7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay – Bài 6: "Ai về Võ Xá thì về…"

- Advertisement -

Làng Võ Xá xưa (nay là xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) nằm trải dài trên con đường thiên lý Bắc Nam. Trong từng vỉa tầng văn hóa nơi mảnh đất này vẫn hàm chứa bao giá trị thiêng liêng, là lịch sử đánh giặc giữ nước, là truyền thống khoa bảng trăm năm. Để rồi, mặc bao sự đổi dời, tình đất, hồn làng xưa cũ vẫn neo lại giữa sự phát triển ồn ã của một Võ Ninh hôm nay.

“Nhì sợ đầm lầy Võ Xá”

Nổi tiếng nhất của mảnh đất Võ Xá là những đầm lầy nằm xuyên giữa làng, chạy dài từ Hà Thiệp, Trúc Ly lên đến Mỹ Trung, Gia Ninh ngày nay. Địa thế này trở thành trận địa hiểm yếu trong những năm tháng Trịnh – Nguyễn phân tranh.

Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Chường, trong những năm tháng ấy, đầm Võ Xá kết hợp với lũy Trường Dục và Dinh Mười đã tạo ra “trận đồ bát quái” từng làm quân Trịnh hoảng sợ.“Nhất sợ Lũy Thầy, nhì sợ đầm lầy Võ Xá” là vậy. Đến năm 1672, cuộc chiến quyết giữa 2 hai thế lực Trịnh – Nguyễn kết thúc, sông Gianh trở thành ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Trải qua hàng trăm năm, với địa thế đặc biệt của mình, Võ Xá luôn có vị trí chiến lược quan trọng trong những cuộc giao tranh của lịch sử, nhất là những năm tháng chống Mỹ ác liệt. Bến phà Quán Hàu, bến phà 2 Trúc Ly và cầu Dinh Thủy-những địa điểm trọng yếu nằm trên địa bàn xã Võ Ninh trở thành “túi bom” ác liệt của không quân Mỹ.

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 6: "Ai về Võ Xá thì về..."

Nhà nhóm thôn Trung – di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia.

Ông Hoàng Thường, nguyên Chủ tịch UBND xã Võ Ninh vẫn nhớ như in những tháng ngày mảnh đất Võ Xá oằn mình chống chịu bao đợt dội bom khủng khiếp của quân thù. Ông kể, tháng 2-1966, một đoàn xe vận tải trên 100 chiếc trên đường vào chiến trường thì gặp máy bay Mỹ đánh vào khu vực ngầm Dinh Thuỷ.

- Advertisement -

Đoạn đường 300 mét biến thành bãi lầy. Đảng ủy Võ Ninh đã huy động nhân dân ngụy trang xe, bảo vệ hàng với tư tưởng chỉ đạo: “Xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông, không tiếc máu, tiếc công”.

Nhân dân địa phương đã nêu cao tinh thần quyết tâm thông đường, thông xe bằng mọi giá để đưa hàng ra chiến trường, hàng trăm hộ gia đình đã tự nguyện, xung phong dỡ nhà, lấp hố bom, lót đường chống lầy cho xe qua.

“Trên 2.000 dân quân và nhân dân xã Võ Ninh đã lao động khẩn trương, đến 3h sáng thì thông đường, đoàn xe vận tải đi qua ngầm Dinh Thủy an toàn. Khẩu hiệu ấy cùng quyết tâm bảo đảm mạch máu giao thông vận tải đó được đưa vào nghị quyết của Đảng bộ xã Võ Ninh năm 1966. Tính đến năm 1971, 540 nhà dân đã được tháo dỡ để làm đường cho xe qua”, ông Thường cho biết thêm.

Mảnh đất từng một thời khiến quân Trịnh khiếp vía“nhì sợ đầm lầy Võ Xá” thì nay, với khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc”, gương chiến đấu của quân và dân Võ Ninh đã có sức mạnh cổ vũ lớn lao, lan tỏa sâu rộng, tạo phong trào bảo đảm giao thông vận tải cho quân dân các địa phương trong tỉnh và khắp mọi miền đất nước.

Như một mạch ngầm vẫn thao thiết chảy qua bao thế kỷ, truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh chống giặc vẫn luôn được người dân Võ Xá truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích mang đậm dấu ấn của lịch sử đấu tranh giữ nước.

Đặc biệt, Nhà nhóm thôn Trung – địa điểm huấn luyện cán bộ và lực lượng tự vệ tập trung toàn tỉnh chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Bình vẫn luôn được người dân trân trọng và giữ gìn cho đến hôm nay.

Đất danh nhân

Ông Trần Văn Chường khẳng định, địa linh nhân kiệt đã làm rạng danh đất Võ Xá giàu truyền thống văn hóa lịch sử và xã Võ Ninh anh hùng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ. Về văn chương cử nghiệp, làng Võ Xá tuy không có tiến sỹ bảng giáp nhưng khoa bảng ở Võ Xá cũng rất rực rỡ, nhiều người đậu cử nhân Hán học.

- Advertisement -

Dưới triều Nguyễn, làng Võ Xá có gia đình 3 đời liên tiếp, có 4 người đỗ cử nhân, gồm các ông: Nguyễn Văn Tịnh đỗ cử nhân năm Thiệu trị thứ nhất (1841); Nguyễn Văn Thận con trai ông Tịnh, đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 3 (1850) làm quan đến chức Tuần vũ, sau khi mất được truy phong hàm Thượng thư. Hai người con trai ông Thận là: Nguyễn Thúc Uý đỗ cử nhân năm Thành Thái thứ 3 (1891) và Nguyễn Thúc Khẩn đỗ cử nhân năm Thành Thái thứ 15 (1903).

Nổi bật nhất trong số các danh nhân của làng Võ Xá là Hữu quân Đô thống Lê Sỹ. Suốt 40 năm làm võ tướng, ông đã phục vụ tận tụy 4 triều vua từ Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức đến Hiệp Hòa. Là một võ tướng tài ba, ông là người trung thành và luôn tận tụy công việc, với triều đình. Lê Sỹ từng được triều Nguyễn trao cho nhiều chức vụ quan trọng, như: Chưởng quân Hữu dực, Tả dực Doanh vũ Thống chế, Hữu quân Đô thống.

Ông là người trực tiếp chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển ở những vị trí xung yếu. Trong trận liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam, Lê Sỹ đã chỉ huy quân lính chiến đấu rất kiên cường gây cho giặc nhiều thiệt hại ở Đà Nẵng. Ông hy sinh vào năm 1883 khi đang bảo vệ tuyến phòng thủ Trấn Hải đài.

Tri ân vị liệt tướng trung nghĩa có công chống Pháp, ngày nay, khu lăng mộ của ông ở thôn Tiền, xã Võ Ninh đã được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Cũng theo nghiệp võ nghệ, Võ Xá còn có Phạm Sỹ, đậu cử nhân võ, làm đến chức Chưởng vệ tại Kinh đô Huế. Với những đóng góp của mình, ông được tặng hàm tòng nhị phẩm.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, vùng đất Võ Ninh đã có những đóng góp quan trọng về sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi chung của dân tộc. Xã có tới hàng trăm liệt sỹ. Nhiều tên tuổi của những người con đất Võ Ninh anh hùng như: anh hùng liệt sỹ Trương Văn Ly, liệt sỹ Nguyễn Xảo…

Thế kỷ XX nhiều biến động, ở Võ Xá đã có nhiều nhà giáo tên tuổi địa phương vì đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành những người lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn huyện, như ông Lê Đình Triển, Phạm Xuân Tuynh… Đảng và Nhà nước đã 2 lần tuyên dương Võ Ninh danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang. Nhiều di tích lịch sử được Nhà nước công nhận cấp Quốc gia và UBND tỉnh Quảng Bình xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Trên mảnh đất đầm lầy, hoang hóa từng khiến quân Trịnh khiếp sợ năm xưa, giờ đã là những cánh đồng lúa rộng lớn, thẳng cánh cò bay, những ruộng nương trù phú. Tất cả đã tạo nên diện mạo mới của vùng đất đầy tiềm năng và khát vọng. Người Võ Xá hôm nay vẫn truyền mãi câu ca dao từ thuở xa xưa như một lời mời gọi, một niềm tự hào:

Ai về Võ Xá thì về
Khoai côi, môn dưới, lò kề một bên”.

Diệu Hương

Bài 7: “Cổ Hiền sông núi quyện trời mây”

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm