7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ý kiến các sở, ngành tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII

- Advertisement -

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII, các sở, ngành đã có những ý kiến liên quan đến công tác đấu tranh làm thất bại âm mưu kích động biểu tình, gây rối của các thế lực thù địch, phản động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; xây dựng nông thôn mới…

Đấu tranh làm thất bại âm mưu kích động biểu tình, gây rối của các thế lực thù địch, phản động

(Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh)

Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nắm, tham mưu giải quyết tình hình nổi lên, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, đối ngoại của tỉnh nhà.

Song, thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự  còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là tác động của sự cố môi trường biển, tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân, hoạt động chống đối của một số đối tượng. Đặc biệt, trong thời gian qua, liên quan đến Quốc hội thảo luận dự Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng đã xảy ra một số vụ tụ tập biểu tình, gây rối, đập phá tài sản tại một số địa phương trong cả nước, gây mất ổn định an ninh trật tự.

Ở tỉnh ta, cũng có một số nơi do chưa đồng tình trong việc đền bù sự cố ô nhiễm môi trường biển, đền bù giải phóng mặt bằng các dự án, bị các đối tượng xấu kích động nên có xảy ra hiện tượng tập trung đông người khiếu kiện, gây mất an ninh, trật tự.

Trước tình hình trên, lực lượng Công an tỉnh cùng các lực lượng chức năng, các ngành, các cấp đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, làm chủ tình hình, tham mưu cấp uỷ, chính quyền, đồng thời tăng cường lực lượng xuống cơ sở, tuyên truyền vận động, bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh làm thất bại âm mưu, kích động biểu tình, gây rối của các thế lực thù địch, phản động.

Thời gian tới, để giữ vững an ninh trật tự, nhất là chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn biểu tình, gây rối, Công an tỉnh đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, địa phương phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tiếp xúc, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc, mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở, không để hình thành những “điểm nóng”; UBND các cấp cần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, đúng pháp luật những vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

- Advertisement -

Ngoài ra, các cấp, ngành cần thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu, thống nhất các vấn đề, vụ việc nổi lên, không để các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, kích động.

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở vững mạnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáo; xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở gắn bó với nhân dân, thực sự quan tâm giải quyết nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân…

Ngọc Hải (thực hiện)

Đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm

(Ông Nguyễn Thanh Xuân,  Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, TAND hai cấp tỉnh Quảng Bình tiến hành giải quyết 1.088/1.666 vụ án. Quá trình giải quyết tất cả các loại án, Tòa án hai cấp chú trọng tập trung nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công  dân.

Ý kiến các sở, ngành tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIIMô hình xét xử mới được TAND hai cấp áp dụng.

Các phán quyết Tòa án căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét toàn diện, khách quan chứng cứ vụ án theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

- Advertisement -

Trên tinh thần cải cách tư pháp, TAND hai cấp phối hợp với Viện KSND cùng cấp tổ chức thành công 10 phiên tòa rút kinh nghiệm. Đây được xem là giải pháp đột phá, thiết thực giúp cho đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thư ký tòa án nâng cao trách nhiệm, kỹ năng xét xử, trình độ chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các phiên tòa rút kinh nghiệm có sự chứng kiến của đại diện Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy, các ngành trong khối Nội chính…

Mô hình xét xử mới cũng đã được TAND hai cấp áp dụng: bỏ vành móng ngựa thay bằng bục khai báo; chỗ ngồi kiểm sát viên và luật sư ngang hàng, tạo sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội; có khu vực ngăn cách giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và người dự phiên tòa; có khu vực dành riêng cho báo chí cuối phòng xét xử…

Việc tranh tụng tại phiên tòa thực sự có bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết ý kiến của mình. Qua quá trình tranh tụng, HĐXX đưa ra những phán quyết cuối cùng đúng bản chất vụ án, đúng người, đúng tội được dư luận xã hội đồng tình, củng cố niềm tin vào công lý.

T.Long (thực hiện)

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường

(Ông Trần Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường)

Bám sát chức năng, nhiệm vụ, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Thanh tra sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến những vấn đề dư luận quan tâm trong lĩnh vực tài nguyên, đất đai, môi trường…

6 tháng đầu năm, Thanh tra sở tiến hành 1 đợt thanh tra tại 17 cơ sở khám chữa bệnh; 2 đợt kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra tại 3 huyện, thị xã và 23 tổ chức khai thác khoáng sản; chủ trì hoặc phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn thực hiện 252 đợt kiểm tra tại các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường; chủ động thực hiện 9 cuộc kiểm tra đột xuất nhằm tham mưu cho UBND tỉnh chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và một số vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường.

Ý kiến các sở, ngành tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIILĩnh vực khai thác khoáng sản dễ phát sinh sai phạm cần được thanh tra, kiểm tra thường xuyên để chấn chỉnh.

Qua thanh tra, kiểm tra, Thanh tra sở xử phạt vi phạm hành chính 26 tổ chức, 3 cá nhân, trong đó: lĩnh vực khoáng sản xử phạt 7 tổ chức, 2 cá nhân; lĩnh vực môi trường xử phạt 15 tổ chức; lĩnh vực đất đai xử phạt 2 tổ chức, 1 cá nhân; lĩnh vực tài nguyên nước xử phạt 2 tổ chức. Ngoài ra buộc truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với 3 tổ chức và 1 cá nhân.

Các huyện, thị xã, thành phố xử lý 116 trường hợp vi phạm với số tiền gần 300 triệu đồng. Tổng số tiền xử phạt các tổ chức vi phạm qua thanh tra, kiểm tra hơn 860 triệu đồng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Thanh tra sở về cơ bản đã chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình, tích cực, chủ động trong thanh tra, kiểm tra những vấn đề dư luận quan tâm, báo chí phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… góp phần chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.

Hồ An (thực hiện)

“Nóng” tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019

(Ông Đinh Quý Nhân, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)

Trong những ngày này ,các bậc phụ huynh có con em xin nhập học vào các lớp đầu cấp năm học 2018-2019 đăng ký tuyển sinh vào các trường công lập đang rất băn khoăn, lo lắng, nhất là địa bàn TP. Đồng Hới, khi mà số lượng học sinh tăng đột biến. Trao đổi vấn đề này bên lề kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII, ông Đinh Quý Nhân, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:

Năm học 2018-2019, các bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT số học sinh vào đầu cấp tăng cao (địa bàn Đồng Hới số học sinh vào tiểu học, THCS công lập tăng 1.117 em với 23 lớp). Đặc biệt, số học sinh tiểu học trong toàn tỉnh có sự tăng đột biến so với năm học trước (hơn 5.000 em).

Ý kiến các sở, ngành tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIINăm học 2018-2019, các bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT số học sinh vào đầu cấp tăng cao đột biến.

Đối với tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học này, toàn tỉnh có 13.993 học sinh tốt nghiệp THCS (tỷ lệ 98,9% so với tổng số học sinh lớp 9); UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tại các trường phổ thông là 87,79% (tương đương 12.284 học sinh).

Đồng thời theo Quyết định số 1462/QĐ-UBND ngày 4-5-2018 của UBND tỉnh về việc giao chi tiểu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT và bổ túc THPT năm học 2018-2019 là 92,6% so với số học sinh tốt nghiệp lớp 9, trong đó, số học sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh là 12.315 học sinh, tỷ lệ 88% (năm học 2018-2019, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp tăng thêm 2 lớp 10 khối chuyên và tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề (GD-DN) huyện Lệ thủy được tuyển sinh 1 lớp 10 dành riêng cho học  sinh là người dân tộc thiểu số tại các vùng miền núi huyện Lệ Thủy).

Như vậy số học sinh tốt nghiệp THCS không trúng tuyển vào các trường THPT công lập và Trung tâm GD-DN Lệ Thủy là 1.678 em (tỷ lệ 12%) sẽ tiếp tục vào học tại các lớp bổ túc THPT, học nghề tại các trường nghề hoặc tham gia lao động tại địa phương.

Nhưng xu thế hiện nay hầu hết học sinh đều muốn hoàn thành chương trình THPT để có cơ hội đi xuất khẩu lao động, du học hoặc du học nghề ở nước ngoài… nên đã tạo ra áp lực, lo lắng cho các bậc phụ huynh khi mong muốn con em mình được vào học tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, thời gian qua ngành GD-ĐT đã quan tâm, chú trọng công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học. Nhưng so với yêu cầu thực tiễn, kết quả phân luồng còn rất khiêm tốn; quá trình phân luồng vẫn còn bất cập, nhất là cơ chế chính sách còn tồn tại, chậm đổi mới; cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề còn thiếu, chưa đáp ứng về chất lượng, tâm lý muốn làm thầy hơn làm thợ, chạy theo bằng cấp trong xã hội còn nặng nề.

Để đáp ứng yêu cầu, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, ngành Giáo dục đang nỗ lực phối hợp với các ngành, đơn vị xây dựng mở rộng mô hình vừa dạy văn hóa, vừa đào tạo nghề cho học sinh (chú trọng ở bậc THPT) để sau ba năm, học sinh vừa tốt nghiệp học văn hóa, vừa có một nghề với chuyên môn kỹ thuật phù hợp để vào đời.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực, chất lượng dạy nghề, dạy văn hóa trong các Trung tâm GD-DN, cơ sở đào tạo nghề… bảo đảm dạy các ngành nghề phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.

Nội Hà (thực hiện)

Nâng cao kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng

(Ông Nguyễn Đức Cường, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Y tế)

An toàn thực phẩm (ATTP) là một vấn đề nóng, nhận được sự quan tâm của các sở, ban, ngành chức năng và người dân. 6 tháng đầu năm 2018, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra 5.649 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra có 83,5% cơ sở đạt yêu cầu (tăng 4,17% so với năm 2017); xử lý vi phạm hành chính 60 cơ sở với số tiền trên 97 triệu đồng; tiêu hủy sản phẩm trị giá trên 523 triệu đồng.

Song song với công tác thanh tra, kiểm tra, ngành đã triển khai giám sát mối nguy ATTP. Từ tháng 1-2018, UBND 5/8 huyện thành phố, thị xã đã triển khai kiểm nghiệm nhanh ATTP tại các chợ trung tâm trên địa bàn với tổng số 453 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm, có 434 mẫu đạt yêu cầu.

Ý kiến các sở, ngành tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIILực lượng chức năng lấy mẫu kiểm tra ATTP tại một cơ sở làm giá đỗ.

Ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ, xác nhận chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho 6 điểm bán hàng. Trong 6 tháng đầu năm không xảy  ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc bảo  đảm chất lượng ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Đó là lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra chuyên ngành còn mỏng. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ, một số lượng lớn các cơ sở không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nên việc áp dụng các mô hình chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và công tác quản lý, áp dụng các chế tài xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Ý thức chấp hành pháp luật về ATTP và trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn thấp. Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý chất lượng ATTP còn hạn hẹp.

Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm  ATTP, cùng với việc triển khai các giải pháp thuộc phạm vi của các ngành, địa phương, cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa của  tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan và sự tham gia hưởng ứng của toàn cộng đồng.

Đặc biệt, việc tuyên truyền  nâng cao kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Quá trình thực hiện, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP.

Diệu Cầm

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe

(Ông Phạm Quang Hải, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải)

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, UBND tỉnh trong việc tăng cường thực hiện, bảo đảm trật tự ATGT nói chung, kiểm soát tải trọng xe nói riêng, 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai trên tất cả các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tuyến quốc lộ 12A, 9B, 9C, 1A6…

Qua công tác thanh, kiểm tra trên các tuyến đường, 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở đã phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 136 trường hợp với số tiền xử phạt nộp vào Kho bạc Nhà nước 321,3 triệu đồng; kiểm tra tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 21 trường hợp với số tiền xử phạt nộp vào Kho bạc Nhà nước 60 triệu đồng.

Ý kiến các sở, ngành tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIIXe chở vật liệu lưu thông trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các tuyến quốc lộ nêu trên, Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra tăng cường kiểm soát tải trọng tại các đầu mối bốc xếp hàng hoá, mỏ vật liệu, nhà máy…

Tuy nhiên qua kết quả kiểm tra xử lý của lực lượng liên ngành, có thể thấy rằng hiện một số  doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến việc tự kiểm soát tải trọng. Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở và xử lý vi phạm, các đơn vị mới chấp hành. Và mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm, nhưng trong những tháng gần đây, tình hình vi phạm tải trọng xe đang có chiều hướng gia tăng.

Xác định công tác kiểm soát tải trọng xe là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện tại trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động; kiểm tra, xử lý tại các khu vực mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa, các tuyến đường có nhiều phương tiện vận tải hàng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn chặn kịp thời các xe ô tô chở hàng quá tải trọng trước khi lưu thông trên đường; phối hợp với Công an tỉnh và lực lượng, địa phương liên quan trong việc xử lý các lái xe, doanh nghiệp vi phạm nhằm bảo đảm kết cấu hạ tầng và trật tự ATGT vận tải trên địa bàn.

Ngọc Mai (thực hiện)

Kiểm sát tốt việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử

(Ông Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) 2 cấp trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp.

Mặc dù tình hình tội phạm 6 tháng 2018 xảy ra trên địa bàn tỉnh giảm so với 6 tháng đầu năm 2017, tuy nhiên vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong kỳ, các cơ quan chức năng đã khởi tố mới 222 vụ (300 bị can), giảm 11 vụ (47 bị can) so với cùng kỳ năm 2017. VKSND 2 cấp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc điều tra, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự bảo đảm chất lượng, tiến độ giải quyết; phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra, kiểm sát việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can bảo đảm căn cứ, quy định của pháp luật.

Ý kiến các sở, ngành tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIICác vụ án đã truy tố đều bảo đảm thời hạn và đúng tội danh.

Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự đã yêu cầu điều tra 86 vụ; yêu cầu cơ quan điều tra thay đổi, bổ sung 1 quyết định khởi tố bị can; yêu cầu khởi tố 1 vụ (1 bị can). Các vụ án đã truy tố đều bảo đảm thời hạn và đúng tội danh; không có án đình chỉ do không phạm tội; các trường hợp tạm giam đều bảo đảm căn cứ pháp luật; không xảy ra tình trạng quá hạn tạm giữ, tạm giam.

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, lao động, kinh doanh-thương mại và những việc khác bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

6 tháng cuối năm 2018, VKSND 2 cấp tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; quan tâm chỉ đạo tăng tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; gắn công tố với hoạt động điều tra; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Toà án giải quyết nhanh các vụ án trọng điểm, án tham nhũng, những vụ án dư luận xã hội quan tâm và các tội phạm mới phát sinh trên địa bàn.

Dương Công Hợp (thực hiện)

Xây dựng nông thôn mới một cách thực chất, hiệu quả

(Ông Nguyễn Quốc Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT)

Toàn tỉnh hiện có 1.922 tiêu chí đạt chuẩn NTM, đạt 14,1 tiêu chí/xã, giảm 0,5 tiêu chí/xã so với cuối năm 2017. Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2018, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 2018; chú trọng phát triển sản xuất…

Ý kiến các sở, ngành tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIIPhát triển mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực góp phần hoàn thiện tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM.

Đồng thời, huy động tối đa mọi nguồn lực từ Chính phủ, ngân sách các cấp và doanh nghiệp, nhân dân để xây dựng NTM; kiên quyết không nóng vội, xây dựng NTM một cách thực chất, hiệu quả và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bộ tiêu chí NTM (2016) có thêm nhiều nội dung mới, nhiều tiêu chí nâng cao về yêu cầu… do đó một số xã NTM bị sụt giảm tiêu chí vì chưa đáp ứng được với bộ tiêu chí mới. Để hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện các tiêu chí bị sụt giảm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các xã sụt giảm tiêu chí NTM phải rà soát lại tiêu chí NTM, phối hợp với các sở, ngành liên quan để có kế hoạch xây dựng lại tiêu chí chưa đáp ứng với yêu cầu của bộ tiêu chí mới.

Trên cơ sở số tiền cần để xây dựng các tiêu chí sụt giảm do các xã thống kê (khoảng 101 tỷ đồng), UBND tỉnh đang chỉ đạo phân bổ vốn hỗ trợ cho các xã khoảng 88 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cần chủ động huy động các nguồn lực khác, không có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước; lựa chọn các tiêu chí, nội dung không cần vốn hoặc cần ít vốn để triển khai trước.

Trong năm 2018, toàn tỉnh có 11 xã đăng ký đạt NTM, để tạo điều kiện cho các địa phương trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh cũng đã kịp thời phân bổ, hỗ trợ nguồn vốn sớm để các xã triển khai thực hiện đạt kết quả tốt nhất; đồng thời yêu cầu các xã này phải thực hiện đủ các tiêu chí (không nợ tiêu chí) và các tiêu chí phải được xây dựng bền vững…

Lê Mai (thực hiện)

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm