8.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Quảng Bình: Triển vọng phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa

- Advertisement -

Quảng Bình được đánh giá là địa phương có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên nơi đây đang ngày càng cạn kiệt, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do khai thác tràn lan, tận diệt của con người.

Quảng Bình: Triển vọng phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóaSơ chế cây dược liệu tại mô hình của anh Võ Văn Hùng

Trước thực tế đó, anh Võ Văn Hùng, ở thôn Sen Bàng, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch đã thực hiện mô hình “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây cao su” trên diện tích 1ha do Sở Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ kinh phí. Với sự say mê tìm tòi, ngoài cây ba kích, anh Hùng còn trồng xen thêm một số cây dược liệu khác như cà gai leo, kim tiền thảo, đinh lăng… dưới tán cao su. Sau 3 năm triển khai, mô hình hứa hẹn mang lại hiệu quả cao, có thể nhân rộng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng gò đồi của huyện Bố Trạch nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.

Theo anh Võ Văn Hùng, huyện Bố Trạch có diện tích trồng cây cao su khá lớn, người dân thường trồng xen một số cây truyền thống như sắn, dưa hấu, ớt… trong khoảng 5 năm đầu để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ không ổn định, được mùa thì mất giá nên hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng này chưa cao. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, trồng thử nghiệm các đối tượng mới thay thế cho cây trồng truyền thống là rất cần thiết.

Vốn là một giáo viên dạy môn Sinh vật, tháng 4 năm 2015, được Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Bình hỗ trợ kinh phí, anh Hùng đã trồng thử nghiệm cây ba kích trên diện tích 1ha tại xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch. Trong đó 0,5 ha trồng dưới tán cây cao su bị đổ gãy do bão số 10 gây ra năm 2013 và 0,5 ha trồng dưới tán cây cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản. Trên cơ sở đó, mô hình sẽ đánh giá tác động của từng biện pháp kỹ thuật, khả năng thích ứng của cây ba kích với điều kiện khí hậu, đất, phân bón, phương thức canh tác… tại tỉnh Quảng Bình.  

Anh Hùng cho biết, lúc mới trồng, cây ba kích tỏ ra khá hợp với việc trồng dưới tán cây cao su đổ gãy cũng như dưới tán cây cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản. Cây giống nhanh chóng bén rễ, bám vào thân gỗ, leo lên quang hợp để nuôi củ. Cây lớn nhanh, xanh tốt và đặc biệt là tỷ lệ cây sống đạt 100%. Mới đây, qua kiểm tra thử, củ ba kích đã có chiều dài trên 50cm, đường kính khoảng 0,7 cm. Sau khi cây trưởng thành (từ 3 năm trở lên), mỗi cây có thể cho sản lượng trung bình 1,5 kg củ. Nếu tính trên toàn bộ 6.000 cây của diện tích 1ha, sản lượng đạt khoảng 9 tấn củ tươi. Tuy nhiên, ba kích để càng lâu năm thì sản lượng, chất lượng dược liệu càng tốt, được thị trường ưa chuộng và giá bán cao hơn so với ba kích trồng thâm canh. Hiện tại, cây ba kích đã được 3 năm tuổi, rễ củ có thể dùng tốt, nhưng anh Hùng muốn trồng 4 – 5 năm xem chúng phát triển như thế nào rồi lên kế hoạch thu hoạch cho phù hợp.

Qua gần 3 năm trồng thử nghiệm, các loại cây dược liệu phát triển tốt và cho thu nhập khá cao. Chỉ riêng cây kim tiền thảo khoảng 2 năm đã cho thu hoạch, phần thân ngọn cao khoảng 50cm được thu hái, sau đó băm nhỏ, phơi khô trong bóng râm để đảm bảo chất lượng. Hiện tại, dù kim tiền thảo có giá bán khá cao, 50.000 đồng/kg và được nhiều thương lái đặt mua nhưng vườn không có đủ để cung ứng. Ngoài ra, các loại cây khác như cà gai leo, cây lá vằng cũng đã cho thu hoạch và sản phẩm không đủ bán.

Do mô hình đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chưa tính toán kỹ về kinh tế, tuy nhiên, nguồn thu từ bán cây dược liệu như cà gai leo, kim tiền thảo cũng đủ trang trải cho khoảng 3 lao động và bù vào được chi phí ban đầu. Gia đình cũng đã có kế hoạch tăng diện tích cây dược liệu lên khoảng vài ha; đồng thời quy hoạch lại theo từng vùng khác nhau, cây nào ưa bóng râm thì đưa vào xen dưới tán cao su, loại nào phù hợp nắng thì đưa ra vùng trống. Anh Hùng cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những người có nhu cầu tìm hiểu và trồng các loại cây dược liệu này.

- Advertisement -

Với những kết quả bước đầu đem lại, mô hình trồng xen cây dược liệu dưới tán cao su của anh nông dân – thầy giáo Võ Văn Hùng không chỉ góp phần vào việc bảo vệ nguồn dược liệu quý của địa phương mà còn giúp người dân thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đang chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với diện tích rừng cao su lớn, rừng trồng, rừng sản xuất… hiện có, thì việc tận dụng để đưa cây dược liệu vào trồng xen được xem là hướng đi mới góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Ngọc Lan

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm