1. Đến trung tâm xã Tân Trạch tại bản Km39, bắt tay chào Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Sỹ và mấy cán bộ miền xuôi, gia đình đầu tiên tôi “xông đất” là nhà Đinh Rầu. Ly rượu đoác- sản vật trân quý của đồng bào tiếp khách thân tình đầu năm, già Đinh Rầu chúc tôi sức khỏe, “chân cứng, đá mềm” để mà còn lên với miền núi, với người A Rem hồn hậu. Tôi nhận lấy sự chân tình từ Đinh Rầu, từ những sự đổi thay dù chưa nhiều của vùng đất “sơn cùng, thủy tận” này đang nhận diện rõ ràng, hiện hữu, có thể sờ- thấy- nghe được.
Hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời đưa vào sử dụng tại xã Tân Trạch.
Nhưng chuyện Đinh Rầu kể lại là một câu chuyện cũ của chính ông: “Năm 2005, tao mua xe máy, trở thành người đầu tiên sở hữu phương tiện đi lại hiện đại nhất bản. Cái xe Tàu cũ, mua mấy triệu đồng… giờ không nhớ. Có con ngựa sắt, cả bản tranh nhau mượn đi, nhất là thanh niên, cứ chất lên cho hết chỗ, chạy vòng quanh bản, vui lắm!”. Sau khi Đinh Rầu mua xe, nhiều gia đình học theo, cũng cố sắm cho mình một chiếc. Khi đường 20- Quyết Thắng cán nhựa lên đến tận cửa khẩu Cà Roòng, xe máy trong bản nhiều lên, bây giờ cũng gần đến hai chục chiếc. Đường thông, muốn ngược vào Thượng Trạch thăm bà con hay về xuôi mua sắm, ngắm phố, ngắm phường dễ như trong lòng bàn tay. Sắm xe máy, trai tráng A Rem trong bản “vô tư” sử dụng, chẳng biết sửa chữa hỏng hóc, cho đến khi “ngựa sắt” sức cùng lực kiệt thì cho chúng chui xuống dưới gầm nhà sàn, thành đống sắt vụn.
Năm mới 2018, trong bản, nhiều thanh niên lại sắm xe máy mới, hàng Tàu bây giờ trở thành quá khứ, xe chính hãng Nhật Bản mới cáu cạnh. Vui hơn khi bà con biết đến luật lệ giao thông, biết giữ mình và giữ cho người khác mỗi khi điều khiển xe máy ra đường.
2. Bão số 10 đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình tháng 9-2017, lần đầu tiên người A Rem biết đến một cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp thế. Bão tràn qua bản Km39 làm sập hoàn toàn 2 ngôi nhà, 23 nhà khác bị tốc mái, nhiều tài sản giá trị, rừng huê, lúa rẫy, hoa màu hư hỏng… Sau bão, đồng bào gượng dậy, chính quyền xã Tân Trạch phát đi lời kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ. Gần 500 triệu đồng huy động được dùng làm mới, lợp nhà, ổn định đời sống cho bà con A Rem. Lên với bản Km39 lần này, dù dấu vết bão vẫn còn đâu đó trên từng thân cây huê, cội táu, gốc đoác cụt đọt, gãy ngang thì cuộc sống đã trở lại thanh bình.
Tết này cái bụng người A Rem vui nhất khi hệ thống điện lưới bằng năng lượng mặt trời đưa vào sử dụng. Điện sáng vào tận những ngôi nhà sàn đồng bào, trụ sở, trường học, trạm y tế. Đêm bản Km39 bừng sáng ánh điện như một góc phố nhỏ sâu trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.
Cùng già Đinh Rầu đi thăm bà con dọc các trục đường bê tông trong bản, vui chuyện, ông bảo: “Có điện, người A Rem lại đua nhau về xuôi sắm ti-vi”- Đinh Rầu lần đếm trên đầu ngón tay, hết cả hai bàn- “Nhiều hộ gia đình có ti-vi: Đinh Huê, Đinh Hàn, Đinh Trập, Đinh Vinh, Đinh Tùng, Đinh Xứng, Đinh Hà, Đinh Phó, Đinh Hậu, Đinh Khang, Đinh Cu, Đinh Tân, Đinh Nghinh, Đinh Khinh, Đinh Cắt…”.
Gia đình Đinh Huê ngồi quây quần bên bếp lửa ấm đốt lên giữa sàn nhà, tất cả mọi ánh mắt đều hướng lên màn hình chiếc ti-vi mới. Đinh Huê cho biết vừa về thị trấn Hoàn Lão “tậu” bộ ti-vi, chảo bắt sóng vệ tinh, đầu thu… hết 12 triệu đồng. “Cái bụng thèm ti-vi còn hơn hồi trước thèm chiếc xe máy nhưng không có điện đành chịu, giờ điện Nhà nước hỗ trợ đến tận nhà thế là bàn với vợ sắm ti-vi ngay. Tết này nhà ấm cúng hẳn lên, muốn xem gì cũng được, đã con mắt… vì hơn 100 kênh sóng”- Đinh Huê vui chuyện. Gia đình Đinh Huê thuộc hàng khá nhất bản khi “sở hữu” gần 300 gốc huê tại rừng huê cộng đồng người A Rem; nhận chăm sóc, bảo vệ rừng; mỗi mùa rẫy thu hoạch chừng 30 bao lúa… “Có ti-vi để học theo ti-vi, biết tình hình thời sự trong tỉnh, trong nước, quốc tế, mình và con cái từ đó văn minh lên”- Đinh Huê chân tình.
Gia đình Đinh Huê quây quần bên bếp lửa xem ti-vi.
3. Năm mới, tôi còn biết thêm một câu chuyện thú vị tại cộng đồng người A Rem xã Tân Trạch. Trong lúc ở miền xuôi, người dân nhiều địa phương vẫn chưa làm thẻ căn cước công dân thì những công dân A Rem trong độ tuổi đã có thẻ căn cước. Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh mà công dân A Rem được làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước ngay tại địa bàn cư trú. Trong 160 công dân A Rem đủ tiêu chuẩn, hiện tại 80 người đã có thẻ căn cước công dân”.
“Mặc dù còn một nửa số lượng đồng bào đủ tiêu chuẩn chưa có thẻ căn cước vì những khó khăn do thời gian, đường sá xa xôi cách trở nhưng những công dân A Rem có thẻ căn cước, họ tự hào lắm. Bà con giữ gìn như một món quà quý riêng tư trong những ngày đầu năm mới này”- Bí thư Sỹ cho biết thêm.
Tết này tôi lên với đồng bào A Rem mang theo chút quà Tết nghĩa tình. Dù không nhiều nhưng 100 hộ đồng bào, ai ai cũng nhận đủ quà. Niềm vui trọn vẹn hơn khi được thấy, được nghe những câu chuyện vui trong cộng đồng người A Rem chân tình, mến khách đang ngày càng sát lại gần hơn với miền xuôi, không còn xa ngái!
Ngô Thanh Long
Theo Báo Quảng Bình