7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Lệ Thủy miền tây ký sự – Bài 1: Nơi âm vang bài ca

- Advertisement -

Chúng tôi đang nói đến vùng đất miền tây của huyện Lệ Thủy.  Nơi đây ẩn chứa bao điều kỳ diệu của tạo hóa và đã được bàn tay lao động sáng tạo của con người điểm tô để có một miền tây thực sự phong phú và đa dạng… Nhưng chặng đường đi tới đang đặt ra những bài toán khó cần phải giải cho vùng đất này…

Gần 60 năm trước, vùng Bến Tiến (Văn Thủy- Lệ Thủy) là rừng thiêng, nước độc, rừng rậm hoang vu in dấu chân hổ báo… Bây giờ, Bến Tiến đã có một diện mạo mới, với những tiềm năng mới…

Lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp lên miền tây bằng đường sông. Từ ngã ba vực An Sinh ngoằn ngoèo theo sông Rào Con một hồi lâu mới đến Bến Tiến. Khúc hát “…Có ai về Đại Phong xin ghé vô thăm vùng Bến Tiến, tay cuốc khai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn…” cứ văng vẳng trong chúng tôi khi đặt chân lên đây. Bến Tiến thuộc địa phận xã Văn Thủy. Và cái tên thôn Việt- Xô, thôn của những hộ gia đình lên “khai khẩn” vùng đất này vẫn hiện diện đến ngày nay trong “đại gia đình” xã Văn Thủy.

Lệ Thủy miền tây ký sự - Bài 1: Nơi âm vang bài ca

Cây nghệ, hướng đi mới ở xã miền tây Lệ Thủy.

Ông Hoàng Niệm, ở thôn Việt- Xô, một trong những người đầu tiên đặt bước chân lên vùng đất này, bây giờ đã ở tuổi 82, nhưng vẫn minh mẫn kể lại những tháng ngày gian khó của người “khai khẩn” vùng đất này cho con cháu. Anh Lê Văn Tý, trưởng thôn Việt Xô nói: “Tôi thuộc lớp trẻ sau này nhưng những việc làm của thế hệ trước tôi đều tỏ tường”. Lúc đầu lên đây chủ yếu là trồng sắn, khoai, mía…

Trước mắt là khai thác tranh, mây, rào… chở về xuôi. Sau chỉ vài tháng “chiến đấu” với nắng, gió Lào, muỗi và cả cái đói, những chuyến đò về xuôi mang theo thứ lương thực chủ đạo là sắn, khoai… Những củ sắn miền tây to và ngon như … chả đã thực sự tiếp sức cho miền xuôi giai đoạn khó khăn, đói kém.

Đến khi chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bùng nổ trên miền Bắc thì nơi đây còn có nhiều hộ dân nhiều địa phương khác lên sơ tán và lập nghiệp luôn. Thời gian cùng với “đất lành” đã làm cho cư dân đây ngày càng đông lên. Và khi đất rộng, người đông, năm 1985, xã Trường Thủy được chia thành 2 xã là Văn Thủy và Trường Thủy.

- Advertisement -

Câu chuyện với anh Cao Xuân Phùng, Bí thư Đảng ủy xã Văn Thủy, nhắc tôi nhớ đến sự hình thành Nông trường Đại Giang vào năm 1970. Sự kiện này cũng đã làm gia tăng đáng kể dân số ở đây. Bây giờ, nhiều người vẫn còn nhớ đến chè Đại Giang. Chè của nông trường lúc “thịnh” có diện tích hàng trăm ha, trải rộng trên nhiều vùng đất của xã Trường Thủy cũ. Vì những lý do bất khả kháng, nông trường đã giải thể, những vườn chè xanh ngút ngát phút chốc biến thành ruộng sắn, vườn cao su… trong sự tiếc nuối của không ít người. Đấy là những năm 1993-1994

Trải qua chặng đường phát triển khá dài của vùng đất này, các cây trồng chủ yếu là từ khoai, sắn trong những năm đói kém chiến tranh đến cây tiêu, cây mít, cây chè… Cây tiêu đã có giai đoạn được coi là “biểu tượng” của Văn Thủy, Trường Thủy. Nhưng sự “khó tính” cùng với những căn bệnh khó chữa đã làm cho cây tiêu mất dần “uy tín” đối với người dân ở đây.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Văn Thủy, từ năm 2005, trồng rừng bắt đầu phát triển. Và chính rừng trồng đã làm thay đổi diện mạo vùng đất Văn Thủy nói riêng và cả miền tây nói chung. Người người trồng rừng, nhà nhà trồng rừng để đến nay Văn Thủy, Trường Thủy đã có diện tích rừng trồng lên đến 3 nghìn ha. Đất trống về cơ bản đã không còn nữa.

Nhưng như đã thành quy luật của phát triển, đến lúc nào đó, người ta xem xét lại cái mình đã có  và rừng trồng cũng không ngoại lệ. Nhiều hộ gia đình trồng rừng đều có chung những con số: trồng rừng với các loại cây, như: keo, tràm chỉ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí. Quả là bé nhỏ. Nó chỉ có ý nghĩa với ai đó có hàng chục ha đất trồng rừng, cho thuê và lấy… tiền tươi. Còn với nông dân có trong tay trên dưới một ha, hoặc dăm ba sào thì quả là chẳng nhằm nhò gì…

Trong khi đó, trên một ha đất có thể làm được rất nhiều việc đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần con số từ rừng trồng. Đấy cũng là điều trăn trở của lãnh đạo các địa phương trong vùng. Tại Văn Thủy, theo anh Phùng, có đến gần 1.000 ha đất rừng có thể trồng được nhiều thứ cây khác để đưa lại nguồn thu nhập cao hơn.

Nhưng quả là cuộc sống luôn năng động và có những bước đi bất ngờ để hóa giải những khúc mắc đang đặt ra. Trong chuyến đi, chúng tôi đã nhìn thấy giữa rừng trồng có nhiều thứ cây khác trồng xen vào với diện tích khá lớn.

Có một thứ cây không quá xa lạ- cây nghệ, với diện tích khoảng 25 ha ở Văn Thủy. Cây thì cũ, nhưng cái mới ở đây là diện tích đã nhiều lên, cái mới nữa là không chỉ dùng bột nghệ thô sơ như trước kia mà chắt lọc thành tinh bột nghệ, giá cao hẳn, mà nhu cầu trên thị trường lại rất lớn.

Một cơ sở chế biến tinh bột nghệ đã hình thành ngay ở thôn Trạng Cau, xã Văn Thủy với sự hỗ trợ rất tích cực của chính quyền địa phương cả về vật chất và tinh thần. Cơ sở này sẽ đi vào hoạt động trong mùa nghệ này.

- Advertisement -

Chúng tôi còn biết một chủ rừng trồng đang âm thầm nâng cao diện tích trồng nghệ từ 1 ha năm ngoái lên 3 ha trong năm nay là chị Nguyễn Thị Thanh ở Trường Thủy. Chị Thanh chưa có máy lọc tinh bột nghệ, chỉ có máy mài củ nghệ. Nhưng máy lọc tinh bột nghệ với chị có lẽ đã nằm trong dự tính… Hỏi chị Thanh về hiệu quả trồng nghệ so với trồng rừng, chị nói gấp nhiều lần, nhiều là bao nhiêu, từ 9-10 lần, chị khẳng định.

Lệ Thủy miền tây ký sự - Bài 1: Nơi âm vang bài ca

Cây chè xanh tốt ở xã Văn Thủy.

Nhưng, có lẽ cây nghệ chỉ là một “ví dụ” trong hành trình tìm kiếm cây gì, con gì có giá trị kinh tế cao hơn trồng rừng ở miền tây. Anh Phùng bộc bạch: “Chúng tôi cũng đang lo không biết nên hướng dẫn bà con trồng cây gì, con gì để có đầu ra suôn sẻ”.

Đó là băn khoăn đầy trách nhiệm trước dân. Bất chợt nhớ tới không ít vườn chè xanh tốt trên vùng đất này mà chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy. Đấy là những vườn chè không phải để hoài niệm của các “cựu” công nhân nông trường mà minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của nó trên vùng đất này. Có thể tạo ra những đồi chè xanh như thuở nào?

Rồi cây sả, đâu đó trong vùng đất miền tây đã có nơi trồng sả chưng lấy tinh dầu. Cây dứa cũng đang được địa phương đưa vào tầm ngắm của đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Đàn bò, đàn trâu đang cần được nuôi dưỡng bằng phương pháp hiện đại hơn chăn thả truyền thống, cần có những diện tích trồng cỏ để nâng cao giá trị vật nuôi…

Rồi những cây gì nữa có lẽ đang tiềm ẩn đâu đó trong tư duy của người dân vùng miền tây này. Vâng, cứ làm thì sẽ nên, cứ đi rồi sẽ đến, cây gì, con gì là ở trong cuộc sống, có khi thị trường đẻ ra sản vật nhưng cũng nhiều khi sản vật lại dẫn dắt thị trường…

Văn Hoàng

Bài 2: Kỳ bí ngã ba sông

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm