6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

NATO vượt qua bất hòa gay gắt

- Advertisement -

Bằng những yêu cầu liên tiếp về tài chính, chỉ trích các đồng minh và “tấn công” Đức về vấn đề độc lập năng lượng đối với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Brussels trong 2 ngày 11-12/2 luôn trong tình trạng căng thẳng cao.

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump sau cuộc họp, trong đó ông bày tỏ duy trì cam kết mạnh mẽ với NATO,  có thể hiểu là các nước NATO đã vượt qua được mối bất hòa gay gắt nhất tại hội nghị này trong những vấn đề tranh luận chủ chốt như chia sẻ gánh nặng và chi tiêu quốc phòng.

NATO vượt qua bất hòa gay gắt

Lãnh đạo các nước thành viên NATO chụp ảnh chung tại hội nghị ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Trước hội nghị, ông Trump đã nặng lời chỉ trích các nước đồng minh châu Âu chi tiêu không tương xứng với nhu cầu của chính họ về trợ giúp an ninh. Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, Ivo Daalder nhắc nhở rằng Mỹ cung cấp phần lớn đóng góp quân sự cho NATO, nhưng đây không phải là một ân huệ dành cho châu Âu. Đó là điều sống còn và vì sự an toàn cho tất cả các thành viên của khối.

Tổng thống Mỹ luôn yêu cầu một sự nỗ lực hơn nữa từ phía các đồng minh cũng như đòi hỏi họ tôn trọng cam kết đưa ra vào năm 2014 là dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024. Việc 15 nước thành viên trong đó có Đức, Canada, Italy, Bỉ, Tây Ban Nha dành dưới 1,4% chi tiêu cho quốc phòng vào năm 2018, có nghĩa nhiều khả năng họ khó đạt mức 2% vào năm 2024 theo như cam kết, đã gây bất bình cho tổng thống Mỹ.

Tại hội nghị, ít nhất Tổng thống Trump đã nhận được cam kết của các nước thành viên NATO về chi tiêu quốc phòng, theo đó 28 quốc gia đồng minh còn lại đã nhất trí tăng ngân sách quốc phòng nhanh hơn để đáp ứng mục tiêu của NATO là tương đương 2% GDP “trong vài năm tới”. Mặc dù cam kết không có lộ trình cụ thể, song cũng thể hiện các nước NATO đã thừa nhận  rằng chi tiêu quốc phòng trở thành thước đo đối với nghĩa vụ an ninh tập thể của các nước thành viên.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố người châu Âu hiểu rõ thông điệp này của ông Trump. Duy trì sự thống nhất là không thể nếu thiếu một sự chia sẻ cân bằng các gánh nặng về chi phí và trách nhiệm giữa các nước thành viên, và nước Pháp khẳng định quyết tâm thực hiện các cam kết của mình.

Tuy vậy, Tổng thống Trump đã gây hoang mang cho các đồng minh khi đưa ra đề xuất các nước thành viên NATO phải tiến tới dành 4% GDP để tài trợ cho quốc phòng. Khi mà mức 2% vẫn còn phải cố gắng trong nhiều năm thì ý kiến của ông Trump hiển nhiên sẽ gây ra sự xáo trộn trong NATO. Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Brussels không đề cập chút nào mục tiêu mới của ông Trump, mà vẫn là 2% đã được thống nhất từ năm 2014. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng cam kết của các đồng minh là 2%, cần phải tập trung vào con số đã được nhất trí và bắt đầu từ điều đó. Ông cũng khẳng định các nước đồng minh nhất trí tăng chi tiêu quốc phòng không phải để làm hài lòng Mỹ mà vì lợi ích của chính mình.

- Advertisement -

Một điểm nữa gây chú ý tại hội nghị này là căng thẳng giữa ông Trum với lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu Đức, khi ông chủ Nhà Trắng “đặc biệt tấn công” Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ngay từ đầu hội nghị, ông đã nói rằng nước Đức không giữ lời hứa về các cam kết. Theo ông “Việc Đức tiếp tục chi tiêu quốc phòng dưới mức cam kết đang làm xói mòn an ninh của liên minh”. Tổng thống Trump còn tuyên bố Đức “bị Nga kiểm soát” bởi dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc nối trực tiếp Nga và Đức. Với yêu cầu Đức từ bỏ dự án, ông Trump đã khoét sâu vào sự thống nhất của châu Âu, vốn đang bị chia rẽ vì hồ sơ khí đốt này.

Giới quan sát cho rằng “cuộc tấn công” của Tổng thống Trump nhằm vào nước Đức có liên quan tới việc Mỹ đang thực hiện chiến lược mở rộng thị trường cho khí đốt tự nhiên của chính mình. Mỹ đã xuất khẩu 17,2 tỉ m3 vào năm 2017, trong đó 2,2% là thông qua các tàu chở khí đốt hóa lỏng đã cập các cảng châu Âu. Hơn 2/3 lượng khí đốt các nước EU tiêu thụ là mua từ bên ngoài, và 1/3 trong đó mua của Nga. Không có gì lạ khi Điện Kremlin đánh giá những chỉ trích của Tổng thống Trump đối với dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” là sự cạnh tranh không công bằng.

Mặc dù nhiều căng thẳng đang tồn tại, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo rằng các nước thành viên NATO đã thống nhất trên các vấn đề mấu chốt là tăng cường sự thích ứng của tổ chức, chống khủng bố và chia sẻ tài chính cân bằng hơn. Tổng Thư ký Jens Stoltenberg đã ký một Tuyên bố chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, thiết lập một tầm nhìn chung về cách hợp tác NATO-EU có thể giúp giải quyết những thách thức mới nhất về an ninh.

Đánh giá về những kết quả trên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng NATO đã “mạnh hơn” sau hội nghị thượng đỉnh căng thẳng, các cuộc thảo luận đã diễn ra “có chừng mực và trên tinh thần tôn trọng”. Trong khi đó, những tuyên bố “dịu giọng” của Tổng thống Trump khi kết thúc hội nghị, khác hẳn sự gay gắt trong ngày họp đầu tiên, phần nào cho thấy ông đã hài lòng về những gì đạt được và có vẻ cũng không muốn đẩy căng thẳng tới mức có thể xóa sạch mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh NATO.

Theo nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer, Giám đốc Quỹ Marshall Đức tại Paris, địa bàn hoạt động của NATO tiếp tục mở rộng phục vụ lợi ích của Mỹ cho đến tận Afghanistan và Iraq. Sự hiện diện và ảnh hưởng của NATO còn giúp Mỹ thâm nhập thị trường châu Âu, sử dụng căn cứ quân sự như những đầu cầu cho chiến trường Trung Cận Đông, chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố,… tất cả những vấn đề đều được Mỹ xem là lợi ích cốt lõi. Đây là điều khiến Mỹ sẽ cân nhắc trong mối quan hệ với NATO, khi Tổng thống Trump cho rằng ông có thể rút Mỹ khỏi NATO, song điều này không cần thiết.

Nguồn tin: Báo Tin tức

- Advertisement -.

bài liên quan

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm