6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nỗ lực thoát nghèo bền vững

- Advertisement -

Những năm qua, huyện Quảng Trạch đã linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm. Huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc việc điều tra, rà soát bảo đảm chính xác, công khai, công bằng với sự tham gia của các đoàn thể và người dân, qua đó, xác định nguyên nhân nghèo và kịp thời ban hành các quyết định, kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Các cơ quan, ban, ngành có liên quan tập trung tham mưu việc thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập cho hộ nghèo và người nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội bảo đảm nguồn vốn để hỗ trợ vốn vay, giúp cho các hộ nghèo đầu tư sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt… tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Hiện nay, toàn huyện có 6.946 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng số tiền 210,2 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Các hộ, khẩu nghèo đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định với 7.801 thẻ; có 4.257 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với kinh phí 2.495 triệu đồng.

Những năm qua, trang trại chăn nuôi gà của anh Trịnh Minh Hạnh ở thôn 19/5, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đã trở thành địa chỉ tin cậy chuyên cung cấp nguồn gà thương phẩm sạch cho người dân trên địa bàn huyện. Từ năm 2013, được tạo điều kiện vay vốn giảm nghèo anh Trịnh Minh Hạnh đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại quy mô để chăn nuôi gà thương phẩm.

Nỗ lực thoát nghèo bền vững

Nghề làm bánh tráng mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Quảng Thanh, Quảng Trạch.

Trong quá trình chăn nuôi, anh đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, đàn gà luôn sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Năm 2017, anh Hạnh đã bán được 2 tấn gà thương phẩm và 3 nghìn con gà giống. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày, anh còn thu được từ 250 đến 300 quả trứng gà, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh Hạnh thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Hiện tại, anh đang nuôi hơn 2 nghìn con gà để phục vụ cho thị trường Tết Mậu Tuất 2018. Nhờ thu nhập khá từ chăn nuôi, hiện nay, gia đình anh Hạnh đã thoát khỏi diện hộ nghèo vươn lên làm giàu trong vùng.

- Advertisement -

Bên cạnh đó, huyện Quảng Trạch cũng thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, chú trọng việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo dựa trên nhu cầu thị trường và khả năng của từng người, từ đó có các phương pháp, đáp ứng nhu cầu thực tế, mang tính hiệu quả sau khi học nghề. Đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 6.779 triệu đồng.

Nhờ sự tích cực chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân làm công tác xuất khẩu lao động, nên toàn huyện đã có 465 lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài đạt 166,07% kế hoạch năm. Toàn huyện có 4.861/4.800 lao động được giải quyết việc làm, đạt 101,27% kế hoạch năm; số lao động được tạo việc làm mới là 2.845/2.840 người đạt 100,17% kế hoạch năm.

Công tác đào tạo nghề cũng được chú trọng thực hiện. Toàn huyện hiện có 250 lao động nông thôn được học nghề theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ và được cấp chứng chỉ trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Trong đó, học nghề phi nông nghiệp 100 người, học nghề nông nghiệp 150 lao động với tổng kinh phí là 500 triệu đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,5%.

Song song với đó, huyện cũng đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và dân sinh, ưu tiên các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Qua gần 2 năm triển khai, chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 9,21%, giảm 2% so với năm 2016.  Một số xã hoàn thành và vượt kế hoạch của huyện giao, như: xã Phù Hóa hoàn thành 112/47 hộ đạt 238%; xã Quảng Thanh hoàn thành 8/5 hộ đạt 160%; xã Cảnh Hóa hoàn thành 70/53 hộ đạt 132%.

Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm, huyện Quảng Trạch tiếp tục triển khai các biện pháp cụ thể, trong đó tập trung nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Phan Thanh Dũng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Quảng Trạch cho biết, Ban thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, toàn thể nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức về giảm nghèo.

Huyện quyết tâm giải quyết việc làm, đào tạo nghề, khơi dậy ý chí chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người nghèo; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Đồng thời, huyện phát động, kêu gọi hưởng ứng phong trào thi đua hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo trên địa bàn toàn huyện nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

- Advertisement -

X.Phú

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm