6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đô thị ô nhiễm, người dân lên tiếng

- Advertisement -

QBĐT – Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư vẫn còn diễn ra ở khắp các xã, phường trên địa bàn TP. Đồng Hới. Trong khi đó, công tác khắc phục, giải quyết của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc giảm thiểu, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) theo quy hoạch đô thị vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời…

Dân khốn khổ vì cơ sở sản xuất trong khu dân cư

Phường Đức Ninh Đông là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hoá tương đối nhanh của TP. Đồng Hới. Vì vậy, diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp và người dân nơi đây cũng dần chuyển đổi sang các nghề mới, như: chăn nuôi, mộc dân dụng, gia công cơ khí, hàn xì…

Đô thị ô nhiễm, người dân lên tiếng

Cơ sở hàn xì nằm trong khu dân cư trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới gây ô nhiễm tiếng ồn, không khí đối với người dân sống xung quanh.

Phải khẳng định rằng, các cơ sở sản xuất TTCN đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, song đi kèm với đó là tình trạng các cơ sở chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư đã gây phát sinh các vấn đề ô nhiễm về không khí, tiếng ồn, nước thải, rác thải, làm thay đổi chất lượng môi trường sống của người dân.

Theo ông Bùi Văn Quýt, Phó Chủ tịch UBND phường Đức Ninh Đông, hiện phường có 238 cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư, chủ yếu là các loại hình, như: buôn bán phế liệu; sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy; sản xuất chế biến đồ gỗ, đồ mộc; gia công cơ khí; chăn nuôi lợn, sản xuất chế biến thực phẩm; cơ sở in ấn… với quy mô nhỏ lẻ, trong đó có 46 cơ sở liên quan đến ô nhiễm môi trường.

Có mặt tại đường Lý Thánh Tông, đoạn đi qua địa phận xã Lộc Ninh (song song với đường Lý Thường Kiệt), nơi được xem là “cửa ngõ” phía Bắc của trung tâm TP. Đồng Hới, chúng tôi chứng kiến đoạn đường chưa đầy 2km đã tồn tại hàng chục cơ sở sản xuất TTCN nằm ven đường.

- Advertisement -

Ông Nguyễn Văn Cội, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh cho biết, phát triển công nghiệp- TTCN là hướng đi phù hợp với đặc thù của địa phương trong quá trình phát triển toàn diện và bền vững. Vì vậy, đến nay toàn xã có trên 480 hộ cá nhân và cơ sở kinh doanh, trong đó trên 50% cở sở nằm xen kẽ trong dân.

Không chỉ ở Đức Ninh Đông hay Lộc Ninh, đây là thực trạng chung của nhiều địa phương khác, như: Bắc Lý, Hải Đình, Đồng Phú, Nam Lý… Việc các cơ sở sản xuất trong khu dân cư trong thời gian dài không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân và làm mất mỹ quan đô thị.

Đặc biệt, dù không thuộc loại hình sản xuất, nhưng 52 cơ sở thu mua phế liệu nằm trong khu dân cư, tập trung chủ yếu tại địa bàn các xã, phường: Nghĩa Ninh, Phú Hải, Hải Đình, Nam Lý, Bắc Lý… đang khiến người dân trên ở các địa phương vô cùng khổ sở. Gia đình bà Trần Thị Hồng Xuyến, nhà số 7 Lý Thánh Tông, ở ngay sát cơ sở mua phế liệu bức xúc phản ánh: “Cùng với tiếng ồn, bụi, mùi hôi nồng nặc khi bốc xếp phế liệu khiến gia đình tôi không dám mở cửa..”.

Vẫn còn nhiều bất cập…

Thực tế hiện nay, đa phần các cơ sở TTCN đều tồn tại và hoạt động lâu dài trong khu dân cư, tuy nhiên, việc bắt các cơ sở gây ô nhiễm di dời ra khỏi khu dân cư là vấn đề không dễ thực hiện. Bởi, trước hết, là do sự phát triển chưa đồng bộ, cân đối giữa kinh tế và quy hoạch thành phố.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn năm 2011-2015, tầm nhìn đến 2020, nhằm sớm di dời các cơ sở ra khỏi khu dân cư, TP. Đồng Hới dự kiến quy hoạch 10 cụm TTCN với diện tích trên 68ha trong năm 2015 và đến năm 2020 sẽ mở rộng khoảng 104ha đất TTCN tập trung. Nhưng, thực tế hiện nay, thành phố mới đầu tư xây dựng 4 cụm TTCN đi vào hoạt động và nhiều địa phương vẫn chưa có quy hoạch cụm TTCN, nên các ngành nghề dễ gây ô nhiễm không có địa điểm để di dời.

Mặt khác, các cụm TTCN được hoàn thành không có nghĩa tất cả các đơn vị sản xuất trên địa bàn các xã, phường được phép di dời vào mà chỉ một số ít các cơ sở nằm trong danh mục được quy định mới được di dời. Đồng thời, việc di dời phải có sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân.

Ông Trần Văn Hưng chủ cơ sở mộc chia sẻ: “Với quy mô sản xuất theo hộ gia đình, nguồn vốn hạn chế thì việc di dời đến các cụm TTCN sẽ rất khó khăn và nan giải cho các cơ sở…”. Do đó, vấn đề giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất nằm xen trong khu dân cư đang ở thế “đi cũng khó mà ở cũng không xong”.

- Advertisement -

Thêm vào đó, “Phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm về# không khí, tiếng ồn đối với một số xưởng mộc, nhôm kính… là có thật. Tuy nhiên, việc xử lý các cơ sở sản xuất trong khu dân cư là rất khó, vượt quá khả năng, chức trách của các địa phương vì hầu hết các cơ sở sản xuất trên các địa bàn nhỏ lẻ, chủ yếu các hộ gia đình tự mở để kinh doanh tại nhà không đăng ký các thủ tục môi trường…”, ông Bùi Văn Quýt, Phó Chủ tịch UBND phường Đức Ninh Đông băn khoăn.

TP. Đồng Hới cũng đã xử lý mạnh tay đối với một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường, như: đình chỉ hoạt động, yêu cầu di dời ra khỏi khu dân cư… Tuy nhiên, một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh ý thức kém, dùng nhiều biện pháp để đối phó hoặc thiếu thiện chí hợp tác với các cơ quan chức năng nên số vụ vi phạm về môi trường vẫn tiếp diễn. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, thành phố đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 24 vụ với 21 cá nhân, 3 tổ chức vi phạm pháp luật về môi trường và đã xử phạt với số tiền trên 31 triệu đồng.

Qua trao đổi với lãnh đạo một số địa phương cho thấy, một trong những bất cập nữa là mặc dù tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở để lại cũng là vấn đề gây bức xúc trong dân, nhưng hầu hết các cơ sở này đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Do đó, vì “miếng cơm manh áo”, nên bà con không muốn làm căng với cơ sở sản xuất và chính quyền cơ sở cũng ngại va chạm trong vấn đề quản lý.

Chính thực trạng đó, tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều hộ dân sống xung quanh các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại các xã, phường trên địa bàn TP. Đồng Hới đã kiến nghị và góp ý nhiều lần về hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhưng đa phần đều không được giải quyết như mong muốn.

Những nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm

Đến nay, Đồng Hới đã hình thành 4 cụm TTCN gồm: Phú Hải, Thuận Đức, Bắc Nghĩa, Tân Sơn (Đức Ninh) và thu hút 47 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư kinh doanh. Riêng cụm TTCN Tân Phú (Quang Phú) đang chuẩn bị triển khai đầu tư và cụm TTCN Lộc Ninh đang chờ tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Đô thị ô nhiễm, người dân lên tiếng

Cơ sở thu mua phế liệu gây mùi hôi và làm mất mỹ quan đô thị tại đường Lý Thánh Tông, TP. Đồng Hới.

Chị Phạm Thị Hoa, chủ DNTN Thể Hoa là một trong 14 dự án đã đi vào hoạt động tại cụm TTCN Phú Hải phấn khởi: “Được sự hỗ trợ của chính quyền về mặt bằng, doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng nhà xưởng rộng rãi, giao thông thuận tiện, đặc biệt là không còn lo sợ gây ô nhiễm cho cộng đồng dân cư như trước đây…”          

Thời gian qua, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác di dời, giải quyết tình trạng ô nhiễm của các cơ sở sản xuất TTCN xen cài trong khu dân cư, các cấp, ngành và địa phương cũng đã thường xuyên thanh tra, kiểm tra và giám sát, buộc doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Đồng thời, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn đối với các chủ cơ sở sản xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động giúp người dân có việc làm và cải thiện đời sống.

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã xét cho 25 cơ sở, doanh nghiệp trong khu dân cư được thuê đất vào sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp với cam kết sẽ không sản xuất trong khu dân cư sau khi hoàn thành các thủ tục sản xuất ở cụm công nghiệp.

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hoặc đầu tư mới một số cụm TTCN trên địa bàn và chỉ đạo các xã, phường kiểm tra, yêu cầu các cơ sở đang sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường vào sản xuất tại cụm TTCN.

Đặc biệt, đối với các cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư, thành phố sẽ sắp xếp một số địa điểm tại các cụm TTCN để bố trí, di dời các cơ sở thu vào các cụm, vừa chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng cháy chữa cháy, vừa bảo đảm mỹ quan đô thị.

Cùng với đó, việc di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư có mật độ lớn phải đồng thời với việc đưa kỹ thuật xử lý ô nhiễm tận gốc đến cho từng cơ sở bị di dời. Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, nâng mức xử phạt hành chính để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm…

N.L

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm