9.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Về duyên nợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với báo chí

- Advertisement -

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng sức mạnh tinh thần, tâm đức, trí tuệ và anh linh của Người mãi mãi trường tồn trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Về duyên nợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với báo chí

Trong thời gian dạy học tại Trường tư thục Thăng Long, Võ Nguyên Giáp tham gia viết bài cho tờ LE TRAVAIL (Lao động) và một số báo khác

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng gắn liền với sự hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, tên tuổi của ông đã được cả thế giới biết đến như là một trong những danh tướng của thế kỷ XX; nhưng chúng ta phải biết rằng trước khi trở thành Vị tướng của nhân dân, Vị tướng của hòa bình, Vị tướng huyền thoại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng là Thầy giáo, là Nhà báo. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tôi muốn viết về ông với cương vị là một nhà báo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 1925, khi mới 14 tuổi ông đã xa gia đình vào học tại Trường Quốc học Huế, cái nôi của phong trào học sinh yêu nước miền Trung. Tại đó, ông đã được đọc những bài thơ ca yêu nước, được đọc tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Ông tham gia các phong trào bãi khóa  của học sinh và bị đuổi học năm 1927. Chính môi trường ấy đã thôi thúc ông cầm bút viết báo; sau này ông kể lại bài báo đầu tiên ông viết là bài “Đả đảo tên bạo chúa Trường Quốc học”. “…Tôi nảy ra ý định viết một bài báo với tiêu đề “Đả đảo tên bạo chúa ở Trường Quốc học”, phải viết bằng tiếng Pháp để gửi cho tờ L’Anam xuất bản ở Sài Gòn, do Luật sư Phan Văn Trường làm Chủ nhiệm. Đây là tờ báo bán công khai đả kích thực dân Pháp, bài báo có tiếng vang ở Huế và nhiều nơi. Mối duyên nợ với báo chí của tôi bắt đầu từ đây”.

Từ đó Đại tướng đã viết cho nhiều tờ báo khác nhau, nhưng sự nghiệp báo chí của Đại tướng có lẽ tập trung nhiều nhất là vào năm 1936, khi đó ông đang dạy học tại Trường Thăng Long, đồng thời tham gia phong trào Mặt trận dân chủ, ở trong ban lãnh đạo nửa hợp pháp của Đảng, cùng một số đồng chí thành lập báo Hồn Trẻ, sáng lập và biên tập các báo LE TRAVAIL (Lao động), báo NOTRE VOIX (Tiếng nói của chúng ta), báo EN AVANT (Tiến lên), báo RASSEMBLEMENT (Tập hợp), viết các báo Đời nay, Tin tức, Thời báo, Cờ Giải phóng. Thời gian này ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.

Là con người có kiến thức uyên bác, tầm nhìn chiến lược lại có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú trên nhiều lĩnh vực, Đại tướng đã có đánh giá về nghề làm báo như sau: “Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này, khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương. Phải phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, yêu cầu, tâm lý thường xuyên thay đổi của bạn đọc để biết mình phải làm gì. Tính thời gian là rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng bài đã khó, nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như những màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc. Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn nhỏ, béo gầy, đứng hoặc nghiêng,… đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới. Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được sự đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”.

Về duyên nợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với báo chí

- Advertisement -

Năm 1925, khi mới 14 tuổi Võ Nguyên Giáp đã xa gia đình vào học tại Trường Quốc học Huế, cái nôi của phong trào học sinh yêu nước miền Trung

Sau này, nhiều lần tiếp các nhà báo, Đại tướng hay nhắc nhở: “Sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng người viết lịch sử thì có nhiều nên người viết cần phải tôn trọng lịch sử, vì “lịch sử trước sau cũng phải trả về cho lịch sử”, cần phản ánh một cách chân thực, khách quan”.

Một lần Đại tướng đã nói: “Tôi với tư cách là một vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, và là một nhà báo, tôi rất vui mừng và cảm động được các nhà báo đến thăm, chúc mừng và nhắc lại một thời làm báo của tôi (Đại tướng nói một cách giản dị sau lời chúc mừng của đồng chí Phan Khắc Hải). Báo chí là một lực lượng mạnh, có thể tạo nên sự chuyển biến con người. Báo chí phải tích cực tham gia vào công tác tư tưởng, xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ, phổ biến kiến thức mới trong nhân dân, trên cơ sở đó xây dựng một nước Việt Nam anh hùng nhưng giàu có”. Đại tướng nhắc nhở: “Làm báo phải phản ảnh đúng thực tiễn. Liên Xô trước đây đặt tên tờ báo của Đảng là Sự thật, nêu cái hay, cái tích cực, phê phán cái không hay, cái tiêu cực, các tệ nạn, những cái đó có thể gọi là “giặc nội xâm”. Giặc ngoại xâm ta đã đánh thắng, bây giờ báo chí phải góp phần vào việc đánh thắng “giặc nội xâm” đó”.

Đại tướng nhấn mạnh: “Gần đây, cán bộ, đảng viên và nhân dân đang có phong trào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Báo chí phải tích cực tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản. Và không chỉ tuyên truyền mà còn vận động làm theo tư tưởng của Bác Hồ. Phải biểu dương những người, những đơn vị làm tốt theo tư tưởng của Bác”.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết không biết bao nhiêu bài báo, bao nhiêu quyển sách mà tất cả đều để lại trong lòng người đọc những cảm nhận sâu sắc về tính thực tiễn của thời đại. Những quyển sách như tổng tập hồi ký, tổng tập luận văn của Đại tướng có thể coi là những quyển sách quý sẽ còn giá trị mãi mãi với lịch sử dân tộc. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin được viết bài báo ngắn này xem như là nén tâm nhang kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thượng tá CN Lê Văn Hải

Nguồn bài viết: Báo Đấu thầu

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,404Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm