6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Phủ xanh mỏ titan ở Sen Thủy

- Advertisement -

Một khu rừng hơn 50ha đã phủ xanh mỏ khai thác titan ở 2 xã Sen Thủy, Ngư Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), đưa lại nhiều kỳ vọng về cải tạo môi trường. Khu rừng chỉ mới 3-5 năm tuổi nhưng đã trở thành bức tường chắn cát hiệu quả. Khâu trồng rừng sau khai thác titan được giám sát chặt chẽ.

Dưới thảm rừng titan

Phía sau cổng làng Trung Tân (xã Sen Thủy) là cánh rừng trước đây từng khai thác titan. Hồi đó người dân không đồng tình, nhưng sau khi doanh nghiệp giữ lời hứa hoàn thổ, trồng rừng mới tốt hơn, người dân mới dần nguôi ngoai. Nay đi dưới thảm rừng tràm, ngỡ như đi trong khu rừng đã 10 năm.

Phủ xanh mỏ titan ở Sen ThủyCon suối phía sau thôn Trung Tân (xã Sen Thủy) nước trong xanh  dưới thảm rừng 3 năm tuổi sau khai thác titan

Ông Nguyễn Hòa (làng Trung Tâm) gật đầu: “Trước đây chưa khai thác titan, ở đây cũng có rừng nhưng cằn cỗi lắm, toàn cây dại còi cọc; cát trắng lóa mắt, màu xanh rất hiếm. Nay rừng phát triển, chỉ mới 3-5 năm mà cây cao cả chục mét, đường kính nhiều cây hơn 20cm”.

Ông Trần Văn Đức (một người dân ở đây), nói thêm: “Trước đây, màu xanh lưa thưa lắm, cát trắng ngắt, mùa hè hạn nặng. Bây giờ, sau khai thác titan rừng được trả lại, nguồn nước dồi dào, trong vắt, ngày hè mà suối trên cát vẫn không cạn. Đây là tin mừng với người dân nơi đây”. Ông Đức kể thêm: “Rừng lên xanh không chỉ có nước mà dưới vạt rừng còn có gà rừng, chim rừng, chồn, thỏ hoang ngày mỗi nhiều thêm. Có khi tui còn thấy cả cáo xuất hiện. Trồng rừng như thế này tui mới phục”.

Quy trình ràng buộc

 

- Advertisement -

Để có hơn 50ha rừng lên xanh tốt sau khai thác titan như ngày hôm nay là cả một quá trình ràng buộc cũng như cam kết của các đơn vị khai thác. Ông Đức kể, ngày trước người dân cũng phản ứng việc khai thác titan vì sợ cát bay cát nhảy, sợ ô nhiễm nước, cuộc sống bị đảo lộn, nên kéo ra đường phản đối. Chính quyền từ xã đến huyện, rồi tỉnh thuyết phục nhưng dân không nghe. Doanh nghiệp cam kết trồng lại rừng cũng vẫn chưa thuyết phục. Chỉ đến khi ban quản lý các dự án khai thác titan đưa ra một ràng buộc rõ ràng, người dân mới yên. Ông Đặng Xuân Huề – Trưởng ban Quản lý các dự án khai thác titan Quảng Bình, hứa sẽ yêu cầu các đơn vị làm titan, cứ mỗi hécta trước khi khai thác phải nộp ký quỹ 72 triệu đồng, tiền đó giữ lại không sử dụng vào bất cứ mục đích nào. Ngoài ra, buộc doanh nghiệp bỏ thêm tiền túi trồng lại rừng. Rừng lên xanh, được nghiệm thu mới được nhận lại tiền ký quỹ. Ông Đặng Xuân Huề cho biết, hiện ban đang giữ tiền ký quỹ này hơn 7 tỷ đồng.
Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, cho biết: “Rừng trồng sau khai thác titan phải trải qua từ 3 năm tốt xanh, đúng tiêu chuẩn thiết kế mới phê duyệt đã hoàn thổ, trồng rừng thành công. Lúc đó mới cho phép khai thác mới”. Ông Đặng Xuân Huề mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý cần có đề tài nghiên cứu về việc rừng trồng thay thế sau khai thác titan, bởi vì nhiều nơi khai thác không theo quy trình cam kết, không ít đơn vị sau khai thác đã đi khỏi địa bàn, không đếm xỉa đến hoàn thổ và trồng rừng, dẫn đến người dân có cái nhìn không thiện cảm về việc lấy titan. Các chuyên gia môi trường khuyến cáo rằng, muốn khai thác titan bền vững, các cơ quan địa phương cần giám sát chặt chẽ theo giấy phép cũng như thực địa và triển khai phương pháp đóng tiền ký quỹ trên mỗi hécta khai thác, nhằm tránh việc doanh nghiệp bỏ đi sau khi khai thác tài nguyên titan.

Sở TN-MT Quảng Bình cho biết, có 3 doanh nghiệp khai thác titan kiểu không đảm bảo môi trường, không nộp tiền ký quỹ, không thực hiện hoàn thổ trồng rừng theo quy định nên đã tham mưu cấp trên rút giấy phép và cấm vĩnh viễn với những đơn vị này.

MINH PHONG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm