5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Hoàng Hối Khanh người mở cõi Nha Nghi

- Advertisement -

QBĐT – Danh tướng Hoàng Hối Khanh (1362 – 1407), nguyên quán xã Bái Trại, huyện Yên Định, nay là thôn Bái Trại, xã Định Tăng, tỉnh Thanh Hoá. Là người có tố chất thông minh, sáng dạ, năm Giáp Tý (1384), ông đỗ khoa thi Thái học sinh (tương đương tiến sỹ sau này). Năm 1385, ông được vua Trần Phế Đế tin tưởng giao giữ chức Tri huyện Nha Nghi, trấn giữ vùng phía Nam nước Đại Việt. Trải qua hơn 600 năm hình thành, huyện Nha Nghi, nay là Lệ Thủy đã không ngừng phát triển. Người dân Lệ Thủy biết ơn danh tướng Hoàng Hối Khanh như là người có công đầu mở cõi.

Ngay khi tiếp cận Nha Nghi, Hoàng Hối Khanh đã chọn Mũi Viết, vùng đất nằm giữa hai con sông Bình Giang và Ninh Giang làm nơi đóng huyện sở. Là người có tầm nhìn xa, trông rộng, ông thấy đây là vùng đất màu mỡ nhưng còn hoang vu và có khả năng khai phá lập nghiệp lâu dài.

Với cương vị là một vị tướng thống lĩnh cả một vùng phương Nam, năm 1387, ông đã ra vùng Châu Hoan Châu và Châu Ái (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) chiêu mộ dân 12 dòng họ và những người phiêu tán, không có sản nghiệp theo ông vào khai canh lập ấp. Thời kỳ này đói kém xảy ra liên miên, dân chúng nhiều người phải bỏ làng đi lưu vong.

Bởi vậy, khi nghe tin đã vào điền trang làm cho ông rất đông, số dân theo đó cũng tăng lên nhanh. Với lực lượng đó, ông đã có điều kiện để đẩy mạnh công cuộc khai hoang mở rộng điền trang với quy mô ngày càng lớn, số người lên đến hàng chục ngàn và khai khẩn được 500 mẫu đất. Đất này ông chia cho 12 dòng họ, một số nông nô và tổ chức thành điền trang, bố trí cho dân định cư dọc hai bờ sông Kiến Giang, dần dần về sau tiếp tục mở rộng ra các vùng khác ở trong huyện.

Hoàng Hối Khanh người mở cõi Nha Nghi

Đền thờ danh tướng Hoàng Hối Khanh tại thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy).

Để tiện quản lý, Hoàng Hối Khanh chia điền trang ra các “kẻ” và “nhà”. “Kẻ” là vùng dân cư sản xuất ngoài trời chuyên cày cấy làm ra lúa gạo tự cung, tự cấp và dự trữ lương thực phòng khi chiến tranh xảy ra. “Nhà” bao gồm các vùng dân cư làm việc trong nhà với các nghề thủ công, chuyên sản xuất những vật dụng cần thiết cho trang viên.

Những đơn vị chuyên sản xuất lương thực, thực phẩm đơn thuần đặt tên ”kẻ” như Kẻ Tiểu (Thượng Phong), Kẻ Đợi (Đại Phong), Kẻ Tuy (Tuy Lộc), Kẻ Thá (An Xá), Kẻ Théc (Thạch Bàn), Kẻ Trìa (Tân Lệ), Kẻ Sóc (Mỹ Lộc), Kẻ Chền (Quảng Cư), Kẻ Tréo (Cổ Liễu), Kẻ Sòi (Xuân Hồi). Những đơn vị vừa làm nông nghiệp vừa làm thủ công nghiệp, sản xuất công cụ tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng gọi là ”nhà” như Nhà Mòi (Mai Hạ) có nghề trồng bông dệt vải; Nhà Phan (Phan Xá), Nhà Vàng (Hoàng Giang) có thợ rèn đúc dao rựa, cày cuốc, gươm giáo; Nhà Ngo (Uẩn Áo) có nghề sản xuất đồ gốm, gạch…; Nhà Cai (Mai Xá) có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Ông dùng chính sách khuyến nông, khuyến khích mọi người cùng làm cùng hưởng, tích trữ quân lương để đề phòng khi có chiến tranh.

- Advertisement -

Ông thường xuyên chăm lo luyện tập quân lính, khi hòa bình mọi người đều là dân, khi chiến tranh mọi người đều là lính (động vi binh, tịnh vi dân). Quyền lực của ông được tăng cường, lực lượng quân sự ở phía Nam đất nước trở nên hùng mạnh. Nhờ vậy, suốt thời gian làm Tri huyện Nha Nghi, ông luôn giữ vững được an ninh, pháp luật được bảo đảm, chặn đứng được các cuộc xâm lấn của quân Chămpa muốn đánh ra Châu Hoan, Châu Ái bằng đường bộ.

Tương truyền rằng, từ cơ sở Kẻ Tiểu ban đầu, ông đã tâu lên vua cho mở rộng toàn vùng, thành lập một số đơn vị hành chính khác. Đến nay, ở huyện Lệ Thủy, vẫn còn giữ được một số làng nghề truyền thống và vẫn còn nguyên vẹn tên làng, tên nghề thuở sơ khai (các tên làng này vẫn còn được gọi song song với trên mới, “kẻ” như Kẻ Tiểu là Thượng Phong, Kẻ Đợi là Đại Phong, Kẻ Tuy là Tuy Lộc, Kẻ Thá là An Xá, Kẻ Soi là Xuân Hồi, Kẻ Tréo là Cổ Liễu, Kẻ Chền là Quảng Cư; ”nhà” như Nhà Mòi là Mai Hạ, Nhà Phan là Phan Xá, Nhà Vàng là Hoàng Giang, Nhà Ngo là Uẩn Áo, Nhà Cai là Mai Xá).

Để tưởng nhớ người có công lao mở cõi đất Nha Nghi – Lệ Thủy, năm 2002 dân làng Thượng Phong (tức làng Kẻ Tiểu khi xưa) đã lập đền thờ ông tại quê nhà bên hữu ngạn sông Kiến Giang, thuộc địa phận xóm 2, làng Thượng Phong (xưa kia, đền thờ cũ của ông nằm ở trung tâm chính trị huyện hiện nay và đã bị giặc Pháp đốt trụi năm 1947). Hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 và mồng 6 tháng 6 (âm lịch), dân làng tổ chức tế lễ cung kính, long trọng và đã thành lệ làng gọi là: “Cộ Ngài khai khẩn”, vừa để tưởng nhớ đến ngài, ôn lại truyền thống quê hương, vừa là để dân làng vào hội với các nghi lễ, trò chơi dân gian mang đậm màu sắc địa phương.

Làng Kẻ Tiểu (Thượng Phong) dưới thời phong kiến hình thành 4 thôn gồm: thôn Vạn, thôn Vịnh, thôn Đò và thôn Hà; sau hòa bình nhập lại thành thôn Thượng Phong. Năm 1986 có 2 xóm được quy hoạch nhập vào thị trấn Kiến Giang, vì vậy làng Thượng Phong bây giờ thuộc hai đơn vị hành chính đó là thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy và tổ dân phố 4, 5 thị trấn Kiến Giang với khoảng 5.000 nhân khẩu.

Trải qua hơn 6 thế kỷ hình thành và phát triển dưới các thời kỳ lịch sử khác nhau, dân làng Thượng Phong đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để ứng phó, chống chọi với thiên tai, chiến thắng địch họa. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, cán bộ và nhân dân Thượng Phong đã phát huy truyền thống lịch sử quê hương, vun đắp tình nghĩa xóm làng, giúp đỡ nhau trong học tập công tác lao động sản xuất, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Tùy Phong

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm