18.7 C
New York
Thứ Bảy, Tháng Sáu 3, 2023

Quảng Bình: Điều tra vụ gần 45ha rừng phòng hộ bị phá trắng ở Bà Đà

- Advertisement -

Hàng chục héc ta rừng phòng hộ Bà Đà (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) bị phát trắng để chuyển sang trồng keo. Sau khi báo Infonet phản ánh, các cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh, điều tra thủ phạm.

Gần 45 héc ta rừng phòng hộ bị phá trắng

Ngày 21/9, Báo điện tử Infonet có bài viết “Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Tuyên Hóa: “Đúng là phá rừng rồi!” phản ánh về tình trạng hàng chục ha rừng phòng hộ khu vực Bà Đà bị chặt phá, lấn chiếm.

Quảng Bình: Điều tra vụ gần 45ha rừng phòng hộ bị phá trắng ở Bà Đà

Hàng chục héc-ta rừng phòng hộ Bà Đà bị cạo trọc

Ngay sau khi Báo phản ánh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng bình giai đoạn 2016-2020 ra Quyết định số 982/QĐ-BCĐ-KL thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý.

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Quản lý đất đai (Sở TNMT), Công an huyện Tuyên Hóa, Hạt kiểm lâm huyện Tuyên Hóa, UBND xã Mai Hóa tiến hành kiểm tra hiện trường.

Ngày 26/9, Đoàn liên ngành có báo cáo số 994/KL-TTPC, về kết quả kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại TK 174, xã Mai Hóa của Chi cục Kiểm lâm cho thấy tổng diện tích rừng bị phá là 44,79 ha, trong đó: diện tích rừng do UBND xã Mai Hóa quản lý là 0,33 ha; diện tích rừng đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý là 44,46 ha.

- Advertisement -

Theo báo cáo số 994, hiện trường khu vực rừng bị chặt phá trái pháp luật có 10 vị trí rừng bị xâm hại đã được kiểm tra, xác định diện tích, hiện trạng thực tế. Trong đó, 09 vị trí rừng đã bị chặt phá, đốt và trồng keo với diện tích 43,10 ha, cây keo mới trồng từ 1 đến 3 tháng tuổi, có chiều cao trung bình 20cm đến 40cm; 1 vị trí rừng bị chặt phá nhưng chưa đốt, chưa trồng keo với diện tích là 1,69 ha. Hiện trạng rừng bị phá là rừng tự nhiên nghèo.

Quảng Bình: Điều tra vụ gần 45ha rừng phòng hộ bị phá trắng ở Bà Đà

Vạt rừng bị đốt cháy

Tại hiện trường, Đoàn liên ngành đã kiểm tra không có gỗ, chỉ có củi cháy nằm rải rác trên diện tích rừng bị chặt phá, đốt và trồng keo và một số củi được gom lại thành đống nằm rải rác ven đường.

Con đường đi vào rừng tình trạng mới làm, đường rộng 2m, gồm 2 đoạn với tổng chiều dài 1,4 km.

Đang điều tra và xử lý trách nhiệm

Ông Hồ Ngọc Danh – Hạt phó hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa cho biết “Để ổn định tình hình, Hạt kiểm lâm đã tăng cường lực lượng phối hợp với xã Mai Hóa để tuần tra, ngăn chặn các đối tượng tiếp tục vào phá rừng. Hiện có 4 tổ luân phiên túc trực canh gác ở địa bàn. UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện Tuyên Hóa và Công an xã Mai hóa điều tra, xác minh các đối tượng vào mở đường và phá rừng để có cách xử lý”.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, ông Phạm Hồng Thái cho biết: “Ngay sau khi báo nêu thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh chúng tôi đã thành lập đoàn liên ngành xuống hiện trường xác minh, kiểm tra. Trước mắt là phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan chức năng điều tra xác minh đối tượng vi phạm để xử lý, xem xét trách nhiệm và phải làm nghiêm túc. Sau kiểm tra đã có kết quả số liệu cụ thể và đã báo cáo với tỉnh có đầy đủ. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm trực tiếp là xã, địa phương nơi có rừng”.

- Advertisement -

Quảng Bình: Điều tra vụ gần 45ha rừng phòng hộ bị phá trắng ở Bà Đà

Con đường dài 1,4km được san ủi để phục vụ cho phá rừng và xâm chiếm rừng.

Để phục hồi hàng chục héc-ta rừng bị chặt phá này, để quản lý và ổn định lâu dài, ông Thái cho rằng “tất nhiên phải trồng và phục hồi lại rừng ở khu vực này, nhưng trồng cây bản địa (lim, dỗi, táu..) thì không khả thi vì tốn kém, trong khi điều kiện và ngân sách hạn hẹp và sau này rừng cây lớn cũng khó quản lý, bảo vệ. Hướng bền vững là giao đất, giao rừng khi có chủ trương, đúng pháp luật, để các hộ dân phát triển rừng và ổn định kinh tế”.

Phía địa phương huyện Tuyên Hóa, ông Cao Xuân Tín- Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng tại xã Mai Hóa do cán bộ kiểm lâm địa bàn không kịp thời báo cáo còn xã thì không nắm rõ.

“Sau khi nhận được phản ánh huyện đã phối hợp với các ban ngành vào cuộc kiểm tra, sau đó giao cho lực lượng công an, UBND xã Mai Hóa tổ chức điều tra làm rõ các đối tượng tham gia chặt phá rừng. Xã đã triệu tập lên 27 trường hợp, có 19 trường hợp thừa nhận phá rừng trồng keo. Để xảy ra tình trạng này trước hết là lực lượng kiểm lâm địa bàn thiếu kịp thời báo cáo, UBND xã nắm bắt không kịp thời. Huyện cũng giao trách nhiệm địa phương là phải xác định rõ trạng thái, mức độ và phải có trách nhiệm trong việc này, phải đưa ra các giải pháp cụ thể, tất nhiên cũng cần phải kiểm tra xác minh cụ thể mức độ vi phạm sau đó rồi mới làm rõ trách nhiệm”.

“Tới đây, khi công việc xác minh, kiểm tra diện tích rừng bị phá đầy đủ sau đó sẽ xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp liên quan”, ông Tín cho biết thêm.

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, và Kế hoạch số 31-KH/TU của Ban Thương vụ Tỉnh ủy Quảng Bình ngày 16/1/2017; UBND tỉnh Quảng Bình ban hành công văn số 455 /UBND-KTN ngày 23/3/2017 về việc triển khai thực hiện chủ trương đóng cửa rừng. Công văn số 455 chỉ rõ:

“Kể từ năm 2017, không giải quyết chỉ tiêu khai thác chính gỗ và thực hiện nghiêm túc đóng cửa rừng tự nhiên theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện đóng cửa rừng”.

  • Thanh Hà
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,562Thành viênThích
342Người theo dõiTheo dõi
24,200Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm