6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Trần Bình Ngũ, vị quan thanh liêm Triều Nguyễn

- Advertisement -

Xuất thân là một thợ rèn bình dị tại làng quê nghèo Phan Xá thuộc tổng Khang Lộc, phủ Tân Bình (nay là xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Trần Bình Ngũ còn có các tên gọi khác là Trần Bình Năm, Trần Bình Phủ hay Trần Trung Hầu. Là con trai thứ ba của cai quan Trần Bình Hoán, cũng là một thợ rèn lành nghề, sớm có lòng yêu quê hương đất nước, hăng hái gia nhập đội quân phò chúa Nguyễn vào Gia Định lập nghiệp, vừa bảo toàn nghề rèn truyền thống, vừa tham gia rèn đúc vũ khí, phục vụ quân đội trong triều đình.
Trần Bình Ngũ, vị quan thanh liêm Triều Nguyễn

Năm 1802, sau khi giành được giang sơn, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 300 năm, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long. Việc làm đầu tiên của vua Gia Long là phong tước, ban hầu cho các công thần đã một lòng theo ông vượt qua mọi gian khổ khó khăn, lập nên cơ đồ. Theo đó, ông Trần Bình Ngũ cũng được phong làm Chánh quản Bắc thành đồ gia, tước là Trung bình hầu.

Trong quá trình bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngoài việc chăm lo phát triển các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục…vua Gia Long rất đặc biệt quan tâm củng cố và xây dựng quân đội, trong đó chú trọng việc trang bị vũ khí. Ngoài những loại vũ khí mua được từ nước ngoài, vua Gia Long cho tăng cường việc sản xuất vũ khí trong nước, người được vua Gia Long tin tưởng giao trọng trách trông coi việc rèn đúc vũ khí cho triều đình là Trần Bình Ngũ.

Không chỉ được giao trông coi việc rèn đúc vũ khí mà Trần Bình Ngũ còn được vua Gia Long hết sức tin cậy, giao cho việc đúc bạc trong triều đình. Thời đó, việc đúc bạc hay bị người dân giả mạo, gian dối để trục lợi.

Vua Gia Long biết việc này nên đã dụ cho Đồ gia bắc thành là Trần Bình Ngũ rằng: “Các trấn ở Bắc thành là nơi sản xuất vàng bạc. Dân hay trà trộn làm gian, chỉ trộn chút ít là được lợi rất to. Tệ giả mạo như thế phải trừ. Nay cho ngươi làm Trung bình hầu. Phàm vàng thỏi, bạc thỏi công hay tư, có dấu Trung bình của ngươi thì mới được thông dụng. Ngươi nên cẩn thận. Kẻ làm gian xảo thì trị tội”. Kể từ đó, tất cả vàng bạc công hay tư, phải có dấu “Trung bình” thì mới được lưu thông.

Qua sự việc trên đã chứng thực Chánh quản Bắc thành đồ gia Trần Bình Ngũ là một vị quan thanh liêm, chính trực, vừa có đức vừa có tài, không chỉ được vua Gia Long coi trọng, phong tước mà còn tin cậy, giao giữ các trọng trách quan trọng trong triều đình.

Được vua Gia Long tin tưởng trọng dụng, Trần Bình Ngũ đã luôn cố gắng rèn giũa bản thân, luyện võ, luyện nghề cùng cha hết lòng phò vua giúp nước. Từ việc rèn đúc vũ khí phục vụ quân đội trong triều đình đến việc đúc bạc, tiền, Trần Bình Ngũ đều hết sức chuyên tâm, ngay thẳng, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và xây dựng đất nước, cũng như việc giữ uy tín của đồng bạc thời vua Gia Long nói riêng, triều Nguyễn nói chung.

Không chỉ là vị quan yêu nước, tận trung với vua mà Trần Bình Ngũ còn là vị quan có tấm lòng thương dân, một lòng vì quê hương làng xóm, biết trọng nghĩa khí, nhân tài. Bằng chứng là cả quá trình phò vua Gia Long bảo vệ và xây dựng cơ nghiệp, không quản gian khổ, khó khăn và cả sự hiểm nguy.

- Advertisement -

Đó còn là việc ông dám mạo hiểm, đứng ra bảo vệ quan thượng thư Nguyễn Thế Trực, người làng Lộc An, huyện Khang Lộc, tri huyện Lệ Thủy, phục vụ nhà Tây Sơn gần 20 năm, làm đến chức thượng thư. Nguyễn Thế Trực đã bị bắt giam và kết tội.

Hơn ai hết, Trần Bình Ngũ rất hiểu về con người Nguyễn Thế Trực là người có tài, uyên bác, lỗi lạc nên đã tâu với vua Gia Long: “Đây là người có tài cao, nên dùng”. Tin tưởng vào con người Trần Bình Ngũ, vua Gia Long không những không chỉ tha tội chết cho Nguyễn Thế Trực mà còn phong ông làm Hình bộ tham tri kiêm Quốc tử giám đốc học.

Đối với quê hương Phan Xá, ông là vị quan hết lòng vì dân, không chỉ được dân làng Phan Xá mà nhân dân khắp nơi đều kính trọng và yêu mến. Dù bận việc làm quan trong triều nhưng ông vẫn sắp xếp thời gian về thăm quê hương, tế thần, tế họ tộc. Mỗi lần về thăm quê ông đều trích ra một phần tiền của mình để mua quần áo, sách đèn, giấy bút tặng bà con dân nghèo.

Ông còn tự nguyện bỏ tiền tu sửa chùa Phật và đình làng, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thuần phong mỹ tục cho làng xóm quê hương. Ông đã gánh phần lớn trong việc đóng góp của nhân dân trong làng bằng việc hiến 16 mẫu ruộng tư điền cho làng. Những việc làm của ông được nhân dân địa phương muôn đời biết ơn và ghi nhớ.

Hiện trên hai tấm bia còn được lưu giữ tại nhà thờ họ của làng vẫn ghi công lao và tình cảm, tấm lòng của ông dành cho quê hương, họ tộc. Nội dung hai văn bia đã được các nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, nguyên giảng viên Trường đại học Huế và thạc sĩ Vũ Việt Bằng, Viện nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm và dịch nghĩa.

Trần Bình Ngũ, vị quan thanh liêm, đức độ, tài cao được vua Gia Long triều Nguyễn hết sức coi trọng, tin tưởng và nhân dân nhiều nơi kính trọng, ghi ơn, yêu mến. Cuộc đời làm quan của ông là cả quá trình đóng góp công lao cho nước nhà và quê hương bản xứ. Năm 1813, sau khi mất, thi hài ông được an táng tại một vùng đất địa linh của xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, nơi các danh thần của quê hương cũng được an táng tại đây như lăng mộ danh tướng Hoàng Hối Khanh, lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Lăng mộ Trung bình hầu Trần Bình Ngũ có kết cấu kiến trúc lăng mộ truyền thống của các danh thần triều Nguyễn, với nhiều lớp, ngăn cách bởi cổng và bức bình phong. Bao quanh mộ là 2 vòng thành, xung quanh mộ là hàng cây rưới cổ thụ xanh tốt, đan chặt nhau tạo nên vẻ thâm u, tĩnh mịch và linh thiêng.

Trải qua gần 200 năm lịch sử trên mảnh đất chịu nhiều khắc nghiệt của thiên tai, khu lăng mộ của ông phần nào bị ảnh hưởng, các họa tiết hoa văn, chữ khắc… bị mờ, có chỗ bị mất hẳn. Riêng tấm bia mộ bằng đá cẩm thạch vẫn còn nguyên, phần chữ khá rõ nét.

- Advertisement -

Ngoài ra, để tỏ lòng tôn kính với các bậc danh nhân được nhân dân coi trọng như vị thành hoàng làng, dân làng Phan Xá sau này còn xây thêm đền thờ ông. Năm Khải Định thứ 9 (1924), triều đình truy phong tước cho Trần Bình Ngũ là Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng tôn thần. Khu lăng mộ của ông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ra quyết định xếp hạng di tích.

Hải Yến-Anh Đào (Báo Quảng Bình)

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm