5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nhà máy có gây ô nhiễm?

- Advertisement -

QBĐT – Thời gian gần đây, hàng chục hộ dân ở thôn Xuân Kiều và thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) rất bức xúc vì khói bụi, nguồn nước bị ô nhiễm do nhà máy sản xuất tấm lợp Fibrocemen Cosevco và Nhà máy gạch Tuynel Ba Đồn đóng trên địa bàn gây ra… 
Theo phản ánh của người dân, hai nhà máy này đã đóng trên địa bàn gần 20 năm nay và nằm cạnh nhau. Lúc mới hoạt động thì không mấy ảnh hưởng đến môi trường, nhưng càng về sau khi các nhà máy mở rộng quy mô sản xuất thì bắt đầu xuất hiện tình trạng ô nhiễm.

Bà Võ Thị Cảnh, 61 tuổi, thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân cho biết, nhà bà  nằm đối diện Nhà máy gạch Tuynel, nếu trời nắng thì phải đóng cửa cả ngày để tránh bụi bặm, xi măng theo gió thổi về. “Sáng nào cũng phải lau chùi nhưng chỉ được một lúc là cả nhà đều loang lỗ bụi bẩn. Hầu hết nhà dân sống quanh khu vực này phải đóng kín cửa để hạn chế bụi bay vào nhà” – bà Cảnh nói.

Không chỉ bị “tra tấn” vì khói bụi, những năm gần đây, người dân sống gần khu vực phát hiện nguồn nước giếng dùng để sinh hoạt từ hàng chục năm nay bỗng dưng “có vấn đề”, nổi nhiều lớp váng đục ngầu trên bề mặt. Khi dùng nước này để tắm rửa thì nhiều người bị ngứa rát khó chịu. Thời gian gần đây, tình trạng mắc bệnh về đường hô hấp diễn ra khá phổ biến và các bệnh ngoài da có chiều hướng gia tăng khiến người dân sống quanh khu vực hai nhà máy rất lo lắng. Người dân cho rằng việc sản xuất tấm lợp phi-brô xi-măng của nhà máy Fibrocemen Cosevco sinh bụi Amiăng độc hại, xả nước thải gây ô nhiễm ra khu dân cư khiến nguồn nước ngầm cũng nhiễm độc. Đây là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ngoài da.

Nhà máy có gây ô nhiễm?

Ông Võ Văn Bế, 53 tuổi, ở thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân cho rằng nhà máy tấm lợp Fibrocemen gây ô nhiễm nguồn nước của gia đình.

Bà Trần Thị Các, 47 tuổi, ở thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân bức xúc cho biết, gia đình bà sống phía sau nhà máy tấm lợp Fibrocemen Cosevco từ trước khi có nhà máy. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, nguồn nước giếng của gia đình bà bị nổi lớp váng đục ngầu, cũng từ dây bà bị bệnh ngoài da đã đi bệnh viện điều trị nhưng mãi không khỏi. Ông Võ Văn Bế, 53 tuổi (chồng bà Các) cho rằng, chính nguồn nước giếng nhà mình bị ô nhiễm do chất thải từ nhà máy tấm lợp Fibrocemen, bởi vậy gia đình bà không dám sử dụng nước giếng trong sinh hoạt hàng ngày.

“Trận lũ lụt năm 2016 đã cuốn trôi hàng rào chứa tấm lợp vỡ và chất thải của nhà máy tấm lợp Fibrocemen tràn vào vườn nhà khiến đàn bò 5 con của gia đình chết do uống phải nước thải bẩn”, ông Bế bức xúc cho biết.

Còn ông Trần Văn Đại, 50 tuổi, thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân cho hay, nhà ông có 4 ao hồ nuôi trồng thủy sản phía sau nhà máy nhưng mấy năm trở lại đây phải bỏ hoang vì nguồn nước có vấn đề. Mặc dù trước khi thả giống đã khử trùng, làm sạch hồ nhưng được vài ngày cá chết nổi trắng ao.

- Advertisement -

Theo phản ánh của người dân, sau nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN –MT) đã về lấy mẫu nước đi kiểm tra và có kết luận các mẫu phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng Amiăng phát tán ra môi trường đều đạt tiêu chuẩn. Kết quả phân tích mẫu nước ngầm của Sở TN-MT cũng khẳng định rằng, giếng nước của các hộ dân sống xung quanh hai nhà máy là do “độ cứng trong nước ngầm cao là do cấu trúc địa chất thủy văn của khu vực”. Lượng thải của nhà máy là không đáng kể và đều đạt quy chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, tình trạng nguồn nước giếng nổi vệt đục ngầu chỉ xuất hiện ở mấy năm gần đây. Và tình trạng này chỉ xuất hiện ở những hộ sống gần khu vực nhà máy tấm lợp Fibrocemen còn người dân các thôn khác không bị.

Nhà máy có gây ô nhiễm?

Bãi thải của nhà máy tấm lợp Fibrocemen Cosevco nằm sát nhà dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Xuân Quang, Giám đốc Nhà máy Tấm lợp Fibrocemen Cosveco cho biết: Nhà máy đi vào hoạt động gần 20 năm nay và luôn nghiêm túc thực hiện các báo cáo định kì. Đầu năm 2017, Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình đã ra kiểm tra. Chúng tôi xả thải trong giới hạn cho phép.

“Về việc phản ánh của người dân chúng tôi cũng nhận được rất nhiều, Sở TN-MT cũng đã lập đoàn thanh tra, lấy mẫu để kiểm tra. Theo kết quả mới nhất của đoàn thanh tra thì các chỉ số đều bảo đảm không vượt mức, trong quá trình sản xuất nhà máy nào cũng phải có bụi, nhưng chỉ trong nhà máy, chứ không đến mức gây ô nhiễm ra bên ngoài. Còn về nước thải thì chúng tôi có hồ lắng”. Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận rằng, quá trình sản xuất việc nước thải ngấm vào lòng đất là không thể tránh khỏi.

Ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân cho biết, trước sự việc này xã cũng đã có công văn gửi vào Sở TN-MT đề nghị kiểm tra. Sau đó sở cũng đã có công văn trả lời rằng, các hộ dân sống ở khu vực nhà máy có mạch nước ngầm nằm trong quy chuẩn và giới hạn cho phép, không ô nhiễm. Tuy nhiên các chất thải từ nhà máy tích tụ lâu năm sẽ xảy ra ô nhiễm.

Theo ông Hòa, chính quyền xã đã nhiều lần đề nghị nên có những biện pháp di dời với Nhà máy tấm lợp Fibrocemen hoặc thay đổi mô hình công nghệ sản xuất sản phẩm khác như gạch không nung để tránh thải chất Amiăng độc hại. Cần quan tâm xem xét lại kỹ càng hơn nữa để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

- Advertisement -

X.Phú-N.Hải

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm