6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Vì sao rừng bần bị xâm hại?

- Advertisement -

QBĐT) – Rừng bần bị xâm hại không thương tiếc, trong khi suốt hơn 1 tháng liền trước đó, nhiều người dân bức xúc lên tiếng phản ánh đến UBND xã Tân Ninh, thế nhưng chính quyền địa phương nơi đây vẫn “thản nhiên” im lặng. Chỉ sau khi một lãnh đạo huyện Quảng Ninh biết sự việc và theo chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã Tân Ninh mới tiến hành kiểm tra và đình chỉ mọi hoạt động cải tạo ao hồ ở đây. Thế nhưng, mọi chuyện giờ đây còn lại đã là “sự đã rồi”…

>> Rừng bần ở Tân Ninh (Quảng Ninh) bị xâm hại nghiêm trọng

Tạm dừng việc đào hồ, làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất

Bà Nguyễn Thị Dọc ở thôn Quảng Xá bức xúc cho rằng: “Khi phát hiện máy móc vào rừng bần đào xới, đắp đập nuôi trồng thủy sản, nhiều người dân Quảng Xá đã phản ánh lên chính quyền địa phương, tuy nhiên chính quyền vào cuộc quá chậm. Giờ thì rừng bần hàng trăm năm tuổi đã bị xâm hại rồi. Nếu một mai rừng bần không còn, thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là khi lũ lụt”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở khu vực rừng bần Tân Ninh (hơn 13ha) có 22 hộ dân được UBND huyện Quảng Ninh giao đất mặt nước để thực hiện việc nuôi trồng thủy sản, từ năm 1994, 1995, với thời hạn giao đất 20 năm. Trong đó có 2 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì sao rừng bần bị xâm hại?

Rừng bần xã Tân Ninh đã được quy hoạch rừng phòng hộ.

Điều này có nghĩa là có đến 20 hộ hiện đã hết thời hạn sử dụng đất, từ 2, 3 năm trước. Theo lý giải của ông Chủ tịch UBND xã này, căn cứ vào Luật Đất đai, nếu đến mốc ngày 1-7-2014 mà chưa hết hạn giao đất, thì các hộ dân này vẫn chưa hết hạn sử dụng đất.

- Advertisement -

Tuy nhiên, trong báo cáo số 40/BC-UBND ngày 7-8 của UBND xã Tân Ninh gửi UBND huyện Quảng Ninh về việc sử dụng đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã lại cho rằng:“thời hạn sử dụng đất của các hộ đã hết”. Và thể theo nguyện vọng của người dân nơi đây, UBND xã Tân Ninh đã đề nghị UBND huyện Quảng Ninh “gia hạn” thêm thời gian để các hộdân này tiếp tục cải tạo diện tích đất nuôi trồng thủy sản nói trên.

Tuy nhiên, ngày 11-8, UBND huyện Quảng Ninh có Công văn số 723/UBND gửi UBND xã Tân Ninh về việc người dân đào hồ nuôi trồng thủy sản. Theo đó, qua kiểm tra thực tế tại khu vực ven sông Kiến Giang (xã Tân Ninh), một số hộ dân đào hồ, đắp bờ, có ảnh hưởng đến rừng bần tự nhiên và rừng trồng phòng hộ dự án APS (Dự án trồng rừng ngập mặn-PV). Về việc các hộ dân được giao đất mặt nước ven sông để nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng đất trước Luật Đất đai 2013, thì phải trả lại đất hoặc xem xét gia hạn theo đúng pháp luật.

UBND huyện yêu cầu UBND xã Tân Ninh tạm dừng việc đào hồ, làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất đối với các trường hợp giao đất mặt nước để nuôi trồng thủy sản, việc đắp bờ không được làm biến dạng địa hình, rừng bần tự nhiên và rừng phòng hộ APS phải được bảo tồn, phát triển, không được chặt phá làm mất cảnh quan, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Đối với các trường hợp được giao đất nuôi trồng thủy sản, phải sử dụng đúng mục đích, nhưng không được đào phá cây rừng tự nhiên, mà giữ nguyên hiện trạng. Nếu các hộ không chấp hành, có vi phạm thì có yêu cầu xử lý và kiến nghị thu hồi đất để thực hiện quy hoạch vùng phòng hộ ven sông theo dự án APS trước đây… Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải thu hồi để quản lý theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Nhận thức mơ hồ về “rừng phòng hộ”

Liên quan đến vấn đề giao đất, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong các quyết định giao đất cho các hộ dân nói trên, huyện Quảng Ninh chỉ giao “đất mặt nước ven sông Kiến Giang”, chứ không phải giao đất rừng để cải tạo, đắp đập, ngăn hồ làm biến dạng mặt đất quy mô đến như vậy. Nghiêm trọng hơn nữa là, chính vì việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương nơi đây, đã khiến rừng bần bị xâm hại một cách không thương tiếc.

Ông Nguyễn Viết Giai, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Ninh lý giải rằng: “Trong các quyết định giao đất cho các hộ dân trước đây, đều có ghi rõ là giao “đất mặt nước ven sông Kiến Giang”, tức là chỉ được sử dụng và khai thác mặt nước ven sông, chứ không được làm biến dạng địa hình mặt đất, mặc dù có thể ngăn làm ao hồ, nhưng tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến cây rừng”.

Chưa hết, qua tìm hiểu, năm 1999, trên địa bàn huyện Quảng Ninh, Dự án APS đã tiến hành triển khai trồng 20ha rừng ngập mặn từ ven sông Kiến Giang từ cầu Quán Hàu lên đến cầu Mỹ Trung (trong đó có khu vực rừng bần ở xã Tân Ninh). Cùng thời gian đó, Dự án này cũng đã tiến hành khảo sát, quy hoạch 3 loại rừng: rừng trồng, rừng tự nhiên và rừng phòng hộ trên địa bàn.

- Advertisement -

Theo đó, thì diện tích hơn 13ha rừng bần ở Tân Ninh được quy hoạch là rừng phòng hộ, thuộc loại rừng cần phải được giữ gìn và bảo vệ mãi mãi. Thế nhưng, làm việc với chúng tôi (ngày 11-8 vừa qua), ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch UBND xã lại hiểu biết rất mơ hồ về dự án nói trên, với lý do “Dự án này triển khai đã quá lâu và khi dự án rút đi, họ cũng không bàn giao gì cho địa phương cả”.

Vì sao rừng bần bị xâm hại?

Với sự hiện diện của những ao hồ quy mô như thế này, về lâu dài, liệu rừng bần có thể tồn tại?!

Cứ cho rằng, do Dự án APS triển khai đã lâu, thế nhưng chỉ mới cách đây 3 năm, tại bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh ban hành theo Quyết định số 2410/QĐ-UBND, ngày 3-9-2014 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, thì khu vực rừng bần trên địa bàn xã Tân Ninh đã được quy hoạch thành rừng phòng hộ xung yếu.

Chẳng nhẽ chính quyền địa phương xã Tân Ninh lại không hay biết gì? Với nhận thức chưa đầy đủ, thiếu trách nhiệm và quản lý lỏng lẻo như trên của những người đứng đầu chính quyền địa phương nơi đây, thì việc rừng bần này bị xâm hại là chuyện không phải bàn cãi gì nữa!.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho hay: “Qua vụ việc nói trên, cho thấy nhận thức của cán bộ, lãnh đạo xã Tân Ninh rất mơ hồ về rừng phòng hộ. Để xảy ra tình trạng nói trên, nguyên nhân đầu tiên là do người dân thiếu hiểu biết, còn chính quyền địa phương nơi đây có thiếu sót và buông lỏng trong quản lý. Quan điểm của huyện là vừa phát triển nuôi trồng thủy sản, vừa giữ rừng bần”.

Qua sự việc này, thiết nghĩ UBND huyện Quảng Ninh cần làm rõ trách nhiệm của UBND xã Tân Ninh vì đã buông lỏng và thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý việc sử dụng đất trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành cắm mốc giới để duy trì, bảo vệ và phát triển rừng bần theo đúng quy hoạch đã đề ra.

Ông Văn Anh Thuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh cho biết: “Dù đã quy hoạch hay chưa quy hoạch, thì với người dân xã Tân Ninh, rừng bần nghiễm nhiên tồn tại với mục đích phòng hộ rồi”.

  • Dương Công Hợp – Báo Quảng Bình
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm