Quảng Bình – mảnh đất miền Trung với những dải núi hùng vỹ, xanh thẳm biển khơi, mênh mông gió Lào, cát trắng, nơi sinh ra những người con mộc mạc, anh dũng. Quảng Bình tự hào là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh hùng dân tộc, người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Từ quê hương cách mạng Cao Bằng, nơi gắn bó và lưu giữ nhiều kỷ niệm với Đại tướng những ngày đầu cách mạng còn trong gian khó, Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Cao Bằng có chuyến hành hương đến với Quảng Bình trong những ngày tháng Bảy lịch sử.
Kỳ I: Quê nghèo sinh ra vị tướng huyền thoại
Cán bộ, phóng viên Báo Cao Bằng nghe ông Võ Đại Hàm kể chuyện những lần về thăm quê của Đại tướng. Ảnh: Trường Hà
Vượt qua quãng đường gần 1.000 km, chúng tôi đến với Quảng Bình – mảnh đất miền Trung xa xôi hiện dần như một bức tranh với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: Đèo Ngang, đèo Lý Hòa, cửa bãi biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời… và Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Nơi đây có di tích bến đò và Tượng đài Mẹ Suốt nổi tiếng – người mẹ huyền thoại từng ngày đêm chèo đò chở bộ đội qua sông Nhật Lệ trong những ngày chiến đấu ác liệt, một tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Quảng Bình cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người khai phá đất Phương Nam, là quê hương và nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.
Từ thành phố Đồng Hới, theo con đường trải nhựa phẳng lỳ qua những cánh đồng phủ màu vàng của lúa tái sinh (lúa chét) đang kỳ thu hoạch khoảng 40 km, chúng tôi đến làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy – nơi “chôn rau cắt rốn” của vị Đại tướng tài ba, nơi nuôi dưỡng Đại tướng lớn lên trong tiếng ru à ơi với những điệu hò khoan ngọt ngào tha thiết. Đồng nghiệp Nguyễn Hoàng, phóng viên Báo Quảng Trị dẫn đường cho đoàn chia sẻ: Lộc Thủy là vùng chiêm trũng thường xuyên bị mưa bão, ngập lụt, cuộc sống của người dân rất khó khăn. Những năm gần đây, quê hương của Đại tướng có nhiều đổi thay đáng kể, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp; đời sống người dân dần được cải thiện. Lộc Thủy tự hào là một trong sáu xã đầu tiên của Quảng Bình đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, làng An Xá nằm bên dòng Kiến Giang huyền thoại từ lâu nổi tiếng với nghề sản xuất chiếu cói truyền thống, trải qua bao thăng trầm, nghề vẫn được lưu giữ, phát triển, góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển chung của địa phương.
Ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng nằm ở khoảng giữa của con ngõ nhỏ có chiếc cổng bằng gỗ trên có mái che với hàng râm bụt cắt tỉa gọn gàng, khoảng sân gạch rộng rãi. Tiếp đón chúng tôi là ông Võ Đại Hàm, cháu của Đại tướng, người nhận nhiệm vụ trông coi và chăm sóc ngôi nhà hơn 30 năm nay. Kính cẩn thắp nén hương thơm lên bàn thờ Đại tướng, cả đoàn ai cũng rưng rưng xúc động. Từ quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng, nơi ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, nơi Đại tướng luôn coi là quê hương thứ hai của Đại tướng, hôm nay, được về thăm ngôi nhà đơn sơ, nơi đã sinh ra một bậc anh hùng, vị Đại tướng của nhân dân, trong ngập tràn cảm xúc, chúng tôi thầm hứa với lòng mình phải tiếp tục học tập, phấn đấu nhiều hơn, tô thắm thêm những trang sử hào hùng của dân tộc mà cha anh đã viết bằng cả máu và nước mắt.
Ngôi nhà cũ gắn bó với Đại tướng trong những ngày niên thiếu, thuở học trò và cả những năm tháng hoạt động cách mạng trong những lần hiếm hoi về thăm gia đình đã bị giặc Pháp phá hủy năm 1946. Ngôi nhà hiện nay được xây dựng lại từ năm 1977, ngay trên nền ngôi nhà cũ, đúng nguyên mẫu ban đầu. Ngôi nhà ba gian lợp ngói, mái hiên cao ráo. Gian giữa của ngôi nhà dùng làm nơi thờ tự. Gian cạnh kê bộ tràng kỷ tiếp khách, trên tường treo nhiều bức ảnh Đại tướng chụp chung với Bác Hồ và đồng bào, đồng chí của mình. Gian bên cạnh là phòng ngủ có chiếc giường trải chiếu cói. Những vật dụng quen thuộc ở vùng lúa, như: cày, bừa, cuốc, xẻng, chum.. được sắp xếp ngăn nắp. Phía ngoài là một chiếc bàn tiếp khách đơn sơ. Quanh ngôi nhà có rất nhiều cây xanh, có những cây do chính tay Đại tướng trồng mỗi lần về thăm quê. Đặc biệt là cây khế ngọt tỏa bóng sum suê bên đầu hồi nhà năm nay đã hơn trăm tuổi. Dưới gốc khế này, Đại tướng từng ngồi học bài và vui chơi cùng bè bạn. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, cây khế vẫn vững chãi tỏa bóng xuống một góc vườn. Trước cửa nhà là một cây thuốc quý được Đại tướng mang từ Huế ra trồng. Hằng ngày, ông Hàm chăm sóc bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Đại tướng, quét dọn ngôi nhà sạch sẽ. Ông Hàm cho biết: Từ sau năm 1978, năm nào Đại tướng cũng về thăm quê hương. Những lần về thăm quê, về ngôi nhà của mình, ông kính cẩn thắp hương lên bàn thờ tổ tiên; thăm hỏi những người bạn thuở thiếu thời xem ai còn, ai mất; bắt tay, ôm hôn từng người bà con, làng xóm; nghe điệu hò khoan Lệ Thủy… Lần về quê sau cùng vào tháng 11/2004, không về được do sức khỏe yếu nhưng Đại tướng luôn nhớ về quê nhà, gặp ai ra Hà Nội cũng hỏi thăm…
Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Về thăm quê hương Lộc Thủy của Đại tướng, chúng tôi được chứng kiến tình cảm của người dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung đối với mảnh đất sinh ra người con ưu tú của đất nước. Ngôi nhà nơi Đại tướng sinh ra và lớn lên trở thành điểm đến văn hóa, lịch sử để các thế hệ con cháu Việt Nam hiểu hơn về quá khứ chống giặc ngoại xâm gian khổ mà hào hùng của dân tộc, về tấm gương cách mạng kiên trung làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong lịch sử Việt Nam. Ngày Đại tướng đi xa, trong cơn mưa tầm tã của cơn bão số 10, ngôi nhà của Đại tướng đông kín người dân đến bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của một người con quê hương, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng huyền thoại mà cả nhân loại đều kính nể.
Sau ngày Đại tướng mất, ngôi nhà lưu giữ biết bao kỷ niệm của vị tướng lừng danh thế giới hằng ngày đón rất nhiều đoàn khách và nhân dân đến viếng thăm. Trong những cuốn sổ lưu niệm tại nhà Đại tướng có rất nhiều bút tích của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, khách nước ngoài và những người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Tất cả đều thể hiện sự khâm phục tài năng, đức độ của vị tướng tài ba, ghi nhớ công lao to lớn của Đại tướng, hứa sẽ học tập, rèn luyện, phấn đấu theo tấm gương của Đại tướng. Đặc biệt, đối với người dân làng An Xá, Đại tướng luôn gần gũi, hiện hữu trong trái tim mỗi người với tất cả sự chân thành và sâu lắng nhất; mỗi khi gia đình có việc hoặc trước khi làm việc gì lớn, họ đều đến thắp hương báo cáo với Đại tướng. Đang trò chuyện với ông Hàm, chúng tôi gặp gia đình anh Nghiêm Văn Chinh ở tỉnh Bình Dương đến thắp hương cho Đại tướng. Vợ anh Chinh là người cùng quê với Đại tướng, con trai anh mới lấy vợ, hôm nay vợ chồng anh cùng bố vợ và các con đến thắp hương cho Đại tướng để các con hiểu hơn công lao to lớn và cuộc đời huyền thoại của Đại tướng.
Rời làng An Xá, nơi lưu giữ những kỷ niệm, những câu chuyện về tài năng, đức độ của vị tướng tài ba, Đoàn chúng tôi tiếp tục hành hương về Vũng Chùa – Đảo Yến – nơi Đại tướng đã chọn để yên nghỉ giữa lòng đất mẹ Quảng Bình. Qua mỗi cung đường, chúng tôi cảm nhận rõ nét vùng quê giàu truyền thống cách mạng Lệ Thủy đang có những bước đi vững chắc trong tiến trình xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, như Đại tướng hằng mong muốn.
Minh Trang