7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

"Người xe tơ buộc nắng trời xuân"

- Advertisement -

Bà đã đặt chân đến hầu khắp những miền quê trên mảnh đất Quảng Bình, được khơi mở những vỉa tầng văn hóa thẳm sâu, khám phá những di tích xưa cũ còn vương sót lại. Suốt cuộc đời chắt lọc, gom góp kinh nghiệm, đến giờ, ở tuổi 68, bà vẫn miệt mài viết, miệt mài chép sử làng như sự tri ân với mảnh đất quê hương.

Một người bạn thơ gọi nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Thị Kim Liên (Hội Văn học -Nghệ thuật tỉnh) là “người xe tơ buộc nắng trời xuân”, bởi sự tỉ mỉ, tận tâm của người phụ nữ ấy trên hành trình tìm kiếm những nét đẹp của quê hương, xứ sở. Và những tác phẩm của bà là phép cộng của tất thảy bao mồ hôi, nước mắt và những bước chân không biết mệt mỏi trên những dặm dài thiên lý. Những tháng ngày bà miệt mài đi gom nhặt, xe tơ để rồi thành quả làm nên là những tác phẩm níu chặt lòng người như một sợi dây bền chắc.

"Người xe tơ buộc nắng trời xuân"

Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Thị Kim Liên trong chuyến điền dã về làng Lý Hòa, huyện Bố Trạch.

Sinh ra ở mảnh đất Đức Phổ (xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới), những nét văn hóa truyền thống của quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, vào tâm hồn của Đặng Thị Kim Liên. Mẹ bà vốn là người phụ nữ thôn quê chân chất, nhưng có một vốn văn hóa dân gian phong phú với các làn điệu dân ca, ca dao, tục ngữ. Đặng Thị Kim Liên lớn lên và tưới tắm cuộc đời mình bằng chính suối nguồn ngọt mát và thẳm sâu ấy. Sự ngọt ngào của dân ca ăn vào tâm khảm, cùng với sự ngưỡng vọng về quê hương đã khiến bà suốt cuộc đời thao thiết muốn tìm hiểu, muốn viết và ghi dấu lại lịch sử làng quê cho con cháu về sau. Để rồi đến ngày về hưu, bà bắt tay vào việc chép sử làng như cái cách bà tìm kiếm niềm vui tuổi già nhưng hơn cả là mong muốn để hậu thế không lãng quên lịch sử.

Công trình nghiên cứu đầu tiên của bà là Địa chí làng Đức Phổ – như một sự tri ân với mảnh đất nơi “chôn rau cắt rốn”. Bà viết nó bằng tất cả những gì ấp ủ, chắt lọc trong suốt cuộc đời gắn bó với làng quê này.

Người đọc đón nhận Địa chí làng Đức Phổ, bà càng có hào hứng để bắt đầu những cuộc đi không có điểm dừng. Mà càng đi thì càng say, rồi chịu khó liên hệ, đối chứng sách sổ, càng có hứng thú viết. Mà càng viết thì lại càng đam mê như thể nếu không viết ra, lịch sử sẽ trôi tuột, lẹ như một cái chớp mắt, như thể nếu không lưu lại, quá khứ sẽ bị vùi chôn đi giữa bao lớp bụi khắc nghiệt của thời gian. Vậy nên, hễ đã nhận lời viết địa chí cho làng xã nào là bà lại đau đáu, trăn trở nhiều bận.

Đặng Thị Kim Liên mày mò đọc sách để nghiên cứu chuyện hôm qua, cất công về tận nơi, ăn cùng, ở cùng với dân làng để hiểu thêm chuyện hôm nay, chỉ với mong muốn có thể lưu dấu lịch sử lại với con cháu ngày mai. Chính những cuộc đi tận nơi, nghe tận tai, nhìn tận mắt ấy mà bà khơi ra được những dấu tích văn hóa mới lạ, những nét đẹp thẳm sâu chưa được ai khai phá.

- Advertisement -

Những năm trở lại đây là quãng thời gian Đặng Thị Kim Liên say mê đi và miệt mài viết. Nhiều cuốn sách đầy sức nặng đã ra đời từ sau những chuyến đi bất tận ấy, như: Chợ quê Quảng Bình, Địa chí làng An Xá, Địa chí làng Phú Vinh, Các làn điệu dân ca Quảng Bình… Trong đó, Chợ quê Quảng Bình vừa nhận giải A, Giải thưởng Lưu Trọng Lư lần thứ V (năm 2011-2015).

Đặng Thị Kim Liên là người phụ nữ đa tài khi vừa viết sách, vừa làm thơ mà lĩnh vực nào bà cũng gặt hái kha khá giải thưởng. Thơ của bà không cầu kỳ, hoa lá về câu chữ, không là sự đột phá bằng cách gieo vần những câu dài thênh thang, những ngôn từ xa lạ mà chân chất, mộc mạc và có sự nhẹ nhàng nhưng đằm sâu của một tâm hồn thơ từng trải. Vậy nên, đọc thơ bà như thể đang thấu tỏ những lời gan ruột, những trăn trở, ước vọng suốt cuộc đời chắt lọc được.

Kể từ khi sáng tác bài thơ đầu tiên đến hôm nay cũng ngót nghét hơn 40 năm, hàng chục tuyển tập thơ ra đời, như: Những vì sao không tên, Người còn duyên, Tuổi thơ cánh phượng, Hoa bất tử… Đặng Thị Kim Liên coi đó như sự tri ân với cuộc đời khi đã cho bà nếm đủ tất thảy mọi buồn vui, nước mắt, những khó khăn, tủi cực và cả những hạnh phúc mà không phải ai cũng may mắn có được.

Với nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên, viết sách cũng là một niềm vui và niềm đam mê, mà đã vui thì hẳn sẽ thấy mình hạnh phúc. Vậy nên, bà tự tách mình ra khỏi những lo toan tủn mủn đời thường để chuyên tâm vào nghiên cứu, viết sách và làm thơ. Người phụ nữ ấy luôn tâm niệm rằng cuộc sống của bà giờ chỉ mong có sức khỏe và khi nào còn khỏe, còn đi thì sẽ còn viết.

CTV Diệu Hương

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm