6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Cùng nông dân giải bài toán "trồng cây gì, nuôi con gì"

- Advertisement -

“Trồng cây gì, nuôi con gì?” là một câu hỏi mà các cấp, ngành và người nông dân luôn trăn trở. Nuôi trồng tự phát, chạy theo phong trào, thiếu quy hoạch và thông tin thị trường đã dẫn đến việc sản phẩm ứ đọng do cung lớn hơn cầu vẫn thường xuyên xảy ra. Để đồng hành cùng người nông dân giải bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì”, những năm gần đây, việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản đang được triển khai tích cực, trong đó các sản phẩm do Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) thực hiện bước đầu đã mang lại nhiều tín hiệu khả quan.

“Điểm danh” những mô hình thành công

Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn đã và đang được áp dụng rộng rãi trong toàn quốc. Sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản bảo đảm để người nông dân không rơi vào vòng tròn luẩn quẩn “được mùa mất giá”, bớt đi những cuộc “giải cứu” nông sản vẫn thường diễn ra.

Thời gian qua, Dự án SRDP đã xây dựng các chuỗi giá trị gồm: bò, gà, dê, mật ong, thỏ, lạc, ngô lấy thân, lúa, keo, sim, nấm, mây tre đan… Những chuỗi giá trị với sự tham gia của các hộ nghèo và cận nghèo bước đầu đã khẳng định thành công.

Mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản là một ví dụ. Được triển khai tại hai địa phương thông qua tổ hợp tác (THT) nuôi bò Vĩnh Xuân (xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá) và THT nuôi bò Đoàn Kết bản Khe Ngang (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh).

Trong đó, THT Vĩnh Xuân có 14 thành viên, THT Đoàn Kết có 9 thành viên, trên 55% số hộ tham gia các THT  thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Anh Nguyễn Văn Tuyển cho biết, THT nuôi bò Vĩnh Xuân thành lập năm 2016 với sự hỗ trợ của Dự án SRDP. 9 thành viên THT đã mua 9 con bò nái với tổng kinh phí 231 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 50%, các hộ đóng góp 50%. Đến thời điểm này, từ 9 con bò đầu tiên đã sinh sản đạt tổng đàn 24 con, có nhiều bò mẹ đã sinh sản lứa thứ ba. Riêng gia đình anh Tuyển có thêm 4 con bê cái.

Tham gia chuỗi giá trị bò, các thành viên được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò bảo đảm đàn bò phát triển tốt. “Điều quan trọng nhất là bà con được bao tiêu đầu ra. THT chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm bò giống, bò thương phẩm với Công ty TNHH sinh thái Cát Ngọc. Với riêng gia đình tôi thì việc ra đời 4 con bê cái là điều rất vui. Tôi sẽ nuôi các bê cái này để nhân rộng đàn rồi mới tính chuyện bán sản phẩm cho doanh nghiệp sau!”, anh Tuyển cho biết.

Còn tại THT nuôi bò Đoàn Kết, đến nay, từ 14 con bò giống ban đầu, đàn đã tăng lên 24 con và phát triển ổn định. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, bà còn đã quen với tập quán chăn nuôi mới, rút ra được những bài học kinh nghiệm nhằm mang lại hiệu quả cao trong phát triển đàn bò.

- Advertisement -

Trồng ngô lấy thân là một trong những chuỗi giá trị nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nông dân tại các địa phương. Với việc khảo sát kỹ tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, điều tra thị trường, kết nối người nông dân với doanh nghiệp, cây ngô lấy thân làm thức ăn cho gia súc đã thực sự “bén rễ” ở những vùng đất chỉ quen với việc sản xuất ngô lấy hạt mỗi năm một vụ.

Anh Nguyễn Văn Đồng, THT trồng ngô thôn 4 Thanh Lạng (xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá) cho biết, là một xã biên giới đặc biệt khó khăn, những năm qua, đã có nhiều dự án hỗ trợ cho địa phương phát triển sản xuất, đời sống. Việc dự án SRDP triển khai hỗ trợ các hộ trồng ngô lấy thân ban đầu cũng gặp những khó khăn nhất định, nhất là về tư duy của bà con. Khi mới thành lập, THT có 20 thành viên trồng ngô với diện tích 4,2ha. Đến nay, số diện tích này đã phát triển lên 10 ha.

Cùng nông dân giải bài toán "trồng cây gì, nuôi con gì"

Bò lai sinh sản của HTX Tân Vĩnh Phát đang phát triển ổn định.

Để có được diện tích này, sau 2 năm thực hiện mô hình, thấy được hiệu quả của cây ngô, các thành viên THT trồng ngô thôn 4 đã thuê lại những vùng đất bỏ hoang hoặc trước đó sản xuất ngô lấy hạt một vụ, lạc kém hiệu quả sang trồng ngô lấy thân. THT đã được Công ty Lê Dũng Linh ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá bảo đảm có lãi nên vấn đề đầu ra không còn là nỗi lo canh cánh như trước đây.

So với trồng ngô lấy hạt mỗi năm chỉ trồng được một vụ đông – xuân do thiếu nước, thì ngô lấy thân có thể trồng 2, thậm chí 3 vụ bởi khả năng chống chịu hạn của loại cây này. Với mức giá hiện tại là 1.050 nghìn đồng/tấn, năng suất mỗi ha khoảng 35 – 40 tấn đã mang lại thu nhập từ 36 đến trên 40 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng ngô lấy hạt như trước đây.

Tương tự, THT trồng ngô thôn Bắc Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh) đã phát triển diện tích ngô từ 3ha lên 9ha với sự tham gia của 20 thành viên. Chị Trương Thị Lược, người đã có công tiếp sức để phát triển cây ngô trên đất Hiền Ninh cho biết, khi được bao tiêu sản phẩm, nỗi lo của người nông dân gần như được trút bỏ. Giờ bà con chỉ lo tập trung sản xuất. Hiền Ninh là đất của cây ngô nhưng trước đây trồng ngô lấy hạt cũng chỉ trồng được 1 vụ.

Nay trồng ngô lấy thân đã tăng lên 3 vụ, trong đó vụ đông – xuân có thể thu hoạch cả hạt và thân, năng suất cao nhất có thể đạt 60 tấn/ha. Anh Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cũng khẳng định hiệu quả của mô hình này và cho biết Hiền Ninh sẽ đồng hành cùng bà con mở rộng diện tích cây ngô lấy thân trong thời gian tới.

- Advertisement -

Ngoài hai chuỗi nêu trên, một số chuỗi giá trị đang phát huy hiệu quả và có nhiều tiềm năng phát triển là trồng nấm, chăn nuôi gà thả vườn, nuôi ong…, đang là điểm tựa để người nông dân thoát nghèo.

Những tín hiệu vui…

Những chuỗi giá trị thành công nêu trên, ngoài việc mang lại sự ổn định cho các mặt hàng nông sản, còn góp phần giải bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì” mà người nông dân bao đời trăn trở, đồng thời đã mở ra những tín hiệu vui mới. Đó là sự ra đời của các hợp tác xã (HTX) với sự tham gia tích cực của xã viên và hướng phát triển phù hợp trên cơ sở những THT trước đây.

Anh Nguyễn Văn Đồng cho biết, tháng 10-2017, THT trồng ngô thôn 4 Thanh Lạng đã được “nâng cấp” thành HTX dịch vụ sản xuất, chế biến nông, lâm sản 19-5 với 30 thành viên. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 110 hộ để thu mua cây ngô. Được sự hỗ trợ của Dự án và đóng góp của các xã viên, HTX đã mua xe ô tô để vận chuyển sản phẩm về nhập cho Công ty Lê Dũng Linh, hiện đang tiếp tục hoàn thành các thủ tục để Dự án tiếp tục hỗ trợ mua máy gắp ngô. Với các loại máy này, bên cạnh việc phục vụ sản xuất của các xã viên, HTX còn sử dụng làm dịch vụ cho nông dân trên địa bàn.

Cũng như ở xã Thanh Hoá, THT trồng ngô thôn Bắc Cổ Hiền cũng đã trở thành HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến (HTX Bắc Tiến). HTX hiện đang phát triển nhiều mặt hàng nông sản, trong đó cây ngô lấy thân là một trong những sản phẩm chủ lực. Chị Lược, với vai trò mới là giám đốc HTX cho biết, HTX đã đầu tư máy cày từ nguồn hỗ trợ của Dự án và đóng góp của xã viên. Hiện tại, HTX đang có kế hoạch kết nối để phát triển diện tích cây ngô với khoảng 200 hộ thuộc các thôn trên địa bàn xã.

“Thời vận động bà con tham gia trồng ngô với nhiều khó khăn giờ đã qua rồi. Vì bà con thấy được lợi ích kinh tế từ cây ngô nên đã tự giác và tích cực tham gia! Tôi cũng dự tính sẽ mua thêm xe máy, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm cây ngô nói riêng và các sản phẩm khác của bà con nông dân mà HTX đang bao tiêu sản phẩm…”, chị hồ hởi chia sẻ.

Đối với mô hình nuôi bò lai sinh sản của THT nuôi bò Vĩnh Xuân, khi bắt đầu triển khai, trong tổng số 9 hộ tham gia có 3 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Sau hai năm, trong 3 hộ nghèo có 1 hộ thoát nghèo và 2 hộ vươn lên cận nghèo; 2 hộ cận nghèo ban đầu đã thoát nghèo.

Với kết quả đạt được và tiềm năng trong hoạt động, THT nuôi bò Vĩnh Xuân cũng đã được nâng cấp thành HTX nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp Tân Vĩnh Phát do anh Nguyễn Văn Tuyển giữ vai trò chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc HTX. “HTX hiện tham gia sản xuất và dịch vụ khá đa dạng, nhưng chăn nuôi, trong đó nuôi bò lai sinh sản là một trong những hướng đi chủ lực của chúng tôi!”, anh Tuyển cho biết thêm.

Còn ở THT nuôi bò Đoàn Kết, tư duy của người nông dân đã thay đổi mạnh mẽ. Anh Nguyễn Văn Xưởng, tổ trưởng THT cho biết, sau hai năm nuôi bò, cùng với sự tăng trưởng của đàn bò thì ý thức và kiến thức kỹ thuật trong chăm sóc đàn bò của người dân đã tăng lên, bà con tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn. Đây là một hướng đi đúng, nên dù các mô hình triển khai đang ở quy mô nhỏ, nhưng bền vững nên việc phát triển và nhân rộng là điều hoàn toàn có thể.

… và đôi điều trăn trở

Anh Nguyễn Văn Đồng đã từng phát biểu tại nhiều diễn đàn về việc cần quy hoạch lại đất trồng các loại cây tại địa phương, trong đó có cây ngô. Theo anh, với việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, trên một diện tích đất bà con trồng lẫn ngô, lạc, đậu xanh… đã và đang là rào cản lớn để phát triển những sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, trong đó có cây ngô lấy thân.

“Muốn phát triển thì nhất định phải quy hoạch lại, phải thực hiện dồn điền đổi thửa. Có như vậy mới có thể đưa máy móc vào sản xuất, đầu tư đồng bộ. Hiện tại, HTX muốn đưa máy cày, máy thu hoạch ngô cũng khó vì nhiều diện tích ngô nằm giữa các loại cây trồng khác!”.

Còn anh Nguyễn Văn Xưởng thì cho rằng: “Cái khó của chuỗi giá trị bò hiện nay là con giống, bởi việc lựa chọn con giống phù hợp với khí hậu, thời tiết và tập quán chăm sóc quyết định nhiều đến chất lượng và quá trình phát triển của đàn bò. Để mô hình nuôi bò tiếp tục phát huy hiệu quả, tôi mong muốn người nông dân được tham gia sâu hơn nữa vào việc lựa chọn giống bò!”

“Trồng cây gì, nuôi con gì” luôn là câu hỏi khiến các cấp, ngành, địa phương và người nông dân băn khoăn, trăn trở. Dù chỉ đang ở quy mô nhỏ, nhưng những mô hình kể trên đã và đang hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển.

Chị Trương Thị Lược, người đang vững vàng chèo lái con thuyền HTX Bắc Tiến khẳng định: “Tham gia chuỗi giá trị, chúng tôi tự tin hơn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc các THT được nâng cấp thành HTX cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong phát triển sản xuất, từ đó chúng tôi có thể nghĩ lớn, làm lớn hơn. Quan trọng nhất là người dân thấy được hiệu quả khi tham gia những mô hình này nên tự giác và nỗ lực tham gia!”.

Từ những kết quả đạt được, càng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp và vai trò đồng hành hiệu quả với người nông dân trong việc giải bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì?”của các cấp, ngành nói chung, trong đó có Dự án SRDP.

Ngọc Mai

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm