Trong thời gian trở lại đây, một vấn đề rất nóng mà người chăn nuôi trong cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng đặc biệt quan tâm đó là tình trạng thịt lợn hơi rớt giá trầm trọng, từ chỗ trên 40.000 đồng/kg nay giảm xuống chỉ còn từ 20.000-25.000 ngàn đồng/kg. Điều này khiến các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, giữ không được, bán cũng chẳng xong, nhiều hộ chăn nuôi phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp ở Quảng Bình đã đẩy mạnh đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn. Nhờ vậy đã cải thiện đáng kể cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của xã hội. Tuy nhiên, liên tục trong nhiều tháng nay, giá lợn hơi giảm mạnh khiến tất cả các trang trại, các hộ chăn nuôi đều rơi vào cảnh lao đao.
Trang trại Công ty cổ phần Thanh Hương, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh hiện đang thả nuôi gần 2.400 con lợn sạch theo công nghệ VietGap đã được Trung tâm chất lượng nông thủy sản vùng 2 chứng nhận theo mã số chỉ định VietGap-CN 14-02-44-011. Hiện nay, riêng số lợn trong giai đoạn xuất chuồng là trên 500 con. Tuy nhiên, số lợn này vẫn đang phải nằm chuồng bởi lẽ chưa có thương lái nào thu mua mặc dù giá bán sụt giảm mạnh gần một nửa, xuống chỉ còn từ 20.000-25.000 đồng/kg lợn hơi. Chủ trang trại đang loay hoay không biết phải làm thế nào để đỡ bị tổn thất, khi mỗi lứa lợn bán ra thì họ sẽ bị thua lỗ từ hàng chục đến vài trăm triệu đồng. Trong khi nếu không bán thì chi phí thức ăn cho đàn lợn phải tốn từ 35 – 40 triệu đồng/ngày.
Các trang trại chăn nuôi lao đao khi giá thịt lợn hơi giảm mạnh
Thực trạng này không chỉ diễn ra đối với Công ty Thanh Hương, mà hiện nay đây đang là khó khăn chung của hàng ngàn hộ chăn nuôi lợn từ nhỏ lẻ đến qui mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đứng ở góc độ người chăn nuôi, nhiều chủ trang trại cho rằng: để tháo gỡ khó khăn, trước mắt Nhà nước cần có giải pháp về nguồn vốn, như: có chính sách hỗ trợ vốn để tái đàn, chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cũ và quan trọng nhất là phải có thị trường đầu ra ra ổn định, có như thế các người chăn nuôi lợn mới hy vọng phục hồi sản xuất.
Trong khi người chăn nuôi đang chịu cảnh thua lỗ nặng vì giá lợn hơi rớt thê thảm thì người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá cao. Đây là thực trạng đang diễn ra tại khu vực các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Đồng Hới.
Cụ thể, tại khu vực các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Đồng Hới, giá thịt lợn hiện giao động ở mức từ 65.000 – 70.000 đồng/kg, tức là chỉ giảm khoảng 10.000 đồng/kg. So sánh với giá sàn của thịt lợn hơi, có thể nhận ra ngay sự chênh lệch quá cao, tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận với mức giá được các tiểu thương đồng loạt đưa ra.
Liệu rằng, khâu lưu thông, phân phối và quản lý thị trường sản phẩm thịt lợn trên địa bàn tỉnh đang thiếu đi sự kiểm soát dẫn đến tình trạng nói trên?
Phóng viên thời sự sẽ tiếp tục thông tin đến quý vị và các bạn nội dung có liên quan trong các chương trình thời sự tiếp theo.
PV