9.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Khi đánh bắt xa bờ thiếu "bạn"-Bài 1: Thiếu "bạn", tàu nằm bờ

- Advertisement -

“Đi bạn” là từ được dùng để chỉ những lao động làm thuê trên các tàu cá. Nếu những năm trước đây, để có một chân “đi bạn”, ngư dân phải có sức khoẻ, kỹ thuật mới được tuyển chọn, thì nay chủ tàu phải tìm mọi cách để tìm kiếm và níu kéo “bạn”. Sự thiếu hụt lao động nghề cá đã và đang là nỗi lo lớn của các địa phương miền biển nói chung, đặc biệt là những địa phương sở hữu số tàu đánh bắt xa bờ lớn. Có không ít tàu vì thiếu lao động nên đành phải nằm bờ, còn ông chủ thì đành tham gia “đi bạn”, lòng khắc khoải nỗi lo về những món nợ ngân hàng…

Chúng tôi về xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) vào thời điểm các tàu cá đang chu kỳ đánh bắt, nhưng ở cửa sông vẫn có một số tàu cá neo đậu. Tìm hiểu kỹ được biết đây là những tàu cá không có đủ số lao động cần thiết để tham gia đánh bắt hải sản.

Khi đánh bắt xa bờ thiếu "bạn"-Bài 1: Thiếu "bạn", tàu nằm bờĐội tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch.

Việc những tàu cá với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng phải nằm bờ trong thời gian cao điểm của mùa cá là nỗi lo lớn của nhiều chủ tàu. Thực trạng này đã và đang diễn ra tại nhiều xã biển trong toàn tỉnh, đặc biệt là những địa phương sở hữu số lượng tàu cá xa bờ lớn.

Khan hiếm lao động nghề cá

Đức Trạch (huyện Bố Trạch) là một trong những địa phương sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ lớn với gần 250 tàu, trong đó khoảng 170 tàu có công suất từ 700CV trở lên. Bình quân mỗi tàu cá cần từ 7 đến 10 lao động. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch Trương Công Hoạt cho biết, mức thu nhập bình quân của lao động nghề cá ở Đức Trạch hiện khoảng từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Vài năm trở về trước, đây là mức thu nhập hấp dẫn, nhưng hiện nay nhiều ngư dân đã không còn “mặn mà”. “Để đáp ứng đủ nhu cầu lao động nghề cá trên các tàu đánh bắt xa bờ, Đức Trạch hiện còn thiếu khoảng 600 lao động. Trong tương lai, nếu số lượng tàu đánh bắt xa bờ tiếp tục phát triển, con số này sẽ còn lớn hơn!”, ông Hoạt cho biết thêm.

Cũng như Đức Trạch, xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) có 450 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 205 tàu công suất lớn tham gia khai thác hải sản các vùng biển xa. Mức thu nhập của ngư dân ổn định từ 7 – 10 triệu đồng/tháng. Hiện Cảnh Dương thiếu khoảng 400 lao động và dự báo con số này sẽ còn tăng.

- Advertisement -

Ông Hồ Quang Hường, chủ tàu QB 93651 TS cho biết, trước đây tàu của ông có 7 thuyền viên, trong đó có hai con trai. Nay do khó khăn về lao động, tàu chỉ còn 6 người. Hiệu quả khai thác hạn chế hơn do thiếu lao động nhưng cũng đành chấp nhận.

Khi đánh bắt xa bờ thiếu "bạn"-Bài 1: Thiếu "bạn", tàu nằm bờVới sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước, số lượng tàu cá công suất lớn, tham gia đánh bắt xa bờ ngày càng phát triển

“Cũng may tôi có hai con trai là trụ cột, chứ nhiều gia đình khác sắm tàu xong, tìm không ra “bạn”, đành phải nằm bờ, không biết bao giờ mới ra khơi được!”, ông Hường chia sẻ.

Còn gia đình anh Ngô Quốc Hương và chị Nguyễn Thị Hiền đang lâm vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì nặng” khi từ đầu năm đến nay, tàu cá trên 90CV của anh chị phải nằm bờ vì không có “bạn”…

“Những năm trước đây, tàu thường trực 7 -8 lao động, năm nay “bạn” nghỉ hết, tìm người không ra nên chồng tôi đành “đi bạn” trên các tàu khác. Chúng tôi cũng không biết phải làm sao nữa!”, chị Hiền thở dài.

220 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) cũng đang trong tình trạng thiếu lao động. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, số lao động cần cho mỗi tàu cá từ 8 đến 10 người tuỳ loại tàu. Tổng số lao động nghề cá mà Bảo Ninh cần khoảng 2.000 lao động.

Tuy nhiên, hiện tại, xã chỉ có khoảng trên 1.000 lao động. Do đó, nhiều tàu phải giảm bớt số lao động xuống còn khoảng 6-7 người. Mặc dù đã cố gắng xoay chạy nhưng hiện vẫn có tình trạng tàu nằm bờ do không có người. “Dự báo những năm tiếp theo số lao động bị thiếu sẽ còn tăng lên!”, anh Bình cho biết thêm.

Đâu là nguyên nhân?

- Advertisement -

Sự phát triển mạnh mẽ của đội tàu đánh bắt xa bờ, bên cạnh việc mang lại hiệu quả to lớn trong khai thác hải sản, nhất là những vùng biển xa, cũng đồng thời là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu hụt lao động nghề cá trong thời gian gần đây.

Đặc biệt sau sự cố môi trường biển, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước với các cơ chế vay vốn ưu đãi, ngư dân thuận lợi hơn trong việc vay vốn đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn.

Trong hai năm (2016 đến 2018), xã Cảnh Dương đã đóng mới, cải hoán gần 90 tàu cá công suất lớn để khai thác ở các ngư trường xa. Ở Đức Trạch, con số này là gần 80 tàu, Bảo Ninh là gần 20 tàu.

Trong số này có nhiều tàu vỏ thép, vỏ gỗ công suất lớn đóng mới từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị định 67. Ngư dân Hồ Quang Hường (xã Cảnh Dương) trăn trở: “Người xưa từng nói “có chí làm quan, có gan làm giàu”, đầu tư đóng tàu để trở thành “ông chủ” là mơ ước của nhiều người.

Khi đánh bắt xa bờ thiếu "bạn"-Bài 1: Thiếu "bạn", tàu nằm bờNgư dân tàu cá xa bờ xã Đức Trạch (Bố Trạch) chuẩn bị ra khơi.

Hiện nay, việc vay vốn để đầu tư đóng tàu cá thuận lợi hơn nhiều nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước, căn cứ tình hình thực tế, chắc chắn số tàu cá đóng mới, cải hoán nâng công suất vẫn sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc số lao động nghề cá bị thiếu hụt sẽ còn tăng lên!”

Một nguyên nhân quan trọng nữa là vài năm trở lại đây, xu hướng xuất khẩu lao động đang ngày càng tăng. Riêng ở Đức Trạch, trong tổng số trên 8.300 dân, đã có 879 người tham gia xuất khẩu lao động.

Trong số này, những người xuất thân là lao động nghề biển chiếm tỷ lệ từ 70 đến 80%. Mặc dù thu nhập từ nghề biển được xem là khá cao, nhưng nếu so với thu nhập từ xuất khẩu lao động, nhiều người vẫn lựa chọn đầu tư một khoản tiền lớn để tham gia xuất khẩu lao động với mong muốn “đổi đời”.

“Dù ở Bảo Ninh, số lượng người xuất khẩu lao động chưa nhiều bằng một số xã miền biển khác, nhưng đang có xu hướng tăng lên bởi thu nhập từ xuất khẩu lao động cao hơn nhiều so với thu nhập từ nghề biển, chưa kể lao động nghề biển vô cùng vất vả. Do đó, việc tìm nhân lực cho tàu cá đang ngày càng trở nên khó khăn hơn!”, anh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Ngọc Mai

Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ

Nguồn bài viết: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,404Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm