Con đường ngược lên xã biên giới Hóa Sơn, H.Minh Hóa (Quảng Bình) cứ thăm thẳm len lỏi giữa hai vách núi đá vôi sừng sững. Núi thì cao, rừng thì nhiều nhưng đất sản xuất lại ít, khoảng cách địa lý kết nối với miền xuôi xa quá nên cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đỉnh non cao, phía đầu nguồn con suối xã Hóa Sơn vẫn lận đận trong cái đói, cái nghèo. Có thời, người dân Hóa Sơn đã chế lại lời một bài hát để “than” về cái khó, cái nghèo của quê mình rằng “Hóa Sơn, cái núi thì cao, cánh rừng thì rộng mà sao căn nhà thì nhỏ, bát cơm lại vơi”. Khi mọi nơi chuyển mình, Hóa Sơn cũng không ngồi im, song, để bứt phá thoát ra được sự nghèo đói cần rất nhiều điều kiện bổ trợ mà Hóa Sơn thì cái gì cũng thiếu. Chính vì lẽ đó mà công cuộc “thoát nghèo” của Hóa Sơn càng cam go hơn, người dân muốn “thoát nghèo” càng phải phấn đấu gấp nhiều lần hơn so với những nơi khác. Từ khi có chương trình “Xây dựng nông thôn mới”, xã Hóa Sơn đã được cấp trên quan tâm hỗ trợ rất nhiều, bộ mặt của địa phương đã và đang có nhiều sự đổi thay theo thời gian. Tuy nhiên vẫn còn đó những hộ gia đình do nhiều lý do nên họ vẫn loay hoay tìm lối thoát nghèo. Họ thiếu vốn, thiếu nhân lực hay thiếu đi một mô hình sinh kế phù hợp?
Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà cho ông Phan Văn Chương ở thôn Đặng Hóa.
Nắm bắt được “cái thiếu, cái cần” của người dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng-Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã mở đợt tổng điều tra về nhu cầu của người dân trên địa bàn phụ trách. Sau khi mô hình trồng cây lúa nước cho đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa rất thành công, Cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã chuyển hướng sang xã Hóa Sơn với mô hình chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng để mở lối thoát nghèo cho người dân. Thượng tá Lê Văn Sơn-Chính trị viên cho biết: “Việc tìm dự án, mô hình giúp dân chưa phải là quá khó nhưng để dự án, mô hình đem lại hiệu quả thiết thực và lâu bền thì không hề dễ tí nào. Với mô hình chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng, chúng tôi tiến hành khảo sát địa bàn, hộ nào đảm bảo đầy đủ các yếu tố về chuồng trại, diện tích đất vườn, nhân lực… thì mới “duyệt” để hộ đó được thụ hưởng dự án, mô hình. Sau đó cán bộ đơn vị đến tận nhà nghiệm thu chuồng nuôi đúng quy cách, đảm bảo vệ sinh phòng dịch, vệ sinh môi trường, khi ấy chúng tôi mới cấp con giống cho hộ gia đình nuôi”…
Thượng úy Bùi Văn Hải, Đội trưởng đội VĐQC Đồn Biên phòng Cà Xèng chở tôi trên chiếc xe máy, bám theo con đường uốn cong cùng sườn núi để tìm đến nhà ông Phan Văn Chương ở thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn. Nhìn thấy chúng tôi, ông Chương chạy vội ra ngõ đón với cái bắt tay nồng chặt và nụ cười rạng ngời trên nét mặt người nông dân 62 tuổi. Ông xởi lởi: “Mời các chú vô nhà uống chén nước chè xanh đã, nắng ri mà mấy chú cũng ghé thăm. Gà nuôi tốt lắm các chú ơi, vừa rồi tôi bán lứa đầu được 20 triệu đồng, còn 6 con đang ấp trứng và 40 con tôi để nuôi. Số tiền ấy tôi mua vật liệu về làm được cái mái che trước nhà để trời mưa khỏi tạt. Mới hôm trước họp thôn, gia đình tôi được ra khỏi hộ cận nghèo rồi mấy chú”. Qua cách ông đón tiếp cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng đến thăm gia đình, tôi hiểu được ông Chương vui như thế nào khi gia đình ông đã thoát nghèo. Tháng 10-2017, gia đình ông Chương cùng với 5 gia đình khác của xã Hóa Sơn được nhận 150 con gà giống cho mỗi hộ, kèm theo đó là thức ăn và thuốc thú y từ Đồn Biên phòng Cà Xèng và Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Bình trao tặng để triển khai mô hình chăn nuôi gà tại hộ gia đình. Sau 9 tháng chăm bẵm với sự quản lý, theo dõi chặt chẽ, sự hỗ trợ về nhiều mặt của cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng, cả 6 hộ gia đình thụ hưởng đã bán ra thị trường thu về hơn 91 triệu đồng. Thiếu tá Nguyễn Minh Việt-cán bộ tăng cường, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã cho biết thêm: “Sau khi tiếp nhận 900 con gà giống cùng với thức ăn, thuốc phòng dịch, đơn vị đã phân bố cho 6 hộ ở 5 thôn, bản có đủ các điều kiện để xây dựng mô hình chăn nuôi. Cán bộ đồn hàng ngày đến hướng dẫn kỹ thuật trộn tỷ lệ, ghi chép cụ thể lượng thức ăn còn hay hết, sức khỏe của đàn gà, lịch tiêm phòng dịch bệnh. Hàng tuần tiến hành cân từng con để theo dõi tăng trọng… Mỗi hộ được nhận 8 bao thức ăn song đơn vị không cấp hết một lần vì lo người dân bảo quản không tốt dễ bị mốc hoặc cho gà ăn vượt quá quy định mà chỉ cấp mỗi lần 2 bao sau khi sử dụng hết theo đúng quy định về thời gian thì sẽ được cấp tiếp”. Việc chọn con giống cũng rất kỹ lưỡng, trực tiếp cán bộ đồn đến tận cơ sở sản xuất con giống để chọn qua sự tư vấn của cán bộ chuyên môn thú y. Chặt chẽ như vậy, vì thế tỷ lệ gà nuôi sống của các hộ dân được cấp gà đạt trên 90% và sau 2 tháng nuôi có con đã đạt 1,3kg.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng trò chuyện với ông Phan Văn Chương.
Trên địa bàn xã Hóa Sơn không chỉ có Đồn Biên phòng Cà Xèng mới đưa mô hình chăn nuôi gà về với bà con nông dân để họ mong thoát nghèo, tuy nhiên một số mô hình trước đây kết quả thu được lại chẳng như mong muốn. Theo một số người dân tôi gặp gỡ trao đổi, họ cho biết, có dự án cấp cho hộ cũng gần 150 con gà giống, cả thức ăn, thuốc thú y song không có kỹ thuật hướng dẫn nên chỉ sau 10 ngày, có hộ dân số gà còn lại chỉ là 30 con. Thấy việc nuôi gà không đem lại hiệu quả kinh tế cho nên người dân không mấy mặn mà. Rút kinh nghiệm, mô hình chăn nuôi gà của Đồn Biên phòng Cà Xèng được triển khai một cách chặt chẽ từ khâu làm chuồng trại, con giống đến việc tiêm phòng, vệ sinh phòng dịch, tỷ lệ thức ăn… nên bước đầu đã đem lại hiệu quả cho bà con nông dân. Được biết rất nhiều gia đình xã Hóa Sơn rất mong muốn được nhận mô hình do BĐBP đem về và quản lý, hướng dẫn kỹ thuật. Để giữ mô hình và tăng thêm giá trị thương mại, Đồn Biên phòng Cà Xèng đang tiến hành thử nghiệm lai ghép với giống gà bản địa, nếu thành công thì sản phẩm bán ra thị trường sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.
Thượng tá Lê Văn Sơn cho biết: “Sau mô hình cây lúa nước giúp đồng bào Rục xã Thượng Hóa thoát nghèo, chúng tôi sẽ quyết tâm giữ mô hình chăn nuôi gà, góp phần để người dân Hóa Sơn thoát nghèo bền vững, để họ chung sức cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương Tổ quốc”. Tôi tin cán bộ, chiến sĩ đồn và người dân xã Hóa Sơn sẽ làm được điều mong muốn ấy.
NGUYỄN THÀNH PHÚ
Nguồn tin: Báo Công an Đà Nẵng