6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ứng phó với biến đổi khí hậu lên bờ biển – Bài 2: Sẵn sàng phương án ứng phó

- Advertisement -

Để đối phó với các hiểm họa, giảm nhẹ và từng bước thích nghi biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, Quảng Bình đã lên kế hoạch cho việc ứng phó lâu dài từ nay đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp thích ứng đã được nghiên cứu, triển khai, như: tăng cường, gia cố các hệ thống đê kè; trồng rừng chắn cát, rừng ngập mặn; chuẩn bị các bản đồ xác định những điểm dễ bị tổn thương; di chuyển các cơ sở nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng ven biển…

>> Bài 1: Những nguy cơ cận kề

Ông Phan Đình Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tỉnh đã rất quan tâm, chú trọng đầu tư xây dựng các công trình ứng phó BĐKH. Tuy vậy, việc xây dựng các công trình này vô cùng tốn kém, mất rất nhiều năm, trong khi kinh tế tỉnh nhà còn nhiều khó khăn. Do đó, về lâu dài chỉ có thể làm đê cứng ở một số nơi xung yếu nhất.

 Ứng phó với biến đổi khí hậu lên bờ biển - Bài 2: Sẵn sàng phương án ứng phó

Mô hình trồng rừng phòng hộ ven biển tại thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch.

Để làm giảm vốn đầu tư và tăng hiệu quả, sự kết hợp hài hòa cả giải pháp công trình và phi công trình sẽ là lựa chọn hữu ích hiện nay. Giải pháp phi công trình dễ làm, khả thi, ít tốn kém và thân thiện với môi trường, như: “làm đê mềm” bằng cách trồng rừng ngập mặn ở tất cả những bãi sình lầy, rừng phòng hộ ở ven biển.

Thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, có bờ biển dài khoảng 3,5km. Thôn có 705 hộ, 90% thu nhập của các hộ từ ruộng lúa 2 vụ và đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn do nhiễm mặn (gần 2ha/năm) và bị tác động bởi cát bay, cát lấn (50% diện tích bị ảnh hưởng hàng năm).

Trước thực trạng đó, tháng 11-2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Dự án EbA chọn thôn Hòa Bình để thực hiện mô hình thí điểm trồng rừng phòng hộ ven biển kết hợp phát triển sinh kế ngắn hạn cho cộng đồng. Bà Trần Thị Lành (thôn Hòa Bình) chia sẻ: “Tôi rất vui khi biết có dự án trồng rừng phòng hộ được thực hiện tại thôn của mình. Bởi, rừng phòng hộ có vai trò quan trọng với thôn trong việc chắn cát bay làm lấp đất canh tác và đất ở của người dân; cung cấp chất đốt và hạn chế xói lở bờ biển trong mùa mưa bão”.

- Advertisement -

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, cán bộ dự án EbA cho biết, khoảng 30 hộ của thôn Hòa Bình sẽ được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình và được chính quyền xã giao rừng để bảo vệ, trồng phục hồi rừng ven biển của thôn. Với 10 ha diện tích trồng rừng dự kiến, cây phi lao chịu hạn sẽ được trồng trên diện tích rừng phòng hộ ven bờ biển (hiện chỉ còn thưa thớt) nhằm bảo đảm việc chống sạt lở và hạn chế tác động của bão lũ và cát bay cát lấn. Phần diện tích rừng phía trong sẽ trồng keo lai lá tràm có giá trị lấy gỗ và kết hợp với mô hình trồng cỏ, nuôi bò tạo thu nhập bền vững cho các hộ tham gia trồng rừng.

Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa mô hình sinh kế cho cộng đồng, các hộ khác sẽ được hỗ trợ mô hình sinh kế nuôi cá hồ nước ngọt và trồng rau sạch. Mô hình thực hiện thành công sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng trồng rừng đối với diện tích đất trống còn lại của thôn. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình sẽ giúp thay đổi thói quen và hành vi của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Nhìn chung, tuỳ theo mức độ phát triển kinh tế và tình hình thực tế khác nhau mà mỗi địa phương có những cách lựa chọn giải pháp cụ thể hoặc kết hợp các giải pháp sao cho tối ưu để thích ứng với nước biển dâng do tác động của BĐKH. Để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân, từ 2005-2015, Quảng Bình đã tiến hành xâ dựng nhiều công trình có yếu tố cấp bách ứng phó với BĐKH.

Điển hình, tỉnh đã đầu tư 42 tỷ đồng xây dựng và gia cố hệ thống đê, kè ngăn mặn, chống xói lở dọc các con sông chính và bờ biển từ huyện Quảng Trạch đến huyện Lệ Thuỷ;  nâng cấp, cải tạo đê, kè chống sạt lở và nước biển dâng phía tả sông Nhật Lệ, phía hữu sông Luỹ Thầy và sông Lệ Kỳ; lập quy hoạch chi tiết các lưu vực sông tỉnh; xử lý tình trạng ngập lụt tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; nạo vét 5 cửa sông bị bồi lấp trên địa bàn tỉnh; nâng cấp tuyến đê kè bờ hữu sông Gianh đoạn từ xã Quảng Hải đến xã Cảnh Hóa và sông Roòn…

Ứng phó với biến đổi khí hậu lên bờ biển - Bài 2: Sẵn sàng phương án ứng phó

Xây kè chắn sóng tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới.

Ông Phan Đình Hùng, cho biết, để công tác ứng phó với BĐKH đi vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực đối với phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt cập nhật kế hoạch ứng phó với BĐKH và nước biển dâng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, có 31 chương trình, dự án ưu tiên được đề xuất triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 thuộc các lĩnh vực: nâng cao năng lực; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê kè ven biển chống sạt lở và xâm thực; quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm ứng phó với BĐKH; tài nguyên nước và BĐKH; tài nguyên đất; phòng chống thiên tai; nông nghiệp và an ninh lương thực; thủy sản và đa dạng sinh học; quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó BĐKH…

- Advertisement -

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức, nhằm nâng cao nhận thức về tác động của BĐKH cho từng địa phương, từng ngành; xây dựng mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai có hiệu quả trong điều kiện BĐKH; tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích phát triển mô hình sản xuất sạch, các công nghệ thân thiện với môi trường nhằm giảm khí nhà kính-nguyên nhân làm gia tăng BĐKH…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, cán bộ Dự án EbA cho biết, việc thực hiện thành công mô hình trồng rừng phòng hộ ven biển có thể mang lại các dịch vụ hệ sinh thái, như: dịch vụ cung cấp (rừng cây bảo đảm duy trì nguồn nước ngầm trong cát cho người dân sử dụng và sản xuất; cung cấp nguồn củi đốt và khu vực nuôi gia súc cho người dân; cung cấp lương thực và thu nhập cho người dân từ hoạt động chăn nuôi bò và gỗ từ rừng keo lai); dịch vụ điều tiết (tăng lượng nước ngầm trong cát; giảm thiểu tác động của bão, nước biển dâng đến diện tích sản xuất phía trong của người dân; kiểm soát sạt lở bờ biển; điều hòa khí hậu)…

Lê Mai

Nguồn: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm