5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị về các vấn đề cử tri quan tâm

- Advertisement -

Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã có ý kiến về những vấn đề như: Tăng cường giữ vững an ninh nông thôn, thu hồi các dự án chậm tiến độ, công tác quản lý nhà nước về du lịch, khắc phục tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, chú trọng công tác truyền thông trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tăng cường giữ vững an ninh nông thôn

* Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh

Năm 2017, tình hình an ninh nông thôn trên địa bàn tỉnh ta có những diễn biến khá phức tạp; tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân tăng so với năm 2016, nội dung khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đền bù sự cố môi trường biển, giải phóng mặt bằng các dự án kinh tế, vấn đề đất đai, ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản…

Đáng chú ý, hậu quả của sự cố môi trường biển tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ở khu vực ven biển, cửa sông. Mặc dù công tác đền bù, hỗ trợ thiệt hại cơ bản đã hoàn thành, nhưng tình trạng người dân khiếu kiện, kéo đến trụ sở chính quyền các cấp kiến nghị vẫn tiếp tục xảy ra. Một số đối tượng cực đoan chống đối trong tôn giáo tổ chức cho giáo dân ký đơn tập thể, kêu gọi các tổ chức quốc tế ủng hộ việc khởi kiện Formosa.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai một số dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh còn gặp khó khăn, người dân chưa đồng thuận với việc triển khai dự án dẫn đến khiếu kiện, có các hành động cản trở việc thi công dự án.

Trước tình hình trên, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm an ninh nông thôn; trực tiếp đấu tranh với các đối tượng thù địch, đối tượng lợi dụng kích động người dân tập trung đông người để khiếu kiện, góp phần giữ vững môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, bảo cuộc đảm sống bình yên của người dân ở vùng nông thôn.

Để an ninh nông thôn trên địa bàn được giữ vững, trước hết, cần phải phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân, ý thức bảo vệ an ninh, trật tự của mỗi người dân; tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, phải gần dân, sát dân để nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như triển khai công tác tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Advertisement -

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ, tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời các bức xúc của người dân liên quan vấn đề ô nhiễm môi trường, chính sách giải quyết hỗ trợ đền bù, tái định cư…, không để xảy ra các sơ hở, thiếu sót để các phần tử xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Công an tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bố trí, tăng cường lực lượng bám sát cơ sở, địa bàn nông thôn, nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, hình thành “điểm nóng”; kiên quyết đấu tranh, xử lý các hành vi lợi dụng, kích động người dân vi phạm pháp luật.

Ngọc Hải (thực hiện)

Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị về các vấn đề cử tri quan tâm

Dự án xây dựng khu Resort 3 sao tại xã Bảo Ninh (Đồng Hới) sẽ bị thu hồi đất sau ngày 30-6-2018 nếu không thực hiện theo đúng quy định.

Kiên quyết đề nghị tỉnh thu hồi các dự án chậm tiến độ

* Đồng chí Trần Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường

Cùng với việc thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất, thời gian qua, Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) thường xuyên chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch- Đầu tư, Cục Thuế tỉnh và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng quá 12 tháng, các dự án chậm tiến độ, nợ tiền thuê đất.

- Advertisement -

Công tác kiểm tra, rà soát cho thấy, bên cạnh nhiều đơn vị chấp hành tốt các quy định của pháp luật, vẫn còn một số trường hợp sau khi được giao đất thực địa, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã không sử dụng đất, tiến độ sử dụng đất chậm hoặc đầu tư dở dang, sử dụng đất không có hiệu quả, nợ tiền thuê đất.

Cụ thể, đối với 53 dự án đã báo cáo từ năm 2016, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi đất 13 dự án  và UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi đất đối với 12 dự án và hiện còn 1 dự án đang trình UBND tỉnh thu hồi đất. Các dự án còn lại, Sở TN-MT phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát và đang xử lý theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đúng quy định của pháp luật.

Đối với  25 dự án thanh tra, kiểm tra năm 2017, có 10 dự án nằm trong số 53 dự án nói trên. Như vậy, còn lại 15 dự án, qua thanh tra, Sở TN-MT đã có kết luận và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, có  4 dự án giao đất không thu tiền và 11 dự án thuê đất.

Qua thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và rà soát  để xử lý thu hồi đất đối với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng không sử dụng đất, dự án chậm tiến độ, Sở TN-MT đã có một số đề xuất: Đối với các dự án nợ tiền thuê đất, nhà đầu tư cố tình chây ỳ, đề nghị Thường trực HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế tỉnh tổng hợp và thực hiện các thủ tục cưỡng chế nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, Sở TN-MT kiểm tra xem xét, trình UBND tỉnh thu hồi đất để kêu gọi các nhà đầu tư khác có nhu cầu hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thu ngân sách.

Đối với các dự án có cam kết tiến độ thực hiện, cam kết trả nợ tiền thuê đất với tỉnh và đã được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý, sở đề nghị vẫn tiếp tục để các chủ đầu tư thực hiện cam kết cho đến hết thời gian cho phép. Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở TN-MT và Cục Thuế tỉnh theo dõi, đôn đốc, nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ xử lý cưỡng chế nghĩa vụ tài chính và thu hồi đất theo đúng quy định.

Riêng với các dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư thực sự có khả năng đầu tư tiếp, sẽ xem xét cho gia hạn sử dụng đất theo đúng quy định. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải cam kết không nợ tiền thuê đất và nộp thêm khoản tiền thuê đất khi được gia hạn.

Với các dự án không sử dụng đất, bỏ kinh doanh, tiến độ chậm mà nhà đầu tư không có khả năng đầu tư tiếp, cố tình giữ đất thì không gia hạn, cương quyết cưỡng chế nghĩa vụ tài chính và xử lý thu hồi đất.

Bùi Thành (thực hiện)

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch

* Đồng chí Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch

Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị về các vấn đề cử tri quan tâm

Những vị khách đầu tiên của chuyến bay Chiềng Mai – Đồng Hới.

Để xây dựng hình ảnh điểm đến Quảng Bình “an toàn, hấp dẫn, mến khách”, ngành Du lịch đã và đang phối hợp với các ngành liên quan triển khai các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, tiêu chuẩn dịch vụ du lịch, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết.

Sở tăng cường công tác phối hợp liên ngành, xây dựng môi trường du lịch cạnh tranh lành mạnh, không chèo kéo, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn để phát triển du lịch; tập trung giáo dục, nâng cao ý thức trong cộng đồng về giữ gìn, bảo vệ môi trường du lịch; phát huy vai trò đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch; yêu cầu các khu, điểm du lịch, UBND cấp huyện, xã công khai số điện thoại đường dây nóng và giải quyết kịp thời các kiến nghị, yêu cầu của du khách.

Đồng thời, Sở xây dựng khung giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai niêm yết bảng giá các dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch; thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

UBND tỉnh đã ban hành đề án bảo đảm an ninh du lịch tỉnh và thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban để thực hiện hiệu quả đề án. Trong đó, Ban chỉ đạo đưa ra các hoạt động cụ thể, giao nhiệm vụ cho các ngành, đơn vị thực hiện. Về công tác phối hợp, Sở Du lịch đã có các văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Cụ thể, Sở Du lịch phối hợp Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý giá tại các cơ sở kinh doanh du lịch, bán hàng lưu niệm, hàng đặc sản trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, Sở phối hợp các địa phương, các ngành liên quan chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bình ổn giá.

Sở Du lịch luôn tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh du lịch; bảo đảm việc đón và phục vụ khách du lịch trong mùa du lịch; hướng dẫn và xử lý vi phạm theo luật định; yêu cầu các hộ kinh doanh phải cam kết bán đúng giá, không được ép giá và niêm yết bảng giá, công khai số điện thoại đường dây nóng để xử lý các trường hợp vi phạm…

Phan Hòa (thực hiện)

Khắc phục tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục

* Đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Hiện tượng lạm thu vẫn còn xảy ra tại nhiều trường học tại cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do một số đơn vị còn khó khăn về chi thường xuyên, nên nhà trường bàn bạc với Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) thu thêm một số khoản thu để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học; tổ chức thêm một số hoạt động và rèn kỹ năng sống cho học sinh, mua đồng phục, học ngoại ngữ… Nhưng nhiều nhà trường đã lấy danh nghĩa xã hội hóa để thu các khoản thu chưa đúng quy định.

Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị về các vấn đề cử tri quan tâm

Hiệu trưởng các trường học, cơ sở giáo dục phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra việc lạm thu không đúng quy định.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã tăng cường công tác chấn chỉnh, khắc phục tình trạng lạm thu. Từ năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT đã ban hành 5 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, chấn chỉnh và tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác thu, chi trong nhà trường; đồng thời đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời đối với thủ trưởng các trường học, cơ sở giáo dục xảy ra tình trạng lạm thu.

Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định mức vận động kinh phí hoạt động của Hội cha mẹ học sinh; kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh việc mua sắm sách vở, tài liệu tham khảo, áo quần đồng phục.

Năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra về thực hiện các khoản thu đầu năm học tại 12/32 đơn vị trực thuộc Sở; các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thanh, kiểm tra tại 129 trường (43 trường mầm non, 49 trường tiểu học và 37 trường THCS trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý).   

Thực tế qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, bên cạnh việc chấp hành các khoản thu đúng quy định theo các văn bản hướng dẫn của Sở, vẫn còn nhiều đơn vị trường học thực hiện không đúng với quy định, như: tổ chức thực hiện các khoản thu thỏa thuận, tự nguyện chưa bám sát quy trình hướng dẫn, chưa đúng tinh thần tự nguyện, còn bình quân cào bằng mức thu; một số khoản thu có mức thu chênh lệch cao giữa các đơn vị khác và so với tình hình kinh tế địa phương.

Một số trường học ngoài việc vận động kinh phí hoạt động của BĐDCMHS mức tối đa theo quy định, nhưng còn vận động phụ huynh đóng góp thêm, làm cho nhiều phụ huynh không đồng tình; thu một số khoản không thực sự cần thiết, trái quy định, như: tu sửa mua sắm thiết bị điện nước, tiền đầu cấp, tiền làm rạp khai giảng, công lao động của phụ huynh học sinh, quỹ lớp, tăng trưởng thư viện, nộp tiền thay cho học sinh tham gia lao động.

Ngoài ra, còn có một số đơn vị thu các khoản chưa đúng quy định, như: thu dịch vụ cắt cỏ, tu sửa máy tính, tu sửa quạt, thu tiền vệ sinh tưới hoa, tiền may rèm màn phòng học; thu tiền học tiếng Anh lớp 1, lớp 2 cao hơn số tiết quy định; tiền nước uống các trường chưa có dự toán, kế hoạch chi rõ ràng; thu tiền phù hiệu, bảo vệ còn cao.

Trong thời gian tới và các năm học tiếp theo, Sở GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lạm thu, đóng góp, mua sắm sách giáo khoa, tài liệu, đồng phục… Các trường học trên địa bàn toàn tỉnh phải thực hiện theo quy định, lấy ý kiến của cha mẹ học sinh về các khoản thu bằng phiếu kín, chỉ thực hiện khi có 75% cha mẹ học sinh đồng ý và quy định các khoản thu phải được cấp trên thẩm định mới được tổ chức thu. Hiệu trưởng các trường học, cơ sở giáo dục phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra việc lạm thu không đúng quy định.

Nội Hà (thực hiện)

Chú trọng công tác truyền thông trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

* Đồng chí Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Riêng với ngành Y tế, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả.

Năm 2017, cùng với các ngành chức năng, như: Công thương, Nông nghiệp – PTNT, Công an tỉnh, ngành Y tế đã tập trung làm tốt công tác tham mưu cho UBND trong việc ban hành, phê duyệt các quyết định, đề án, văn bản… liên quan đến công tác bảo đảm VSATTP. Về công tác thanh tra, kiểm tra, trong tổng số trên 5.326 cơ sở trong toàn tỉnh được thanh, kiểm tra, riêng ngành Y tế đã thành lập 239 đoàn ở ba cấp tỉnh, huyện và xã, tiến hành kiểm tra 4.948 cơ sở.

Số lượt cơ sở đạt yêu cầu VSATTP là 3.907 cơ sở (79%), số lượt cơ sở không đạt là 1.041 (21%). Qua thanh tra, kiểm tra, đã phạt cảnh cáo 161 tổ chức, cá nhân; phạt tiền 43 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền phạt 46,4 triệu đồng; tiêu hủy 89 sản phẩm tại 30 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị về các vấn đề cử tri quan tâm

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại thị xã Ba Đồn.

Trong năm, ngành cũng đã thực hiện tốt việc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm tại các huyện, thành phố, thị xã; bảo đảm ATTP phục vụ các đoàn của Trung ương đến thăm và làm việc, các sự kiện diễn lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt sau sự cố môi trường biển, ngành đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng lấy mẫu hải sản tồn kho, hải sản tầng đáy trong phạm vi 20km trở vào gửi đi xét nghiệm…

Trong công tác bảo đảm VSATTP, bên cạnh những giải pháp mạnh, ngành Y tế xác định nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi hành vi là một nhiệm vụ quan trọng. Ngành đã phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn phát sóng, đăng tải gần 1.500 tin, bài, ảnh, phóng sự phản ánh về VSATTP; tập trung tuyên truyền qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi, băng đĩa, cổ động… để truyền tải các thông điệp trong các đợt cao điểm và “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017; đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Ban chỉ đạo VSATTP tuyến xã, phường, thị trấn, cán bộ Mặt trận cấp xã và Ban công tác Mặt trận khu dân cư; tập huấn kiến thức VSATTP cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm…

N.M (thực hiện)

Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

* Đồng chí Nguyễn Quốc Út, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh

Đến ngày 30-9-2017, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả khả quan. Toàn tỉnh đã có 1.924 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 62 tiêu chí so với năm 2016 và đạt 14,2 tiêu chí/xã. Dự kiến đến hết năm 2017, toàn tỉnh sẽ có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 38% tổng số xã.   

Mục tiêu đến hết năm 2017, tỉnh có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; số tiêu chí tăng bình quân tối thiểu 1 tiêu chí/xã; không có xã nào không tăng tiêu chí; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí NTM… Vào những tháng cuối năm và những năm tiếp theo, các cấp, ngành, địa phương liên quan cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí NTM đối với 9 xã đã đăng ký năm 2017; chuẩn bị công tác họp thẩm định mức độ đạt các tiêu chí của các xã và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cấp tỉnh.

Các sở, ban ngành được phân công phụ trách phối hợp với UBND, BCĐ các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các xã điểm sớm hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Đối với các tiêu chí không cần kinh phí, hoặc cần ít kinh phí, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để đạt tiêu chí, như: hệ thống chính trị, tiếp cận pháp luật, an ninh trật tự xã hội…

Các địa phương chủ động, tiếp tục rà soát lại tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM của Trung ương và tỉnh ban hành giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là 10 tiêu chí có yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước, gắn với xây dựng kế hoạch năm 2018 để có phương án, lộ trình triển khai kế hoạch thực hiện. Mặt khác, cần tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện phấn đấu cho các xã dưới 5 tiêu chí đến cuối năm 2017 phải đạt trên 5 tiêu chí.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, thu gom rác thải; tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới, tập trung vào những nội dung cốt lõi, khác biệt. Đồng thời, cần  tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm