả cá nhà làm được, cả 5 người trong gia đình em sống thoải mái hơn hồi ở Đồng Nai. Cuộc sống như vậy em thấy ổn lắm rồi, chỉ mong nhà máy ổn định sản xuất để công nhân bọn em có việc làm và thu nhập ngay tại quê hương. Nghe tin Công ty sắp tuyển thêm công nhân, mấy đứa bạn của em may trong miền Nam gọi điện ra nhờ gửi hồ sơ để xin về quê làm việc”.

Cũng như Linh, anh Dương Viết Phú ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh xa quê lập nghiệp bằng nghề may công nghiệp. Ở Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, vợ chồng anh thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng song cả nhà gồm 4 người không đủ sống. Theo anh Phú, ở đó tất cả đều phải mua, lại còn tiền học cho con và nhiều khoản chi khác nữa nên cứ thiếu trước hụt sau. Vợ chồng anh nhiều lần bàn nhau chuyển về quê sinh sống nhưng ruộng không có, chỉ mỗi nghề may công nghiệp biết xin vào đâu nên đành thôi. Năm 2013, khi nghe Công ty May 10 mở nhà máy tại Quán Hàu, anh xin nghỉ việc đón xe về quê xem sự thể rồi trở thành một trong những công nhân nộp hồ sơ sớm nhất tại đây. Bây giờ vợ chồng họ là công nhân lành nghề ở Công ty S&D. Cả gia đình chuyển về quê Quảng Xá sinh sống, hai đứa con anh được bà nội chăm chút vợ chồng anh họ yên tâm làm việc. Bây giờ với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, họ đã có thể tích góp được để làm những việc lớn hơn. Anh Dương Viết Phú tâm sự: “Tám cây số, ngày hai buổi vợ chồng tui đến nhà máy, chiều về với con cái, thu nhập ổn định, công nhân ở làng như rứa là sướng lắm rồi”.
Chăm chút cho công nhân

- Advertisement -

Phó Giám đốc Công ty TNHH S&D Quảng Bình Nguyễn Ngọc Vĩ vốn là cán bộ xuất phát từ nghề may công nghiệp. Anh đến với nghề này cũng khá tình cờ khi đến làm việc cho dự án may Hà Quảng của Công ty May 10 với chức danh cán bộ kỹ thuật điện- điện tử. Sau đó, để hiểu hơn nghề may công nghiệp, anh xin đi học sơ cấp may tại Công ty may 10 và gắn với nghề may từ đó đến nay. Khi May 10 mở nhà máy ở thị trấn Quán Hàu, anh sang đây làm việc với chức danh Phó Giám đốc phụ trách mảng an toàn và phát triển doanh nghiệp.

Một góc phân xưởng may xuất khẩu của Công ty TNHH S&D Quảng Bình

Lần đầu gặp, tôi đã cật vấn anh về cái tên khá lạ của Công ty: S&D. Anh Vĩ giải thích khá dài nhưng tôi chỉ nhớ đại loại đây là chữ cái viết tắt của các từ tiếng Anh có nghĩa liên quan đến may mặc, thời trang. Vậy là đã rõ, ngay khi đặt tên, các đối tác góp vốn tạo ra Công ty TNHH S&D đã rất kỳ vọng về hướng đi của doanh nghiệp là chuyên sản xuất ra các sản phẩm may mặc phục vụ xuất khẩu.

Nguyễn Ngọc Vĩ cho biết thêm, khác với Nhà máy may xuất khẩu Hà Quảng- là “con đẻ” của Công ty May 10, Công ty TNHH S&D là “con nuôi”, tức là sản phẩm của May 10 liên doanh với các đối tác khác. Vì thế trong hoạt động có những thuận lợi nhưng có cái khó nhất định. Ví như, nếu có “mẹ” thì khâu đầu vào sản xuất đã có “mẹ” lo nên yên tâm hơn, nhưng bù lại khá phụ thuộc và phải mất chi phí; còn không có “mẹ”, đầu vào trong sản xuất phải tự lo gần như hoàn toàn song được cái chủ động và giảm bớt các chi phí. Hiện Công ty S&D chủ động được 70% đơn hàng, chủ yếu xuất khẩu đi các nước Châu Âu và Mỹ.

Một chuyên gia về may công nghiệp mà tôi từng trò chuyện cho biết, một dây chuyền may công nghiệp phải mất ba năm mới đi vào hoạt động ổn định. Đưa chuyện này nói lại với anh Vĩ, tôi nhận ở anh câu trả lời- giải thích khá lạc quan: “Vâng, S&D đang ở trong thời gian đó anh ạ. Chúng tôi đang từng bước ổn định hoạt động và khẳng định thương hiệu bằng các đơn hàng ký kết với các đối tác nước ngoài. Hiện chi nhánh của Công ty tại Hải Phòng đang khá tích cực với các hoat động xuất, nhập sản phẩm và cho đơn hàng trong năm mới”.

Dẫn tôi đi một vòng nhà xưởng Công ty, Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Vĩ giới thiệu, Công ty hiện có 700 công nhân, trong đó khoảng hơn 15% là công nhân đang may ở các tỉnh phía Nam chuyển về. Ngay sau khi tuyển, Công ty tổ chức đào tạo lại cho công nhân để khi bắt tay vào công việc đồng đều và bảo đảm năng suất làm việc. Ngoài mức lương bình quân 4,2-4,3 triệu/người/tháng, Công ty còn tổ chức bữa trưa cho công nhân. Cơm do bếp ăn doanh nghiệp tự nấu, thực phẩm được cung ứng bởi các doanh nghiệp, tổ hợp tác có uy tín để bảo đảm cho bữa ăn an toàn và chất lượng. Nguyễn Ngọc Vĩ nói: “Công nhân là vốn quý của doanh nghiệp nên các chế độ, chính sách được chúng tôi thực hiện nghiêm túc và kịp thời, có như vậy họ mới chung lưng, đấu cật với mình tạo ra thương hiệu. So với Nhà máy may xuất khẩu Hà Quảng, thu nhập tại S&D tuy còn khiêm tốn hơn, song đó là sự cố gắng lớn của doanh nghiệp mới ra đời cuối tháng 7 năm 2014”.

Tiễn tôi ra về tận cửa, Phó Giám đốc Công ty TNHH S&D Quảng Bình Nguyễn Ngọc Vĩ còn tặng thêm túi quà, trong đó có chiếc áo mà doanh nghiệp anh vừa may xong. Anh nói với tôi đây là sản phẩm của lô hàng ký với một thương gia Đài Loan chuẩn bị xuất khẩu sang Châu Âu. Rất có thể, nhiều người ở nơi trời Âu xa lạ mặc chiếc áo nào đó của S&D may nhưng không biết được rằng, nó có xuất xứ từ một doanh nghiệp may tại một ngôi làng nhỏ bé ở thị trấn Quán Hàu. Đến đây, tôi chợt nhớ hôm diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Ninh, trong túi quà tặng đại biểu cũng có một chiếc áo của S&D. Có thể giờ đây nó là sản phẩm công nghiệp chủ lực của huyện lúa này. Tôi chợt nghĩ, năm 2017, dự án giai đoạn 2 Công ty TNHH S&D Quảng Bình với 20 chuyền may và hơn 1.000 lao động được tuyển mới, thị trấn Quán Hàu cùng với xã Cam Thủy của huyện Lệ Thủy sẽ trở thành các cụm công nghiệp may mặc ở Quảng Bình. Khi đó, cơ hội đi may xuất khẩu ở… làng sẽ được rộng mở hơn với hàng nghìn lao động trẻ đang tha hương tìm việc trong chật vật mưu sinh hiện nay.

Hoàng Phúc/Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm