15.2 C
New York
Thứ Hai, Tháng Sáu 5, 2023

Làm gì vực dậy huyện nghèo Minh Hóa?

- Advertisement -

Minh Hóa là một trong 62 huyện nghèo của cả nước và là huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Bình. Bão số 10 đã thổi bay nhiều thành quả lao động của người dân. Vực dậy Minh Hóa đang là bài toán khó…

Làm gì vực dậy huyện nghèo Minh Hóa?
Người dân xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) dựng lại nhà sau bão

1/ Theo ông Đinh Xuân Đình, nguyên Phó Chủ tịch huyện Minh Hóa, ở huyện vùng cao này, mưa lũ liên miên nhưng bão thì ít. Nhưng bão số 10 là một ngoại lệ: bão càn quét trên một diện rộng, sức công phá rất mạnh và đặc biệt thời gian càn quét lâu nên gây thiệt hại lớn.

Ông Đinh Xuân Minh ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa nói, ông năm nay 60 tuổi nhưng chưa khi nào chứng kiến trận bão lớn như thế, thiệt hại nhất là các xã dọc theo đường 12A. Cũng do người dân còn nghèo và nơi đây ít khi có bão nên nhà ở chủ yếu lợp fibrô và đóng gỗ chung quanh, bão lớn thì không chịu được. Giờ gia đình phải che chắn cái lều ở tạm.

Cách nhà ông Minh mảnh vườn nhỏ là nhà của vợ chồng anh Đinh Trung Giáp, Nguyễn Thị Vân. Hai vợ chồng lấy nhau được bảy năm, chị Vân đang chuẩn bị đón cháu bé thứ hai chào đời. Năm ngoái, vợ chồng vay mượn người thân và ngân hàng mới đủ tiền mua và dựng được căn nhà gỗ ba gian. Bão tràn qua, ngôi nhà như xoay tròn rồi bị đẩy ra vạt vườn trước mặt, tan nát. Trời nắng khét, anh Giáp che tạm tấm bạt cho vợ con ở giữa nền nhà. “Tiền nợ làm nhà từ năm ngoái còn 45 triệu đồng nhưng chừ nhà không có ở. Em thì sắp sinh rồi. Răng mà ông trời đày đọa nhà em như rứa biết”, chị Vân nói, nước mắt lăn dài trên má.

Chủ tịch UBND xã Yên Hóa Đinh Văn Nam nói về thiệt hại sau bão cả xã: Ngoài 11 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, có 233 nhà bị hư hỏng nặng và 763 nhà bị tốc mái. Để làm lại nhà mới, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con lối xóm chứ các gia đình này không tự xoay xở được. “Xã phấn đấu mỗi năm giảm 3% số hộ nghèo nhưng chỉ sau trận bão, không những không giảm được mà hộ nghèo và hộ cận nghèo còn tăng lên 5%”, ông Nam nói.

2/ Từ năm 2010, Đảng bộ huyện Minh Hóa đã ban hành nghị quyết về trồng rừng kinh tế, được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ trồng rừng, các tiềm năng đất đai được khai thác và phát huy hiệu quả, thu nhập người trồng rừng cũng tăng lên. Thế nhưng bão số 10 đã làm nghề rừng thiệt hại đáng kể.

Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Hữu Niên cho biết, toàn huyện có gần 4.000 ha rừng trồng, trong đó có gần một nửa diện tích đưa vào khai thác với giá trị mỗi ha 65-70 triệu đồng, trừ chi phí, người dân có thu nhập gần 50 triệu đồng. Thế nhưng bão số 10 đã làm toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn bị thiệt hại với mức độ 70 – 100%. Có những địa phương, rừng gần như bị xóa sổ như xã Hóa Phúc, Xuân Hóa, Hồng Hóa, Trọng Hóa, thị trấn Quy Đạt. Chứng kiến cảnh cả chục ha rừng của mình bị gãy đổ, xếp chồng lên nhau, lá cây bắt đầu khô, ông Đinh Minh Phận nói: “Hết cả rồi chú à. Vườn cây này năm 2013 cũng bị bão lớn xô đổ nhưng khi đó keo còn nhỏ nên hồi phục lại, giờ chuẩn bị thu hoạch thì bị gãy. Gỗ gãy vụn, khô héo thế ai mua đây, chắc đem làm củi thôi. Vậy là gia đình tôi mất đứt hàng trăm triệu đồng rồi đó”. Không chỉ ông Phận mà hơn 100 hộ dân Hóa Phúc đều mất rừng.

- Advertisement -

Nằm trên biên giới Việt – Lào, rừng trồng của người dân Trọng Hóa cũng bị thiệt hại rất lớn. Xã có khoảng 600 ha rừng trồng, trong đó có 178 ha do dự án vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng hỗ trợ trồng cây bản địa. Hầu hết đồng bào dân tộc nơi đây đều có rừng, và cách thu hoạch rừng của bà con theo kiểu “cuốn chiếu” để có nguồn thu nhập trong năm. Thế nhưng, cơn bão ập vào cả khu vực rừng keo rộng lớn trải dọc biên giới dưới chân dãy Giăng Màn bị bẻ gãy nhiều đoạn và khô cong dưới nắng chói chang những ngày sau bão.

Thêm nữa, dưới tán rừng trồng, người dân Minh Hóa nuôi hàng vạn tổ ong lấy mật. Mật ong của Minh Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Thế nhưng, khi bão tràn qua, một lượng lớn ong mật bị cuốn đi, tổ ong bị hỏng gây thiệt hại rất lớn cho người dân. “Vua nuôi ong” Đinh Xuân Khách ở xã Xuân Hóa lo lắng, không còn rừng thì lấy đâu môi trường cho đàn ong sinh sống.

3/ Chủ tịch huyện Đinh Hữu Niên trăn trở, lãnh đạo huyện loay hoay thử nghiệm nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhưng thứ thì không hợp thổ nhưỡng, khí hậu, thứ thì làm xong không có đầu ra… Cuối cùng chọn cây keo lai để phát triển rừng nguyên liệu và thực tế đã mang lại hiệu quả cho người dân, nhưng giờ keo cũng bị bẻ gãy. Trước mắt, UBND huyện Minh Hóa cử các đoàn công tác đến các nhà máy chế biến gỗ dăm trong và ngoài tỉnh để vận động doanh nghiệp tận thu gỗ giúp người dân vớt vát chút ít. Về lâu dài, huyện chủ trương chuyển sang trồng các cây gỗ lớn để giảm bớt thiệt hại do bão nhưng chắc chắn sẽ gặp khó khăn do người dân đa số là hộ nghèo nên việc đầu tư lâu dài là điều rất khó.

Để giúp huyện nghèo Minh Hóa vực dậy sau bão, có lẽ cần nhiều hơn các giải pháp để phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sao cho giấc mơ đổi đời từ những cánh rừng của người nông dân không xa thêm vì thiên tai, bão tố.

BÀI & ẢNH: HƯƠNG GIANG

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,564Thành viênThích
342Người theo dõiTheo dõi
24,200Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm