2.4 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Chuyện chưa kể bên dòng Long Đại

- Advertisement -

Trưa một ngày tháng tư đầy nắng, tôi cùng những cựu dân quân thôn Long Đại đi dọc dòng sông, qua những bến Sân, bến Mợi, bến Đò, bến Trái, hói Rào Đá… Những địa danh quen thuộc mà tuổi thanh xuân của họ đã từng gắn bó. Cùng dòng sông đi qua những thời khắc ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phía sau bao năm tháng ấy, có những câu chuyện tôi lần đầu được nghe trong nỗi rưng rưng đầy cảm phục và tự hào…

. Dòng sông quá khứ

Xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) nằm bên bờ bắc dòng sông, trong đó có thôn Long Đại dài khoảng 3km, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương. Để phối hợp với các lực lượng, trợ giúp bộ đội, những người lớn tuổi lo sản xuất, dựng hầm hào, chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho bộ đội dừng chân chờ vượt sông. Những người trong độ tuổi từ 15 – 60 tuổi được huy động vào lực lượng dân quân. Thôn Long Đại có trên 120 người tham gia vào lực lượng này.

Ngôi làng bé nhỏ nằm bên dòng sông thơ mộng ấy từng được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau. Đó là Lũy thép bờ bắc, Cồn Cỏ đất liền, Làng đỏ, bến Phà Y, bến Long Đầu… Sở dĩ có nhiều tên gọi như thế bởi đây chính là nơi đế quốc Mỹ thả quả bom đầu tiên bắn phá miền Bắc và là một trong những trọng điểm ném bom từ năm 1965 đến 1972.

Bà Phan Thị Thuật (sinh năm 1945), từng là trung đội trưởng các  năm 1966 – 1967 và là xã đội trưởng năm 1968, kể: Trong 11 năm tham gia lực lượng (1964 đến 1975), đặc biệt từ năm 1965 đến 1972, dân quân thôn Long Đại đã chèo hàng nghìn chuyến đò đưa bộ đội vượt sông vào Nam chiến đấu. Trên dòng Long Đại rộng mênh mông, cứ bắt đầu từ 6 giờ tối đến 5 giờ sáng mỗi ngày, những con thuyền mỏng manh do 4 dân quân chèo chở từ 8 đến 10 chiến sĩ vượt sông. Mùa nắng cũng như mùa mưa, cứ nghe tin có bộ đội về là dân quân sẵn sàng có mặt tại bến sông. Dân quân Long Đại thuộc nằm lòng đặc điểm của dòng sông, biết rõ nơi nào là dòng xoáy, nơi đâu là bãi cạn, biết điều khiển con đò như thế nào để tránh bãi thuỷ lôi…, bảo đảm an toàn cho bộ đội sang sông. Hồi ấy, nhiều người trong số chúng tôi chưa một lần vượt khỏi luỹ tre làng, nhưng quen thuộc vô cùng với những miền đất xa xôi bởi những câu chuyện của bộ đội kể cho nghe trong bao lần vượt sông…

Chuyện chưa kể bên dòng Long Đại

Bà Phan Thị Thuật (người thứ 3 từ bên trái sang), nguyên trung đội trưởng trung đội dân quân những năm 1967-1968, xã đội trưởng xã Hiền Ninh năm 1968

Trong số những bến đò chạy dọc thôn, bến Mợi là bến chính bởi nơi này là bến gần nhất đón bộ đội hành quân từ đường 15A tiếp tục hành trình vượt sông. Những người chèo đò mà thời đó như bà Phan Thị Hà (sinh năm 1939), bà Trần Thị Uyên (sinh năm 1946) giờ đã già, nhưng kỷ niệm về những tháng năm ác liệt ấy vẫn còn in trong ký ức. Bà Hà kể, bà kết hôn từ năm 1960, nhưng hưởng ứng phong trào “ba khoan” (chưa yêu thì khoan yêu, yêu rồi thì khoan cưới, cưới rồi thì khoan có con) hồi đó, mãi đến năm 1975, nước nhà thống nhất, con gái đầu lòng của bà mới ra đời, bà đặt tên con là Nguyễn Thị Tiền Tuyến để kỷ niệm về những năm tháng gắn bó với dòng sông này. “Nói chèo đò nhưng không giản đơn là chèo đò khi dòng sông là bãi thuỷ lôi, trên trời là máy bay địch sẵn sàng xuất hiện bất cứ lúc nào để ném bom. Nhưng cứ nghe hiệu lệnh báo bộ đội về cần qua sông là ngay lập tức những người được phân công đều có mặt sẵn sàng đưa bộ đội vượt sông!”.

- Advertisement -

Ông Phạm Công Nông (sinh năm 1939) kể: “Bom đạn càng ác liệt thì thương vong càng nhiều. Trong khi những anh chị em dân quân cùng thôn lo tham gia chèo đò, trực chiến trung đội 12 ly 7, tôi với vai trò y tá chịu trách nhiệm cứu thương. Dụng cụ thô sơ, thuốc men thiếu thốn, thương vong nhiều, hàng đêm tôi có mặt tại bến sông, di chuyển từ bến này sang bến khác, bám sát những chuyến đò của đồng đội để kịp thời cấp cứu khi xảy ra thương vong. Lực lượng dân quân làng tôi lúc đó tham gia nhiều nhiệm vụ, từ trực chiến trận địa 12 ly 7, chèo đò, cứu phà bị bom đánh chìm, đưa trẻ em đi K8, bốc vác hàng, nắm tình hình thuỷ lôi… Cả xã, cả làng lúc nào cũng trong tình thế khẩn trương, sẵn sàng chiến đấu!”

Những năm tháng gian khổ và ác liệt ấy, dân quân thôn Long Đại đã nhiều lần được tổ chức truy điệu sống trước khi làm nhiệm vụ. Đến bây giờ, ông Nguyễn Ngọc Liễu (sinh năm 1931) vẫn nhớ như in sự kiện cứu phà chìm  vào tháng 4-1966. “Sau khi phà bị bom Mỹ đánh chìm, chúng tôi được lệnh cùng hỗ trợ, phối hợp với bộ đội đi cứu phà. Xác định lần này ra đi lành ít dữ nhiều, 30 dân quân tham gia nhiệm vụ được làm lễ truy điệu sống. Sau lễ truy điệu ngắn gọn và những lời căn dặn, các nam dân quân chịu trách nhiệm bê các cột nhà ra làm đà để kéo phà, nữ thì chuẩn bị dây để kéo. Dọc đường ra bến sông có nhiều đoạn địch thả bom toạ độ, mọi người phải dừng lại tìm nơi trú ẩn. Sau ba lần cột xong dây và chuẩn bị kéo thì máy bay địch lao đến thả bom, cuối cùng con phà cũng được kéo lên. Kéo lên lưng chừng bến sông với độ dốc khoảng 45 độ, mọi người chung tay tát hết nước và thả phà về sông, chặt cây cối nguỵ trang cẩn thận. Nhiệm vụ gian nan cuối cùng đã hoàn thành!”, ông Liễu thở phào nhớ lại.

Trong số những người tham gia cứu phà và được truy điệu sống ngày ấy có bà Nguyễn Thị Tuế (sinh năm 1948). Vóc người nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn và nhiệt tình, bà như con thoi có mặt tại bến sông quê vào những thời khắc gian khổ nhất. Và trong hồi ức của những cựu dân quân Long Đại, những cái tên như Trần Thị Hằng, chính trị viên trực chiến 12 ly 7, lực lượng từng bắn rơi máy bay vào năm 1967; bà Phan Thị Trở bị thương khi tham gia chữa cháy khu nhà hậu cần của bộ đội; bà Phan Thị Tỏi, ngươi tham gia cùng bộ đội pháo cao xạ chiến đấu; các ông bà Nguyễn Viến Thỉ, Phan Thị Diệp, Trần Thị Tuất, Trần Thị Thảnh… vẫn luôn được nhắc nhiều trong câu chuyện…

Hơn 120 dân quân thôn Long Đại thuở ấy giờ người còn người mất, người tuổi cao sức yếu, lúc nhớ lúc quên. Nhưng những mảng ký ức về những tháng năm hào hùng và đẹp đẽ bên bến sông quê vẫn được những người đang sống hôm nay kể lại với đầy xúc cảm tự hào. Những buổi sáng tinh sương kéo phà, cầu phao đã được tháo rời ngược về hói Rào Đá để che giấu máy bay địch, buổi chiều muộn lại giong phà, ghép cầu phao, chuẩn bị đò… đưa bộ đội, vũ khí, lương thực vượt sông, được mọi người thay nhau kể lại. “Hồi đó gian khổ lắm, nhưng cả làng ai cũng hăng hái tham gia để tiếp sức cho tiền tuyến và bảo vệ quê hương.”, bà Thuật xúc động chia sẻ.

Bình dị giữa đời thường

Sau những tháng năm chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lực lượng dân quân thôn Long Đại tiếp tục tham gia nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, thi đua lao động sản xuất. “Là trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ nên mỗi tấc đất của xã Hiền Ninh nói chung, thôn Long Đại nói riêng, chi chít bom đạn. Việc sản xuất không dễ dàng gì khi đôi bờ Long Đại bị đạn bom cày xới, trong đó có nhiều quả bom vẫn nằm trong lòng đất và dưới đáy sông không biết lúc nào lại phát nổ. Một lần nữa, lực lượng dân quân thôn Long Đại lại phát huy tinh thần anh dũng quật cường năm xưa, chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi sản xuất. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu cả trong chiến đấu và giữa đời thường. Trong số họ, có một số người được hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ và trợ cấp, nhưng cũng có nhiều người hiện không có chế độ gì. Trong khả năng của mình, địa phương chúng tôi cũng cố gắng quan tâm, chia sẻ với bà con những khó khăn trong cuộc sống, cố gắng đền đáp công ơn của họ, đồng thời luôn giáo dục con em quê hương ghi nhớ và noi theo gương sáng của cha anh.”, anh Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết.

Chuyện chưa kể bên dòng Long Đại

Những cựu dân quân bên dòng Long Đại

- Advertisement -

43 năm sau ngày đất nước thống nhất, khi đôi bờ Long Đại đã được phủ kín một màu xanh mượt mà của lúa ngô, khoai, sắn, con đường chạy dọc thôn Long Đại được bê tông hoá đẹp mềm mại như tranh, gần 50 trong tổng số 120 dân quân ngày xưa, lần đầu tiên tổ chức buổi gặp gỡ ôn chuyện cũ. Bà Nguyễn Thị Tuế, người hiện sống đơn thân với nhiều bệnh tật trong căn nhà tình nghĩa nhỏ bằng số tiền trợ cấp hàng tháng trên 400 nghìn đồng, cũng hăng hái tham gia. Họ đã cùng nhau dâng hương tưởng niệm ở khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn – phà Long Đại, ôn lại những kỷ niệm cũ, nhớ về 20 chiến sĩ dân quân thôn Long Đại hy sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Ông Trần Đức Tố (sinh năm 1960), Bí thư Đảng bộ bộ phận thôn Long Đại chia sẻ: Chúng tôi là thế hệ hậu sinh, khi lớn lên đã được chứng kiến những gian khổ, hy sinh của các ông, bà tham gia lực lượng dân quân hồi ấy. Sau này, chiến tranh kết thúc, cũng chính họ là những người hăng hái kiến thiết quê hương. Họ có một tâm nguyện, đó là dọc dòng sông Long Đại, đoạn qua những bến đò ác liệt, sẽ có một tấm bia ghi dấu những đóng góp của quân và dân xã Hiền Ninh, trong đó có lực lượng dân quân thôn Long Đại!”. 

Khi chia tay, bà Phan Thị Hà đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Đêm hành quân qua phà Long Đại” của nhà thơ Vũ Đình Văn. “…Đêm ấy, đêm trăng/Chúng tôi hành quân qua phà Long Đại/Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi/Nơi trao tay mình tiền phương, hậu phương/Nơi ấy ngã ba chiến trường/Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn…”, những câu thơ được bà đọc với giọng đầy xúc cảm. Bài thơ rất dài và bà đọc không thiếu một câu. Khi tôi ngạc nhiên hỏi vì sao bà có thể nhớ hết cả bài thơ, bà cười giản dị “Tại vì bài thơ ấy viết rất đúng về Long Đại, răng không nhớ được cháu ơi!”.

Nhà thơ Trần Thị Huê, người con của thôn Long Đại, hiện đang tập hợp tư liệu về lực lượng dân quân quê hương với mong mỏi sẽ giữ lại những ký ức hào hùng của thế hệ cha anh bên dòng Long Đại để mai này kể cho cháu con nghe. Tôi thầm cảm ơn chị bởi việc làm nặng nghĩa tình ấy, bởi sau mỗi cuộc gặp gỡ, chuyện trò, chị lại có thêm những câu chuyện đẹp về dòng Long Đại và con người nơi đây và kể cho mọi người cùng nghe. Nghe để cảm phục và tự hào!

Hiền Mai

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,415Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm