1.5 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Sẽ giảm phí đến 100% cho người dân ven trạm BOT

- Advertisement -

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (ảnh) cũng thừa nhận một số dự án BOT đang thiếu công bằng như làm trên đường độc đạo, không có đường khác cho người dân lựa chọn, hay đường một nơi, trạm một nẻo.

Sẽ giảm phí đến 100% cho người dân ven trạm BOT

       Ảnh: Mai Hà

Cho rằng BOT nhằm huy động đóng góp của người dân để phát triển hạ tầng, nhưng trong trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (ảnh) cũng thừa nhận một số dự án BOT đang thiếu công bằng như làm trên đường độc đạo, không có đường khác cho người dân lựa chọn, hay đường một nơi, trạm một nẻo.

Có ý kiến nêu vấn đề lợi ích nhóm trong tính toán vị trí trạm thu phí, Bộ GTVT nói gì về điều này?

Không có lợi ích nhóm trong lập vị trí trạm BOT vì vị trí này phải có sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư, cơ quan cao nhất là Bộ GTVT, HĐND, UBND địa phương đó.

Nhưng thực tế đúng là có tình trạng trạm đặt ở đường này thu cho đường khác. Đây đều là các trạm thu phí tồn tại trước đây, để hoàn vốn cho nhà đầu tư, Chính phủ cho phép đặt trạm ở vị trí phù hợp với việc thu phí hoàn vốn. Số lượng các trạm này hiện còn rất ít như trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài thu cho tuyến tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa) đặt trên QL1 thu cho tuyến tránh TP.Thanh Hóa, thời gian thu hoàn vốn không còn nhiều, nên Bộ kiến nghị Chính phủ tạm chấp thuận phương án giữ nguyên. Nếu di chuyển trạm kinh phí di dời rất lớn, không biết lấy tiền đâu để bù đắp.

Nhưng có những dự án mới cũng trong tình trạng trạm đặt đường này, thu cho đường khác như Quán Hàu (Quảng Bình) hoặc các dự án đi 2 km cũng phải đóng phí cả tuyến thì sao, thưa ông?

- Advertisement -

Trạm Quán Hàu nhà đầu tư làm tuyến mới nhưng kết hợp cả nâng cấp tuyến cũ nên được phép thu như vậy. Đó là phương án tài chính BOT đã được thỏa thuận của địa phương cũng như cho phép của các cơ quan Chính phủ. Trong đề án thực hiện, đường cũ xuống cấp không có tiền nâng cấp nên nhà đầu tư làm tuyến mới và nâng cấp tuyến cũ, được phép thu cả hai đường như Hòa Lạc – Hòa Bình hay QL3 mới Thái Nguyên – Bắc Kạn.

Còn đối tượng chỉ đi vài ki lô mét phải đóng phí cả tuyến rất ít. Trên thực tế, BOT thu phí lượt, phải chấp nhận tình trạng đi 3 km cũng giống anh đi 30 km, để bù trừ cho nhau. Ví dụ những người nằm giữa 2 trạm đi lại không mất phí, còn đã đi qua trạm sẽ mất, bù trừ cho nhau như vậy, nếu rành rọt quá rất khó, chỉ thu kín như cao tốc mới xử lý được tình trạng này.

Không phải vị trí các trạm không hợp lý, mà hiện nay một số dự án BOT ngoài việc thu phí tự hoàn vốn, thì theo đề xuất của các địa phương dùng vốn BOT đó để nâng cấp một số tuyến đường phục vụ chung cho kết nối dự án. Phải chấp nhận thực tế này mới giải quyết nguồn vốn đầu tư. Khi làm đã đặt vấn đề rất cụ thể, Chính phủ đồng ý, chính quyền địa phương đồng thuận cao thì mới dùng tiền BOT đó để nâng cấp các tuyến kết nối xung quanh. Công bằng mà nói thì phải có đường khác để người dân lựa chọn. Nhưng vừa rồi không có tiền nên phải làm trên đường nâng cấp, như QL1 thì 28 trạm đều làm trên tuyến đường nâng cấp, bắt buộc phải đi đường độc đạo.

Tất cả các dự án BOT cũ, chúng tôi đang tiến hành điều chỉnh cho phù hợp quy định. Từ nay về sau định hướng của Bộ GTVT là không làm BOT các tuyến nâng cấp nữa, mà chủ yếu làm các tuyến cao tốc mới. Trong trường hợp phải làm những tuyến nâng cấp sẽ chuyển thẩm quyền cho tỉnh làm chủ đầu tư dự án.

Những địa phương người dân phản ứng quyết liệt Bộ GTVT đã yêu cầu giảm phí, nhưng những nơi dân không phản ứng thì chưa giảm phí. Bộ có chính sách giảm giá đồng loạt cho tất cả trạm BOT trên cả nước không?

Các trạm khác nếu các tỉnh có đề xuất thì Bộ GTVT sẽ xem xét giảm. Hiện nay chưa có chính sách giảm tổng thể, mới chỉ giảm đơn lẻ theo các vùng, phù hợp với từng địa phương, thu nhập từng vùng sẽ có cách xử lý khác nhau. Nhưng về cơ bản, chúng tôi sẽ nghiên cứu để giảm tối đa 100% cho 2 xã lân cận trạm thu phí và giảm 50% cho 2 huyện lân cận cho các loại xe.

Phương án giảm giá sẽ tính vào phương án tài chính điều chỉnh của nhà đầu tư, sẽ kéo dài thời gian thu phí để phương án tài chính của nhà đầu tư không bị thủng. Theo Nghị quyết 35 của Chính phủ yêu cầu giảm phí với 23 trạm BOT, nhưng đến nay Bộ GTVT đã giảm đến 29 trạm. Các trạm thu phí đặt không đúng vị trí như không đủ khoảng cách, Bộ đang tìm cách di dời (khoảng cách dưới 70 km).

Chưa công bằng

- Advertisement -

Trả lời câu hỏi vì sao các dự án BOT không thu phí kín như cao tốc để đảm bảo công bằng cho người dân, theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng – Trưởng ban Hợp tác công tư (Bộ GTVT), cho rằng: Hiện nay trên thế giới chỉ có 2 hình thức thu phí lượt (thu phí hở) và thu phí kín. Đối với hình thức thu phí kín, người dân trả phí trên số ki lô mét thực đi và đảm bảo công bằng tuyệt đối nhưng chỉ áp dụng đối với đường cao tốc vì kiểm soát được sự ra, vào của các phương tiện. Đối với các QL chỉ áp dụng được hình thức thu phí lượt, hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng một cách tương đối. Cụ thể, người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí trong khi những người đi quãng đường dài 50 – 60 km ở khoảng cách giữa hai trạm thu phí vẫn không phải trả phí.

Theo ông Huy, trong quá trình thực hiện, Ban Hợp tác công tư và Bộ GTVT cũng nhận thấy những bất cập, không công bằng cho người sử dụng đối với hình thức thu phí lượt. “Nguyên nhân chủ yếu là do khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta chưa lường hết được các tác động đối với các đối tượng bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ phương án miễn, giảm phí đối với các đối tượng bị ảnh hưởng”, ông Huy cho hay.

Mai Hà
(thực hiện)

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,415Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm