9.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Palestine còn lại gì sau 70 năm?

- Advertisement -

Bảy thập kỷ biến động đã biến Palestine, từ một quốc gia có đường biên giới rõ ràng như trong kế hoạch phân vùng của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trở thành một nhà nước với ranh giới mơ hồ.

Palestine còn lại gì sau 70 năm?

Người Palestine cầu nguyện trước Núi Đền – đền thờ thiêng liêng thứ ba của người Hồi giáo tại Jerusalem – Ảnh: REUTERS

Palestine và kể cả Jerusalem ngày nay đã từng là một khối thống nhất: một dải đất nằm giữa sông Jordan và Địa Trung Hải thuộc đế quốc Ottoman. Sự chiếm đóng của người Anh năm 1917 đã đặt nền móng cho kế hoạch chia tách của Liên Hiệp Quốc 30 năm sau đó.

Những cuộc xung đột hiện đại giữa người Do Thái và người Ả rập ở Palestine đã diễn ra trong suốt thời gian vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của Anh.

Sự trở về và ước mơ về một đất nước cho riêng mình của những người Do Thái theo chủ nghĩa phục quốc (Zionist), vốn khi đó đang phải đối mặt với cuộc diệt chủng của phát xít Đức ở châu Âu, đã vấp phải sự phản đối của người Ả rập Palestine bản địa.

Khi cuộc xung đột ngày càng đẫm máu và không có giải pháp thiết thực, nước Anh đã quyết định đưa ra LHQ. Ngày 29-11-1947, bất chấp sự phản đối của các nước Ả rập và người Palestine, kế hoạch phân vùng lãnh thổ ủy trị Palestine (27.000km2) thành hai nhà nước: một cho người Do Thái Israel, một cho người Ả rập Palestine đã được thông qua.

Riêng Jerusalem, thấy rõ sự phức tạp vì là nơi tụ hội của ba tôn giáo lớn, LHQ quyết định đặt thành phố dưới sự kiểm soát quốc tế đặc biệt. Nhưng ý tưởng của LHQ chưa bao giờ trở thành hiện thực và đã bị xé bỏ đúng một ngày sau khi quân đội Anh rút khỏi lãnh thổ ủy trị (14-5-1948).

Palestine còn lại gì sau 70 năm?

- Advertisement -

Kế hoạch phân vùng của Liên Hiệp Quốc theo đề xuất của Ủy ban đặc biệt LHQ về Palestines năm 1947, với phần đất màu cam dành cho người Ả rập, phần màu xanh dành cho người Do Thái. Thành phố Jerusalem không thuộc về quốc gia nào và nằm trong lãnh thổ của người Ả rập – Ảnh chụp màn hình.

Những ngã rẽ

Sự xuất hiện của một nhà nước Do Thái tại lãnh thổ ủy trị Palestine là cái gai trong mắt các nước Ả rập. Ngày 15-5-1948, một liên minh các lực lượng từ Ai Cập, Transjordan (Vương quốc Jordan), Syria, Lebanon và Iraq đã tiến hành xâm chiếm nhà nước mới này.

Dù được trang bị kém hơn, người Israel đã trụ vững trước người Ả rập, thậm chí chiếm luôn các khu vực vốn được LHQ phân chia cho người Palestine và Tây Jerusalem. Năm 1949, lệnh ngừng bắn do LHQ dàn xếp đã giúp Nhà nước Israel có quyền kiểm soát thường trực đối với những khu vực đã chiếm được.

Jerusalem chính thức bị chia đôi từ đây, với phía tây do Israel kiểm soát, phía đông nằm dưới quyền của Jordan. Lãnh thổ Palestine, vốn là hai khu vực được nối với nhau qua dải đất hẹp, trở thành hai phần tách biệt sau cuộc chiến.

Tháng 6-1967, chiến tranh lại một lần nữa nổ ra giữa các nước Ả rập và Israel và người Do Thái tin rằng Thượng Đế lại một lần nữa đứng về phía họ. Không cần mất đến 6 ngày như cuộc chiến này vẫn hay được gọi tên, Israel đã thắng ngay trong ngày đầu tiên, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ.

Palestine còn lại gì sau 70 năm?

Binh sĩ Israel tiến vào phần Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967 – Ảnh: AFP

- Advertisement -

Hình ảnh người lính Israel trong cuộc chiến đứng cầu nguyện tại Bức tường Than khóc ở Đông Jerusalem – một trong những nơi linh thiêng nhất đối với người Do Thái, đã tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ, khắc sâu vào ý thức dân tộc của người Israel hơn bao giờ hết.

Sau cuộc chiến, Jerusalem được thống nhất dưới sự kiểm soát của Israel và được tuyên bố là “thủ đô vĩnh viễn không bị chia cắt của Israel” kể từ năm 1980 dù không được quốc tế công nhận.

Lãnh thổ Israel sau cuộc chiến 6 ngày được mở rộng hơn 7.000km2, gồm một vùng đất rộng lớn gồm bán đảo Sinai, Dải Gaza, cao nguyên Golan, Bờ Tây (bao gồm cả Đông Jerusalem) cùng số phận của khoảng 1 triệu người Ả rập tại các vùng lãnh thổ chiếm được bị đặt dưới sự kiểm soát của Israel.

Người Palestine còn lại gì?

Năm 1988, Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine và nhanh chóng nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, ngoại trừ Israel, Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

PLO được LHQ công nhận là đại diện của nhân dân Palestine và được gọi chung là Palestine tại cơ quan này kể từ năm 1974. Năm 2012, Palestine được công nhận là nhà nước quan sát viên phi thành viên, một vị thế được nâng cấp từ vị trí quan sát viên.

Lãnh thổ của Nhà nước Palestine hiện nay gồm 2 phần riêng biệt là Bờ Tây và Dải Gaza. Về lý thuyết, hai khu vực này đặt dưới quyền của Chính quyền dân tộc Palestine (PA), được thành lập theo Thỏa thuận Gaza-Jericho năm 1994. Người đứng đầu PA hiện nay là Tổng thống Mahmoud Abbas.

Palestine còn lại gì sau 70 năm?

Lãnh thổ của Palestine hiện nay (màu cam). Các khu định cư Do Thái vẫn không ngừng mở rộng ở Bờ Tây (West Bank) – Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, việc xác định lãnh thổ hiện tại của Nhà nước Palestine không dễ.

Trong Tuyên ngôn Độc lập Palestine, Nhà nước Palestine được mô tả là được thành lập trên “lãnh thổ Palestine”, song không nêu cụ thể đó là lãnh thổ nào. Tuyên bố này khá mơ hồ, lãnh thổ đang được nhắc đến là lãnh thổ nào? Lãnh thổ theo kế hoạch phân vùng năm 1947 của LHQ hay lãnh thổ còn lại sau cuộc chiến năm 1967?

Nhà nước này cũng tuyên bố Jerusalem là thủ đô mặc dù lúc đó thành phố đã nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Israel.

Thực tế, ngay trong Nhà nước Palestine hiện nay lại đang tồn tại hai “tiểu nhà nước” khác, với Bờ Tây đặt dưới sự kiểm soát của PA, dẫn đầu là đảng Fatah theo đường hướng ôn hòa của ông Abbas và Dải Gaza đang đặt dưới sự kiểm soát độc lập của Hamas, một đảng phái chủ trương đấu tranh bạo lực chống lại Israel.

Năm 2007, một cuộc chiến giữa Fatah và Hamas đã diễn ra tại Gaza, dẫn tới việc Hamas kiểm soát hoàn toàn dải đất này. Trong khi tiến trình hòa bình bên ngoài với Israel vẫn còn xa vời, nội tình bên trong Palestine cũng rối rắm không kém.

Thỏa thuận Gaza-Jericho được ký ngày 4-5-1994 giữa Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Chủ tịch PLO Yasser Arafat còn được gọi là thỏa thuận “đổi đất lấy hòa bình”.

Theo đó, người Palestine thừa nhận Israel, đồng ý chống chủ nghĩa khủng bố và ngăn chặn bạo lực.

Đổi lại, Israel rút quân khỏi khoảng 60% diện tích của Dải Gaza (không bao gồm khu vực định cư của người Do Thái và các vùng lân cận) và thị trấn Jericho ở Bờ Tây, vùng đất bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến 6 ngày.

Thỏa thuận này cũng đặt nền móng cho giai đoạn đầu tiên người Palestine được hưởng quyền tự trị, với sự ra đời của Chính quyền dân tộc Palestine.

Theo Tuổi trẻ

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,404Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm