7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Rước họa vì bảo lãnh tài sản

- Advertisement -

Thiếu am hiểu pháp luật, nhiều người chỉ vì quen biết hoặc chút lợi nhuận (do các bên tự thỏa thuận với nhau-PV) đã dùng tài sản của mình để bảo đảm cho các doanh nghiệp thế chấp vay vốn tại các ngân hàng. Và khi các doanh nghiệp này kinh doanh, sản xuất thua lỗ, không có khả năng trả nợ, dẫn đến nợ đọng quá hạn kéo dài, những tài sản bảo đảm của bên thứ ba đã bị các ngân hàng xử lý để trả nợ thay cho các doanh nghiệp.

Khốn đốn… theo hầu tòa

Mặc dù là giao dịch dân sự, trên cơ sở tự nguyện, nhưng hợp đồng thế chấp có liên quan đến bên thứ ba lại phát sinh rất nhiều vấn đề, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Đã có không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng trả nợ, bị các ngân hàng khởi kiện ra tòa.

Lúc này các tài sản thế chấp được bảo đảm bởi bên thứ ba buộc phải xử lý để trả nợ cho các doanh nghiệp, khiến cho không ít người phải khốn đốn theo hầu tòa, đứng trước nguy cơ “tay trắng” vì niềm tin đặt không đúng chỗ.

Năm 2011, vợ chồng ông P.X.M đã đứng ra lập hợp đồng bảo lãnh tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) và tài sản gắn liền trên đất của gia đình, để bảo lãnh cho Công ty TNHH P.G (xin được viết tắt-PV) vay số tiền 1 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam-Chi nhánh Lý Thái Tổ (TP.Đồng Hới).

Do nợ quá hạn, nhưng Công ty TNHH P.G không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nên ngân hàng này đã nhiều lần ra văn bản đòi bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trả nợ, theo hợp đồng thế chấp của bên thứ ba. Trong trường hợp bên bảo lãnh không trả được nợ, toàn bộ tài sản thế chấp sẽ bị xử lý để giải quyết nợ. Ngày 21-5-2014, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam-Chi nhánh Lý Thái Tổ đã nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH P.G ra tòa để yêu cầu công ty này trả khoản vay cả lãi lẫn gốc đã quá hạn gần 1,6 tỷ đồng.

Đứng trước nguy cơ mất trắng nhà và đất ở, ông M buộc phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay mượn để trả một phần nợ ngân hàng thay cho Công ty TNHH P.G, với số tiền 360 triệu đồng (200 triệu tiền gốc và 160 triệu tiền lãi). Trong quá trình hòa giải và giải quyết nợ tại tòa, may mắn cho ông M, phía Công ty TNHH P.G cũng đã trả được 800 triệu đồng tiền nợ gốc. Riêng số tiền lãi hơn 360 triệu đồng còn lại được thỏa thuận mỗi bên trả một nửa. Tuy nhiên, theo quyết định của tòa án, cho đến khi số tiền lãi trên được các bên trả xong thì ngân hàng mới trả lại Giấy CNQSDĐ cho ông M.

Mất tài sản vì bảo lãnh

- Advertisement -

Tuy nhiên, ông M chỉ là một trong số những trường hợp may mắn hiếm hoi vì đã lấy lại được tài sản khi bảo lãnh tài sản của mình cho doanh nghiệp vay vốn. Sau những phiên tòa này, nhiều người phải ra về với 2 bàn tay trắng. Điển hình như trường hợp của Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp mà chúng tôi đề cập dưới đây.

Từ năm 2008 đến 2010, Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp D (gọi tắt là Công ty D) vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình (nay là Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Bắc Quảng Bình) và đã thanh toán một số hợp đồng. Đến ngày 26-6-2012, công ty này còn nợ 8 hợp đồng, với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 1,1 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn hơn 723 triệu, nợ lãi quá hạn hơn 242 triệu đồng.

Để thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với các khoản vay, Công ty D đã dùng tài sản của một số cá nhân-bên thứ ba bảo lãnh bằng các hợp đồng thế chấp tài sản như: Giấy CNQSDĐ, tài sản gắn liền với đất, máy công trình, tàu đánh cá…

Theo trình bày của đại diện Công ty D, trong quá trình vay vốn, công ty đã rất thiện chí trong việc trả nợ, không từ chối trách nhiệm của mình nhưng do trước mắt đang gặp phải một số khó khăn nên Công ty chưa thể giải quyết được, công ty đã đề nghị ngân hàng xin được trả 1,2 tỷ đồng để giải chấp tài sản của bà Hiền (tất cả các cá nhân của bên thứ ba liên quan đến vụ việc này xin được thay tên-PV); đồng thời cho vợ chồng ông Tiến trả 250 triệu đồng để giải chấp tài sản, nhằm tạo điều kiện cho công ty có tài sản thế chấp vay lại để đầu tư phục hồi hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, ngân hàng không đồng ý, mà buộc công ty này phải thanh toán toàn bộ số nợ gốc và lãi rồi mới giải chấp các tài sản thế chấp. Đối với trường hợp của ông Nghị, phía đại diện Công ty D còn “lật kèo” cho rằng, ông Nghị đồng ý dùng Giấy CNQSDĐ của mình để thế chấp bảo lãnh cho công ty vay tiền là do từ năm 2006, ông Nghị vẫn còn nợ của công ty 200 triệu đồng, nên đề nghị ngân hàng kết hợp cùng công ty có biện pháp buộc ông Nghị cùng có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng. Tất nhiên, đề nghị này đã không được phía ngân hàng chấp nhận.

Đối với các cá nhân bên thứ ba, khi đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản, lúc này mới giật mình “thức tỉnh”. Họ cho rằng, do có mối quan hệ quen biết nên họ mới đồng ý dùng tài sản của mình thế chấp cho Công ty D vay vốn. Vì vậy, Công ty D phải có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng để ngân hàng xóa thế chấp và trả lại tài sản cho họ. Cá biệt có trường hợp ông Hưng còn “ngậm đắng, nuốt cay” chấp nhận bỏ tiền túi ra để trả cho ngân hàng (1,2 tỷ đồng), để nhận lại Giấy CNQSDĐ, song phía Ngân hàng cũng không chấp nhận.

Kết quả cuối cùng, tòa án một mặt quyết định buộc Công ty D phải trả nợ cho ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Bắc Quảng Bình với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng. Mặt khác, giao ngân hàng này tiếp tục tạm giữ các loại giấy tờ liên quan đến thế chấp tài sản (bên thứ ba) để bảo đảm thi hành án.

Đó là một trong số rất nhiều các vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng và yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba mà ngành Tòa án phải giải quyết hiện nay. Điều đáng chú ý là, các tài sản thế chấp cho các doanh nghiệp vay vốn ở các ngân hàng đều có đầy đủ các thủ tục và hợp đồng bảo lãnh bởi bên thứ ba. Nguyên nhân là do nhiều người dân thiếu am hiểu kiến thức về pháp luật và nhận thức không đúng đắn về bảo lãnh tài sản cho doanh nghiệp vay vốn, trong khi không biết được năng lực tài chính và khả năng quản lý điều hành của doanh nghiệp.

- Advertisement -

Trong trường hợp này, mặc dù có hợp đồng bảo lãnh nhưng không có nghĩa các tài sản trên sẽ được doanh nghiệp bảo đảm khi làm ăn thất bát. Nhiều người khi ra đến tòa án vẫn nhận thức rất “ngây thơ” rằng doanh nghiệp vay thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm trả nợ, còn tài sản của mình sẽ không bị mất đi. Có người, đến khi “trắng tay” mới đổ vấy sang bảo doanh nghiệp là đã lừa đảo họ.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Chánh tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân tỉnh, khi đã đến con đường “đáo tụng đình” thì các doanh nghiệp, công ty kinh doanh, gần như không còn khả năng để trả nợ ngân hàng.

Lẽ dĩ nhiên, để giải quyết số nợ của các ngân hàng, thì tài sản bảo đảm dùng để thế chấp sẽ bị xử lý, để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho các công ty, doanh nghiệp này. Và hệ quả tất yếu là người mất tài sản và gánh chịu hậu quả nặng nề này chính là các cá nhân bảo lãnh của bên thứ ba.

Dương Công Hợp

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm