5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm

- Advertisement -

Trong năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (NLTS) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo. Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm NLTS về bảo đảm ATTP có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, nhiều mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đang được xây dựng và nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm NLTS và bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa công bố bảng xếp hạng về quản lý ATTP năm 2017 với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là lần thứ 3, Bộ NN-PTNT công bố về bảng xếp hạng này. Theo đó, top 10 địa phương được đánh giá là “triển khai tốt” về quản lý ATTP trong năm qua có tỉnh Quảng Bình. Đây là điều đáng ghi nhận bởi tỉnh ta từ nhóm “còn hạn chế” trong những năm trước, nay đã vươn lên top 10 địa phương “triển khai tốt”.

Chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm

Mô hình thực hành sản xuất rau an toàn tại TP. Đồng Hới.

Theo ông Lê Kim Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NLS-TS), xác định quản lý chất lượng NLTS là một yếu tố quan trọng không thể tách rời trong sản xuất nông nghiệp nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đồng thời nhiệm vụ này đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, công tác quản lý ATTP đối với NLTS đã được triển khai tích cực, quyết liệt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành và địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhận thức được vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về ATTP, Chi cục đã phối hợp với các cấp, các ngành trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động đa dạng và thiết thực.

Cụ thể, trong năm 2017, đơn vị đã tổ chức 56 hội nghị, lớp tập huấn với những nội dung, như: quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; tuyên truyền về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP NLTS; ATTP trong giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ATTP trong sản xuất kinh doanh nước đá bảo quản nông thủy sản…

- Advertisement -

Ngoài ra, Chi cục đã triển khai in ấn, cấp phát 7.000 tờ rơi tuyên truyền một số quy định về ATTP đến cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và người tiêu dùng ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh; treo băng rôn, panô hưởng ứng tháng hành động vì ATTP, vì sức khỏe người tiêu dùng… tại các điểm sản xuất rau và cảng cá.

Nhằm phát huy vai trò cũng như nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về nâng cao giá trị sản phẩm, công tác quảng bá sản phẩm NLTS của các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh đã được Chi cục Quản lý chất lượng NLS-TS chú trọng. Các sản phẩm, gồm: khoai deo Hải Ninh; nấm sạch Tuấn Linh; gạo Hùng Thịnh Vượng; mật ong Tuyên Hóa; nước mắm Long Tám; nước mắm Nhân Nam đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình.

Cùng với đó, 7 sản phẩm: khoai deo Hải Ninh, mật ong Tuyên Hóa, nấm sạch Tuấn Linh, rau hữu cơ Quảng Bình, bánh mè xát Tân An, gạo P6 Lệ Thủy, dầu lạc Phong Nha được quảng bá trong chương trình “Nông nghiệp sạch” trên VTV1.

Hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP được thực hiện nghiêm túc và mang lại hiệu quả cao. Riêng trong năm 2017, Chi cục tham gia 9 đoàn kiểm tra liên ngành – chuyên ngành gồm: kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán; thanh tra, kiểm tra ATTP trong tháng hành động; kiểm tra hàng Tết Trung thu; thanh tra chuyên ngành thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra tại 231 lượt cơ sở, phát hiện 18/231 lượt cơ sở không đạt yêu cầu và xử phạt vi phạm hành chính 9 cơ sở, thu phạt 39 triệu đồng, đưa đi tiêu hủy 320kg cá nóc.

Đặc biệt, trước tình hình một số tỉnh, thành trong cả nước xảy ra tình trạng cơ sở sản xuất kinh doanh bơm tạp chất vào tôm, đơn vị phối hợp với ngành liên quan thanh tra về tạp chất trong tôm sú. Tại 13 cơ sở kiểm tra, đoàn lấy 10 mẫu tôm phân tích (có nguồn gốc từ các tỉnh phía nam nhập vào) và phát hiện 7/10 mẫu có chứa tạp chất Agar, xử phạt 7 cơ sở với tổng số tiền trên 35 triệu đồng.

Chi cục cũng đã đánh giá, phân loại 773/2.155 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và NLTS ở địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố theo Thông tư 45. Theo đó, có 155 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (chiếm 19,2%); kiểm tra việc thực hiện cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tại 513/3.473 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và không phát hiện cơ sở vi phạm. Một trong những biện pháp kiểm tra, giám sát mang hiệu quả rõ nét nhằm bảo đảm lợi ích cho bà con nông dân cũng như người tiêu dùng chính là lấy mẫu phân tích và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Vì vậy, trong năm qua, đơn vị đã lấy 239 mẫu, chủ yếu là các sản phẩm, như: rau, thịt, thủy sản đông lạnh, giò chả, thịt gia súc, gia cầm… để gửi phân tích tại phòng kiểm nghiệm. Kết quả phân tích mẫu cho thấy, 9 mẫu không bảo đảm ATTP, chiếm 3,76% và giảm 10,41% so với năm 2016.

Đáng chú ý, Chi cục Quản lý chất lượng NLS-TS đã xây dựng và phát triển được nhiều mô hình sản xuất thực phẩm an toàn và chuỗi nông sản chủ lực mang thương hiệu Quảng Bình. Đáng kể, chuỗi gạo P6 theo quy trình SRI của HTX SXKD dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy (Lệ Thủy); chuỗi mật ong Tuyên Hóa của Công ty TNHH Sinh thái Miền Tây Quảng Bình, thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa); rau ngót, rau diếp cá, mướp ngọt, rau muống, rau cải ngọt của Công ty TNHH MTV An Nông (TP. Đồng Hới); khoai deo Hải Ninh của HTX sản xuất Khoai deo Hải Ninh (Quảng Ninh…

- Advertisement -

Anh Võ Thành Đạt, phụ trách kinh doanh của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng phấn khởi chia sẻ: “Sản phẩm gạo P6 được công nhận chuỗi thực phẩm an toàn, thực sự tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, sản phẩm gạo P6 không chỉ phục vụ trên địa bàn huyện Lệ Thủy, TP.Đồng Hới mà đã vươn ra thị trường ở các tỉnh, thành lớn, như: Huế, TP. Hồ Chí Minh…”.

Chuyển biến tích cực trong quản lý an toàn thực phẩm

Nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản của Quảng Bình được bày bán tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình.

Đánh giá về công tác quản lý chất lượng NLTS trong thời gian qua, ông Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của Chi cục Quản lý chất lượng NLS-TS và sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền cơ sở.

Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về ATTP NLTS từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực thực thi pháp luật; bảo đảm hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng ATTP NLTS. Đây còn là cơ sở vững chắc giúp cơ quan quản lý phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về ATTP vừa qua.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Lợi để ổn định và nâng cao chất lượng NLTS của địa phương, Chi cục Quản lý chất lượng NLS-TS cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho chính quyền địa phương và nhân dân về các quy trình thực hành sản xuất an toàn; phát triển thêm các chuỗi cung cấp thực phẩm NLTS an toàn cho người tiêu dùng.

Một vấn đề cần thiết khác là nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của quản lý chất lượng đối với doanh nghiệp, HTX và các cơ sở liên quan đến sản xuất, kinh doanh, chế biến NLTS. Có như vậy, công tác quản lý, giám sát chất lượng NLTS mới thực sự góp phần tích cực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

N.L

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm