6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Rừng dẻ Quảng Lưu: “Nồi cơm lớn” của 10 xã

- Advertisement -

Với người dân xã Quảng Lưu và cư dân 10 xã lân cận khác, giá trị mà rừng dẻ mang lại không chỉ là số tiền tỷ thu được từ hạt dẻ, mà lớn hơn là khu rừng đã chống được biến đổi khí hậu.

Đấy là hơn 2.086ha rừng dẻ thuộc xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã cho “quả ngọt” để 10 xã xung quanh hưởng lợi. Còn nhớ những ngày đầu bảo vệ rừng dẻ, xã Quảng Lưu đã phải chịu nhiều thiệt thòi…

Giữ rừng để thoát hạn

28 năm trước, khu vực Quảng Lưu chỉ còn cây leo bụi rậm, nơi vốn là rừng dẻ đã bị diệt gần sạch. Ông Biền Ngân lúc đó là Chủ tịch UBND xã trằn trọc nhiều đêm rồi quyết định đề nghị đóng cửa rừng để bảo tồn hệ thống cây dẻ con đang nhú mầm dưới bụi rậm với lý do chống hạn hán.

“Mỗi mùa mưa, lũ ống cuốn đất đai về làng, hết mưa thì hạn hán khắc nghiệt. Cha ông ngày trước kể lại rằng, ngày trước có rừng dẻ, chưa bao giờ làng chịu mất nước ở các hồ chứa, lũ lụt thì không bị bùn đất đổ về, mùa màng thuận lợi”, ông kể. 

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, Quảng Lưu rất khó khăn, lại nằm sâu trong góc núi, ai thiếu củi đun cũng dồn về Quảng Lưu. Xã bắt đầu tuyển mộ những người yêu rừng đi bảo vệ dẻ tái sinh. Công cán là vài ba tạ thóc khi tới vụ, đội giữ rừng lúc đó 12 người. Bữa ăn có khi là khoai sắn độn cơm, nhưng nhiệt huyết bảo vệ rừng của họ thật trong sáng, đó là làm sao có lại rừng dẻ như cha ông từng có.

Lúc ấy vô cùng khó khăn, cái ăn rất thiếu, người dân cần đất trồng sắn, còn lúa cả xã nhỉnh hơn 500ha lại nuôi gần 7.000 nhân khẩu. “Tôi cùng anh em lãnh đạo xã kiên quyết cho 2.000ha rừng dẻ phải tái sinh. 5 năm đầu dẻ lên quá đầu người. 5 năm tiếp theo thì bắt đầu cho hạt có giá trị kinh tế, dân vào rừng tự hái hạt dẻ, không ai thu thuế phí nên bà con bắt đầu tin tưởng”, ông Biền Ngân thổ lộ.

Rừng dẻ Quảng Lưu: “Nồi cơm lớn” của 10 xã

- Advertisement -

Một góc rừng dẻ Quảng Lưu

Nhưng thành công nhất của 10 năm đầu tái sinh 2.000ha rừng dẻ là Quảng Lưu không còn hạn hán, lũ lụt không bị nước cuốn mạnh, các hồ chứa như Vân Tiền, Trung Thuần, Nước Sốt, Khe Dẻ… đầy ắp nước vào mùa khô khiến người dân nức lòng chung tay giữ rừng. Từ đồng áng, mùa màng làm ăn tấn tới, ai cũng nghĩ về công lao chống hạn hán, điều tiết mưa lũ của rừng dẻ.

Đến hôm nay đội giữ rừng dẻ Quảng Lưu đã trải qua 3 thế hệ. Lớp giữ rừng đầu tiên hiện còn lại là ông Nguyễn Văn Hợp (ở thôn Vân Tiền), lên núi Chóp Chài từ những năm 80 của thế kỷ trước, theo một giao ước với Bí thư xã Quảng Lưu: “Lãnh đạo dặn dò nếu không bảo vệ rừng dẻ thì đời con cháu phải di cư nơi khác kiếm đất làm ruộng. Ở lại chịu cực khổ, chịu đói khát bước đầu nhưng sẽ có kết quả mùa màng tốt tươi, hũ gạo sẽ không vơi. Tôi nghe vậy mà tin, rồi lội bộ 20 cây số đường rừng lên dựng lều trại, trồng sắn, trỉa bắp tăng gia thêm. Lúc đó, công giữ rừng xã trả bằng thóc, có năm trả đủ, có năm không, nhưng cứ tin giữ được rừng bà con sẽ khá hơn”, ông Hợp nói.

Đội giữ rừng Quảng Lưu được 12 người nhưng phải đi cả tuần. “Sáng sớm giao việc đồng áng cho vợ con, bọn tôi “vác tù và hàng tổng” đi giữ rừng. Chúng tôi đi đến ranh giới giáp ranh của các xã, đi cả tuần như vậy, tai mắt là bọn trẻ chăn trâu, hễ nơi nào có chặt phá là phải chạy bộ thật nhanh đến để ngăn chặn”, thành viên giữ rừng Phan Đình Hộ kể.

Còn tổ trưởng bảo vệ rừng Phan Văn Tuấn, thế hệ thứ 3, kiêm Trưởng Công an xã cho biết: “Khi rừng trồng có thu hoạch cao, người các xã Quảng Hợp, Quảng Châu, Quảng Tiến, rồi trên huyện miền núi Tuyên Hóa trổ về rừng dẻ phát đốt để trồng keo, cả đội lại đi canh giữ, nhiều bữa bị vây rất khốn đốn, còn bị dọa giết là chuyện thường tình”.

Ông Hợp nói thêm: “Năm 2004, nhiều người dân ở xã khác vào phá dẻ để trồng keo, chúng tôi chốt chặn thì bị đánh. Chúng tôi làm đơn kiện, cơ quan chức năng vào cuộc bắt 3 người, xử lý tù treo mỗi người 18 tháng nên mới giữ được rừng dẻ Quảng Lưu không bị xâm lấn”.

Tiền tỷ từ rừng dẻ

Anh Phan Văn Nam (ở thôn Vân Tiền), một trong những cá nhân tự nguyện vào giữ rừng dẻ và lấy đó làm sinh kế cho biết: “Hồi đầu khó khăn, nay tôi bảo vệ 24ha dẻ, trồng hồ tiêu, nuôi ong lấy mật, tăng gia trang trại mà làm được nhà, có xe máy. Mỗi mùa hạt dẻ, thu về vài trăm ký, bán được 50.000 đồng/kg. Giờ nghĩ lại, ngày xưa ông Biền Ngân đóng cửa rừng thật thông minh”.

- Advertisement -

Ông Nguyễn Văn Tư, một người hưởng lợi từ rừng, nói: “Đến vụ hạt, mỗi cá thể thu lượm chừng 3 tạ, thương lái về mua cũng gần được chục triệu đồng, ở quê mùa nông nhàn đi lượm hạt dẻ như thế là khá so với hạt lúa rồi”.

Ông Biền Ngân, Bí thư Đảng ủy xã, thống kê: “Báo cáo mà UBND xã đưa ra, sản lượng hạt dẻ người dân trong xã thu nhặt được từ 150 – 200 tấn/năm, toàn xã thu hơn 6 tỷ đồng. Đó mới chỉ là người dân xã Quảng Lưu, còn dân của 10 xã khác cũng vào thu hoạch nữa, con số tăng lên rất nhiều”.

Với người dân xã Quảng Lưu và cư dân 10 xã lân cận khác, giá trị mà rừng dẻ mang lại không chỉ là số tiền tỷ thu được từ hạt dẻ, mà lớn hơn là khu rừng đã chống được biến đổi khí hậu, tạo ra một hành lang xanh cho phát triển kinh tế. Bên trong khu rừng dẻ, người dân cho biết hệ sinh thái động vật như: heo rừng, chồn, nhím, thỏ, hươu, nai cùng hàng chục loài chim… đã xuất hiện trở lại.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Nguyễn Xuân Đạt đánh giá: “Người dân xã Quảng Lưu đã làm được điều kỳ diệu ngay trên quê hương mình”. Không chỉ bảo vệ dẻ, mỗi năm người Quảng Lưu còn có truyền thống trồng dặm vào đất rừng hơn 4 vạn cây giống các loại, với mục đích làm tốt hơn nữa việc giữ rừng để người dân có cuộc sống bền vững. 

MINH PHONG

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm