5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 năm 2018 tỉnh Quảng Bình

- Advertisement -

I. KINH TẾ

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Thời tiết đầu vụ Đông Xuân có rét đậm, rét hại kéo dài nên công tác gieo trồng một số loại cây gặp khó khăn. Ở một số địa phương phải tiến hành gieo trồng lại do chết rét. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo các cấp, các ngành chức năng và sự nỗ lực của bà con nông dân nên cơ bản kết thúc gieo trồng đúng lịch thời vụ, hầu hết các địa phương gieo trồng hết diện tích, một số cây giảm không đáng kể.

Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay thực hiện 54.512,9 ha, so vụ Đông Xuân năm trước giảm 1,1%. Diện tích giảm chủ yếu tập trung ở nhóm cây lấy củ có chất bột, trong đó diện tích sắn giảm 510 ha, do giá sắn thời gian qua giảm mạnh, người trồng sắn không có lãi đã chuyển sang trồng cây lâu năm; nhóm cây có dầu giảm 436 ha, riêng cây lạc giảm 433 ha, do nhiều diện tích lạc trước đây trồng xen với cây cao su, đến nay cây cao su phát triển tán rộng nên không trồng xen được; cây lúa giảm 165 ha, do chuyển đổi mục đích sử dụng như xây dựng cơ bản, chuyển cây trồng khác có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhóm cây hàng năm khác tăng khá, với 368 ha, trong đó cây thức ăn gia súc tăng 365 ha. Diện tích cây thức ăn gia súc được mở rộng để cung cấp cho chăn nuôi gia súc tập trung.

Diện tích gieo trồng ở các địa phương: Đồng Hới 1.308,7 ha, giảm 4,1%; Ba Đồn 4.700,6 ha, giảm 1,2%; Minh Hoá 2.954,0 ha, giảm 11,9%; Tuyên Hoá 4.585,1 ha, tăng 1,6%; Quảng Trạch 6.445,8 ha, giảm 0,5%; Bố Trạch 13.650,5 ha, giảm 0,9%; Quảng Ninh 7.035 ha, giảm 1%; Lệ Thuỷ 13.833,2 ha, tăng 0,4% so với vụ Đông Xuân năm trước.

– Cây lúa:

Diện tích cây lúa thực hiện 29.873,8 ha, giảm 0,5% so với vụ Đông Xuân năm trước. Diện tích cây lúa của các địa phương: Đồng Hới 943,7 ha, giảm 3,6%; Ba Đồn 2.652,1 ha, giảm 2,7%; Minh Hóa 491,6 ha, tăng 4,2%; Tuyên Hóa 1.486,7 ha, tăng 0,1%; Quảng Trạch 3.509 ha giảm 1,2%; Bố Trạch 5.398,9 ha, giảm 0,8%; Quảng Ninh 5.212 ha, tăng 0,01%; Lệ Thủy 10.179,8 ha, tăng 0,1% so với vụ Đông Xuân năm trước.

- Advertisement -

– Các loại cây trồng khác:

Diện tích các nhóm cây trồng khác: Cây ngô và cây lương thực có hạt khác 3.929,9 ha, giảm 4,7%; cây lấy củ có chất bột 9.135,7 ha, giảm 5,3%; cây mía 143,5 ha, tăng 16,1%; cây thuốc lá, thuốc lào 3,8 ha, tăng 26,7%; cây lấy sợi 3,2 ha, giảm 37%; cây có hạt chứa dầu 4.042,6 ha, giảm 9,7%; cây rau, đậu, hoa cây cảnh 5.254,4 ha, tăng 3,4%; cây gia vị, dược liệu hàng năm 554,2 ha, tăng 26,3%; cây hàng năm khác 1.572 ha, tăng 30,6% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Tuy có ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng, nhưng cơ bản toàn Vụ thời tiết tương đối thuận lợi nên cây trồng phát triển tốt. Một số nơi có xuất hiện sâu bệnh hại cây như chuột, ốc bươu vàng, rệp muỗi, tuyến trùng rễ, bệnh đạo ôn lá, sâu xám, sâu cắn lá, rệp phát nên đã ảnh hưởng đến năng suất cây trồng nhưng không đáng kể.

Hiện nay, người dân đang tranh thủ thời tiết nắng ráo, khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín. Bước đầu đánh giá các loại cây trồng cho năng suất tương đương năm trước, vụ Đông Xuân năm nay được mùa.

b. Chăn nuôi

Những tháng đầu năm, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ít xảy ra. Theo đó, chăn nuôi của các địa phương phát triển ổn định. Đặc biệt chăn nuôi theo hướng tập trung (trang trại, gia trại) có xu hướng tăng khá. Điểm đáng mừng đối với người sản xuất chăn nuôi, từ giữa tháng 4 đến nay, giá thịt hơn liên tục tăng, hiện nay mức giá gần 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đã có lãi khá. Tuy nhiên, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ do giá thịt hơi năm trước giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ nặng nên việc tái đàn gặp khó khăn.

Ước tính sản lượng xuất chuồng 5 tháng đầu năm 2018: Thịt trâu 1.087 tấn, tăng 3,0%; thịt bò 2.800 tấn, tăng 3,3%; thịt lợn 21.630 tấn, giảm 6,4%; thịt gia cầm 5.510 tấn, tăng 10,7%, riêng thịt gà 3.795 tấn, tăng 13% so cùng kỳ năm trước.

Ngành Thú y đã kết hợp các ngành liên quan, các địa phương tiếp tục thực hiện công tác tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm năm đợt I/2018. Kết quả tiêm phòng đợt I đến ngày 10/5/2018 như sau: Lỡ mồm long móng 54.600 liều, đạt 64,7% kế hoạch; Tụ huyết trùng trâu, bò 71.100 liều, đạt 83,7% kế hoạch; Dịch tả lợn, tam liên 88.670 liều, đạt 55,4% kế hoạch; Cúm gia cầm 384.400 liều, đạt 22,6% kế hoạch; Dại chó 25.490 liều, đạt 42,4% kế hoạch.

- Advertisement -

Các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ các cấp địa phương thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Lâm nghiệp

Tháng 5, tiến độ khai thác gỗ từ rừng trồng có xu hướng ổn định, theo đó sản lượng khai thác 5 tháng đầu năm tăng so cùng kỳ năm trước. Ước tính sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tháng 5 thực hiện 54.200 m3; ước tính 5 tháng đầu năm thực hiện 113.400 m3, tăng 8% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác 5 tháng đầu năm 108.100 ste, tăng 3,4% so cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, các chủ rừng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ khai thác rừng bị thiệt hại do bão cuối năm trước; đồng thời chủ động triển khai công tác chuẩn bị mặt bằng, cây giống để kịp thời triển khai trồng rừng vào các tháng cuối năm.

Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước tính 5 tháng đầu năm thực hiện 10.270 ha, tăng 3,4% so cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm, các chủ rừng tiếp tục thực hiện trồng dặm, trồng bổ sung số diện tích trồng năm trước.

Công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm. Triển khai công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân vùng có rừng; tổ chức tập huấn công tác phòng chống cháy rừng cho các chủ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phá rừng trái phép… Vì vậy, trong các tháng đầu năm nay chưa có hiện tượng cháy rừng xảy ra.

3. Thuỷ sản

Ước tính tháng 5 sản lượng thủy sản thực hiện 7.429,3 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 10,2%. Ước tính 5 tháng đầu năm thực hiện 25.918,5 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 11,4%. Sản lượng 5 tháng chia ra: Nuôi trồng thu hoạch 2.856,8 tấn, tăng 4,4%; Khai thác 23.061,7 tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

a. Khai thác

Thời tiết trong tháng thuận lợi nên ngư dân tăng cường bám biển, một số địa phương đang bước vào khai thác vụ cá Nam. Ước tính tháng 5 sản lượng khai thác đạt 6.764,5 tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ; ước tính 5 tháng đầu năm khai thác 23.061,7 tấn, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá các loại 19.844,9 tấn, tăng 11,5%; tôm các loại 436,5 tấn, tăng 5,1%; thủy sản khác 2.780,3 tấn, tăng 19,3% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo mặt nước: Khai thác nước mặn (biển) 21.795,5 tấn, tăng 12,8%; khai thác nội địa 1.266,2 tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, sản lượng khai thác thủy sản trong 5 tháng đầu năm của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Thành phố Đồng Hới 4.090,4 tấn, tăng 10,9%, thị xã Ba Đồn 3.873,6 tấn, tăng 11,5%, huyện Minh Hóa 43,9 tấn, tăng 4,5%, huyện Tuyên Hóa 66,9 tấn, tăng 7,7%, huyện Quảng Trạch 4.578,7 tấn, tăng 9,5%, huyện Bố Trạch 7.868,9 tấn, tăng 7,8%, huyện Quảng Ninh 907,7 tấn, tăng 22,2%, huyện Lệ Thủy 1.631,6 tấn, tăng 56,4% so cùng kỳ năm trước (Lệ Thuỷ được mùa sứa nên sản lượng tăng cao).

b. Nuôi trồng

Ước tính trong tháng 5, sản lượng nuôi trồng thu hoạch 664,8 tấn, bằng 91,4% so cùng kỳ năm trước. Ước tính 5 tháng đầu năm thu hoạch 2.856,8 tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá các loại 1.812,8 tấn, tăng 6,4%; tôm các loại 951,8 tấn, tăng 0,8%; thủy sản khác 92,2 tấn, tăng 5,3%. Sản lượng nuôi trồng 5 tháng chia theo mặt nước: Nuôi trồng nước lợ 1.002,9 tấn, tăng 1,1%; nuôi trồng nước ngọt 1.853,9 tấn, tăng 6,3%. Hầu hết, sản lượng nuôi trồng thu hoạch trong 5 tháng của các địa phương có tăng so cùng kỳ năm trước. Riêng Quảng Ninh sản lượng nuôi tôm có giảm do trong tháng bị dịch bệnh gan tủy với diện tích 4,3 ha, ước tính gíá trị thiệt hại 450 triệu đồng.

4. Công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2018 ước tính tăng 3,6% so tháng trước và tăng 2,7% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ, trong đó: ngành khai khoáng tăng 5,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 3,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,8%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính thực hiện 5 tháng đầu năm 2018 của một số ngành công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước như sau: Ngành sản xuất trang phục tăng 12,1%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 9,2%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,0%; ngành khai khoáng khác tăng 5,9%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,1%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 3,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 1,9%; ngành sản xuất đồ uống tăng 1,7%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 1,5%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 9,4% so cùng kỳ năm trước (nhà máy sản xuất tinh bột sắn ngừng sản xuất theo mùa vụ sớm hơn năm trước do thiếu nguyên liệu).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2018 như sau: Áo sơ mi đạt 5,0 triệu cái, tăng 12,0%; clinker thành phẩm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 8,7%; đá xây dựng đạt 1,2 triệu m3, tăng 5,9%; gạch xây dựng bằng đất sét nung đạt 101,6 triệu viên, tăng 5,0%; xi măng đạt 668.519 tấn, tăng 4,2%; nước máy đạt 3,3 triệu m3, tăng 4,1%; điện thương phẩm đạt 316,0 triệu Kwh, tăng 3,6%; bia đóng chai đạt 6,3 triệu lít, tăng 1,2%, dăm gỗ đạt 142.922 tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

5. Vốn đầu tư

Khối lượng vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 5 năm 2018 ước tính thực hiện 335,0 tỷ đồng, tăng 20,1% so với tháng trước và tăng 8,0% so với tháng cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước tính thực hiện 95,7 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước thực hiện 239,3 tỷ đồng.

Năm tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh ước tính thực hiện 1.314,4 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương quản lý ước tính thực hiện 402,8 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước tính thực hiện 911,6 tỷ đồng. Vốn đầu tư Nhà nước quản lý phân theo một số ngành kinh tế như sau: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước thực hiện 103,3 tỷ đồng, giảm 2,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước thực hiện 55,7 tỷ đồng, giảm 0,6%; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 778,3 tỷ đồng, tăng 2,6%; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 84,0 tỷ đồng, tăng 1,5%; ngành giáo dục và đào tạo ước thực hiện 70,4 tỷ đồng, tăng 8,3%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước thực hiện 57,6 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Thời gian qua, tình hình thời tiết thuận lợi, giá cả các loại vật tư tương đối ổn định tạo điều kiện cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kỹ thuật dân dụng, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình/dự án trọng điểm như: Trụ sở làm việc HĐND-UBND thành phố Đồng Hới; Trụ sở làm việc Thành ủy Đồng Hới; Trụ sở Ban chỉ huy Quân sự thành phố Đồng Hới; Tỉnh lộ 2; Cầu Nhật Lệ 2; Đê, kè Lý Hoà; Dự án củng cố nâng cấp kè tả Sông Gianh (đoạn qua thị xã Ba Đồn); … Bên cạnh đó, một số công trình/dự án đã khởi công như: Trường Mầm non Mỹ Trạch 2 tầng 6 phòng; Nhà lớp học 2 tầng 8 phòng Trường Mầm non xã Phú Trạch; Hạ tầng Kỹ thuật khu dân cư khu vực Cống 10 xã Bắc Trạch;… Trong thời gian tới, dự kiến khởi công một số công trình như: xây dựng nhà Hiệu bộ Trường Mầm non Thuận Đức; Trung tâm văn hóa thể thao phường Bắc Nghĩa;…

Nhìn chung, trong năm tháng đầu năm 2018 tình hình thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh ổn định, thực hiện đúng tiến độ đề ra. Để đảm bảo cho quá trình thi công cũng như đem lại hiệu quả đầu tư cao hơn nữa, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh một số công việc như công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; đối với một số công trình/dự án mới có kế hoạch vốn năm 2018 cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thiết kế, phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công đảm bảo đúng kế hoạch.

6. Thương mại, dịch vụ

a. Tổng mức bán lẻ hàng hoá

Bước sang tháng 5 tiêu thụ hàng hoá bắt đầu tăng nhanh do có dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5, bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân tăng cao. Bắt đầu bước vào mùa du lịch nên chi tiêu, mua sắm của khách du lịch cũng đã góp phần làm tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng cao hơn tháng trước.

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5 đạt 1.637,0 tỷ đồng, tăng 3,2% so tháng trước và tăng 12,0% so cùng kỳ; 5 tháng tổng mức bán lẻ hàng hoá ước tính đạt 8.151,6 tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ.

Phân theo loại hình kinh tế:

Kinh tế Nhà nước: Doanh thu tháng 5 ước tính đạt 102,5 tỷ đồng, tăng 2,0% so tháng trước và tăng 47,3% so cùng kỳ; ước tính 5 tháng doanh thu đạt 449,7 tỷ đồng, tăng 32,3% so cùng kỳ. Đây là thành phần kinh tế có mức tăng cao nhất do doanh thu của Công ty Xăng dầu Quảng Bình tăng (ảnh hưởng của các đợt tăng giá xăng dầu từ đầu năm đến nay). Kinh tế tập thể tháng 5 ước tính đạt 1,3 tỷ đồng, tăng 10,6% so tháng trước và tăng 59,3% so cùng kỳ; 5 tháng ước đạt 4,8 tỷ đồng, tăng 13,5% so cùng kỳ. Kinh tế cá thể tháng 5 ước đạt 940,8 tỷ đồng, tăng 3,8% so tháng trước và tăng 11,4% so cùng kỳ; ước tính 5 tháng doanh thu đạt 4.698,6 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ. Kinh tế tư nhân tháng 5 ước đạt 592,3 tỷ đồng, tăng 2,4% so tháng trước và tăng 8,5% so cùng kỳ; 5 tháng doanh thu ước đạt 2.998,5 tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ.

Phân theo nhóm ngành hàng:

Doanh thu 5 tháng đầu năm phần lớn các nhóm hàng đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tăng cao nhất là nhóm ô tô các loại, tăng 43,8%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 14,6%; nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng 15%; nhóm xăng, dầu các loại tăng 13,9%; nhóm hàng may mặc tăng 8,9%; nhóm lương thực, thực phẩm tăng 9,2%, nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,9%. Có 1 nhóm giảm đó là nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục gảm 0,8%.

b. Lưu trú, ăn uống và du lịch

Tháng 5, hoạt động lưu trú và ăn uống tiếp tục tăng mạnh do tháng này có dịp nghỉ lễ và đây cũng là thời điểm bước vào cao điểm mùa du lịch trên địa bàn tỉnh. Dịp nghỉ Lễ 30/4, /1/5, các điểm du lịch tại khu vực du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng (động Phong Nha, động Tiên Sơn, sông Chày – hang Tối, suối nước Moọc và hang Tám Cô…) lượng khách rất đông. Riêng khu vực động Phong Nha và động Tiên Sơn từ ngày 30/4 phải mở thêm 1 cửa bán vé cho các đơn vị lữ hành và xây dựng các cửa lên xuống, mái vòm để tránh tình trạng xô đẩy và đảm bảo sự an toàn cho du khách.Sông Chày – hang Tối, suối Moọc là những điểm du lịch có lưu lượng khách luôn đông vào mùa cao điểm. Ngoài ra, các địa điểm du lịch khác tại Quảng Bình như biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, cồn cát Quang Phú, tượng đài Mẹ Suốt… cũng thu hút lượng lớn du khách.

– Dịch vụ lưu trú

Khách du lịch đến Quảng Bình tăng cao nên các khách sạn cơ bản kín phòng trong các ngày nghỉ lễ. Ước tính doanh thu lưu trú tháng 5 đạt 14,2 tỷ đồng, tăng 24,9% so tháng trước và tăng 9,6% so cùng kỳ; 5 tháng đầu năm doanh thu lưu trú ước tính đạt 51,2 tỷ đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 5 ước tính đạt 77.932 lượt khách, tăng 19,1% so tháng trước và tăng 13,7% so cùng kỳ; 5 tháng đầu năm ước tính đạt 301.258 lượt khách, tăng 14,5% so cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 5 ước tính đạt 6.115, tăng 10% so tháng trước và tăng 19,5% so cùng kỳ; 5 tháng đầu năm ước tính đạt 25.142 lượt khách, tăng 25% so cùng kỳ.

Ngày khách tháng 5 ước tính đạt 92.039 ngày khách, tăng 19,1% so tháng trước và tăng 14,2% so cùng kỳ; 5 tháng đầu năm ước tính đạt 352.859 ngày khách, tăng 14,9% so cùng kỳ.

– Dịch vụ ăn uống

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 5 ước tính đạt 177,9 tỷ đồng, tăng 10,4% so tháng trước và tăng 16,8% so cùng kỳ; 5 tháng đầu năm doanh thu ước tính đạt 793,7 tỷ đồng, tăng 15,9% so cùng kỳ.

– Dịch vụ lữ hành

Tháng 5 là tháng bước vào mùa du lịch cao điểm các tour du lịch sinh thái khám phá tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng khai thác hết công suất tour nên hoạt động du lịch lữ hành tiếp tục tăng mạnh.

Ước tính tháng 5 doanh thu hoạt động lữ hành đạt 34,7 tỷ đồng, tăng 30,3% so tháng trước và tăng 30,2% so cùng kỳ; 5 tháng đầu năm doanh thu ước tính đạt 115,6 tỷ đồng, tăng 16,8% so cùng kỳ.

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 5 ước tính đạt 97.486 lượt khách, tăng 27,5% so tháng trước và tăng 7,2% so cùng kỳ; 5 tháng đầu năm ước tính đạt 308.042 lượt khách, tăng 10,3% so cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 5 ước tính đạt 15.035, tăng 10,4% so tháng trước và tăng 58,7% so cùng kỳ; 5 tháng đầu năm ước tính đạt 60.564 lượt khách, tăng 35,6% so cùng kỳ. Nhìn chung lượt khách quốc tế tăng khá cao do nhiều nước được bỏ visa thị thực nhập cảnh. Khách quốc tế đa dạng hơn về quốc tịch, đặc biệt là các nước châu Á thay vì phần lớn là khách châu Âu và châu Mỹ như các năm trước.

c. Dịch vụ

Số lượng du khách đến Quảng Bình ước tính tăng cao nên các dịch vụ phục vụ kèm theo tăng. Doanh thu khối ngành dịch vụ tháng 5 ước tính đạt 88,2 tỷ đồng, tăng 3,4% so tháng trước. Trong đó tăng khá nhất là khu vực kinh tế cá thể tăng 3,9%. Theo cơ cấu ngành hàng, dịch vụ kinh doanh bất động sản (kể cả thuê nhà ở) tăng 3,8%, do hoạt động cho thuê nhà trọ dài ngày tăng cao; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ (cho thuê xe, thuê đồ dùng..) tăng 2,6%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 2,6%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 2,3%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 3,0%; dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 3,7%; dịch vụ khác tăng 4,6%. Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ ước tính đạt 423,7 tỷ đồng, tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước.

d. Hoạt động vận tải

Tháng 5, bước vào mùa du lịch cao điểm nên nhu cầu đi lại của người dân tăng lên. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khá thuận lợi nên nhu cầu xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng thi công tăng. Vì vậy các doanh nghiệp cũng như các cơ sở cá thể kinh doanh vận tải tập trung tăng chuyến nhằm phục vụ việc vận chuyển hàng hóa đáp ứng kịp thời cho các đơn vị thi công và nhu cầu đi lại của người dân.

Tổng doanh thu vận tải tháng 5 ước tính đạt 278,9 tỷ đồng, tăng 2,0% so với tháng trước; 5 tháng đầu năm doanh thu ước đạt 1.351,2 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước tính đạt 257,0 tỷ đồng, tăng 6,2%; doanh thu vận tải hàng hóa ước tính đạt 929,6 tỷ đồng, tăng 6,2%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tính đạt 164,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so cùng kỳ.

Tổng số hành khách vận chuyển tháng 5 ước tính đạt 2,2 triệu hành khách, tăng 3,1% so tháng trước; 5 tháng đầu năm ước tính đạt 10,2 triệu hành khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Tổng số hành khách luân chuyển tháng 5 ước tính đạt 98,1 triệu hk.km, tăng 3,3% so với tháng trước; 5 tháng đầu năm ước tính đạt 457,3 triệu hk.km, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 2,2 triệu tấn, tăng 1,6% so với tháng trước; 5 tháng đầu năm ước tính đạt 10,5 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Tổng khối lượng hàng hoá luân chuyển tháng 5 ước tính đạt 103,3 triệu tấn.km, tăng 1,5% so với tháng trước; 5 tháng đầu năm ước tính đạt 506,1 triệu tấn.km, tăng 6,0% so với cùng kỳ.

e. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

* Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2018 tăng 0,37% so với tháng trước, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,67% so với tháng 12 năm trước; tăng 12,45% so với kỳ gốc 2014. CPI bình quân 5 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 2% (trong đó: nhóm hàng hóa tăng 0,94%; nhóm dịch vụ tăng 3,77%).

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm tăng, 3 nhóm không đổi so với tháng trước, cụ thể như sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ uống tăng 0,31%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,57%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm giao thông tăng 1,50%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,91%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%. Các nhóm: thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục có chỉ số tương đương tháng trước.

* Chỉ số giá vàng 99,99%

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, giá vàng dao động quanh mức 3,63 triệu đồng/chỉ. Chỉ số giá vàng tháng 5 giảm 1,26% so với tháng trước, tăng 10,50% so với kỳ gốc 2014, tăng 5,74% so cùng tháng năm trước và tăng 3,35% so tháng 12 năm trước. Bình quân 5 tháng chỉ số giá vàng tăng 7,40% so bình quân cùng kỳ năm trước.

* Chỉ số giá đô la Mỹ (USD)

Đô la Mỹ tháng 5 có giá bình quân 22.731 đồng/USD, giảm 0,08% so với tháng trước, tăng 4,12% so với kỳ gốc 2014; tăng 0,22% so cùng tháng năm trước; tăng 0,07% so tháng 12 năm trước. Chỉ số giá bình quân USD 5 tháng giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước.

7. Thu ngân sách Nhà nước, tín dụng

a. Thu ngân sách Nhànước

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 tháng năm 2018 ước thực hiện 1.325,1 tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán địa phương giao và giảm 0,6% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước thực hiện 1.249,3 tỷ đồng, bằng 37,1% dự toán địa phương giao, bằng 98,2% so cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 75,8 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán địa phương giao, tăng 23,3% so với cùng kỳ.

Trong tổng số thu cân đối ngân sách 5 tháng đầu năm 2018, các khoản thu tăng so với cùng kỳ năm trước: Tăng cao nhất là Thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tăng 569,1%; Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 202,8%; Thuế bảo vệ môi trường tăng 105,1%; Thu lệ phí trước bạ tăng 24,7%; Thu khác trong cân đối ngân sách tăng 108,8%; Thu cố định tại xã tăng 55,6%.

b. Tín dụng

– Huy động vốn

Trong tháng, nguồn vốn huy động tiếp tục tăng trưởng, đến 30/4/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 34.192 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước và 5,5% so đầu năm. Trong đó: Nguồn tiền gửi dân cư tiếp tục tăng trưởng ổn định và đạt 28.009 tỷ đồng, tăng 4,6% so đầu năm. Khả năng thanh khoản của các TCTD được bảo đảm. Dự ước cuối tháng 5/2018, tổng nguồn vốn huy động đạt 34.690 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 6,9% so đầu năm.

-Dư nợ cho vay

Đến 30/4/2018, tổng dư nợ cho vay đạt 42.055 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và 5,7% so đầu năm. Các nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều được đáp ứng. Dự ước cuối tháng 5/2018, dư nợ đạt 42.605 tỷ đồng, tăng 1,3% so tháng trước và 7% so đầu năm.

– Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng (số liệu 30/4/2018)

Cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ: Các ngân hàng đã ký kết được 87 hợp đồng tín dụng, số tiền 1.005 tỷ đồng. Đã giải ngân được 87 hợp đồng tín dụng, số tiền 989,4 tỷ đồng; dư nợ đến ngày 30/4/2018 đạt 937,7 tỷ đồng. Cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 17.000 tỷ đồng; cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ với dư nợ 16.813 tỷ đồng; cho vay Xây dựng nông thôn mới 10.189 tỷ đồng; cho vay theo Nghị quyết 30a của Chính phủ 298 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 2.921 tỷ đồng.

II. XÃ HỘI

1. Giáo dục

Đầu tháng 5/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, thẩm định công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia các cấp học; kiểm tra thư viện đạt chuẩn; kiểm tra sử dụng thiết bị dạy học; kiểm tra thẩm định phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; kiểm tra chỉ đạo công tác xét tốt nghiệp THCS, hoàn thành chương trình tiểu học (lần 1) ở các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố.

Năm học mới 2018 – 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quyết định chỉ thi tuyển đối với học sinh vào Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Các trường trung học phổ thông còn lại sẽ không thi tuyển, mà phân vùng tuyển sinh, mỗi huyện, thành phố là một vùng tuyển sinh; riêng huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn ghép lại một vùng tuyển sinh. Về phần đăng ký dự tuyển, mỗi học sinh chỉ được đăng ký 1 nguyện vọng (đăng ký dự tuyển vào 1 trường trung học phổ thông). Học sinh đủ điều kiện và có nguyện vọng vào học trường trung học phổ thông nào thì nộp đơn và hồ sơ tuyển sinh tại trường đó. Theo chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh, năm học mới 2018 – 2019, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp tuyển mới 12 lớp 10, với 430 học sinh, gồm 1 lớp không chuyên và 11 lớp chuyên (tăng 1 lớp chuyên Toán và 1 lớp chuyên Tiếng Anh so với năm học 2017 – 2018).

Năm 2018, kỳ thi THPT Quốc gia tiếp tục thực hiện 1 cụm thi dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình chủ trì, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức. Các điểm thi được đặt tại trường hoặc liên trường phổ thông nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của thí sinh dự thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27/6/2018, với 5 môn thi: Ngữ văn, Toán, bài thi Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ và bài thi Khoa học xã hội. Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm 2018 đạt kết quả tốt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng lịch tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2018 của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, các trường cần chú trọng nâng cao chất lượng các môn thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm.

2. Công tác y tế

a. Công tác phòng chống các bệnh dịch lây

Công tác giám sát dịch bệnh thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiểm nguy hiểm. Các Trung tâm y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh nguy hiểm năm 2018. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trong tháng 4/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 trường hợp sốt xuất huyết dengue; 3 trường hợp tay – chân – miệng; 451 trường hợp tiêu chảy; 10 trường hợp lỵ trực trùng; 4 trường hợp lỵ a míp; 15 trường hợp viêm gan vi rút khác; 144 trường hợp thủy đậu; 84 trường hợp quai bị; 1.190 trường hợp cúm. Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 30/4/2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 28 trường hợp sốt xuất huyết dengue; 3 trường hợp tay – chân – miệng; 1.292 trường hợp tiêu chảy; 38 trường hợp lỵ trực trùng; 28 trường hợp lỵ a míp; 45 trường hợp viêm gan vi rút khác; 357 trường hợp thủy đậu; 241 trường hợp quai bị; 4.248 trường hợp cúm; 2 trường hợp lao phổi. Các trường hợp kể trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời nên đến nay chưa có tử vong xảy ra.

b. Chương trình phòng chống sốt rét

Trung tâm phòng chống Sốt rét – Nội tiết tỉnh đã tổ chức giám chặt chẽ tình hình sốt rét trên địa bàn, chuẩn bị chu đáo cho công tác phun tẩm hóa chất phòng chống véc tơ, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống sốt rét ở các địa bàn trọng điểm. Tình hình sốt rét toàn tỉnh trong tháng 4/2018, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 183 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 7 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét; tiến hành xét nghiệm lam và test cho 4.467 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,16%. Từ đầu năm đến hết tháng 4/2018, tổng số lượt người điều trị sốt rét là 727 lượt người, đã điều trị khỏi bệnh là 37 người, trong đó không có bệnh nhân sốt rét ác tính (SRAT) và không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Tiến hành xét nghiệm lam và test cho 14.647 lượt người, tỷ lệ ký sinh trùng/lam và test là 0,19%.

c. Tình hình nhiễm HIV/AIDS

Từ đầu năm đến 30/4/2018 trên địa bàn tỉnh có 17 người nhiễm HIV, 41 người chuyển sang AIDS, số bệnh nhân AIDS chết là 2 người. Tính đến ngày 30/4/2018, tổng số người nhiễm HIV cộng dồn là 1.368 người; tổng số bệnh nhân AIDS cộng dồn là 427 người; số bệnh nhân AIDS chết cộng dồn là 137 người. Sở Y tiếp tục duy trì các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chương trình an toàn truyền máu trong các dịch vụ y tế.

d. Tình hình ngộ độc thức ăn và thực phẩm

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các huyện,thị xã,thành phố. Cụ thể: Tuyến tỉnh, đã tổ chức thanh kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại 112 cơ sở, kết quả có 7 cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (tỷ lệ không đạt là 6,25%); Tuyến huyện, đã tổ chức thanh kiểm tra tại 836 cơ sở, kết quả có 154 cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (tỷ lệ không đạt là 18,4%). Qua kiểm tra đã tiến hành tiêu hủy nhiều hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn ngốc xuất xứ. Nhờ đó, từ đầu năm đến ngày 15/5/2018 toàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào và chỉ xảy ra 138 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

3. Văn hoá, thể dục, thể thao

a. Hoạt động văn hoá

Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, văn nghệ, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước như: kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam (30/4); ngày Quốc tế Lao động (1/5); ngày Chiến thắng Biện Biên Phủ (7/5) và các ngày lễ kỷ niệm khác. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức tại các địa phương thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nổi lên là Tuần Văn hoá – Du lịch Đồng Hới năm 2018 diễn từ ngày 24 – 30/4/2018 với nhiều hoạt động đan xen được liên kết với nhau thành chuỗi hoạt động liên tục trongkhông gian rộng và đậm nét văn hóa truyền thống của địa phương. Tuần Văn hóa – Du lịch năm nay tiếp tục duy trì các hoạt động như Lễ hội Cướp cù, Lễ hội đường phố, múa bông chèo cạn, ẩm thực, chương trình nghệ thuật, Hội Bài chòi, Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm nhảy… Bên cạnh đó, Tuần Văn hoá – Du lịch năm nay còn tổ chức một số hoạt động mới, hoạt động bổ trợ khác như: triển lãm ảnh với chủ đề Đồng Hới xưa và nay; liên hoan lân – sư – rồng; âm nhạc đường phố.

Tuần lễ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa 2018 diễn ra từ ngày 25 – 30/4 (tức từ ngày 10 đến 15/3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa,thể thao, nghệ thuật và ẩm thực dân gian đặc sắc như: thi đấu các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian; giải bóng chuyền; hội diễn nghệ thuật quần chúng; các hoạt động văn hóa, ẩm thực, dịch vụ thương mại.

Tổ chức thành công Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Đàn và Hát dân ca tỉnh Quảng Bình năm 2018. Liên hoan đã thu hút sự tham gia của gần 200 diễn viên, nghệ nhân, nhạc công đến từ 8 đoàn nghệ thuật quần chúng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Với chủ đề ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và những thành tựu kinh tế, xã hội đã đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chương trình của các đoàn tham gia được dàn dựng công phu và có nhiều sáng tạo, có nhiều nét mới. Ban Tổ chức Liên hoan đã chọn được 12 tiết mục xuất sắc và tổ chức công diễn phục vụ khán giả tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Các địa phương đã tăng cường hệ thống đèn hoa, pano, cụm cổ động, cờ, loa phóng thanh và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phong phú, ý nghĩa, tạo sân chơi bổ ích cho quần chúng nhân dân trong dịp lễ.

Tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Cuộc triển lãm diễn ra từ ngày 24/ 4 đến ngày 1/5/2018, với những tư liệu, châu bản, bản đồ cổ và hình ảnh về các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Triển lãm là hoạt động quan trọng nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Các hoạt động thăm viếng tại các điểm di tích, lễ hội đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục và lịch sử văn hóa truyền thống của địa phương. Các điểm di tích được làm vệ sinh sạch sẻ phục vụ con em quê hương cũng nhu du khách thăm viếng. Một số điểm di tích như: Chùa Hoàng Phúc, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, Núi Thần Đinh, Hang Tám thanh niên xung phong và đặc biệt là khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp lượng khách đến thăm viếng trong dịp lễ tăng mạnh.

UBND xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh Trận địa pháo Bắc Ka Tang. Các hoạt động văn hóa diễn ra khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu ứng tốt đối với đời sống xã hội, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp Lễ kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng miền Nam – Thống nhất đất và 132 năm ngày Quốc tế Lao động, ngày Chiến thắng Biện Biên phủ (7/5)…

b. Hoạt động thể dục thể thao

Các địa phương, đơn vị đã tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, nhất là các môn thể thao truyền thống nhân dịp các ngày lễ kỷ niệm. Tiêu biểu là thành phố Đồng Hới đã tổ chức thành công Giải đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ với sự tham gia của gần 300 vận động viên của 9 đội thuyền đua đến từ các địa phương trong toàn tỉnh. Thông qua Giải đua thuyền truyền thống tỉnh năm 2018 nhằm truyên truyền và bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa của mảnh đất, con người Quảng Bình đến với du khách. Qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết, thượng võ của người dân ở các địa phương, đồng thời động viên, khích lệ nhân dân rèn luyện sức khỏe, thi đua lao động sản xuất góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Huyện Bố Trạch tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống lần thứ 2; hội thi cá trắm sông Son và liên hoan ẩm thực di sản năm 2018.

Đăng cai và tổ chức thành công Tour I giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc năm 2018. Tham gia giải đấu lần này gồm 31 đôi (16 đôi nữ, 15 đôi nam) của 12 đội bóng chuyền bãi biển đến từ các tỉnh, thành, ngành trong cả nước. Giải là dịp để các vận động viên bóng chuyền bãi biển trong cả nước thi đấu, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Thông qua giải đấu này nhằm thúc đẩy phong trào bóng chuyền bãi biển trên toàn quốc nói chung và bóng chuyền bãi biển tỉnh Quảng Bình nói riêng. Đây cũng là dịp để tỉnh Quảng Bình giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người và du lịch tỉnh nhà đến với du khách, đặc biệt là tiềm năng, giá trị du lịch biển.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, thể thao thành tích cao giành được 43 huy chương các loại (16 HCV, 13 HCB và 14 HCĐ).

4. An toàn giao thông, cháy nổ

a. An toàn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tháng 4 năm 2018 toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, giảm 3 vụ so với tháng 4 năm 2017, trong đó đường bộ 15 vụ, giảm 3 vụ; đường sắt, đường thủy không xảy ra. Số người chết do tai nạn giao thông 11 người, tăng 2 người so vói tháng 4 năm 2017; trong đó đường bộ chết 11 người, tăng 2 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 12 người, tăng 3 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 12 người, tăng 3 người so với cùng kỳ.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 69 vụ tai nạn giao thông, giảm 15 vụ so với cùng kỳ năm 2017, trong đó đường bộ 69 vụ, giảm 13 vụ so cùng kỳ; đường sắt không xảy ra, giảm 2 vụ so cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 41 người, giảm 6 người so cùng kỳ; trong đó đường bộ chết 41 người, giảm 5 người; đường sắt không xảy ra, giảm 1 người so với cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 48 người, giảm 7 người so với cùng kỳ, trong đó đường bộ bị thương 48 người, giảm 7 người; đường sắt, đường thủy không xảy ra, bằng cùng kỳ năm 2017.

b. Tình hình cháy nổ

Tháng 4 và đầu tháng 5 năm 2018 toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nào. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy, giá trị thiệt hại 3.868 triệu đồng; trong đó, cháy nhà đơn lẻ 5 vụ, giá trị thiệt hại 2.145 triệu đồng; cháy phương tiện giao thông vận tải 4 vụ, giá trị thiệt hại 1.580 triệu đồng; cháy trụ sở làm việc, văn phòng cơ quan 2 vụ, giá trị thiệt hại 143 triệu đồng./.

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm