7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Lối đi nào cho rau sạch Đức Hoa?

- Advertisement -

Xây dựng nền nông nghiệp sạch và đưa nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng đang là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Nắm bắt được tâm lý này, từ nhiều năm trở lại đây, tận dụng lợi thế đất đai sẵn có, người dân ở thôn Đức Hoa, xã Đức Ninh (thành phố Đồng Hới) đã triển khai thực hiện mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiệu quả từ mô hình mang lại đã góp phần đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng phục vụ đời sống, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho rau sạch Đức Hoa còn gặp phải nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được.

Hiệu quả thấy rõ

“Trồng rau bây giờ hiệu quả kinh tế cao gấp 5, 6 lần so với trồng lúa”. Ông Phan Anh Tuấn, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng tổ trồng rau an toàn thôn Đức Hoa đã hồ hởi khẳng định với chúng tôi khi đề cập đến hiệu quả của mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của địa phương.

Trước đây, đa số bà con đều sản xuất theo phương pháp truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, không chỉ hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý. Xuất phát từ khó khăn đó, năm 2014, thực hiện chương trình rau an toàn của thành phố Đồng Hới, tổ hợp tác trồng rau an toàn Đức Hoa được thành lập và bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đến nay, toàn thôn có đến 54 hộ tham gia trồng rau với tổng diện tích 2,7 ha (đất quy hoạch) và trên 3 ha (đất chưa quy hoạch). Các loại rau được trồng chủ yếu là cải, xà lách, cải cúc, khoai lang, các loại rau thơm… và được trồng quanh năm với cách chăm sóc tùy theo từng mùa. “Mô hình áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP nên phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt, bởi vậy, ban đầu triển khai, bà con gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật cùng sự nỗ lực của bà con, toàn bộ quy trình sản xuất đã được thực hiện bài bản. Tất cả các giống rau được bà con tìm mua ở cơ sở uy tín theo hướng dẫn, được che lưới để tránh côn trùng, dùng phân hữu cơ bón lót, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và đúng với quy định, thời gian cách ly theo hướng dẫn; khi thu hoạch bảo đảm chất lượng chuẩn của sản phẩm đến tay người tiêu dùng”, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo chân cán bộ thôn Đức Hoa, chúng tôi đến thăm vườn rau của ông Hoàng Văn Lự, một trong những hộ có diện tích trồng rau lớn nhất địa phương. Năm nay, đã gần 80 tuổi, nhưng vợ chồng ông vẫn đứng ra nhận hơn 7 sào đất trồng rau. Cần mẫn chăm sóc vườn rau đúng quy trình, bình quân mỗi ngày, vợ chồng ông bán được trên dưới 1 tạ rau, thu nhập khoảng 300.000-700.000 đồng.

Lối đi nào cho rau sạch Đức Hoa?

- Advertisement -

Ông Hoàng Văn Lự, một trong những hộ có diện tích trồng rau lớn nhất ở thôn Đức Hoa, đang chăm sóc vườn rau của gia đình.

“Khi bắt tay vào trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi phải sản xuất theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt về làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới, đặc biệt là thời gian cách ly giữa phun thuốc trừ sâu, bón phân với thời điểm thu hoạch và vệ sinh môi trường xung quanh vùng sản xuất, nên hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng cao.

Từ chỗ khó khăn, đời sống chật vật, nhờ trồng rau, kinh tế gia đình tôi ngày càng được cải thiện, tuy không thực sự giàu có nhưng cũng xây cất nhà cửa đàng hoàng, giúp đỡ con cái phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống no đủ”, ông Lự chia sẻ.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, trong vài năm trở lại đây, đời sống của đa phần những hộ tham gia vào mô hình trồng rau sạch của thôn đều được nâng cao, cùng với gia đình ông Hoàng Văn Lự, tiêu biểu như hộ anh Phan Văn Độ, chị Hoàng Thị Liên… Và với mức doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, trồng rau sạch đang góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của Đức Hoa và giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn xuống chỉ còn 1 hộ.

Khó xây dựng thương hiệu

Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm rau an toàn của địa phương chưa có thương hiệu nên giá bán ra thị trường vẫn như các loại rau bình thường, đầu ra chưa ổn định, ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của bà con. Ông Phan Văn Thưởng, Bí thư Chi bộ thôn Đức Hoa cho biết: “Rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật khắt khe, do đó, năng suất giảm hơn so với sản xuất tự do, chi phí nhân công chăm sóc cũng tăng lên khoảng 10-15%.

Tuy nhiên, giá cả khi bán ra thị trường của rau sạch Đức Hoa đang khiến không ít người nông dân bất mãn. Nhìn vùng rau của nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP mà bán bằng giá rau bình thường ở chợ chúng tôi rất buồn. Người tiêu dùng thường kêu ca về an toàn thực phẩm nhưng lại tính toán với giá cả rau VietGAP”.

Giá thành đã thế, thị trường tiêu thụ cũng không thực sự khả quan bởi hiện tại rau của địa phương chỉ được tiêu thụ ở một số chợ trên địa bàn thành phố, như: chợ Đức Ninh, chợ Cộn, chợ Đồng Hới…, mà chưa thể mở rộng ra vùng khác.

- Advertisement -

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, để nâng cao giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, rau Đức Hoa phải xây dựng được thương hiệu. Tuy nhiên, việc này lại đang vấp phải không ít khó khăn, mà trước hết là chuyện kinh phí. Để được chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn VietGap, người trồng rau phải chịu chi phí kiểm nghiệm thường xuyên.

Năm 2015, rau Đức Hoa được Công ty CP Chứng nhận Globalcert chứng nhận là sản phẩm sản xuất tại đồng ruộng phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn theo Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN ban hành ngày 28-1-2008. Theo quy định, năm 2017, địa phương phải tiếp tục hoàn tất các thủ tục để được chứng nhận lại lần hai.

Tuy nhiên, vì phải bỏ ra nhiều loại chi phí, như: giống, vật tư, phân bón, công chăm sóc…, trong khi đó sản phẩm bán ra giá lại ở mức thấp nên mặc dù vẫn trồng theo đúng quy trình, tiêu chuẩn quy định nhưng nhiều nông dân lại ngại bỏ thêm tiền cho chi phí kiểm nghiệm. Do đó, đến nay, thôn vẫn chưa hoàn tất các thủ tục để được chứng nhận lần hai.

Ngoài vấn đề thiếu kinh phí thì hình thức trồng phân tán, nhỏ lẻ theo hộ gia đình cũng là vướng mắc mà địa phương đang gặp phải. Hiện nay, ngoài 2,7 ha đất quy hoạch trồng rau tập trung thì toàn thôn có đến khoảng 3 ha đất trồng rau chưa được quy hoạch, nằm rải rác theo từng hộ gia đình. Điều này gây ra không ít khó khăn trong việc bảo đảm quy trình sản xuất rau theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Thêm vào đó, nguồn nhân lực của địa phương đang trong tình trạng thiếu hụt nên quá trình xây dựng thương hiệu rau sạch Đức Hoa khó mà được thực hiện như mong muốn của bà con.

“Về lâu dài, để việc sản xuất rau sạch ngày càng phát triển và đem lại hiệu quả cao cho người nông dân, việc xây dựng thương hiệu cho rau Đức Hoa đóng vai trò quan trọng. Và để làm được điều này, địa phương rất cần đến sự giúp sức của các ngành, đơn vị liên quan trong việc đẩy mạnh kết nối, ký kết hợp đồng cung ứng, tiêu thụ nông sản VietGAP và tiếp tục theo dõi để tháo gỡ khi gặp vướng mắc, trong đó, công tác tuyên truyền cần được đi trước một bước để vừa làm người tiêu dùng yên tâm, hài lòng, vừa tạo động lực cho người sản xuất tiếp tục đầu tư phát triển”, ông Đặng Văn Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Đức Ninh chia sẻ.

Đ.V

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm